Vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của giáo viên tiểu học

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ở các trường tiểu học huyện thanh miện, tỉnh nghệ an luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 38 - 41)

7 Cấu trúc của luận văn

1.3.3 Vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của giáo viên tiểu học

1.3.3.1. Vai trò của giáo viên Tiểu học

Điều 15, Chương I, Luật Giáo dục 2005 qui định vai trò trách nhiệm của nhà giáo nói chung: “Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục. Nhà giáo phải không ngừng học tập, rèn luyện nêu gương tốt cho người học. Nhà nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; có chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình; giữ gìn và phát huy truyền thống quý trọng nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học”.

Giáo viên Tiểu học là bộ phận lâu đời nhất trong đội ngũ giáo viên nước ta, xuất hiện ngay từ giai đoạn sơ khai của nền giáo dục nước nhà. ở giai đoạn nào, giáo viên tiểu học cũng là bộ phận đông đảo nhất, gắn bó mật thiết với nhân dân. Trong tâm trí mọi lứa tuổi trong cộng đồng dân cư, hình thành người thầy để lại dấu ấn sâu đậm thường là hình ảnh người giáo viên thuở khai trí con đường học vấn của họ.

Đội ngũ giáo viên là yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng giáo dục. Giáo dục tiểu học là bậc học nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân, là bậc học đầu tiên của giáo dục phổ thông, nơi giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức cơ bản, tổng hợp cho học sinh mà còn là người định hướng, định hình các giá trị đạo đức, nhân cách cho lớp người nhỏ tuổi trước khi bước vào đời. Lời nói, cử chỉ, cuộc sống lao động sư phạm của người giáo viên tiểu học có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách của học sinh.

* Có thể xác định, vai trò của người giáo viên Tiểu học:

- Giáo viên Tiểu học là nhân tố quan trọng trong việc xây dựng bậc Tiểu học trở thành bậc học nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân, tạo điều

kiện cơ bản để nâng cao dân trí và trang bị những cơ sở ban đầu hết sức trọng yếu để phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam tương lai.

- Giáo viên Tiểu học là người giữ vai trò chủ yếu trong việc thực hiện phổ cập GDTH, do vậy người giáo viên trở thành người sâu sát, gần gũi nhất với mọi người và là người thầy đầu tiên đối với mỗi công dân tương lai.

- Học sinh Tiểu học tiềm ẩn nhiều khả năng phát triển song do chưa có kinh nghiệm về cuộc sống nên các em tiếp thu không chọn lọc cả cái tốt lẫn cái xấu trong xã hội. Giáo viên tiểu học là người có uy tín, là “thần tượng” đối với lứa tuổi nhỏ. Lời thầy là sự thuyết phục, cử chỉ của thầy là mẫu mực, cuộc sống là lao động của thầy, là tấm gương đối với các em. Giáo viên Tiểu học giữ vai trò quyết định sự phát triển đúng hướng của các em, ấn tượng về người thầy tiểu học giữ mãi trong các em.

- Phù hợp với đặc điểm tâm lý, sinh lý học và nét truyền thống từ xưa đến nay, mỗi lớp tiểu học chủ yếu có một giáo viên làm chức năng “tổng thể” tương ứng với cả một ê kíp giáo viên bậc học khác. Do đặc điểm lao động sư phạm ở Tiểu học như vậy, nghề dạy học Tiểu học là nghề quan trọng và thầy giáo Tiểu học cũng là nhân tố quyết định về sự phát triển và về chất lượng giáo dục của mỗi lớp học Tiểu học của từng học sinh Tiểu học.

1.3.3.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của giáo viên Tiểu học

Giáo viên Tiểu học chịu trách nhiệm giảng dạy, tạo điều kiện để phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh trong việc tiếp thu kiến thức các môn học và thực hiện việc giáo dục toàn diện đối với học sinh cấp Tiểu học theo đúng chương trình, kế hoạch của cơ quan quản lý giáo dục các cấp quy định.

Nhiệm vụ, quyền của giáo viên tiểu học được quy định tại Điều 34, 35, Điều lệ trường Tiểu học 2010 (Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2010/TT- BGD&ĐT ngày 30/12/2010 của Bộ GD&ĐT).

* Nhiệm vụ của giáo viên (Điều 34- Điều lệ trường Tiểu học 2010) - Giảng dạy, giáo dục đảm bảo chất lượng theo chương trình giáo dục, kế hoạch dạy học; soạn bài, lên lớp, kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh; quản lí học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động chuyên môn; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giảng dạy và giáo dục.

- Trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh, thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

- Học tập, rèn luyện để nâng cao sức khỏe, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy.

- Tham gia công tác phổ cập giáo dục tiểu học ở địa phương.

- Thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và của ngành, các quyết định của Hiệu trưởng; nhận nhiệm vụ do Hiệu trưởng phân công, chịu sự kiểm tra, đánh giá của Hiệu trưởng và các cấp quản lí giáo dục.

- Phối hợp với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, gia đình học sinh và các tổ chức xã hội liên quan để tổ chức hoạt động giáo dục.

* Quyền của giáo viên (Điều 35 - Điều lệ trường Tiểu học 2010)

- Được nhà trường tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục học sinh.

- Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; được hưởng nguyên lương, phụ cấp và các chế độ khác theo quy định khi được cử đi học.

- Được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ. Được hưởng mọi quyền lợi về vật chất, tinh thần và được chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ theo chế độ, chính

sách quy định đối với nhà giáo.

- Được bảo vệ nhân phẩm, danh dự.

- Được thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ở các trường tiểu học huyện thanh miện, tỉnh nghệ an luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(166 trang)
w