Nội dung giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho học sinh các trường Trung cấp chuyên nghiệp

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho học sinh trường trung cấp việt anh, tỉnh nghệ an luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 25 - 29)

Trung cấp chuyên nghiệp

Giáo dục đạo đức nghề nghiệp là một trong những nội dung quan trọng được Đảng và nhà nước ta quan tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và được quy định trong các văn bản do bộ ban hành.

Trong nhà trường, nội dung giáo dục đạo đức nghề nghiệp gắn liền với việc tu dưỡng phẩm chất đạo đức của người học sinh trong tương lai, được cụ thể hóa theo yêu cầu nghề nghiệp trong thời đại mới. Nội dung giáo dục đạo đức nghề nghiệp phải đưa ra được mục đích yêu cầu, quy định cụ thể ở người học những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp khi ra trường. Sau khi xác định nội dung giáo dục đạo đức nghề nghiệp sẽ quy định phương pháp giáo dục đạo đức nghề nghiệp. Dưới sự tác động của lực lượng tham gia giáo dục, người học phải phát huy vai trò chủ động sáng tạo của mình trong quá trình tự bồi dưỡng tự rèn luyện các phẩm chất nghề nghiệp cần thiết. Kết quả giáo dục đạo đức nghề nghiệp sẽ hình thành ở học sinh hệ thống các chuẩn mực đạo đức, các quy định ứng xử trong công việc của mình mà mỗi người cần tự giác thực hiện cho phù hợp với yêu cầu và quy định của nghề nghiệp.

Giáo dục đạo đức nghề nghiệp là hoạt động có mục đích, có tổ chức nhằm giáo dục cho học sinh một số nội dung cơ bản về đạo đức nghề nghiệp:

- Giáo dục lòng yêu nghề, hăng say công việc: Đây là một việc làm hết sức quan trọng của nhà trường giúp học sinh yêu thích công việc, có ý chí nghị lực vượt qua những khó khăn thử thách của nghề nghiệp. Lòng yêu nghề gắn liền với tình cảm nghĩa vụ và ý thức trách nhiệm của người học sinh trước nghề nghiệp của mình, nó là biểu hiện của tình cảm nghề nghiệp. Chính từ yêu cầu và đặc trưng của

nghề nghiệp đòi hỏi người học sinh sự cố gắng và tinh thần trách nhiệm rất cao đối với công việc sau này, đòi hỏi phải có tình yêu thực sự mới vượt qua những khó khăn trở ngại trên con đường sự nghiệp.

- Giáo dục ý thức học tập, trau dồi phẩm chất đạo đức: học tập và rèn luyện tu dưỡng đạo đức là một hoạt động quan trọng của học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tại đây các em sẽ có điều kiện học tập những kiến thức cơ bản về chuyên ngành đào tạo, được tham gia các phong trào hoạt động, rèn luyện phẩm chất đạo đức. Chính môi trường giáo dục này sẽ trang bị cho các em những yếu tố cần thiết để ngày mai lập nghiệp, thông qua đó giáo dục cho học sinh ý thức học hỏi nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng làm việc. Vì vậy nhà trường cần phải phát huy vai trò của mình nhằm nâng cao ý thức tự giác của học sinh giúp các em đạt được kết quả cao trong học tập, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

- Giáo dục tình yêu thương tôn trọng con người: tôn trọng nhân cách con người thể hiện trước hết ở sự tin yêu tôn trọng đồng nghiệp. Biểu hiện ở sự chú ý lắng nghe ý kiến, sẵn sàng chia sẽ, quan tâm đến nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của bạn bè, đồng nghiệp và những người xung quanh, có thái độ lịch sự trong giao tiếp với mọi người bằng những cử chỉ thân mật mô phạm. Bất luận trong trường hợp nào chúng ta cũng không được xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của người khác ngay cả khi họ mắc sai lầm.

- Giáo dục tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, sẵn sàng làm việc bất cứ nơi đâu: đa số các em học sinh sau khi ra trường đều muốn làm việc ở những nơi đô thị không muốn về các vùng miền núi xa xôi hẻo lánh, điều kiện còn nhiều khó khăn. Đây cũng là vấn đề bức thiết đặt ra đối với nhà trường và xã hội. Điều này tạo nên sự bất hợp lý trong quá trình phân bố lao động ở nước ta. Nội dung giáo dục này nhằm bổ sung hoàn thiện bộ mặt đạo đức thêm toàn diện và lý tưởng nghề nghiệp thêm cao cả. Giáo dục được điều này tạo tâm lý vững chắc cho học sinh trước khi ra trường, trước khi nhận công tác giúp các em có thêm nghị lực để công hiến cho đất nước.

- Giáo dục nâng cao nhận thức của học sinh về tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp: đạo đức nghề nghiệp có vai trò hết sức quan trọng, quy định chuẩn

mực cần thiết của người học sinh khi tham gia vào công việc chuyên môn của mình. Nội dung giáo dục này giúp các em nắm được những phẩm chất cần thiết và tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp. Bên canh đó làm cho học sinh hiểu rõ về những giá trị đạo đức nghề nghiệp, tránh xa lối sống tiêu cực, thoái hóa biến chất, không ý thức được giá trị trong nghề nghiệp của mình và điều này cũng phù hợp với nội dung giáo dục của nhà trường.

- Giáo dục lí tưởng nghề nghiệp: của người học sinh thể hiện ở năng lực, niềm say mê nghề nghiệp, tâm huyết với nghề, tận tâm với công việc, có lối sống trung thực, giản dị lành mạnh minh bạch trong mọi tình huống… Điều đó tạo nên sức mạnh, động lực bên trong giúp các em vượt qua được những khó khăn trở ngại tốt hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao.

Ngoài ra còn phải giáo dục lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa tập thể...

Nội dung chủ yếu của giáo dục đạo đức nghề nghiệp phải phù hợp với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Thực hiện ý nguyện của Đảng về xây dựng một xã hội dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Các nội dung giáo dục đạo đức nghề nghiệp nêu trên phải được thể hiện trong các mối quan hệ cụ thể của cá nhân với xã hội, với người khác, với bản thân cũng như đối với lao động.

Trong nhà trường nội dung giáo dục đạo đức nghề nghiệp được gắn liền với việc tu dưỡng phẩm chất đạo đức chính trị của học sinh tương lai, được cụ thể hóa theo yêu cầu nghề nghiệp trong thời đại mới. Tuy vậy, về cơ bản vẫn không tách rời những mối quan hệ chủ yếu trong xã hội, bao gồm các mối quan hệ sau:

- Mối quan của cá nhân với xã hội

Giáo dục cho học sinh ý thức tập thể, yêu CNXH, tha thiết với lợi ích của nhà nước, sẵn sàng bảo vệ tổ quốc, tự hào về thành tựu văn hóa xã hội của đất nước, quý trọng quá khứ vẽ vang và truyền thống dân tộc. Tinh thần ấy phải được gắn vào điều kiện tình hình cụ thể của địa phương mình đang sống, có những hành động thiết thực mang lại lợi ích cho cộng đồng xã hội.

Mối quan hệ thể hiện lý tưởng, nhận thức chính trị của cá nhân. Đó là việc giáo dục thế giới quan khoa học, lý tưởng sống cao đẹp giúp cho mỗi cá nhân có nhận thức, thái độ chính trị vững vàng, có bản lĩnh trước cuộc sống.

- Quan hệ của cá nhân đối với công việc:

Giáo dục cho mỗi cá nhân những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thể hiện nhận thức, thái độ, chất lượng, hiệu quả công việc trong mỗi hoạt động. Những chuẩn mực đạo đức này sẽ tạo thành động lực giúp cho mỗi cá nhân trong quá trình rèn luyện nhân cách. Từ đó giáo dục cho học sinh thái độ tận tụy với nghề nghiệp, lòng yêu nghề, tìm thấy niềm hạnh phúc trong lao động nghề nghiệp.

- Quan hệ giữa cá nhân đối với người khác:

Đó là những phẩm chất quy định mối quan hệ giữa người với người trong xã hội như tình yêu thương con người, tình cảm đối với ông bà, cha mẹ, anh chị em, thầy cô giáo. Đó là lòng nhân ái, tình yêu thương, sự tôn trọng, biết quan tâm, sẵn sàng giúp đỡ người khác, có thái độ không khoan nhượng với những hành vi vi phạm quyền con người hoặc phẩm giá con người.

Tinh thần mình vì mọi người là phẩm chất đạo đức cơ bản điều chỉnh quan hệ giữa cá nhân với cá nhân trong xã hội, giữa cá nhân với tập thể. Vì vậy cần giáo dục cho học sinh hăng hái tham gia vào những hoạt động tập thể có ích cho xã hội, tôn trọng các nguyên tắc và chuẩn mực do tập thể đề ra, có tinh thần hợp tác, đoàn kết giúp đỡ nhau trong khi thực hiện công việc chung. Giáo dục cho các em có nhận thức đúng đắn về tinh thần đoàn kết, sự hợp tác, tính nhân văn, bình đẳng giữa các dân tộc trên thế giới.

- Quan hệ của cá nhân với lao động:

Giáo dục và bồi dưỡng cho học sinh tinh thần hăng say lao động, cống hiến cho sự phát triển đất nước, có thái độ đúng đắn với các hành vi lao động tạo ra sản phẩm cho xã hội. Đặc biệt phải thể hiện thái độ trong học tập và rèn luyện nghiêm túc, tự giác, chăm chỉ, có ý thức kỹ luật cao, có trách nhiệm trong công tác, cần cù chịu khó trong lao động, biết tiết kiệm trong tư duy sinh hoạt, ham học hỏi trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao tay nghề.

Giáo dục cho mỗi cá nhân biết cách nhìn nhận đánh giá về bản thân, có những định hướng đúng đắn để tự hoàn thiện nhân cách, tự tu dưỡng tốt.

Biểu hiện ở ý thức, trách nhiệm đối với bản thân, nghiêm túc khi nhìn nhận đánh giá bản thân, kiên quyết đấu tranh với những bất công dối trá. Giáo dục cho xã hội tính khiêm tốn, thật thà, lòng tự trọng, biết giữ gìn phẩm giá của cá nhân. Biết ứng xử có văn hóa, lễ độ, nhường nhịn, gương mẫu, những phẩm chất này gắn chặt với lĩnh vực ý chí của họ được thể hiện trong học tập, lao động nghề nghiệp, sinh hoạt đoàn thể, đời sống hàng ngày.

- Quan hệ với cộng đồng:

Giáo dục cho mỗi cá nhân có nhận thức đúng về môi trường sống (môi trường tự nhiên, xã hội) có cách nhìn tiến bộ về tính cộng đồng hợp tác trong lao động, bảo vệ môi trường. Từ đó giáo dục cho các em ý thức tự giác, sẵn sàng tham gia vào công việc chung.

Như vậy nội dung giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho học sinh trước hết là giáo dục ý thức học tập, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ, thực tập thực tế thường xuyên. Giáo dục về lối sống lành mạnh của mỗi cá nhân trong các mối quan hệ xã hội.

Giáo dục đạo đức nghề nghiệp phải tiến hành cùng với giáo dục tư tưởng chính trị và giáo dục lối sống nhằm giúp cho học sinh nói riêng và thanh niên nói chung thấm nhuần các quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp mà xã hội quy định. Ngoài ra còn phải giáo dục cho họ có được bản lĩnh đấu tranh chống tư tưởng thói quen lạc hậu, lên án hành vi phi đạo đức, tự giáo dục chính mình trở thành con người có ích cho xã hội.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho học sinh trường trung cấp việt anh, tỉnh nghệ an luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 25 - 29)