MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ PHƯƠNG ÁN THỂ NGHIỆM
3.2.1. Điều tra thực trạng dạy học Ngữ văn THPT theo chương trình và sách giáo khoa hiện hành ở Tân Kỳ
Đặc điểm của huyện Tân Kỳ còn hạn chế về mặt kinh tế, nên việc dạy và học còn gặp nhiều khó khăn. Tình hình dạy học còn hạn chế, thiếu thốn về phương tiện dạy học. Môn Ngữ Văn THPT theo chương trình sách giáo khoa hiện hành được các trường trong huyện chủ yếu dạy theo chương trình Ngữ Văn THPT cơ bản. Nhằm tìm hiểu thực trạng dạy học Ngữ văn THPT tại huyện chúng tôi đã tiến hành gửi bản khảo sát đến các thầy cô ở 3 trường THPT trong huyện đó là: THPT Tân Kỳ 1, THPT Tân Kỳ 3 và THPT – Dân tộc nội trú.
Các câu hỏi mà chúng tôi đã khảo sát:
Câu 1: Thầy ( cô) có đánh giá như thế nào về chương trình Ngữ văn THPT hiện nay?
Câu 2: Thầy (cô) sử dụng phương pháp nào chính cho buổi dạy Ngữ văn của mình? Ngoài ra Thầy (cô) còn sử dụng phương pháp nào khác hay không?
Câu 3: Thầy (cô) đánh giá như thế nào về khả năng chuẩn bị bài và tiếp thu bài học trên lớp của học sinh ở bộ môn Ngữ văn?
Câu 4: Để giảng dạy môn Ngữ văn ở lớp thầy (cô) có sử dụng thêm giáo án điện tử hoặc công cụ thông tin nào hỗ trợ hay không? ( nếu có) Thầy (cô) cho biết công cụ đó đã hộ trợ bản thân mình như thế nào trong việc giảng dạy?
Qua bốn câu hỏi và hơn 30 mẫu khảo sát, qua thống kê chúng tôi nhận thấy như sau:
Ở câu hỏi 1: Đây là câu hỏi chúng tôi muốn tìm hiểu nhận xét của giáo viên về chương trình họ giảng dạy trên lớp. Mục đích của câu hỏi này để tìm hiểu ý kiến của bản thân mỗi giáo viên để đánh giá chung thái độ, quan điểm tiếp nhận của giáo viên đối với sách giáo khoa. Từ câu hỏi này chúng tôi quan sát thấy: 65 % giáo viên hài lòng với những bài giảng, kiến thức sách giáo khoa đưa ra; 30% giáo viên cho rằng chưa hoàn toàn hài lòng với những bài học trong sách giáo khoa, một số kiến thức phải điều chỉnh thêm theo thực tế giảng dạy để phù hợp với trình độ học sinh; 5% giáo viên có nhiều ý kiến về chương trình sách giáo khoa như: khối lượng kiến thức còn nhiều so với trình độ tiếp nhận của các em, nhiều bài sắp xếp chưa phù hợp với khả năng tiếp nhận của các em ( như bài Chinh phụ ngâm khúc do có quá nhiều điển cố, điển tích, nhiều từ Hán Việt…), câu hỏi tìm hiểu bài chưa phù hợp với văn bản…Người viết nhận xét thấy mức độ hài lòng của giáo viên về sách giáo khoa là khá cao.
Sách giáo khoa Ngữ văn THPT đã cải tiến như hiện nay có nhiều ưu điểm giúp giáo viên có thể giới thiệu cho học sinh nhiều thể loại tiêu biểu của văn học theo, văn bản gần gũi, dễ tiếp nhận, các kiến thức Ngữ văn được tích hợp với nhau theo chiều dọc và chiều ngang. Dễ dàng để các em phát huy tinh thần tự học, tự tìm tòi khám phá. Tuy nhiên thực sự sách giáo khoa hiện nay còn nhiều bất cập về văn bản văn học, thời lượng dành cho bài học và những câu hỏi tìm hiểu trong phần đọc- hiểu văn bản.
Ở câu hỏi 2: Thầy (cô) sử dụng phương pháp nào chính cho buổi dạy Ngữ văn của mình? Ngoài ra Thầy (cô) còn sử dụng phương pháp nào khác hay không?. Qua câu hỏi này người viết nhằm tìm hiểu các phương pháp mà giáo viên Ngữ văn THPT đã sử dụng trên lớp để truyền đạt kiến thức cho học sinh của mình. Từ kết quả khảo sát chúng tôi nhận thấy: 10 % giáo viên cho rằng vẫn dạy học theo phương pháp truyền thống đọc giảng giải để các em hiểu bài học, có đặt
câu hỏi để các em phát biểu nhưng chủ yếu là câu hỏi kiểm tra kiến thức các em đã học, chưa chú ý nhiều đến khả năng riêng của các em như khả năng tự học, thảo luận nhóm, làm bài tập ở nhà…; 30% giáo viên sử dụng phương pháp giảng giải để các em hiểu bài, đặt nhiều câu hỏi để các em tham gia phát biểu xây dựng bài; 40% giáo viên có sử dụng thêm hình thức thảo luận nhóm, thuyết trình trước lớp để các em hiểu bài; 20 % giáo viên có đặt những câu hỏi gợi mở, để học sinh tư duy sáng tạo và trả lời, giáo viên không đọc cho các em chép mà các em tự đọc sách giáo khoa, thuyết trình nhóm theo đề tài.
Qua câu hỏi này người viết nhận thấy phương pháp dạy học tích cực lấy học sinh làm trọng tâm ngày càng nhiều, mặc dù có nhiều ý thức chưa hoàn thiện. Tuy nhiên việc nhận thức được tầm quan trong của việc học Ngữ văn ở chỗ giao lưu, học hỏi, quan sát, phân tích, thảo luận và trang bị cho các em kiến thức để các em làm chủ bài học, phát huy tính tự học. Trong đó cũng còn một bộ phận giáo viên chưa quan tâm đúng mức đến việc giảng dạy môn Ngữ văn.
Trong câu hỏi 3 người viết đã hỏi: Thầy (cô) đánh giá như thế nào về khả năng chuẩn bị bài và tiếp thu bài học trên lớp của học sinh ở bộ môn Ngữ văn?
Đây là câu hỏi người viết thông qua đó muốn biết khả năng của học sinh của các thầy cô đang giảng dạy. Vì để học tốt môn Ngữ văn nói riêng và tất cả các môn học khác nói chung yêu cầu về người học phải chủ động, tích cực và có tinh thần trách nhiệm cũng như hứng thú với môn học. Mặc dù những thái độ ấy chịu sự chi phối qua bài giảng của giáo viên nhưng chính các em mới là nhân tố chính của việc dạy và học.
Việc dạy và học phải hướng đến học sinh, mục đích cuối cùng là các em tiếp thu bài học. Câu hỏi của chúng tôi đòi hỏi giáo viên quan sát và chú ý đến đối tượng tiếp nhận bài giảng đó là học sinh của mình. Qua câu hỏi chúng tôi nhằm đánh giá thái độ và khả năng của học sinh đối với bộ môn một cách sơ bộ. Từ thực tế khảo sát của các giáo viên chúng tôi thu được kết quả như sau: 57% giáo viên cho rằng các em có chuẩn bị bài và tiếp thu bài trên lớp tốt, 23% giáo
viên cho rằng các em chuẩn bị bài ở nhà chưa tốt, nắm bài trên lớp được khoảng hơn 70%, 11% giáo viên cho biết ý kiến có nhiều học sinh chuẩn bị bài ở nhà ít, khả năng chung của các em hiểu bài trên lớp là 50 %, 9 % giáo viên phản ánh các em không chuẩn bị bài ở nhà một cách tự giác mà phải do giáo viên nhắc nhở yêu cầu nên khả năng tiếp thu của các em trên lớp chưa cao. Qua đó ta cũng nhận thấy giáo viên cần rèn luyện thêm việc chuẩn bị bài ở nhà cho các em nhất là những tiết dạy đọc – hiểu văn bản. Bởi đặc thù các tiết dạy và học này nếu không có sự chuẩn bị ở nhà như: đọc văn bản, đọc chú giải, tìm hiểu từ khó, điển cố, điển tích…thì việc dạy và học trên lớp của các em sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Giáo viên cũng phải có những biện pháp cụ thể để kiểm tra đánh giá việc tự học của các em một cách thích đáng, hiệu quả.
Riêng câu hỏi 4: Để giảng dạy môn Ngữ văn ở lớp thầy (cô) có sử dụng thêm giáo án điện tử hoặc công cụ thông tin nào hỗ trợ hay không? (nếu có) Thầy (cô) cho biết công cụ đó đã hộ trợ bản thân mình như thế nào trong việc giảng dạy?
Người viết đặt câu hỏi này nhằm mục đích tìm hiểu sự chuẩn bị bài giảng của giáo viên. Đặc thù của môn Ngữ văn giảng dạy hiện nay trong nhà trường là yêu cầu cả giáo viên và học sinh đều nỗ lực tích cực để có một giờ học sinh động, phong phú, đa màu sắc. Một trăm lời nói miêu tả cảnh đẹp thiên nhiên không bằng cho các em ngắm nhìn những bức tranh phong cảnh thiên nhiên, tự các em trải nghiệm nói lên suy nghĩ bản thân. chính vì vậy công cụ dạy học kết hợp với nhiều phương pháp dạy học mới sẽ giúp các em hứng thú hơn với môn học.
Qua kết quả điều tra khảo sát chúng tôi nhận thấy: 23% giáo viên trả lời có sử dụng thêm một số công cụ hỗ trợ dạy học như: bảng biểu, tranh vẽ, máy chiếu powerpoint…một cách thường xuyên; 54% giáo viên trả lời có sử dụng công cụ hỗ trợ nhưng trong điều kiện trường lớp cho phép, việc sử dụng như vậy không thường xuyên; 17% giáo viên đánh giá chỉ sử dụng các công cụ hỗ trợ khi có yêu
cầu, tác động từ phía nhà trường; 10% giáo viên trả lời không sử dụng các biện pháp hỗ trợ bài giảng, thầy cô dạy văn theo cách truyền thống đó là dùng bảng, phấn, sách giáo khoa. Từ thực tế trên cho thấy giáo viên phần lớn có ý thức tích cực làm bài dạy của mình sinh động hấp dẫn hơn để tăng sự thích thú học tập với môn Ngữ văn THPT. Tuy nhiên chỉ một số giáo viên thực hiện được bởi còn hạn chế về mặt trình độ ứng dụng công nghệ, trang thiết bị của nhà trường chưa thực sử hoàn thiện, điều kiện trường lớp chưa cho phép…Ngoài ra còn một số nhỏ giáo viên chưa thực sự tiếp cận khoa học kĩ thuật, chưa có cái nhìn tiến bộ về quá trình dạy và học môn Ngữ văn hiện nay.
Từ các bảng điều tra khảo sát người viết nhận thấy thực trạng dạy và học chương trình Ngữ văn THPT hiện hành ở huyện Tân Kỳ có nhiều ưu nhược điểm như sau: phần lớn giáo viên hài lòng về chương trình sách giáo khoa hiện nay, các giáo viên cũng có chuẩn bị, yêu cầu đối với học sinh tìm tòi thêm tự học ở nhà môn Ngữ văn. Nhiều thầy cô trong huyện tích cực áp dụng công nghệ điện tử, công cụ hỗ trợ dạy học để làm bài giảng của mình thu hút, hấp dẫn học sinh làm cho giờ học cuốn hút. Tuy nhiên bên cạnh đó một bộ phận không nhỏ giáo viên chưa hài lòng với chương trình sách giáo khoa hiện nay, chưa chuẩn bị tốt bài giảng của mình và chưa nhận thức được việc đổi mới trong dạy và học Ngữ văn THPT, gây nên khó khăn trong quá trình giảng dạy.
3.2.2. Điều tra các phương pháp đã được áp dụng nhằm nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt cho học sinh THPT ở Tân Kỳ