2.1. Khái quát về kinh tế, xã hội, giáo dục - đào tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh
2.1.1. Kinh tế
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất nước bao gồm 19 quận và 5 huyện, tổng diện tích 2.095,01 km2, dân số thành phố là 7.162.864 người (Theo kết quả Điều tra dân số toàn quốc ngày 01/04/2009), chiếm 8,34% dân số Việt Nam; phía Bắc giáp
tỉnh Bình Dương, Tây bắc giáp tỉnh Tây Ninh, Đông và Đông bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Đông nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây và Tây nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang. Nằm ở miền Nam Việt Nam, TP. HCM cách Hà Nội 1.730 km theo đường bộ, trung tâm thành phố cách bờ biển Đông 50 km theo đường chim bay.
TP. HCM có mạng lưới sông ngòi kênh rạch rất đa dạng giúp TP. HCM trong việc tưới tiêu, nhưng do chịu ảnh hưởng dao động triều bán nhật của biển Ðông, thủy triều thâm nhập sâu đã gây nên những tác động xấu tới sản xuất nông nghiệp và hạn chế việc tiêu thoát nước ở khu vực nội thành.
Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, TP. HCM có nhiệt độ cao đều trong năm và phân thành hai mùa mưa – khô rõ rệt.
Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ và với vị trí tâm điểm của khu vực Đông Nam Á, TP. HCM là một đầu mối giao thông quan trọng về cả đường bộ, đường thủy và đường không, nối liền các tỉnh trong vùng và còn là một cửa ngõ quốc tế.
TP. HCM giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả Việt Nam, là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là trung tâm kinh tế của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Đây là nơi hoạt động kinh tế năng động, luôn dẫn đầu trong cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thành phố chiếm 0,6% diện tích và 8,34% dân số của Việt Nam nhưng chiếm tới 20,2% tổng sản phẩm, 27,9% giá trị sản xuất công nghiệp và 34,9% dự án nước ngoài. Vào năm 2005, TP. HCM có 4.344.000 lao động, trong đó 139 nghìn người ngoài độ tuổi lao động nhưng vẫn đang tham gia làm việc. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người ở thành phố đạt 2.800 USD/năm, cao hơn nhiều so với trung bình cả nước, 1.168 USD/năm. Tổng GDP cả năm 2010 đạt 418.053 tỷ đồng (tính theo giá thực tế khoảng 20,902 tỷ USD), tốc độ tăng trưởng đạt 11.8%. Phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao đã tạo ra mức đóng góp GDP lớn cho cả nước, tỉ trọng GDP của thành phố chiếm 1/3 GDP của cả nước.
Nền kinh tế của TP. HCM đa dạng về lĩnh vực, từ khai thác mỏ, thủy sản, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xây dựng đến du lịch, tài chính... Cơ cấu kinh tế của thành phố, khu vực nhà nước chiếm 33,3%, ngoài quốc doanh chiếm 44,6%,
phần còn lại là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Về các ngành kinh tế, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất: 51,1%. Phần còn lại, công nghiệp và xây dựng chiếm 47,7%, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 1,2%.
TP. HCM cũng đứng đầu Việt Nam tổng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với 2.530 dự án FDI, tổng vốn 16,6 tỷ USD vào cuối năm 2007. Riêng trong năm 2007, thành phố thu hút hơn 400 dự án với gần 3 tỷ USD. Trong bảng xếp hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2011, TP. HCM xếp ở vị trí thứ 20/63 tỉnh thành. TP. HCM là nơi thu hút vốn đầu tư nước ngoài mạnh so với cả nước. Kể từ khi Luật đầu tư được ban hành, số dự án đầu tư vào TP. HCM chiếm 1/3 tồng số dự án đầu tư nước ngoài trên cả nước. Thành phố luôn chiếm tỉ trọng cao nhất trong tổng thu ngân sách của Nhà nước. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song mức thu ngân sách của Thành phố vẫn không ngừng tăng.
Về thương mại, TP. HCM có một hệ thống trung tâm mua sắm, siêu thị, chợ đa dạng. Chợ Bến Thành là biểu tượng về giao lưu thương mại từ xa xưa của thành phố, hiện nay vẫn giữ một vai trò quan trọng. Những thập niên gần đây, nhiều trung tâm thương mại hiện đại xuất hiện như Saigon Trade Centre, Diamond Plaza... Mức tiêu thụ của TP. HCM cũng cao hơn nhiều so với các tỉnh khác của Việt Nam và gấp 1,5 lần thủ đô Hà Nội.
Tuy vậy, nền kinh tế của TP. HCM vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do khủng hoảng lạm phát diễn ra trên toàn thế giới. Cơ sở hạ tầng của thành phố lạc hậu, quá tải, chỉ giá tiêu dùng cao, tệ nạn xã hội, hành chính phức tạp... cũng gây khó khăn cho nền kinh tế. Ngành công nghiệp thành phố hiện đang hướng tới các lĩnh vực cao, đem lại hiệu quả kinh tế hơn.
2.1.2. Xã hội
Là đô thị lớn nhất nước, TP. HCM là nơi tập trung dân cư sinh sống đông nhất cả nước. Dân số thành phố là 7.162.864 người (Theo kết quả Điều tra dân số toàn quốc ngày 01/04/2009), chiếm 8,34% dân số Việt Nam, với khoảng 4,7 triệu người trong độ tuổi lao động. Dân số TP. HCM gồm 1.824.822 hộ dân trong đó: 1.509.930 hộ tại thành thị và 314.892 hộ tại nông thôn, bình quân 3,93 người/hộ. Phân theo giới
tính: Nam có 3.435.734 người chiếm 47,97%, nữ có 3.727.130 người chiếm 52,03%. Những năm gần đây dân số thành phố tăng nhanh; trong 10 năm từ 1999-2009 dân số thành phố tăng thêm 2.125.709 người, bình quân tăng hơn 212.000 người/năm, tốc độ tăng 3,54%/năm, chiếm 22,32% số dân tăng thêm của cả nước trong vòng 10 năm. Không chỉ là thành phố đông dân nhất Việt Nam, quy mô dân số của TP. HCM còn hơn phần lớn các thủ đô ở châu Âu ngoại trừ Moscow và London. Theo số liệu thống kê năm 2009, 83,32% dân cư sống trong khu vực thành thị. TP. HCM có gần một phần ba là dân nhập cư từ các tỉnh khác.
Phân tích theo cơ cấu dân tộc: Người Việt (người Kinh) 6.699.124 người chiếm 93,52% dân số thành phố, tiếp theo tới người Hoa với 414.045 người chiếm 5,78%, còn lại là các dân tộc: Khmer 24.268 người, Chăm 7.819 người... Tổng cộng có đến 52/54 dân tộc được công nhận tại Việt Nam có người cư trú tại thành phố (chỉ thiếu dân tộc Bố Y và Cống), ít nhất là người La Hủ chỉ có 01 người. Ngoài ra còn 1.128 người được phân loại là người nước ngoài, có nguồn gốc từ các quốc gia khác (India, Pakistan, Indonesia, France...). Cộng đồng người Hoa ở TP. HCM là cộng đồng người Hoa lớn nhất Việt Nam (bằng 50,3% tổng số người Hoa cả nước), cư trú khắp các quận, huyện, nhưng tập trung nhiều nhất tại Quận 5, 6, 8, 10, 11 và có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế thành phố.
Phân tích dân số theo tôn giáo: Căn cứ theo số liệu điều tra dân số năm 2009, 1.983.048 người (27,68% tổng số dân thành phố) kê khai có tôn giáo. Trong đó những tôn giáo có nhiều tín đồ là: Phật giáo 1.164.930 người chiếm 16,26%, Công giáo 745.283 người chiếm 10,4%, Cao đài 31.633 người chiếm 0,44%, Tin lành 27.016 người chiếm 0,37%, Hồi giáo 6.580 người chiếm 0,09%.
Sự phân bố dân cư ở TP. HCM không đồng đều. Trong khi một số quận như: 3, 4, 10 và 11 có mật độ lên tới trên 40.000 người/km², thì huyện ngoại thành Cần Giờ có mật độ tương đối thấp 98 người/km². Về mức độ gia tăng dân số, trong khi tỷ lệ tăng tự nhiên khoảng 1,07% thì tỷ lệ tăng cơ học lên tới 2,5%. Những năm gần đây dân số các quận trung tâm có xu hướng giảm; trong khi dân số các quận mới lập vùng ven tăng nhanh, do đón nhận dân từ trung tâm chuyển ra và người nhập cư từ các tỉnh
đến sinh sống. Theo ước tính năm 2005, trung bình mỗi ngày có khoảng 1 triệu khách vãng lai tại TP. HCM. Đến năm 2010, con số này đã tăng lên tới 2 triệu.
Mặc dù TP. HCM có thu nhập bình quân đầu người rất cao so với mức bình quân của cả Việt Nam, nhưng khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn do những tác động của nền kinh tế thị trường. Những người hoạt động trong lĩnh vực thương mại cao hơn nhiều so với ngành sản xuất. Sự khác biệt xã hội vẫn còn thể hiện rõ giữa các quận nội ô so với các huyện ở ngoại thành.