Nghề văn là công việc phục vụ tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ cuộc sống

Một phần của tài liệu Quan niệm về nghề văn của một số nhà văn việt nam hiện đại luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 62 - 68)

phục vụ cuộc sống

Tuy nhiên, để có thể có được những tác phẩm lớn phục vụ tổ quốc, phục phụ nhân dân, ở đó đòi hỏi nhà văn phải có ý thức, nhận thức sâu sắc về tổ quốc về nhân dân về cuộc kháng chiến và giác ngộ được lý tưởng cách mạng và sức mạnh của nhân dân ta. Trong Công việc của người viết Tiểu thuyết, Nguyễn Đình Thì viết: “Ý nghĩa của việc viết văn của chúng ta là phục vụ tổ quốc, phục vụ đời sống nhân dân, trước hết là phục vụ cho những người hàng ngày làm ra hạt gạo, miếng vải, làm ra tất cả đời sống vật chất và tinh thần của xã hội. Làm được việc ấy thì văn học rất cao quý, và người viết văn là người lao động của nhân dân. Làm trái lại, thì có muốn tự xưng mình là lương tâm tối cao hay gì nữa, thực chất cũng chỉ là con đỉa hút máu của

nhân dân hoặc con ruồi bay vo ve chung quanh những người đang nhỏ mồ hôi để tạo ra đời sống.

Và cái mới của văn học chúng ta là ở chỗ người cầm bút tự mình chọn lấy con đường chiến đấu, đứng dưới sự lãnh đạo của Đảng, dùng ngòi bút của mình góp phần vào đời sống lao động chiến đấu hàng ngày của nhân dân và người cầm bút ấy còn có thể cầm búa hay cầm cày, khi giặc đến thì cầm súng nữa. Không những thế, cái mới đang ngày càng lớn lên trong văn học ta là: những người cầm búa hay câm bút hay cầm cày cầm lấy cây bút để học viết, và từ trong hàng nghìn vạn những người lao động đang nắm lấy cái kho tàng văn hóa mà loài người đã tạo nên, từ trong quần chúng đông đảo ấy đang nảy nở nhiều tài năng mới của văn học. Theo tôi nghĩ, trong điều mới mẻ ấy của đời sống chúng ta đã có cái mầm mống đầu tiên đưa tới xóa bỏ sự cách biệt giữa lao động chân tay và lao động trí óc trong xã hội cộng sản tương lai. Đến lúc bấy giờ, những người lao động vừa tham gia vào sự sản xuất vật chất của xã hội, vừa làm nghiên cứu khoa học hay sáng tác văn học nghệ thuật, nghĩa là làm công việc sản xuất về tinh thần nữa. Cố nhiên, chúng ta không thể đơn giản hóa vấn đề và nóng vội mà nói rằng ngay từ bây giờ đã là như vậy. Từ nay đến đó, còn phải thực hiện được cả một cuộc cách mạng văn hóa, làm cho mọi người lao động đều thành những người có văn hóa cao, làm cho mọi nền văn hóa dân tộc đều sánh vai nhau phát triển. Chúng ta mới ở bước đầu của cuộc cách mạng văn hóa ấy, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta nên nhìn về phương hướng tương lai để nhận rõ con đường cố gắng hiện nay của chúng ta [57; 53-54].

Đồng thời để có thể viết được những tác phẩm lớn phục vụ cuộc sống, phục vụ cách mạng cần hiểu được thời đại ngày nay đã có nhiều thay đổi lớn lao trên bình diện toàn cầu. Nguyễn Đình Thi yêu cầu người làm nghề viết văn buộc phải thấy được bước chuyển biến này : “ngày nay, thế giới đang

đổi hẳn rồi, quyền làm chủ đời sống từ tay những giai cấp bóc lột và ăn bám đang trở về tay những người hàng ngày tạo ra đời sống bằng lao động vất vả của chân tay và trí óc mình. Một nửa loài người đã được giải phóng và đang xây dựng thế giới mới của mình, còn một nữa đang ngày đêm vật lộn, làm cho bọn đế quốc thực dân, bọn tư bản, bọn phong kiến, tất cả bọn chủ cũ của xã hội, đang cuống cuồng phát điên như ngồi trên núi lửa. Chúng càng lồng lộn làm cho bọn đế quốc thực dân, bọn tư bản, bọn phong kiến, tất cả bọn chủ cũ của xã hội đang cuống cuồng phát điên như ngồi trên núi lửa. chúng càng lồng lộn gây ra bao nhiêu tội ác, càng tự đẩy đến gần ngày diệt vong. Con đường tiến lên của loài người cứ thêm một ngày lại càng thêm rõ ràng, mỗi người sống trong thời đại ta ngày càng nhìn rõ sự thật to lớn của đời sống. Đó là nguồn sức mạnh vô cùng của nhân dân, đó cũng là nguồn sức mạnh vô cùng của văn học nghệ thuật ở thời đại chúng ta” [57; 130].

Hơn nữa, để có thể thực sự viết được những tác phẩm lớn, cần có hiểu biết sâu rộng hơn về nhân dân, đặc biệt thấy được vai trò to lớn của nhân dân trong sáng tác văn nghệ: “nền văn nghệ nhân dân của chúng ta đang lớn lên nhanh chóng như cậu bé đánh giặc trong câu chuyện cổ tích. Chỉ cần bước vào bất cứ đại đội chính quy hay du kích nào, bất cứ cơ quan kháng chiến hay thôn xã nào là thấy báo tường, báo tay, ca dao, bài hát, tranh vẽ. Nhân dân chúng ta vừa đánh giặc vừa sáng tác nghệ thuật. Anh bộ đội biên phòng trên đường hành quân, đặt ba lô xuống là giở sổ tay hý hoáy chép nhật ký. Và không một xưởng máy kháng chiến nào thiếu một cái sân khấu, dựng lên với những phương tiện đơn giản của rừng sâu. Điều gì đã làm cho văn nghệ ta nảy nở tốt đẹp như vậy? tôi nghĩ trước hết đó là do sự giải phóng và giác ngộ của những con người Việt Nam. Sau những đêm dài nô lệ, cách mạng đã đến, trả lại quyền sống, quyền làm người cho chúng ta. Kháng chiến thật gian khổ, nhưng đời sống tự do của chúng ta hiện nay có giá trị và ý nghĩa

hơn bao giờ hết. Anh bộ đội, anh du kích khai hội, thảo luận, phê bình. Những chị cu, chị thẽm đi bầu cử, ứng cử. Ý thức làm người, làm dân, sự tự hào làm người Việt Nam, tất cả đã chiếu vào những tâm hồn ấy một áng sáng mới. Những con người mới khao khát ca hát, xem kịch đọc sách báo. Và khi chưa ai nói hết được vui buồn ước vọng của họ thì họ tự nói lấy. Họ sáng tác, giản dị như buồn vui, ước vọng của họ… nhân dân ta lại vốn có truyền thống về sự “tự túc văn nghệ ấy”. Từ những thế kỷ xưa, nhân dân ta đã quen sống với ca dao, cổ tích, tiếu lâm, hát chèo. Sau một khoảng gián đoạn non thế kỷ dưới chế độ thực dân, nền văn nghệ nhân dân ngày nay lại tiếp tục nền văn nghệ bình dân cũ [ 57; 13-14].

Nguyễn Minh Châu là nhà văn lớn của Việt Nam giai đoạn này, trong

Trang giấy trước đèn ông đã nhiều lần nhấn mạnh đến trách nhiệm của người cầm bút đối với tổ quốc, đối với cách mạng: “Hiện nay, những người cầm bút trong quân đội lo lắng với trách nhiệm của mình, thành thật nhận thấy, so với tầm vóc sâu rộng của hiện thực cuộc sống bộ đội và nhân dân ta trong hơn một phần tư thế kỷ chiến tranh vừa qua, thì công việc của mình đã làm mới chỉ là bước đầu. Trước sự nghiệp đánh giặc, giải phóng đất nước của bộ đội và nhân dân, các nhà văn chỉ mới dừng trên bậc cửa của cái tòa lâu đài đồ sộ, nguy nga đầy biến động, vừa mang tính hiện đại vừa mang tính lịch sử đó. Chúng ta chỉ mới nói đến được một phần nhỏ sự tích của những người anh hùng vô danh ngoài mặt trận cũng như của những người bình thường nhưng chứa đựng những bài học lớn đang cần ngòi bút của nhà văn soi rọi tới để đưa lên trang giấy. Những xu hướng chính trị, những biểu hiện tâm lý và diễn biến tính cách của các tầng lớp người trong xã hội lúc hòa bình yên ổn và khi cơn bão lốc của cách mạng và chiến tranh ào ào đổ xuống như thế nào… hơn một phần tư thế kỷ của lịch sử đất nước vừa liên quan với hai cuộc kháng chiến lừng lẫy vẫn còn ngời sáng hình ảnh những

tầm vóc con người và những bài học quý báu soi rọi nhân dân ta trong giai đoạn mới. Vì thế, công việc viết về hai cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, nhất là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lại càng có một tầm quan trọng đặc biệt. Những tác phẩm văn học đó sẽ đúc kết những giá trị từng con người và cả dân tộc ta trong ngày hôm qua, để cho từng con người và cả dân tộc ta cầm lấy như một thứ vũ khí, để mạnh dạn đi vào mọi gian khổ, ác liệt của công việc xây dựng chủ nghĩa xã hội bảo về Tổ quốc hôm nay và ngày mai” [6; 58-59].

Như vậy, với Nguyễn Minh Châu đối với mỗi nhà văn, nghề văn là phải phục vụ kháng chiến, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong hai cuộc kháng chiến này còn rất nhiều những con người, những anh hùng, những hiện thực chiến tranh vô cùng rộng lớn cần được khám phá.

Ngoài những tác phẩm viết về chiến tranh phục vụ tổ quốc, theo Nguyễn Minh Châu nhận thức về đảng và viết về Đảng cũng là một yêu cầu của công việc viết văn phục vụ tổ quốc, phục vụ kháng chiến. Nguyễn Minh Châu yêu cầu, tác phẩm có tính đảng phải đảm bảo những yếu tố sau: “Theo tôi, một tác phẩm mang tính Đảng chủ yếu thể hiện ở tính khuynh hướng.

Với nhân vật Lão Khúng trong truyện Khách ở quê ra của tôi với một loại chi tiết và sự việc trong tác phẩm ấy đã đủ đề biểu lộ tính khuynh hướng của nó.

1. vùng khai hoang của lão Khúng cũng là khu vực thăm dò địa chất mà chính phủ ta vẫn không ngừng tiến hành thăm dò ngay trong những năm chiến tranh phá hoại, và quyết định của hội đồng chính phủ bắt đầu triển khai cái công trường khai thác mở rất lớn ở đây.

2. Lời dặn của Huệ với đàn con: đừng đi tìm đô thị ở đâu mà ngay trên miếng đất đang sống ở đây.

3. Sự bơ vơ, cô độc của Khúng ở cuối truyện.

4. Những nét tiêu cực của tính cách lão khúng trong đó có nét tiêu cực đến độ tàn bạo của Lão là biến Huệ trở thành một cái máy đẻ và một mụ già nông dân tư hữu. Tôi lại còn muốn nói thêm điều này: trong đoạn cuối truyện, tôi tả lão như một con người thất bại hoàn toàn. Nếu lão Khúng thất bại hoàn toàn thì chúng ta đâu đến nỗi vất vả thế này, trong bước đầu sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội” [6; 92].

Cùng đế cập đến nghề văn phục vụ tổ quốc, phục vụ đất nước trong công cuộc kháng chiến, Nguyễn Đình Thi trong công việc của người viết tiểu thuyết cũng chia sẻ nhiều với Nguyễn Minh Châu; “Có lẽ chưa bao giờ những người nghệ sĩ được nhiều điều kiện thuận lợi và đồng thời lại cảm thấy việc sáng tác nặng trách nhiệm và đòi hỏi phải cố gắng hết sức như ngày nay. Làm nghề văn, tôi thường nghĩ đến cuộc đời nhà văn ở những thời đại trước. Tôi nghĩ rằng ngày xưa cuộc đời nhà văn và văn nghệ sĩ thường không tránh khỏi nỗi đau đớn và lẻ loi, mà có lúc người ta đã coi như một cái nghiệp chướng của văn thơ nghệ thuật. Vì những nhà văn, những nghệ sĩ chân chính thời trước không thể công nhận cái xã hội tàn bạo và vô lý ở chung quanh họ. Trong cảnh sống “người là chó sói với người”, họ quằn quại trong nỗi sót thương, phẫn uất, nhưng họ cũng không thể nào gỡ ra đầu mối của những nỗi cực khổ nó tàn phá thể xác và tâm hồn con người. Những thiên tài văn nghệ lớn nhất, như Nguyễn Du, của nhân dân ta hay Tonxtoi của nhân dân Nga, đều luôn cố gắng cắt nghĩa đời sống và vạch ra con đường tìm hạnh phúc cho loài người. Nhưng bên cạnh những điều nhận xét và suy nghĩ chói sang thì các bậc thiên tài ấy cũng thường đưa ra những lý thuyết viển vông. Có khi đến gàn dở và phản động nữa, coi những đau khổ là sự trừng phạt mà loài người xấu xa đang phải gánh chịu, và khuyên người

ta cúi đầu nhẫn nhục vâng theo số mệnh, hoặc từ bỏ cuộc đời thực hàng ngày để trông ngóng một cuộc đời nào khác ở một cõi khác…

Tất cả những nỗi đau đớn, những sự vật lộn và cố gắng, những điều suy nghĩ, hy vọng và mơ ước của các nhà văn và nghệ sĩ nối tiếp nhau qua các thời đại, đã là một phần góp vào với mồ hôi nước mắt của nhân dân lao động, để loài người từng bước một cứ gan góc tiến lên trong lịch sử và tạo ra thời đại chúng ta hiện nay” [57; 29-30].

Như vậy, Nguyễn Đình Thi cũng như Nguyễn Minh Châu đều nhận thức sâu sắc rằng, trách nhiệm và nhiệm vụ của nhà văn, nghề văn trước cuộc sống và trước nhân dân là hết sức nặng nề, tạo ra và góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn

Một phần của tài liệu Quan niệm về nghề văn của một số nhà văn việt nam hiện đại luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 62 - 68)