Cùng với Hà Nội, giáo dục – đào tạo TP. HCM được xếp vào hàng phát triển nhất cả nước, là nơi có trình độ dân trí cao và tập trung đông nhất các trường ĐH, CĐ, TCCN và trường nghề.
Nguồn nhân lực TP. HCM phát triển theo chiều hướng ngày càng tăng, số lượng đào tạo thường năm sau cao hơn năm trước; loại hình đào tạo cũng đa dạng, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư. Số lượng trường đại học và cao đẳng trên địa bàn tăng nhanh theo đà phát triển kinh tế. TP. HCM có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật vừa đông về số lượng (hàng chục nghìn người), vừa được đào tạo rất đa dạng từ các nguồn khác nhau, có đủ trình độ để tiếp thu khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới. Với những thành tựu đã đạt được, cùng với thế mạnh về nguồn lực khoa học kỹ thuật, thành phố đã trở thành trung tâm đào tạo khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ của vùng và cả nước.
Trong năm học 2009 – 2010, toàn thành phố có 638 cơ sở giáo dục mầm non, 467 trường cấp I, 239 trường cấp II, 81 trường cấp III và 55 trường cấp II, III, tổng cộng 1.308 cơ sở giáo dục của thành phố có 1.169 cơ sở công lập và bán công, còn lại là cơ sở dân lập, tư thục. TP. HCM hiện nay cũng có 40 trường Quốc tế do các Lãnh sự quán, công ty giáo dục đầu tư.
TP. HCM cũng đã phát triển được mạng lưới trường chuyên nghiệp gấp 3 lần so với năm 2000. Tổng số trường, cơ sở đào tạo TCCN: 43, trong đó trường đại học, cao đẳng: 10, trường TCCN: 33 (ngoài công lập 27). Cùng với hệ thống trường chuyên nghiệp nêu trên, TP. HCM có hệ thống khá lớn các trường dạy nghề từ sơ cấp
nghề, Trung cấp nghế đến CĐ nghề do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý cùng song hành thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề nghiệp của thành phố (có 390 cơ sở đào tạo nghề gồm: CĐN: 9, TC nghề: 26, Trung tâm dạy nghề: 75, các cơ sở khác: 280)
Bên cạnh hệ thống trường chuyên nghiệp, dạy nghề do Thành phố quản lý, trên địa bàn thành phố còn có 40 trường đại học, 28 trường cao đẳng, 08 trường TCCN và các cơ sở dạy nghề thuộc các Bộ, ngành TW quản lý. Hàng năm, hệ thống trường này cũng thu hút một bộ phận học sinh thành phố vào học.
Với mạng lưới trường lớp dày đặc như thế, hệ thống các trường ĐH, CĐ, TCCN và các cơ sở giáo dục của thành phố và TW trên địa bàn đã góp phần tích cực đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nhiều trường, cơ sở đào tạo là đơn vị công lập đã có quy trình đào tạo từ nhiều năm, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ sư phạm luôn được quan tâm, củng cố, đổi mới nên quy mô đào tạo không ngừng được tăng lên, các trường ngoài công lập phát triển nhanh chóng, nhưng địa điểm thành lập trường theo các điều kiện cơ sở vật chất cụ thể của chủ đầu tư nên mạng lưới các trường chuyên nghiệp nói chung còn nhiều yếu tố bất hợp lý. Mạng lưới các trường tập trung ở các quận nội thành và ven nội, còn nhiều khu kinh tế trọng điểm, vùng dân cư mới, khu công nghiệp chưa có trường để đáp ứng cho việc đào tạo nhân lực tại chỗ.