- Quản lý các loại TBDH phục vị dạy học lý thuyết: TBDH phục vụ cho giảng dạy lý thuyết nhằm cung cấp kiến thức khoa học cơ bản và kiến thức cơ sở của ngành thường là dụng cụ thí nghiệm, phương tiện hỗ trợ dạy học như máy chiếu, máy vi tính, đầu video, băng, đĩa, giáo án điện tử…
- Quản lý TBDH phục vụ cho thực hành, dịch vụ, thực hành kết hợp với sản xuất, dịch vụ khoa học công nghệ: TBDH phục vụ cho thực hành, rèn luyện kỹ năng, thường là các máy móc, thiết bị hoặc hệ thống, dây chuyền thiết bị đồng bộ để SV thực hành kết hợp với sản xuất ra các sản phẩm hoặc là các thiết bị phục vụ cho hoạt động dịch vụ. Việc quản lý, trang bị, sử dụng và bảo quản cũng có đặc điểm riêng, có khi phải tổ chức ban quản lý và khai thác có hiệu quả.
- Quản lý các thiết bị phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học: TBDH phục vụ cho nghiên cứu khoa học phần lớn là các thiết bị thí nghiệm, đo lường với độ chính xác cao, đắt tiền hoặc những hệ thống dây chuyền “mini” hiện đại để làm thử nghiệm các mẫu nhỏ.
1.4.3.1. Mục đích quản lý TBDH ở trường đại học - cao đẳng
TBDH không chỉ sử dụng trong khuôn khổ hẹp như trước đây (chủ yếu là minh họa qua tranh, ảnh). Ngày nay, TBDH là công cụ quan trọng trong hoạt động nhận thức của người học, nhất là các TBDH có ứng dụng những thành tựu của công nghệ thông tin, như: giáo án điện tử, máy chiếu, máy vi tính, ti vi, băng, đĩa…
Mục đích quản lý TBDH: Làm cho TBDH trở thành người bạn đồng minh trung thành của thầy giáo trong việc cải tiến chất lượng giảng dạy, cũng chính là làm cho TBDH trở thành công cụ chính đáng dành cho HS – SV rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp, nâng cao nhận thức, tu dưỡng đạo đức và để thực hiện mục tiêu bao trùm là nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
1.4.3.2. Nội dung cơ bản của quản lý TBDH ở trường đại học – cao đẳng a) Xây dựng hệ thống TBDH
* Lập kế hoạch
- Trên cơ sở quy mô, loại hình ngành nghề đào tạo, đặc điểm của SV, các trường đại học phải tiến hành lập kế hoạch xây dựng hệ thống TBDH cho nhà trường. Ngoài TBDH được đầu tư, viện trợ từ các nguồn khác nhau (nước ngoài, doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ…), các trường phải chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm bổ sung trong giai đoạn dài hạn (trên 5 năm), trung hạn (3-5 năm) và ngắn hạn (1 năm) để đảm bảo TBDH phải đủ về số lượng, chủng loại theo danh mục TBDH tối thiểu cho bậc đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trước khi lập kế hoạch xây dựng hệ thống TDBH, các trường cần tiến hành rà soát về số lượng, chủng loại, chất lượng TBDH hiện có và so sánh với danh mục tối thiểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, cũng như nhu cầu bổ sung để đa dạng hoá TBDH đáp ứng yêu cầu giảng dạy, từ đó có kế hoạch mua sắm bổ sung hoặc phát động, khuyến khích cán bộ giảng viên nhà trường tự làm các TBDH đơn giản bổ sung cho hệ thống TBDH của nhà trường.
Trong kế hoạch phải nêu rõ số lượng, chủng loại TBDH cần mua sắm, bổ sung, sửa chữa, làm mới; dự trù về mức kinh phí, nguồn kinh phí, quá trình, thời gian thực hiện, người thực hiện.
Kế hoạch xây dựng hệ thống TBDH được thông qua Hội đồng và lãnh đạo nhà trường duyệt để đưa vào thực hiện.
* Tổ chức thực hiện kế hoạch
Trên cơ sở kế hoạch đã lập, lãnh đạo nhà trường chỉ đạo các bộ phận có liên quan đến công tác xây dựng hệ thống TBDH thực hiện kế hoạch đã đặt ra qua các giải pháp cụ thể sau:
- Phân công trong Ban Giám hiệu quản lý TBDH: Hiệu trưởng chịu trách nhiệm chung, một Phó hiệu trưởng phụ trách CSVC, TBDH
- Phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm mua sắm, bổ sung TBDH theo kế hoạch.
- Chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực cần thiết để họ thực hiện được kế hoạch, như: tài chính, thời gian, con người, điều kiện bảo quản, sửa chữa…
* Chỉ đạo thực hiện kế hoạch
Trong quá trình thực hiện, lãnh đạo nhà trường cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để hoàn thành kế hoạch đã đặt ra. Việc thực hiện chỉ đạo thông suốt các giải pháp như:
- Giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện kế hoạch.
- Động viên, khuyến khích nhằm điều chỉnh hoạt động của cấp dưới để có thể thực hiện được kế hoạch đặt ra.
* Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch
Căn cứ các mốc thời gian đã xây dựng trong kế hoạch và người thực hiện, từng giai đoạn, từng kỳ hay năm học, nhà trường cần đánh giá thông qua kiểm tra, kiểm kê TBDH… việc thực hiện kế hoạch đã xây dựng, từ đó thấy được những vấn đề đã thực hiện, vấn đề gì còn tồn tại để kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế nhằm nâng cao hiệu quả của công tác xây dựng hệ thống TBDH cho nhà trường, đáp ứng được nhu cầu dạy - học của nhà trường
b) Quản lý việc sử dụng TBDH
Việc sử dụng TBDH có liên quan đến nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và thói quen của người sử dụng. Đã không ít GV không sử dụng TBDH trong bài giảng hay CBQL không quan tâm chỉ đạo việc xây dựng các TBDH trong khi trường được trang bị đầy đủ.
Do vậy, để sử dụng hiệu quả TBDH cần làm tốt một số công việc sau: - Xây dựng và ban hành các quy định về sử dụng TBDH: Ở các trường đại học, TBDH được trang bị theo từng chuyên ngành đào tạo nên việc trang bị và sử dụng TBDH có những đặc thù riêng.
- Bồi dưỡng nhận thức, nâng cao trình độ và năng lực sử dụng hiệu quả TBDH cho đội ngũ GV: Hàng năm, nhà trường cần tổ chức các hội thảo chuyên đề, các lớp tập huấn, bồi dưỡng về sử dụng phương tiện dạy học hiện đại; tổ chức Hội giảng trong năm học… Ngoài ra, việc kết hợp giữa cán bộ phụ trách TBDH với các tổ chuyên môn, với nhà trường trong việc thực hiện các chuyên đề sử dụng TBDH của từng bộ môn sẽ giúp bồi dưỡng nhận thức, nâng cao trình độ và năng lực sử dụng TBDH cho GV. Bên cạnh đó, thông
qua hoạt động sinh hoạt tổ bộ môn, khoa, phòng ban trong trường cũng giúp việc bồi dưỡng nâng cao trình độ và năng lực sử dụng TBDH cho GV.
- Xây dựng kế hoạch sử dụng TBDH hợp lý: Xây dựng danh mục TBDH theo môn học, ngành học là vấn đề rất cần thiết, giúp cán bộ phụ trách TBDH cũng như GV bộ môn chủ động hơn trong việc đăng ký, cho mượn, sử dụng cũng như bảo quản TBDH. Qua đó, cán bộ phụ trách TBDH có thể nắm vững tiết nào, bài nào cần dùng TBDH loại gì, số lượng bao nhiêu để có kế hoạch bổ sung kịp thời.
- GV bộ môn chủ động xây dựng kế hoạch bộ môn và kế hoạch giảng dạy trong đó có đăng ký sử dụng TBDH theo yêu cầu bài soạn.
- Giám sát và theo dõi việc sử dụng TBDH được thực hiện thông qua lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn và cán bộ phụ trách công tác TBDH.
- Tiến hành thi đua, khen thưởng những cá nhân, tập thể sử dụng hiệu quả TBDH nhằm khuyến khích, động viên kịp thời các cá nhân, tổ bộ môn, khoa có kế hoạch sử dụng TBDH đúng kế hoạch và hiệu quả.
c) Quản lý việc bảo quản, sửa chữa TBDH
Việc sử dụng TBDH muốn đạt hiệu quả cao phải gắn liền với công tác bảo quản, sửa chữa TBDH để tránh hỏng hóc, mất mát.
Mục đích chính của bảo dưỡng, sửa chữa TBDH là đảm bảo cho việc TBDH luôn sẵn sàng phục vụ cho giảng dạy. Muốn thực hiện tốt công việc này, cán bộ phụ trách TBDH phải nắm chắc nguyên lý vận hành, kỹ thuật sử dụng để từ đó có thể tìm ra các nguyên nhân hỏng hóc, từ đó tiến hành sửa chữa nhanh chóng, hiệu quả và không tốn kém. Người phụ trách TBDH cũng cần lập kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa theo kỳ hạn đối với mỗi loại TBDH để tránh hỏng hóc dẫn đến việc trang bị mới không cần thiết.
Việc trang bị TBDH được lấy từ nhiều nguồn: chi từ ngân sách nhà nước, từ vốn của nhà trường, từ các nguồn viện trợ, từ chuyển giao công nghệ, GV tự làm… Nhưng, dù TBDH được trang bị từ bất kỳ hình thức nào cũng cần phải được quản lý chặt chẽ và lên kế hoạch sử dụng, bảo quản hợp lý.
Việc trang bị TBDH dạy học phải đảm bảo tính phù hợp với chuyên ngành đào tạo, không thừa, không thiếu để tránh lãng phí. Trước khi mua thêm một thiết bị mới, lãnh đạo nhà trường cần rà soát lại thực trạng TBDH của nhà trường, đánh giá đúng trực trạng TBDH để xem xét xem thiết bị nào thiếu, thiết bị nào xuống cấp, thiết bị nào lạc hậu không dáp ứng nhu cầu đào tạo. Trên cơ sở đó, mới tiến hành mua sắm, trang bị TBDH mới để tránh lãng phí.
đ) Quản lý tài chính đầu tư cho TBDH
Nguồn tài chính đầu tư cho TBDH chủ yếu là từ ngân sách nhà nước cấp cho các trường hàng năm và do các trường tự phân bổ nguồn chi cho trang bị, mua sắm TBDH. Bởi vậy, việc đầu tư cho TBDH phải có kế hoạch cụ thể dựa trên kế hoạch phát triển nhà trường nói chung.
Ngoài ra, đầu tư cho trang bị, mua sắm TBDH còn được lấy từ nguồn tự cân đối thu - chi của các trường hoặc từ nguồn tài trợ của nước ngoài và các doanh nghiệp. Để quản lý tài chính đầu tư cho TBDH, các trường cần phải làm tốt một số công tác sau:
- Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của các Bộ chủ quản, các trường cần ban hành các cơ chế tạo điều kiện cho việc chủ động khai thác các nguồn lực đầu tư nhằm đổi mới cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị;
- Tập trung đầu tư hiện đại hoá trang thiết bị phòng học, giảng đường, thư viện nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ cho SV;
- Đầu tư cải tạo, nâng cấp, trang bị các phương tiện dạy học hiện đại và khuyến khích GV tự làm các TBDH để tăng thêm tính phong phú của TBDH.