1- Kết luận
Giáo dục là nhiệm vụ lâu dài của toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp phát triển đất nước. Cùng với sự nghiệp phát triển giáo dục nói chung, giáo dục đạo đức nói riêng có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Không thể có sự tồn tại xã hội mà không có đạo đức, nhất là trong điều kiện hiện nay, vấn đề đạo đức không chỉ là vấn đề của một đất nước mà là vấn đề “mang tính toàn cầu của thời đại, là điều kiện quan trọng để bảo vệ sự sống còn và tương lai của loài người” (Aurello Peuei). Có thể nói, nhân cách học sinh thể hiện trước hết ở bộ mặt đạo đức. Vì thế giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho học sinh là một bộ phận cực kì quan trọng của quá trình thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu giáo dục của trường TCCN. Để giáo dục những nét phẩm chất đạo đức cần giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề nhằm giúp học sinh có ý thức về phẩm chất đó, có thái độ tích cực và có thói quen hành vi đạo đức tương ứng.
Việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi học sinh không những biết và thừa nhận sự cần thiết, tính tất yếu của các phẩm chất đạo đức, mà còn phải thực hiện hành vi đạo đức đó theo sự hiểu biết của mình với động cơ và tình cảm tích cực. Việc tổ chức quản lý giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho học sinh nói chung và học sinh Trường Trung cấp Việt - Anh nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm của các ngành học trước mắt cũng như lâu dài. Trong quá trình đó muốn công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp đạt hiệu quả phải thường xuyên đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục. Nghiên cứu thực trạng đạo đức nghề nghiệp của học sinh hiện nay, các nhà nghiên cứu đã nêu ra nhiều nguyên nhân và giải pháp để khắc phục những tồn tại xung quanh vấn đề đạo đức học sinh. Đặc biệt, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, những người công dân tương lai, là thế hệ kế cận của đất nước càng cần thiết hơn bất kì vấn đề gì. Vì vậy mà giáo dục đạo đức nghề nghiệp được định hình khá vững chắc trong đời sống xã hội, do đó sự vi phạm phẩm chất đạo đức học sinh khi ra trường là không thể chấp nhận được. Giáo dục đạo đức nghề nghiệp là một nội dung quan trọng, cần quán triệt trong mọi hoạt động của nhà trường.
Nhằm góp phần vào sự nghiệp giáo dục chung đó, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu các biện pháp giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho học sinh Trường Trung cấp Việt - Anh. Trên cơ sở nghiên cứu lí luận và thực tiễn đạo đức, công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho học sinh, chúng tôi nhận thấy:
Nhìn chung công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp và kết quả rèn luyện đạo đức của học sinh nhà trường là tương đối tốt. Bên cạnh hoạt động rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của học sinh còn một số hạn chế như: học sinh nhận thức chưa đúng, chưa sâu sắc về các chuẩn mực đạo đức, chưa xác định đúng về vai trò rèn luyện đạo đức trong cấu trúc nhân cách. Hầu hết các em coi trọng hoạt động học tập hơn rèn luyện, tu dưỡng đạo đức. Nhà trường chưa tổ chức nhiều hoạt động giáo dục cho học sinh. Đặc biệt còn không ít thầy cô giáo chưa nhiệt tình chú trọng kết hợp giáo dục đạo đức trong hoạt động giảng dạy, một hoạt động chủ yếu của nhà trường. Mặc dù nhà trường đã cố gắng trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục đạo đức nghề nghiệp và kết quả đạt tương đối tốt nhưng so với yêu cầu của mục tiêu nhân cách người thầy giáo còn có khoảng cách cần vươn tới.
Từ thực tế giáo dục của nhà trường chúng tôi đề xuất một số biện pháp giáo dục đạo đức nghề nghiệp, đó là các biện pháp:
- Nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo và giáo viên về hiệu quả, chất lượng giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho học sinh.
- Nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức nghề nghiệp gắn liền với quá trình học tập của học sinh thông qua các môn học.
- Phát huy ý thức tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp
- Giáo dục tình yêu nghề nghiệp cho học sinh và xem sự hăng say học nghề là tiêu chí khẳng định thương hiệu của nhà trường.
- Thông qua thực tập tốt nghiệp để giáo dục tình yêu nghề của học sinh.
- Gắn hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với giáo dục lòng yêu nghề của học sinh.
Các biện pháp giáo dục nêu trên có mối liên hệ qua lại và thống nhất với nhau, thực hiện biện pháp này tốt sẽ thúc đẩy hỗ trợ việc thực hiện các biện pháp khác tạo thành sức mạnh chung.
Qua kết quả nghiên cứu bước đầu cho phép chúng tôi khẳng định: Biện pháp giáo dục chúng tôi đưa ra là phù hợp với thực tế nhà trường. Thông qua các tác động giáo dục, nhận thức của học sinh về chuẩn mực đạo đức được nâng cao, là cơ sở cho việc hình thành hành vi, thói quen đạo đức phù hợp với chuẩn mực xã hội. Đó là thước đo đánh giá bộ mặt đạo đức của con người, là căn cứ đánh giá phẩm chất nhân cách, đạo đức nghề nghiệp của học sinh.
2- Kiến nghị
Từ sự nghiên cứu trên, chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị với giáo viên và nhà trường như sau:
- Nhà trường cần quán triệt hơn nữa mục tiêu đào tạo, chú trọng đến nhiệm vụ giáo dục đạo đức nghề nghiệp trong mọi hoạt động, mọi lực lượng, tổ chức đoàn thể trong nhà trường. Phải có sự chỉ đạo sát sao, cụ thể, phối hợp thống nhất từ Ban Lãnh đạo, Đảng uỷ đến các phòng, ban, khoa, tổ trong nhà trường tạo thành sự thống nhất đồng bộ trong các hoạt động giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho học sinh nói riêng.
- Tăng cường sự chỉ đạo và đầu tư kinh phí hoạt động cho tổ chức Đoàn, đây là tổ chức nòng cốt thu hút đông đảo học sinh tham gia, vì vậy rất có ưu thế cho công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho học sinh. Để hoạt động của các tổ chức Đoàn phát huy hiệu quả hơn nữa, nhà trường cần bồi dưỡng năng lực, nghiệp vụ hoạt động cho các cán bộ Đoàn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Đoàn cơ sở trong toàn trường.
- Nhà trường cùng với các khoa, tổ chỉ đạo cụ thể và chặt chẽ hơn nữa hoạt động của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm để lực lượng này thực hiện hết chức năng giáo dục của mình, đặc biệt là thực hiện vai trò liên kết các lực lượng giáo dục trong nhà trường nhằm giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho học sinh. Theo chúng tôi, nhà trường nên có tiêu chuẩn đánh giá công tác chủ nhiệm lớp cho các giáo
viên chủ nhiệm, gắn kết quả rèn luyện của lớp chủ nhiệm với kết quả xếp loại hàng năm của các giáo viên đó.
-Về phía giáo viên: cần nâng cao ý thức tự giác, tích cực kết hợp nội dung giáo dục đạo đức với nội dung bài giảng, coi đây là nhiệm vụ không thể thiếu trong mỗi bài giảng. Đặc biệt coi trọng vị trí của một số bộ môn đặc trưng có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức cho học sinh như môn chính trị, tâm lí học, giáo dục học, đạo đức học...
- Trong việc xây dựng nội dung kiến tập, lâm sàng, thực tập cuối khóa cần tăng cường nội dung, biện pháp..., hướng vào việc nâng cao chất lượng dạy nghề cho học sinh. Rèn luyện những kĩ năng hoạt động giáo dục và năng lực nghề nghiệp cho học sinh, đồng thời là dịp để học sinh rèn luyện và thể hiện những phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của mình khi đi thực tập.
- Tổ chức các hoạt động học tập một cách đa dạng nhằm giúp học sinh rèn luyện cách thường xuyên, đảm bảo từ lí thuyết đến thực tế, từ thực tế trở lại bổ sung và hoàn thiện lí thuyết. Cần đảm bảo tính toàn diện cân đối giữa nội dung chính khoá với ngoại khoá bởi những nội dung này đóng góp một phần rất quan trọng vào việc giáo dục lí tưởng và tình yêu nghề nghiệp cho học sinh, đồng thời là những biện pháp giáo dục nghề nghiệp rất tự nhiên giúp học sinh sẽ cảm nhận một cách thoải mái nhẹ nhàng mà không bị sự gò ép.
- Tổ chức hợp lí các hoạt động chính trị xã hội, giao lưu, văn nghệ, ngoại khoá góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh trong việc rèn luyện đạo đức.
- Nhà trường và khoa, tổ cần quan tâm tới việc phát huy tính tích cực, độc lập sáng tạo trong học tập, rèn luyện của học sinh. Cần chú trọng tới việc phát huy vai trò giữa giáo dục với tự giáo dục, vai trò chủ thể cũng như năng lực tự quản của học sinh nhằm góp phần giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các em ngày càng sâu sắc hơn.
- Hoàn thiện nội quy, quy chế, trong các hoạt động của nhà trường nhằm đưa hoạt động của học sinh vào nền nếp tạo điều kiện rèn luyện hành vi thói quen đạo đức cho học sinh. Đồng thời với việc xây dựng chuẩn đánh giá xếp loại đạo đức định kì và xét tốt nghiệp cho học sinh, nhà trường cần tăng cường công tác kiểm
tra, đánh giá nhằm có những căn cứ xếp loại, đánh giá một cách chính xác nhất thúc đẩy học sinh tích cực rèn luyện tu dưỡng.
- Cải tiến công tác tổ chức quản lý học sinh, giảm bớt sự cồng kềnh, phiền hà về thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập chăm lo cải thiện các điều kiện ăn ở, mua sắm trang thiết bị phục vụ đời sống văn hoá, tinh thần, vật chất cho học sinh. Đổi mới đội ngũ cán bộ quản lý học sinh, coi đây là một thành phần trong quá trình giáo dục học sinh.
Trên đây là một số kiến nghị của chúng tôi với mong muốn hoạt động giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho học sinh Trường Trung cấp Việt - Anh nói riêng ngày càng đổi mới mang lại kết quả, đáp ứng yêu cầu đào tạo của nhà trường.
Qua các phần nghiên cứu trên đây của đề tài chúng tôi nhận thấy mục đích đề ra ban đầu của luận văn đã được thực hiện. Tuy nhiên chúng tôi cũng hiểu rõ rằng, đây chỉ là kết quả bước đầu rất nhỏ bé so với yêu cầu của thực tiễn đang đặt ra. Với thời gian nghiên cứu có hạn, trình độ, kinh nghiệm của người nghiên cứu còn hạn chế, luận văn khoa học này chắc chắn không tránh khỏi những khiếm khuyết cả trên lĩnh vực lí luận lẫn thực tiễn. Chúng tôi mong muốn và hi vọng luận văn sẽ được sự góp ý của các nhà nghiên cứu giáo dục, các nhà sư phạm để chúng tôi có điều kiện tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề tài một cách toàn diện và sâu sắc hơn.