Từ những đặc điểm ngôn ngữ nói trên ta soi chiếu vào các nhà văn Việt Nam hiện đại, các nhà văn Việt Nam hiện đại nhận thức về ngôn ngữ như thế nào qua các trang viết của mình?
Để trau rồi vốn ngôn ngữ của mình Nguyễn Tuân luôn đọc tác phẩm kinh điển thế giới và Việt Nam, đi đâu Nguyễn Tuân cũng mang theo Truyện kiều đó là một trong những yếu tố giúp ông sáng tạo ngôn ngữ.
Đọc Nguyễn Tuân, thấy rõ ở ông một ý thức trách nhiệm hoàn toàn tự giác và một tình yêu sâu đậm hết sức nhạy cảm với những gì liên quan đến ngôn ngữ, đặc biệt là đến tiếng mẹ đẻ. Nguyễn Tuân không phải là nhà ngôn ngữ học. Nhưng ông luôn sáng tạo với một ý thức rất cao về vai trò, trách nhiệm của nhà văn với ngôn ngữ . Có những chữ rất bình thường, quen thuộc; nhưng nhà văn đặt nó vào trong một quan hệ mới, lập tức tạo ra một ý vị bất ngờ, Như chữ “được” trong cái đầu đề Được ốm; như chữ “sống”, chữ “chết”, chữ “quạnh hiu” trong câu văn sau: “Từ lúc chưa được ốm nằm, cứ phải ốm đứng, chị Nguyễn từng đã hiểu biết đến nhiều thứ quạnh hiu đang sống trong cái lòng chết của mình” [62; 509]. “Chỉ có tôi đang nói chuyện với một mớ tóc mây. Chỉ có hai ngón tay Chị Hoài đang nói chuyện với những sợi chỉ tơ thâm một mớ tóc xõa. Thế rồi trong giữa cái hiu quạnh tay đôi ấy khe khẽ nổi lên cái giọng kể chuyện Nhị Độ Mai” [63; 657]. Có những chữ do Nguyễn Tuân tự đặt ra bằng cách kết ghép hay thêm bớt một cách mới mẻ, bất ngờ , để diễn tả một nội hàm hoặc phong phú hơn, hoặc sắc bén, gây ấn tượng mạnh hơn. “Tuổi măng trứng”, “cái phẩm chất thơ ngộ”, “cái buổi thơ nhiên”… là những sự kết ghép như thế. Chữ sông mỏi tả con sông Hương của một thời xa cũ: “Sáu nhịp cầu Tràng Tiền rạng dần lên như ba cặp lông mày trắng thần lãng mạn nào đang soi vào mặt sông mỏi”
[68; 777]. Nó đã lột tả tài tình đến thế, không chỉ dòng sông đọa lạc, mà cả cái không khí rời rã ám ảnh trong lòng cũng như ngoài đời cái xã hội thuộc địa cuối mùa hồi đó. Hình dung cái học vị tú tài của Tú Xương, Nguyễn Tuân viết: nó “me mé ghe ghé bể hoạn mà lại chưa đủ tiêu chuẩn bằng cấp để vào quan chế” [68; 261]. Chữ “me mé ghe ghé” đã diễn tả được cả vị trí éo le mấp mé trên bậc thang xã hội, lẫn tâm trạng bực thân giận đời của ông Tú. Nó là sáng tạo độc đáo của Nguyễn Tuân - độc đáo cả từ vị lẫn ngữ âm.
Dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, ngôn ngữ được xếp đặt, kết hợp hết sức linh hoạt, táo bạo, đôi khi dụng ý chệch chuẩn để lạ hóa ngôn từ, nhằm đạt những hiệu quả chữ nghĩa mới mẻ. Một trong những thủ pháp ngôn từ đó, là nhà văn đã tạo nên những kết hợp mới vẫn dựa trên nghĩa gốc của từ, nhưng trong quan hệ ngang với từ khác cùng câu, đã nảy sinh một sắc thái ý nghĩa mới cho một đối tượng, một trường hợp, một lĩnh vực nào đó. Với thủ pháp chuyển hóa từ nghĩa ấy, nhà văn đã làm nổi bật lên cái nhìn hết sức độc đáo đối với gia đình của một lãng tử, bằng một chữ “quàn” mà trước Nguyễn Tuân chắc hẳn không ai dám dùng như thế. “Tôi vẫn nhớ đến cái tiểu gia đình tôi ‘quàn’ tạm ở một cái tỉnh nhỏ miền trong nọ” [65; 656]. Nguyễn Tuân có hàng loạt những từ được dùng đắc địa trong ngữ cảnh đã chuyển hóa nghĩa như thế: “Có những đêm mưa to gió lớn làm ‘nhòe’ những tiếng trống phủ cầm canh” [70; 513], “Gian nào cũng tô hô ra mặt phố” [68; 240], “Cái giọng hát rót cong được câu văn chầu vào tai người gần mình”[65; 242].
Khi Tán về ngôn ngữ ông viết: “Chao ôi, nghe đến những âm từ khai, khú, kháng, khắm, khẳn, khai mò mò, khắm lằm lặm, khét lèn lẹt, người Việt Nam yêu nước chân chính nào (yêu nước theo nghĩa cơ bản yêu tiếng nói dân tộc và ngôn ngữ văn tự của mình) mà không nỗi da gà
lên, mà da mình không nổi gai lên. Ấy là sự kỳ diệu của ngôn ngữ” [64; 137].