Thẩm mỹ trong kiến trúc

Một phần của tài liệu Tổ chức không gian vui chơi – học tập trong trường mầm non ở nội thành hà nội, theo hướng phát triển toàn diện trẻ (Trang 69 - 77)

- Bối cảnh phát triển giáo dục những thập niên đầu thế kỷ

2.9.1. Thẩm mỹ trong kiến trúc

Vấn đề thẩm mỹ trong kiến trúc rất cần được đặt ra để đáp ứng nhu cầu sống của con người, tạo nên cái đẹp trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Thẩm mỹ trong cuộc sống con người

Khái niệm thẩm mỹ có ngoại diên rất rộng, phản ánh cái chung vốn có trong tự nhiên, xã hội, vật chất và tinh thần. Trong quá trình hoạt động lao động của thực tiễn xã hội với sự tham gia tích cực của ý thức, con người cải tạo hiện

--- thực và thế giới chung quanh mình. C.Mác viết: "Súc vật chỉ nhào nặn ra thước đo và nhu cầu của giống loài của nó, còn con người thì có thể sản xuất theo thước đo của bất cứ giống nào và ở đâu có thể áp dụng thước đo thích dụng cho mọi đối tượng, do đó con người cũng có thể nhào nặn vật chất theo quy luật của cái đẹp (C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, 1977).

Tiền đề trên giúp cho chúng ta hiểu rằng nguồn gốc các khái niệm thẩm mỹ luôn xuất phát từ thực tiễn. Thật vậy, các yếu tố thẩm mỹ không thể thiếu trong mọi dạng hoạt động thực tiễn của con người. Trong giao tiếp các yếu tố thẩm mỹ được biểu lộ qua giao tiếp. Nhờ giao tiếp con người có thể củng cố và tăng cường thông tin được truyền đi mặt khác con người có được sự thỏa mãn thấm mỹ bởi bản thân quá trình giao tiếp. Trong sản xuất, các yếu tố thẩm mỹ được biểu lộ như một nguyên tắc nhất thiết phải tính đến khi xây dựng những giá trị vật chất từ diện mạo, màu sắc, hình dáng, chất liệu của vật phẩm, thậm chí cả mối tương quan giữa các bộ phận của vật phẩm được sản xuất. Tất nhiên, điều quyết định vẫn không loại trừ ý nghĩa sử dụng những vật phẩm nhàm đáp ứng một mục đích thực tế nhất định.

Xét một cách toàn diện, có thể nói các yếu tố thẩm mỹ không thể tách rời được quá trình hoạt động của con người, nó vừa là kết quả của hoạt động thực tiễn nhận thức, phương thức nhận thức, phương tiện phản ánh thế giới vừa tác động trở lại nâng cao cuộc sống con người. Nói như M. Kalinin: "... kể từ việc rửa mặt cho đến đỉnh cao nhất của tư tưởng loài người" (M. Kalinin, 1947, tr. 43). Như vậy, trong phạm vi thiên nhiên thứ hai, tức các sản phẩm (vật chất - tinh thần) được con người tạo nên được xem như là kết quả của hoạt động thẩm mỹ và là sự thể hiện ý đồ thẩm mỹ trong quá trình sáng tạo.

Thẩm mỹ kiến trúc gắn liền với các loại hình nghệ thuật

--- Khi đi tìm những bước đầu tiên của kiến trúc, có lẽ trước hết chúng ta thường liên tưởng đến những câu chuyện mang dấu vết của cái hang, cái lều, cái nhà, thành lũy... Những hình thức đó đáp ứng nhu cầu thiết thực của đời sống hàng ngày: nơi cư ngụ, sinh hoạt và mọi hoạt động của đời sống định cư. Khi ấy, những trụ bằng đá, một bức tường thẳng, những xà đặt thành góc vuông và một cái mái tạo thành một không gian khép kín có thể đáp ứng tính hợp lý cho nhu cầu cư ngụ. Nêu một cách khái quát như trên, chúng ta nhận thấy con người cần một nơi cư ngụ nhầm thỏa mãn nhu cầu định cư. Nhưng con người trong toàn bộ đời sống của mình luôn hướng tới các mối quan hệ tổng hòa các quan hệ xã hội, trong đó nhu cầu làm đẹp cho một kiến trúc trở thành một nhu cầu tự thân. Do đó, ngôi nhà (hiểu theo nghĩa rộng tức kiến trúc) như là phương tiện để thực hiện mục đích này. Và để đáp ứng cho mục đích vươn tới cái đẹp, con người đã sử dụng các yếu tố thẩm mỹ cho kiến trúc (tạo hình, cân đối, đều đặn, hài hòa, sử dụng tiện ích...). Vậy là con người tìm cách thực hiện cái xà như một đoạn thẳng có khởi đầu và kết thúc, thanh dọc (cột) chống cái xà khởi đầu trên mặt đất và kết thúc ở trên cao, và cũng nơi đó, cái xà là một đường ngang đặt trên nó... Bản thân các yếu tố tạo hình gắn chặt với các yếu tố kết cấu của một kiến trúc, các yếu tố kết cấu đòi hỏi đường thẳng của những bức tường, cột trụ cũng đều dài như nhau, khoảng cách phân chia cũng đều ngang nhau. Đó chính là lúc cái thẩm mỹ gắn vào các kiểu thức tạo hình của kiến trúc và làm đẹp cho nó.

Như vậy, một vấn đề hết sức quan trọng của kiến trúc là luôn gắn bó với các loại hình nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc, trang trí ứng dụng... Sự kết hợp như vậy dẫn tới sự thống nhất mới về chất, chứ không phải đơn giản là tổng số các các yếu tố cấu thành của các loại hình nghệ thuật. Tất nhiên, tác phẩm kiến trúc không giống như tác phẩm mỹ thuật, nó cho chúng ta cảm thụ từ bên

--- trong (không gian) và bên ngoài (hình khối), mà con người diễn giải dưới mức độ cảm thụ của mình.

Cảm xúc về không gian và hình khối là yếu tố căn bản trong cơ cấu cảm xúc về hình tượng của kiến trúc. Chẳng hạn hình khối không gian một đường thẳng, một đường nằm ngang tác động qua lại đều cho chúng ta những trạng thái khác nhau. M.F. Opshianhikov viết: "... những hình thức mạnh mẽ vươn lên cao làm cho chúng ta say sưa bay bổng, hoặc tạo nên một thế giới với hình thức khép kín, được xây dựng dồn ép lại. Nhịp điệu nhẹ nhàng, nhanh chóng đưa chúng ta vươn cao, còn nhịp điệu chậm chạp, nặng nề của các hình khối đưa chúng ta tới trạng thái tĩnh lặng".

Kiến trúc không phản ánh các hiện tượng hay các mặt riêng lẻ nào đó của cuộc sống, mà là những tư tưởng chung, vừa là sự khẳng định qua công dụng thực tế của nó, vừa là các yếu tố thẩm mỹ ở cái có ích. Vì vậy khi đề cập đến khía cạnh của kiến trúc chúng ta phải bắt đầu từ chỗ công dụng thực tế và thẩm mỹ của nó.

Trong kiến trúc. xét về mặt chức năng, thì tính công dụng của kiến trúc khá nổi trội, nó thỏa mãn các yêu cầu vật chất của xã hội. Nhưng ý nghĩa quan trọng không chỉ là chức năng công dụng thực tế của từng công trình, mà còn là tính thẩm mỹ của chúng bởi những tác động tư tưởng, tình cảm về sự thỏa mãn nhu cầu của con người về cái đẹp. Và cái đẹp không phải chỉ có trong một ngôi nhà riêng biệt, mà trong cả một khu phố, một quận, một thành phố...

Như vậy, khái niệm thẩm mỹ mang ý nghĩa hết sức quan trọng khi vận dụng vào kiến trúc. Một kiến trúc không thể đứng vững khi chức năng thẩm mỹ không gắn bó chặt chẽ với chức năng có ích thực tế mà kiến trúc phải thể hiện và thực hiện. Vì vậy, thẩm mỹ của kiến trúc chỉ được xác định trong sự thống

--- nhất cái có ích và cái đẹp. Nghĩa là, kiến trúc luôn kết hợp vận dụng hai nguyên lý: đó là tính mục đích (ứng dụng) và tính thẩm mỹ (nghệ thuật). Hai nguyên lý này, chi phối toàn bộ hình thức cơ bản và trở thành các yếu tố thống trị toàn bộ tác phẩm kiến trúc. [Hình 2.9].

Thẩm mỹ kiến trúc có nguồn gốc từ đặc điểm hình thành đô thị

Đô thị là một hình thức cư trú và làm ăn của con người có từ xa xưa. Ở Châu Âu thời Trung cổ, nơi ở của các lãnh chúa phong kiến được xây dựng thành lũy pháo đài. Bên ngoài thành lũy, những người thợ thủ công, buôn bán đến tụ cư hoạt động sinh sống gọi là phố. Về sau, mỗi tụ điểm "thành" và "phố" dần phát triển lên trở thành những thành phố. Như vậy thành phố ra đời là do phát triển kinh tế công thương nghiệp. Ở Châu Á, cũng đã xuất hiện các đô thị riêng của nó, một trong số đó là đô thị thương nghiệp nông nghiệp. Loại đô thị này được hình thành khi con đường biển tạo ra mối quan hệ giữa các quốc gia

---

ven biển. Gọi là các đô thị thương nghiệp bởi ở đó chỉ diễn ra hoạt động mua bán, dịch vụ, trao đổi hàng hóa và mang lại nguồn thu cho cư dân và chính quyền của các quốc gia này. Do đó, các đô thị thương nghiệp thường nằm ở cửa sông, cửa biển để tiện việc giao thông, giao tiếp, trao đổi, bốc dỡ hàng hóa... ở Đông Nam Á, nhiều đô thị của các quốc gia ven biển đã trở thành đô thị thương nghiệp một thời phồn thịnh như Dvaravati (một Vương quốc cổ Nam Thái Lan), Phù Nam Óc Eo (vương quốc và là thành phố cổ ở Nam Việt Nam), Champa (ở miền Trung Việt Nam). Khi con đường buôn bán chuyển sang hướng khác thì sự phồn vinh của các đô thị này cũng tàn lụi theo... (Nguyễn Tấn Đắc, 1998, tr. 67).

--- Ở nước ta phần lớn các đô thị Việt Nam khi xưa tuy được hình thành do hoạt động hành chính nhưng cũng đều có nguồn gốc từ một xã hội nông nghiệp chữ không phải do hoạt động công thương nghiệp. Khởi nguyên, triều đình đầu tư xây dựng cung điện, dinh thự, chuyển bộ máy quan lại, binh lính đến ở và kéo theo gia đình, họ hàng thân tộc, làng xóm cùng đến. Nơi nhà vua đóng đô có xây thành lũy gọi là đô (hoặc thành), do yêu cầu về mọi mặt phục vụ bộ máy hành chính và quân đội nên ở ngoài thành hình thành các chợ (thị) để mua bán, trao đổi, đô thị bắt đầu từ đó. Tương tự, các đô thị Hà Nội, Huế trong từng giai đoạn lịch sử với vị trí là kinh đô Việt Nam (hoặc một số các đô thị khác), nhưng vẫn là một đô thị hành chính mang tính chất tự cấp, tự túc của nền sản xuất nông nghiệp. Một đô thị đóng kín.

Thẩm mỹ kiến trúc các công trình công cộng

Có lẽ vấn đề công trình công cộng ở các đô thị lớn hiện nay là một vấn đề hết sức nhạy cảm, bởi tiềm năng kinh tế về mặt bằng đất đai, vị trí kinh doanh, giao thông thuận lợi... Chính từ những khía cạnh này, mà không ít nhà quản lý đô thị hiện nay nhìn nhận kiến trúc công cộng dưới góc độ cái có ích nhiều hơn là nhìn nó ở góc độ thẩm mỹ trong tổng thể không gian đô thị.

Ta cũng biết, cả hai thành tố liên hệ tác động lẫn nhau tạo ra kiểu kiến trúc cư trú đô thị là: thành tố không gian - vật chất bao gồm không gian quy hoạch, kiến trúc, cơ sở hạ tầng, môi trường sinh thái và thành tố văn hóa - xã hội (bao gồm trước hết là đặc điểm hình thành đô thị, tổ chức cộng đồng dân cư với những thiết chế đô thị được xây dựng hiện tại). Đặt cả hai thành tố trên với thực tiễn kiến trúc công cộng xem ra đều đối diện với những khó khăn gay gắt mà chưa có lời giải thỏa đáng. Chẳng hạn giải pháp lập lại trật tự vỉa hè trong thời gian gần đây là một ví dụ.

---

Một phần của tài liệu Tổ chức không gian vui chơi – học tập trong trường mầm non ở nội thành hà nội, theo hướng phát triển toàn diện trẻ (Trang 69 - 77)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(148 trang)
w