Nhận thức của các nhà văn Việt Nam hiện đại về ngôn ngữ 1 Ngôn ngữ đời sống và ngôn ngữ văn chương

Một phần của tài liệu Quan niệm về nghề văn của một số nhà văn việt nam hiện đại luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 51 - 55)

2.4.1. Ngôn ngữ đời sống và ngôn ngữ văn chương

Văn học là một loại hình nghệ thuật trong phạm trù nghệ thuật.

Nhưng bên cạnh những nét chung, mỗi chuyên ngành nghệ thuật đều có những đặc trưng của nó. Một trong những đặc trưng của văn học đó là ngôn từ văn học.

Văn học là nghệ thuật ngôn từ, ngôn từ là chất liệu của văn học: Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp trong đời sống xã hội. Ngôn ngữ góp phần trực tiếp vào việc giao lưu và phát triển xã hội. Ngôn ngữ có vị trí quan trọng trong sáng tác văn học. Gorki: “Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ, công cụ

chủ yếu của nó và cùng với các sự kiện, các hiện tượng của cuộc sống là chất liệu của văn học”. Cao Bá Quát: “Sống ở đất này có thể bỏ được tiếng quốc ngữ không? Không bỏ được. Đọc sách quốc ngữ có thể bỏ được Hoa tiênKim Vân Kiều không? Không bỏ được. Kim Vân Kiều là tiếng nói hiểu đời. Hoa Tiên là tiếng nói răn đời vậy”.

Các ý kiến trên đã khẳng định ngôn ngữ là công cụ thứ nhất của văn học. Đặc biệt, ý kiến của Cao Bá Quát đi sâu nhấn mạnh tầm quan trọng của ngôn ngữ dân tộc vai trò hàng đầu của ngôn ngữ văn học trong nền văn hoá nước nhà.

Nhà văn là nghệ sĩ của ngôn từ. Không có ngôn ngữ không có văn học. Không có âm thanh, đường nét, màu sắc thì không có âm nhạc và hội hoạ. Nhạc sĩ là nghệ sĩ của âm thanh. Hoạ sĩ là nghệ sĩ của màu sắc, đường nét. Nhà văn là nghệ sĩ của ngôn từ. Lao động nghệ thuật của nhà văn là lao động ngôn từ. Nhà nghệ sĩ, ngay từ ý đồ sáng tạo và tư duy hình tượng đã dựa vào khả năng, phẩm chất và thuộc tính của chất liệu. Cũng như vậy, nhà văn không thể tư duy nghệ thuật bên ngoài các khả năng, phẩm chất và thuộc tính của ngôn từ.

Ngôn ngữ đời sống và ngôn ngữ văn học. Ngôn ngữ đời sống là ngôn ngữ nhân dân, sử dụng trong đời sống hằng ngày, là công cụ giao tiếp, tạo thành văn bản trong quá trình phát và nhận thông tin. Ngôn ngữ văn học là ngôn ngữ của quần chúng đã được cách điệu hoá, nghệ thuật hoá qua bàn tay người thợ viết, qua sự nắm bắt tinh tế và nhạy cảm các tác động và hiệu quả thẩm mĩ của ngôn từ của nghệ sĩ sáng tạo văn học. Gorki: “Ngôn ngữ nhân dân là tiếng nói nguyên liệu, còn ngôn ngữ văn học là tiếng nói đã được bàn tay thợ nhào nặn”. Chế Lan Viên: “Nhà văn như nhà khoa học tìm cho vật chất những tính năng mới. Than đá là chất đốt, giờ lại thành chất chế ra vải mặc, thuốc uống”. Như thế, ngôn ngữ nhân dân là “than đá”. Từ “than đá”

ấy, nghệ sĩ sáng tạo đã phát kiến chế tác thành “vải mặc, thuốc uống”, đó là ngôn ngữ văn học.

Ngôn ngữ văn học phải chính xác, tinh luyện và hàm súc:

Tính chính xác là yêu cầu đầu tiên của việc sử dụng ngôn ngữ văn học. Muốn miêu tả một mảng hiện thực nào đó hay biểu hiện những cảm nghĩ của bản thân về một sự vật và hiện tượng nào đấy, nhà văn nói theo Maiacôpxki: “Phải từ hàng ngàn tấn quặng từ tinh luyện chọn ra một từ để câu thơ câu văn đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất” hay M.Gorki: “Ngôn ngữ của tác phẩm phải gẫy gọn, chính xác, từ ngữ phải được chọn lọc kĩ càng. Chính các tác giả cổ điển viết bằng ngôn ngữ như vậy đã kế tục nhau trau dồi nó từ thế kỉ này sang thế kỉ khác”.

Viết văn phải dùng từ chính xác mới tái hiện và tái tạo đúng sự vật hiện tượng, miêu tả đúng cảnh vật, khắc hoạ đúng hình dáng, cá tính, tâm lí nhân vật. Qua đó nghệ sĩ bộc lộ tư tưởng, tình cảm, thái độ và cả tài năng của mình nữa.

Trong Thề non nước, Tản Đà trước đó viết:

Non cao những ngóng cùng trông Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày

Chữ “khô” thích hợp với khả năng diễn tả sâu ý thơ trên. Nhà văn Pháp, Mauspassant đã viết: “Đối tượng mà anh muốn nói dù là cái gì cũng chỉ có một từ để biểu hiện nó”. Thẩm Đức Tiềm đã nói: “Người xưa không bỏ phép luyện chữ nhưng lấy cái hơn về ý, không lấy cái hơn về lời. Cho nên chữ bình dị mà thấy lạ, chữ thường mà thấy hiếm, chữ cũ mà thấy mới, chữ mộc mạc mà thấy màu sắc”.

Nhà văn luôn có trách nhiệm với ngòi bút của họ. Mỗi từ trong tác phẩm của họ “không có từ nào khác trong ngôn ngữ có thể thay thế nó được” (L. Tolstoi).

Tính hàm súc và tính đa nghĩa: Tsêkhôp: “Ngắn gọn là bà chị của thiên tài”. Lê Quý Đôn: “ý hết mà lời dừng, ấy là cái lời rất mực trong thiên hạ; song lời dừng mà ý chưa hết được lại càng hay tuyệt”. Và sau này, nhà thơ Phạm Hổ cũng nói: “Tiêu chuẩn nghệ thuật đời nào cũng giống nhau: nói ít mà gợi được nhiều là tiêu chuẩn cao nhất”.

Như vậy, ngôn từ trong tác phẩm văn chương phải cô đọng, phải “nén chặt” ý nén tối đa trong lời làm cho mỗi từ có sức nặng, có độ thừa và có nhiều lượng ngữ nghĩa.

Tính hàm súc và đa nghĩa do phương thức chuyển nghĩa của ngôn ngữ nhờ vào các biện pháp tu từ.

Tính hình tượng của ngôn ngữ văn học.

Ngôn ngữ gợi hình gợi cảm là ngôn ngữ hình tượng. Nhà văn phản ánh hiện thực và thế giới nội tâm bằng tư duy hình tượng và lí luận nên mượn ngôn ngữ hình tượng để xây dựng hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm. Hình tượng không trừu tượng mà mang tính cảm tính cụ thể.

Tính hình tượng gắn với tính đa nghĩa, tính hàm súc, tính chính xác và tính biểu cảm của ngôn ngữ văn học. Hình ảnh tác động sâu sắc đến tình cảm người đọc, tạo ấn tượng sinh động về sự vật được phản ánh, qua đó thấy được tình cảm và thái độ của tác giả. M. Gorki: “Nhà văn không chỉ viết bằng ngoi bút mà còn vẽ bằng từ ngữ thể hiện một cách hoàn hảo những tư tưỏng của tác giả, xây dựng một bức tranh đậm đà, đắp nên những hình tượng sinh động, có sức thuyết phục đến nỗi người đọc trông thấy được những điều mà tác giả mô tả”. L. Tolstoi: “Ngôn từ của tác phẩm văn chương khác lời nói thường ở chỗ nó gợi ra một tập hợp không sao kể xiết những ý tưởng, những tình cảm, những sự giải thích”.

Tính biểu cảm của ngôn ngữ văn học gắn liền với chức năng biểu hiện cảm xúc của văn học.Văn xuỗi đặc biệt là thơ ca góp phần bộc lộ tình cảm của người viết và rộng ra là tình cảm của cuộc đời chung. Nghệ thuật nói bằng một thứ tiếng nói duy nhất đó là ngôn ngữ của chính thế giới bên trong, ngôn ngữ của cảm xúc và biểu cảm.

Bản chất của nghệ sĩ rất giàu cảm xúc và hoạt động sáng tạo văn nghệ cũng là một phương thức vận dụng qui luật và đặc trưng của tình cảm. Nguyễn Trãi: “Hảo bả tân thi ngã sầu”.

Tính biểu cảm biểu hiện qua tác phẩm bằng hình tượng bao quát và ngay trong những từ ngữ cụ thể. Tính biểu cảm biểu hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau như gián tiếp, trực tiếp, có hình ảnh hoặc chỉ là ngôn ngữ thuần tuý. Tuy vậy, tính biểu cảm bộc lộ rõ nhất ấy là khi tác giả muốn nhấn mạnh cảm xúc nội tâm.

Văn học là một hình thái ý thức xã hội và cũng là một hình thái nghệ thuật, nhưng văn học khác với các ngành nghệ thuật khác nhờ đặc trưng chất liệu sáng tạo tác phẩm. Ngôn ngữ văn học có tính chính xác, hàm súc, đa nghĩa, hình tượng và biểu cảm. Ngôn ngữ văn học tạo được tác dụng và hiệu quả thẩm mĩ cho văn bản văn chương. Tuy vậy, ngôn ngữ văn học chỉ có thể đẹp và phát huy những phẩm chất của chúng khi nhà văn thực sự tài năng, có năng lực làm chủ vốn ngôn ngữ và có cá tính sáng tạo độc đáo. Tsêkhôp: “Mỗi nhà văn phải có lối nói riêng của mình. Nếu tác giả không có lối nói riêng của mình thì người đó sẽ không bao giờ là nhà văn cả.” Hay H.D. Balzac: “Nghệ sĩ càng lớn thế giới riêng của tác phẩm càng nổi bật”.

Một phần của tài liệu Quan niệm về nghề văn của một số nhà văn việt nam hiện đại luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 51 - 55)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(95 trang)
w