Chữa lỗi về câu

Một phần của tài liệu Rèn luyện kỹ năng tiếng việt qua dạy học làm văn ở các trường THPT huyện tân kỳ luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 50 - 53)

HUYỆN TÂN KỲ

2.3.1. Chữa lỗi về câu

Câu được xem là đơn vị lời nói nhỏ nhất dùng để giao tiếp, các đơn vị thấp hơn chỉ có giá trị nhờ chức năng của chúng trong câu. Trong giao tiếp, con người dùng câu để biểu đạt thông tin, nhưng câu lại được tạo nên bởi từ ngữ và nhiều yếu tố khác. Vì thế, viết một câu hay tạo lập một văn bản cần có sự tích hợp của nhiều kiến thức và kĩ năng. Thông thường, một câu được xem là đúng khi nó đáp ứng được các tiêu chuẩn sau:

+ Đúng chính tả: tuân theo những quy định về chính tả hiện hành.

+ Đúng lôgic: phù hợp với suy nghĩ thông thường của mọi người, với tư duycủa người Việt, đồng thời cũng phù hợp với kiến thức khoa học, xã hội.

+ Đúng quy chiếu: có sự thống nhất trong cách hiểu giữa người đọc (người nghe) và người viết (người nói) về một chủ thể được nêu ra trong câu.

+ Đúng về cách dùng từ ngữ: dùng từ chính xác về nghĩa và phù hợp với phong cách của văn Bản, không dùng từ thừa, tránh lặp từ không cần thiết.

+ Đúng về cách viết câu: câu cần được diễn đạt rõ ràng, đầy đủ ý nghĩa, tránh sự nhầm lẫn giữa thành phần chính và thành phần phụ, giữa ngữ với câu;

+ Đúng phong cách chức năng: mỗi văn bản thuộc về một phong cách chức năng nhất định, mỗi phong cách có một yêu cầu riêng về cách trình bày, cách dùng từ ngữ, cách viết câu, vì thế, câu phải phù hợp với phong cách văn bản của nó.

Như vậy, để viết câu tốt, học sinh phải tích hợp những hiểu biết về chính tả, từ ngữ, ngữ pháp, văn bản, phong cách… và vận dụng chúng một cách nhuần nhuyễn trong khi viết câu. Ngược lại, khi dạy các em về các quy tắc chính tả, cách sử dụng từ ngữ… thì việc đặt những kiến thức cần truyền đạt trong những câu cụ thể, trong thế so sánh đểhọc sinh nhận diện là một trong những phương pháp có tính trực quan, sinh động.

Hơn nữa, nếu những câu làm ngữ liệu được lấy từ chính những bài văn của học sinh thì càng có khả năng tác động đến ý thức sử dụng ngôn ngữ của các em hơn. Trước đây khi nghiên cứu lỗi viết câu, người ta thường xét những câu sai một cách cô lập nên chỉ chú ý đến các lỗi trong cấu trúc nội bộ của câu. Đồng thời người ta cũng chỉ chú ý đến cấu trúc cú pháp, ít chú ý đến nghĩa khi xem xét câu. Cách làm trên rõ ràng là chưa thoả đáng. Bởi vì câu chỉ có thể thực hiện chức năng của mình trong một đơn vị lớn hơn – văn bản. Cho nên khi bàn về lỗi viết câu, chúng ta cần đặt câu trong văn bản để xem xét và dựa vào yêu cầu về câu trong văn bản làm chuẩn để đối chiếu, xác định một câu như thế nào bị xem là mắc lỗi”. Một số lỗi sai về câu của học sinh như:

+ Câu sai vì cách dùng từ: ví dụ “Tối nay, theo đúng hẹn, tôi mang bộ ảnh phong cảnh đất nước đến giới thiệu để cụ xem”. Ở câu trên nếu đứng độc lập thì đúng, nhưng nếu đứng trong văn bản thì câu sai. Tác giả viết câu trên trong tình huống nhớ lại vào một ngày cách đây đã mấy chục năm lại thăm nhà một cụ già và có hẹn buổi tối sẽ mang lại bộ ảnh phong cảnh tới. Tác giả viết theo lối kể gián tiếp chứ không phải lối kể trực tiếp, do đó không thể viết “tối nay, theo đúng hẹn...” mà phải viết “tối ấy, theo đúng hẹn...” thì mới đúng.

+ Câu sai về ngữ pháp: Tất cả những câu do lỗi về dùng thừa từ, thiếu từ mà làm thay đổi cấu trúc câu; những câu mắc lỗi do dùng sai từ nối, dùng sai trật

tự từ... đều được gọi là sai ngữ pháp. Ví dụ: Muốn tiêu diệt nạn đói thì phải nâng cao năng suất cả trong nông nghiệp, trong ngành vận tải và trong công nghiệp nữa.

Ở câu trên, vị trí từ “cả” và từ “nữa” đặt không đúng chỗ đã làm câu sai. Do đó đi đến hai cách chữa:

* Đổi vị trí từ “ cả”: Muốn tiêu diệt nạn đói, thì phải nâng cao năng suất trong nông nghiệp, trong ngành vận tải và cả trong công nghiệp nữa.

* Bỏ từ “nữa”: Muốn tiêu diệt nạn đói, thì phải nâng cao năng suất cả trong nông nghiệp, trong ngành vận tải và trong công nghiệp.

+ Câu sai lôgic: ví dụ “ Mới vào bộ đội chúng ta thường nghe cán bộ phổ biến: chiến sĩ trai phải cắt tóc ngắn; chiến sĩ gái thì phải uốn, tết tóc lên cao, râu phải cạo nhẵn”. Nữ thường không có râu, ấy thế mà lại viết: “chiến sĩ gái thì uốn, tết tóc lên cao, râu phải cạo nhẵn”. Viết một điều mâu thuẫn với hiện thực (“kẻ mày, đánh môi son” là hiện tượng xảy ra ở nữ giới; có râu là đặc trưng ở nam giới), hiển nhiên ấy là viết sai logic. Ở câu chỉ cần chuyển cụm từ “râu phải cạo nhẵn” đứng sau cụm từ “cắt tóc ngắn” thì sẽ được câu đúng sau: “Mới vào bộ đội, chúng ta thường được nghe cán bộ phổ biến: chiến sĩ trai phải cắt tóc ngắn, râu phải cạo nhẵn; chiến sĩ gái thì uốn, tết tóc lên cao”.

Trong mỗi ngôn ngữ, các từ được tổ hợp với nhau thành cụm từ, thành câu theo một số hữu hạn các quy tắc ngữ pháp của ngôn ngữ đó. Nhờ vậy, giữa các từ trong câu có mối quan hệ xác định. Trong một câu, các từ được đứng theo một thứ tự tuyến tính nhưng chúng lại có khả năng kết hợp với nhau một cách không tuyến tính, do đó số lượng các khả năng này là rất lớn. Vì thế tất yếu sẽ dẫn tới những trường hợp một chuỗi từ có thể hiểu hơn một kiểu kết hợp.

Tại đây, chuỗi từ được gọi là mơ hồ cấu trúc hoặc mơ hồ lôgic bởi trong tiếng Việt, các từ kết hợp để tạo thành các ngữ, các câu theo những cách khác nhau. Có những từ ngữ có thể kết hợp với các từ ngữ đứng trước nó trực tiếp hoặc gián tiếp và có những từ ngữ có thể kết hợp trực tiếp hoặc gián tiếp với những từ ngữ sau nó. Đó là nguyên nhân gây ra các cấu trúc mơ hồ. Sự phát hiện ra những chuỗi từ mơ hồ trong tiếng Việt không hề làm cho tiếng Việt giảm giá trị. Lại càng không thể từ đó mà kết luận rằng tiếng Việt thiếu chính xác hay thiếu khoa học… Trái lại, khi phát hiện ra những chuỗi từ mơ hồ mà lại đề ra được nhiều cách loại trừ tính mơ hồ của chúng thì càng chứng tỏ rằng tiếng Việt rất phong phú, có nhiều cách diễn đạt khác nhau về cùng một nội dung nào đó. Trong một số hoàn cảnh, ngữ cảnh cần thiết, người viết lại phải biết tạo ra những câu mơ hồ.

+ Câu dài lê thê: học sinh mắc lỗi này khi trong đoạn văn thiếu dấu chấm câu để phân tách câu hoặc chỉ sử dụng dấy phẩy trong đoạn văn đã trình bày. Lỗi này làm bài văn của học sinh không rõ những lập luận, trình bày bài không chặt chẽ khó thuyết phục người đọc. Giáo viên có thể chữa lỗi này bằng cách yêu cầu học sinh tách câu dài đó thành những câu ngắn gọn hơn, thay dấu phảy bằng dấu chấm phảy. Chức năng của dấu chấm phẩy: dùng để nối hai mệnh đề độc lập về mặt ngữ pháp, nhưng có sự liên kết về nghĩa. Ngoài ra còn một số cách như:

* Chuyển một trong hai mệnh đề độc lập thành mệnh đề phụ thuộc : mệnh đề quan hệ , mệnh đề trạng ngữ, hay mệnh đề danh từ. Các mệnh đề này đều không thể đứng một mình, mà phải liên kết với một mệnh đề độc lập khác. Thường có dấu phẩy ngăn cách chúng.

* Thêm các từ nối vào trước dấu phẩy.

+ Câu què: Trong tiếng Việt, chúng ta có câu đặc biệt: Loại câu mà ta không xác định được đó là thành phần chủ ngữ hay vị ngữ trong câu, ví dụ như “ Mưa!” hay “ Một tiếng trống!” Câu đặc biệt trong tiếng Việt được coi là đúng ngữ pháp và được dùng trong cả văn phong trang trọng và không trang trọng. Tuy nhiên trong đó cũng có những câu què, không đủ nghĩa bởi vì thiếu chủ ngữ, thiếu vị ngữ hoặc động từ trong câu.

Các lỗi về câu ấy phải được chỉ rõ, giáo viên yêu cầu học sinh bắt buộc phải sửa lại những lỗi ấy, việc rèn luyện phải theo một quá trình để học sinh sau khi hoàn tất chương trình, thay đổi thói quen diễn đạt một cách tùy ý, tập thói quen diễn đạt đúng trong việc sử dụng tiếng Việt.

Một phần của tài liệu Rèn luyện kỹ năng tiếng việt qua dạy học làm văn ở các trường THPT huyện tân kỳ luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 50 - 53)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(102 trang)
w