1.6.1.Vị trí của trường THCS.
Điều 6 Chương 1 Luật Giáo dục ghi rõ: Hệ thống giáo dục quốc dân gồm: - Giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo;
- Giáo dục phổ thông có hai bậc học là bậc tiểu học và bậc trung học; bậc trung học có hai cấp là cấp THCS và cấp THPT;
- Giáo dục nghề nghiệp có trung học chuyên nghiệp và dạy nghề;
- Giáo dục đại học đào tạo hai trình độ là trình độ cao đẳng và trình độ đại học; giáo dục sau đại học đào tạo hai trình độ là trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.
Giáo dục THCS là cấp cơ sở của bậc trung học, cấp học này tạo tiền đề cho phân luồng và liên thông giữa giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp.
Giáo dục THCS là cấp học phổ cập phải “bảo đảm cho hầu hết thanh, thiếu niên sau khi hoàn thành tiểu học tiếp tục học tập để đạt trình độ THCS trước khi hết tuổi 18, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” (NQ số 40/2000/QH 10) [27]. Mục tiêu của giáo dục THCS là nhằm giúp cho học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục tiểu học, có trình độ học vấn phổ thông cơ sở và những hiểu biết ban đầu về KTHN để tiếp tục học trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động.
Sơ đồ 1.3. Vị trí của giáo dục THCS trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Như vậy trường THCS là cơ sở giáo dục của bậc trung học, bậc học nối tiếp bậc tiểu học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm hoàn chỉnh học vấn phổ thông.