Trong quan niệm của các nhà văn Việt Nam hiện đại, vấn đề tả thực, tả chân được các nhà văn đặt ra nhiều lần trong những tác phẩm của mình.
Vấn đề quan trọng nhất của khái niệm tả thực được các nhà văn thảo luận là bản chất của tả thực là gì và tả thực trong văn học có giống và khác nhau như thế nào với tả thức trong các loại hình nghệ thuật khác. Mở đầu tập tiểu luận lý luận về nghề văn, Nguyễn Đình Thi đi trực diện vào vấn đề này với bài viết mở đầu: Thực tại với nghề thuật: “Trước hết chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu sâu thêm hai chữ ‘tả thực”. Tác phẩm văn học nghệ thuật là một phản ánh của thực tại và nhà văn hoặc nghệ sĩ dù tưởng tượng gì, cũng là bắt đầu đi từ những điều mình đã thấy, đã nhận xét được trong đời sống. Cô tiên cũng chỉ là cô gái có chắp đôi cánh chim, con quỷ sứ cũng chỉ là một thứ người đầu trâu mặt ngựa. Nhưng nghệ thuật không làm công việc bắt trước cuộc đời thực, chép lại hiện thực, cái thực tại hiện thời. Nếu cần họa sĩ để ghi thực đúng quang cảnh trận sông Lô chẳng hạn thì sao bằng dùng máy ảnh hay máy quay phim. Và điệu hò hay bài dân ca nếu chỉ có giá trị ghi chép việc thời cũ, hẳn ngày nay đã trở thành những tài liệu nằm trong các viện bảo tàng, dành riêng cho các học giả đến phủi bụi nghiên cứu.
Tuồng hay chèo của ta không bắt chước “y như sự thực”. Làm gì có người trong đời cầm roi ngựa quất vào chân mình mà nhảy múa, làm gì có người vừa hát vừa xưng tên “mỗ đây”, vậy mà vai Lưu Bình hoặc vai hề đồng sao ta thấy “thực”lắm thay. Đến kịch, nếu bảo kịch là bê ngay một mẩu đời có thực lên sâu khấu, thì nào đây? Cái cửa sổ bằng giấy bồi kia chỉ là đánh lừa người xem, cũng như tất cả bài trí. Trong một cuốn tiểu thuyết, những nhân vật rất ít khi là anh Năm chị Bẩy nào có thực. Có cô Kiều nào trong đời thực nói lên một lúc mấy chục câu thơ lục bát trau chuốt như cô Kiều của cụ Nguyễn Du? Vậy mà mọi người đều cảm động theo từng lời nói của cô Kiều trong truyện.
Cuộc sống không cần văn nghệ làm một tên hề đồng lóc cóc chạy theo sau cố bắt chước cho thật đúng. Người đọc hay người xem đòi hỏi ở các tác phẩm văn học nghệ thuật, không những là bức tranh giống sự thực, không những là các tài liệu ghi lại thực tế đời sống, mà còn những gì khác nữa, làm cho người ta say mê và xúc động, làm cho người ta suy nghĩ và tự nghệ sĩ phải có một điều gì mới để gửi tới mọi người. Nghệ sĩ lấy những việc của thực tại để “tuyên truyền” một cái gì. Lời “tuyên truyền” ấy của nghệ sĩ không phải là một bài diễn thuyết, một cuộc suy lý trừu tượng của trí tuệ. Nghệ sĩ không thuyết giảng luân lý, chính trị hay triết học, mà giới thiệu với xã hội một cách nhin cuộc đời hàng ngày, một sự đánh giá, một thái độ yêu ghét đối với cuộc đời ấy, một cách sống của tâm hồn người Nghệ sĩ nói chuyện với lòng chúng ta, với tình cảm chúng ta. Nghệ sĩ đem thêm vào cuộc sống chúng ta một ánh sáng làm tâm hôn chúng ta cảm xúc và suy nghĩ thêm sâu sắc, sáng rõ, tươi mới. Nghệ thuật mở rộng và nâng cao cái vốn trí tuệ và tình cảm của xã hội, làm cho con người tự xây dựng được tâm hồn của nó.
Khi người nghệ sĩ ghi chép, miêu tả lại thực tại bên ngoài thì đồng thời anh ta cũng in dấu tâm hồn đang sống, đang xúc động của anh vào tác phẩm, chính điều đó làm cho giây phút say mê, ý nghĩ yêu mến hay tức giận chỉ có một lần của người nghệ sĩ có thể sống lại trong tâm hồn khác vào lúc khác, có khi hàng mấy trăm năm sau. Cảo thơm lần giở trước đèn, đêm nay tôi đọc “Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt” mà còn bồi hôi của nhà thơ khi đặt bút viết một buổi nào cách đây hơn hai thế kỷ, trong tai nghe tiếng trống ngũ liên, đên chiến trận.
Tác phẩm nghệ thuật là một hình ảnh của thực tại, nhưng đó là một hình ảnh có linh hồn. Mà chính cái “linh hồn” này mới làm cho tác phẩm sống, nghĩa là dù trải qua thời gian dài vẫn gây được những xúc động trong lòng người” [57; 7].