Nghề văn luôn đòi hỏi phải tạo ra “sản phẩm” có giá trị cao

Một phần của tài liệu Quan niệm về nghề văn của một số nhà văn việt nam hiện đại luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 68 - 73)

Như trên chúng tôi đã chỉ ra, một trong những đòi hỏi hàng đầu của văn học Việt Nam hiện đại là phải góp phần phục vụ cuộc sống chiến đấu của dân tộc. Trong suy nghĩ và đúc kết kinh nghiệm của nhiều nhà văn, muốn có tác phẩm nghệ thuật hay, sâu sắc đòi hỏi nhiều điều kiện.

Trước hết với Nguyễn Tuân, trong Chuyện nghề ông đã tổng kết một trong những lý do quan trọng góp phần hình thành nên những tác phẩm lớn, hình thành nhà văn lớn góp phần thành công nghề văn là đòi hỏi phải đi và viết, viết và đi và hai mối quan hệ này tương tác qua lại với nhau. Trước hết Nguyễn Tuân yêu cầu cần phải đi trước đã mới có vốn sống: “Ngày xưa có một nhà văn đi rất dữ (dữ, hiểu theo nghĩa tốt) và viết cũng rất tợn (tợn hiểu theo nghĩa tốt). Đứng về mặt thời gian mà nhìn lùi, thì người bộ hành ấy đã đi trước lũ chúng ta những hơn hai ngàn năm, lúc ấy nhân loại tuyệt đối chưa có ôtô, tàu thủy, tàu hỏa, tàu bay nào. Thời gian xa lăng lắc là như vậy, nhưng đứng về không gian mà nói thì nhà văn kiêm đại sử gia Tư Mã Thiên thật là gần gũi với chúng ta. Ở Trung Quốc nước ông thời ấy cũng là trước

hồi ấy, nghĩa là trước khi chúa Giêsu ra đời, cũng có nhiều người cũng đi khắp Trung Quốc bao la vĩ đại. Cái đám “quá tam Giang vượt ngũ Hồ” này, đúng là những người mưu sĩ cứ đi vung cả lên hoặc những kẻ giang hồ nhàn tản ưu du theo một phong cách có cả Trang Lão có cả Phật. Tư Mã Thiên cũng đi như họ, đi nhiều hơn họ, nhưng không làm như họ. Ông đi để được làm người nhân chứng cho thời ông. Ông đi cốt để viết và chỉ để viết. Đó là một khách giang hồ có chủ định đóng góp cho văn học bằng những trang sử mình chép lại. Người thủy thủ nước ngọt Tư Mã Thiên chỉ đi trong nước mà nói mà viết chỉ về nước mình, nhưng danh ông vượt các trùng dương nước mặn,… Bài học của Tư Mã Thiên để lại cho lũ hậu sinh chúng ta có thể tóm tắt như thế này: “muốn viết cho được tốt được hay thì phải đi, mà phải đi đúng và đi nhiều” [64; 120-121].

Như vậy, với Nguyễn Tuân, yêu cầu đầu tiên đối với nghề văn và người viết văn là phải đi, mà phải đi cho trúng và đi cho đúng. Đi bàn sâu thêm vào đi và viết, Nguyễn Tuân bàn tiếp: “Đi về thì viết ngay hay vừa đi vừa viết? Đi mãi rồi mà viết chưa được thì làm sao? Đi điểm hay là đi diện? Đi đàn hay đi lẻ? Đi về các cơ sở sản xuất chiến đấu nên đi vào lúc người ta tối mặt lại vì khối lượng công việc , hay là đi vào lúc sơ kết tổng kết mở hội mừng? hoặc là: đi miền núi, nên đi vào mùa đông hay đi vào mùa hè? Nhà phê bình văn học có cần đi không? Đi thì sự ăn uống tiêu pha những kỳ lưu động nhất định là tốn… riêng trong bài này, tôi xin muốn ý kiến về chữ “đi thực tế”. Có phải vì tránh chữ đi vào thực tế đời sống mà ta phải xén bớt đi không? Theo thiện ý của tôi, hiểu theo nghĩa trên và muốn đi cho khỏi lê thê long thong thì chỉ nói ĐI và VIẾT, đủ và rõ quá rồi” [64; 120-121].

Vấn đề Nguyễn Tuân bàn về công việc của nghề văn về Đi và Viết ở đây nằm trong một nghĩa rộng lớn nhất của nó là đi nói chung và viết nói chung, không chỉ đơn thuần là đi vào trong cuộc sống chiến đầu của dân tộc.

Bàn sâu thêm về nội hàm của đi và sống và vai trò của nó đối với nghề văn, Nguyên Tuân tiếp túc từ trải nghiệm nghề viết của mình cung cấp cho người viết những kinh nghiệm về nghề viết: “Đi (vào thực tế đời sống) để được tầng trải sự đời chuyện đời người đời. Nói cách khác thì gọi là để tích lũy vốn sống. Không có cái vốn sống cái tầng trải thực tế ấy làm sao mà tưởng tượng được, làm sao mà hư cấu được” (ở trong nghề chúng ta, chắc mọi người đều đã nhận thức rằng hư cấu không khi nào tách rời thực tế sự sống, và vốn sống thực tế càng nhiều thì sức hư cấu càng cao càng sâu; mà có hư cấu được thì cái văn cái thơ ấy mới vượt được mức “nhật trình” mà thực sự đi vào cửa giữa của văn học. Cho nên đi (vào thực tế đời sống) là một nhu cầu có tính nghề nghiệp của bất cứ ai định làm ăn một cách chính đáng bằng con đường văn”.

Như vậy, với Nguyễn Tuân, đi thực tế không chỉ đơn thuần là tích lũy vốn sống, nó còn là cơ sở của hư cấu, hư cấu là cơ sở, là khái niệm cốt lõi của văn học, nghề văn mà Nguyễn Tuân gọi là vượt qua cái gọi là “nhật trình”.

Tiếp tục bàn sâu về mối quan hệ giữa đi và viết, Nguyễn Tuân trình bầy tiếp “nhà văn chân chính, hiểu theo một khía cạnh nào đó, cũng là một thức đại sứ lưu động thật quả là không còn nghi ngờ gì nữa. Cuộc đời con người làm văn có cái vẻ như chỉ có hai việc, chân thì đi mà tay thì viết. Có người dừng chân rồi tay mới bắt đầu viết. Có người đang viết thấy như hết chữ dùng buông bút đó bỏ đi một chặp, lúc trở về lại lại xuống bút đều đều. Cũng có kẻ thì vừa đi vừa viết, lại cũng có những tay đi đến đâu thì là viết được đến đấy ngay. Đi và Viết, một nhà văn lớp cũ ở ta trong một cuốn sách in ra năm 1943 đã nói một cách vui vui và chí lý: “Đi để lấy cái mà viết; viết để lấy cái mà đi”. Nghề văn hình như không cho phép người ta được mỏi tay được mỏi chân. Ngay cả lúc anh đăm đăm ngồi trước trang giấy trắng lạnh

phau giữa phòng văn, anh cũng vẫn là một người đang đi. Đi vào cái đêm làm việc của mình. Đi cho đến chỗ tận cùng của đêm mình. Cửa một đêm, cửa trăm của ngàn đêm của ngàn kẻ đêm, mỗi bước đi đêm là một nhích tới vầng sáng của tái tạo” [64; 120-124].

Với Nguyễn Tuân, đi là một công việc sống còn và suốt đời của người làm nghề viết văn. Không chỉ dừng lại bàn sâu về mối quan hệ giữa đi và viết, Nguyễn Tuân còn bàn sâu về mối quan hệ giữa: đi, đọc và viết: “người làm nghiệp văn thấy hình như đời mình nghề mình chỉ thâu tóm lại có ba việc cơ bản: đi, đọc, viết. Ba việc ấy có liên qua chặt chẽ với nhau. Trong ba mặt đi đọc viết của hoạt động liên tục nghề văn, có những thời kỳ người ta làm được cả ba việc ấy một cách đều đều. Vừa đi, vừa đọc, vừa viết! Ví dụ trong một chuyến “đi thực tế” ngắn độ một tuần hoặc mười ngày: khởi hành, đêm lạ nhà nơi khách xá hoặc quán trọ, mệt nỗi dọc đường mà lại không yên giấc. Bèn nhỏm dậy, đốt cây nến tùy than, đọc một cuốn địa lý lịch sử hoặc một tác giả thân tính mang theo, coi đó như thêm một thứ gia vị cho bữa cơm đầu xểnh nhà. Và giở sổ tay cũ về vùng mình đang tới, mà ghi chép tiếp. Có khi lại nổi gió lên mà viết ngay một bài đã trót hẹn với “quý báo” nào mà vì vội đi nên chưa kịp trao bản thảo… nói tóm lại đi đọc và viết là ba mặt hoạt động quan trọng của người làm nghề văn. Lúc mà giời chiều lòng , người văn đều chân, đều mắt, đều tay mà làm cả ba việc. Lúc căng thì chỉ làm một hoặc hai việc. Có lúc bỏ cả đọc, bỏ cả đi, mà phải ngồi viết ra cho hết. Vậy thì vào trường hợp ốm yếu không đi lại được cũng không viết được thì sao? Thì đọc. Dồn vào đọc. Đọc để nuôi dưỡng cái chí viết. Đến thế mà lại không chịu đọc nữa, thì nhà văn ấy xem như đã đành lòng xếp bút nghiên để chẳng có theo bất cứ cái gì nữa rồi đấy [64; 120-124].

Như vậy, Nguyễn Tuân đúc kết thành lý luận một vấn đề hết sức cốt tử đối với công việc nghề văn. Theo Nguyễn Tuân người làm nghề văn không

thể thiếu được một trong ba phương diện, đi, viết, đọc. Ba phương diện này có quan hệ và tương tác qua lại với nhau, quyết định sự thành công hay thất bại của nhà văn. Bất kỳ nhà văn nào muốn làm nghề đều phải thực hiện tất cả những công đoạn này.

Đặt vấn đề về đi và viết, cả Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Hồng và Nguyễn Đình Thi đều đề cập đến vai trò của đọc, đi và viết. Nếu như Nguyễn Tuân đề cập ở mức độ chung nhất khái quát nhất thì các tác gia còn lại ở những phương diện khác nhau đều đề cập đến ở những thực tế trong cuộc đời đi đọc và viết của mình.

Nguyễn Đình Thi khuyên nhà văn chúng ta nên đi vào cuộc sống: “Việc viết văn của chúng ta cụ thể là ngồi với tờ giấy và với cái bút, nhưng nếu như người viết văn chỉ sống với tờ giấy với cái bút thì lại không thể viết văn được nữa. Cho nên Gocky luôn luôn khuyên những người viết văn trẻ; hãy đi vào cuộc sống. Nhiều nhà văn Liên Xô ngày nay, lúc trẻ, chính là nhờ có lời khuyên đó của Gocky đã tìm được con đường đúng đắn để đi vào văn học. Theo tôi nghĩ, có hai con đường đi vào văn học: một con đường thẳng đi xuôi, và một con đường vòng đi ngược. Đi xuôi là đi từ gốc lên ngọn, là vun bón cho gốc thì trên ngọn sẽ nở nhiều hoa quả, tức là đi vào đời sống, làm một người lao động, sống nhiều, bản thân mình là con người mới, rồi vừa làm việc với quần chúng vừa học viết. Cái gốc của mình được dồi dào, to rộng bao nhiêu thì trên ngọn sẽ được nhiều hoa quả bấy nhiêu. Con đường ấy mới nhìn thì tưởng chừng là không trực tiếp đưa tới văn học và lâu có kết quả, nhưng thực ra lại là con đường thẳng nhất. Tất nhiên đó không phải là con đường dễ dãi, có thể ăn sổi, làm chiếu lệ mà thành công được. Con đường đi ngược là con đường lên trên ngọn rồi mới quay xuống gốc. Là do đi học, có văn hóa, hoặc do một hoàn cảnh nào, mà sớm thành nghề viết văn, nhưng chưa qua trường học của đời sống, của cuộc chiến tranh cách mạng.

Do cái gốc chưa cắm rễ sâu xuống đất nên cái cây khi ấy có thể nở vài bông hoa đầu, nhưng hái mấy bông hoa ấy rồi thì không thấy nở cái gìn nữa. Người viết văn lúc ấy tuy được gọi là nhà văn, nhưng nếu không cố hét sức đi trở xuống gốc, nghĩa là lăn vào quần chúng, học lại từ đầu việc làm người, thì có tài cũng không làm nổi gì, vì không có nội dung để viết nữa. Hoặc chỉ có thể viết bậy, lấy mình ra làm cái rốn của thế giới để mà viết” [57; 58].

Như vậy, với Nguyễn Đình Thi, cũng như Nguyễn Tuân nhấn mạnh tầm quan trọng của đi thực tế, vôn sống từ trong thực tế quần chúng là cơ sở quan trọng bậc nhất.

Một phần của tài liệu Quan niệm về nghề văn của một số nhà văn việt nam hiện đại luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 68 - 73)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(95 trang)
w