Cách viết có chiều sâu, có chất lượng

Một phần của tài liệu Quan niệm về nghề văn của một số nhà văn việt nam hiện đại luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 49 - 50)

Một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà văn Việt Nam hiện đại, ngoài việc viết sao cho giản dị, dễ hiểu, sao cho thuận lợi đi sâu vào quân chúng lao động kháng chiến, với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật, nhà văn hiện đại nhận thức hết sức sâu sắc về cách viết sao cho có chất lượng, sao cho có chiều sâu. Đây là giá trị cốt lõi, quyết định sự sống còn của tác phẩm nghệ thuật: “Tôi lại cảm thấy cho đến những ngày nay, trong xã hội ta hiện đang có một yêu cầu đối với nhà văn, nhất là các nhà văn viết về chiến tranh. Người ta yêu cầu những tác phẩm viết về chiến tranh một sự sâu sắc và cô đọng, hàm súc hơn, chân thực và mới mẻ hơn. Người ta đòi hỏi văn học viết về chiến tranh đào sâu vào con người hơn… Rất có thể

đông đảo người đọc vẫn còn dễ tính. Mình viết thế nào người ta vẫn đọc vậy thôi nhưng yêu cầu tôi vừa nói tới ở trên là có thực. Những người đã từng đọc từng đọc nhiều, những người từng trải trong cuộc sống và có tri thức đặt nhiều kỳ vọng vào nền văn học cách mạng của chúng ta. Tầng lớp người đọc này, đối với nước nào cũng vậy, là tiêu biểu cho nhu cầu cũng như trình độ xã hội, và trong xã hội ta, cũng chính tầng lớp ấy mỗi ngày một đông hơn, mỗi ngày họ đọc ta tinh tường hơn, bắt ta phải cầm cây bút có trách nhiệm hơn”.

Bằng một sự trăn trở với cách viết sao cho có chất lượng, có những tác phẩm văn chương có giá trị cao, Nguyễn Minh Châu lây ví dụ về cách viết hết sức thú vị: “Quả thật, tầng lớp người đọc khó tính, và tinh tường ấy họ đang đòi ở những người sáng tác chúng ta một cái gì trên sức chúng ta. Vẫn với chất liệu ấy trên tay, họ đòi hỏi người sáng tác phải làm ra cái thành phẩm thật hơn là trước. Họ chủ vào cái gói gạo buộc sau gác ba ga xe đạp anh sáng tác mà bảo: “Lâu nay anh vẫn thổi cơm cho tôi ăn, cơm cũng khá dẻo đấy nhưng ăn no rồi, ăn thêm hai ba bát chỉ thấy no thêm chứ không say. Vẫn lần này, với gói gạo kia, anh hãy đem cất rượu lên! Anh hãy cho tôi một chén hay nửa chén thôi cũng được. Sau một ngày làm việc, anh hãy cho phép tôi được nhấm nháp, thưởng thức cái của anh làm ra có thể làm say sưa tôi đôi chút”. Như vậy mỗi nhà văn có một cách viết riêng nhưng cuối cùng và trước hết là những người có khả năng đem đến cho ngôn ngữ đời sống một thứ ma lực mà người ta gọi đó là ngôn ngữ văn học, có thể chuyển tải được mọi thứ tình cảm tư tưởng của mình đến với mọi người.

Một phần của tài liệu Quan niệm về nghề văn của một số nhà văn việt nam hiện đại luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 49 - 50)