BẢN DỊCH 2 BÀI KÝ TRÊN BIA ĐÁ TẠI ĐỀN THỜ THÁM HOA MAI ANH TUẤN.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hoá làng hậu trạch (xã nga trạch, huyện nga sơn, tỉnh thanh hoá) từ thế kỹ x đến năm 2009 (Trang 142 - 145)

TUẤN.

* Bài ký thứ 1:

Sau ngày rằm tháng 5 năm Tân Sửu (1901), Ồng Nguyễn Lương Bính làm việc ở Hà Trung đã về hưu mới từ làng Hậu Trạch huyện Nga Sơn trở về cho biết ngày 5 tháng 5, việc xây dựng lại nhà thờ Thám Hoa Mai Tướng công đã hoàn thành. Trước đây, ngày mồng 3 tháng 3 năm Tự Đức thứ 20

(1867), từ đường đã xây dựng xong. Các quan trong tỉnh như ngài Bố chánh sứ Lê Lương Bạt, ngài Án sát sứ Bùi Thái Bút, các vị khoa bảng trong hạt, các quan chức, thân hào, nho sinh đã vui lòng đóng góp công sức, tiền của đều được ghi lại để kỷ niệm một việc làm tốt.

Ngày 4 tháng 4 năm Canh Tý (1900), các bậc kỳ lão trong làng thấy ngôi từ đường xuống cấp thì không vui vì thấy nhà thờ hình vuông, chật hẹp và ẩm thấp nên đã dời lên phía trên, thay đổi kiểu xây, dùng gạch cuốn hai gian, phía trên bái đường thì dùng gỗ lim, phía dưới xây gạch..., có bình phong và mở rộng thêm nhà cũ. Các cụ nghĩ rằng: Ngài Thám hoa ta chỉ là một vị quan nhỏ mà lại dám nói thẳng, không né tránh, đối đầu với kẻ địch mạnh mà coi cái chết như không! Ngài đâu phải thích thú làm việc ấy ? Đó là một việc làm xứng đáng được thờ ở nơi đô thành, quốc miếu ở nước ta. Sự biểu hiện tấm lòng trung quân, sự hy sinh oanh liệt trong việc phò vua giúp nước rực rỡ như vậy, đâu phải chỉ đáng thờ cúng trong ngôi từ đường chật hẹp của một thôn ? Trách nhiệm với di tích danh thắng là một việc thôi thúc ta, đền thờ và phần mộ của bậc tiên hiền cũng thôi thúc ta, những việc đó đều đáng ghi chép lại, và việc làm rất cần thiết, lẽ nào ta lại lấy cớ ít học mà từ nan theo thói thường ? Như vậy thì cái phong độ của Thám Hoa tiên sinh, dù cho tới nghìn năm sau, ai nghe cũng đều cảm động, đều biết rõ việc làm cao quý của người xưa.

Ngay 5 tháng 5 là ngày tốt được chọn làm lễ khánh thành. Tổng kết số tiền thu được : 1372 quan.

Công thợ hết : 992 quan. Vậy khắc vào bia đá để ghi nhớ việc tốt này. Ngày 15 tháng 5 Thành Thái thứ 13 (1901).

Tổng đốc Hà Nội: Văn Trì Vương Tử Cán hiệu là Duy Trinh kính ghi. Yên vực Sỹ nhân Lê Viết Bút kính viết chữ.

Thợ đá Nguyễn Hoằng Hưởng kính khắc bia.

* Bài ký thứ 2:

Thanh Hóa là đất “thang mộc” đồng thời là “Cửa Khổng” (là căn cứ quân sự quan trọng của Triều Nguyễn và là nơi có nhiều người tài giỏi).

Tôi giữ chức trách ở tỉnh này vẫn thường lo lắng việc tôn thờ nhân tài ở đây. Từ khi nhận chức đến nay, mới đến thăm quê hương quan Thượng thư họ Nguyễn ở huyện Hoằng Hóa, đến huyện Đông Sơn thăm cố hương ngài Nguyễn Mã Đồng, vị trung thần tiết nghĩa nhà Lê, đến Ngọc Lặc thăm quê hương quan Thị độc học sĩ họ Lê. Tùy theo từng công thần, tôi giúp làm lại nhà thờ hoặc xây từ đường thờ các vị. Những việc xây dựng như vậy là để giúp cho việc tôn thờ những kẻ sỹ có công, có đức. Lần này về Nga Sơn, tôi lại tham gia làm nhà từ đường quan Học sỹ họ Mai.

Họ Mai là một dòng họ lớn ở Nga Sơn. Ông Thiều Dĩnh họ Mai là người nổi tiếng về văn học, còn quan Thám hoa lại là người đầu tiên của Triều ta đỗ đến tam khôi. Họ tên ngài được khắc trên bia và lưu truyền trong giới học giả. Sinh thời, ngài là người tài học uyên thâm, đức độ nghiêm chính, được nhà vua biết, lựa chọn, cất nhắc xứng đáng. Khi làm quan, ngài luôn giữ gìn khí tiết thanh liêm, việc xin nhường ấm phong cho bà đích mẫu của ngài được người đời khen là có hiếu, khi lâm sự thì ngài dám nói, được nhiều người khen là thẳng thắn, gặp lúc nguy nan thì dám xả thân, quỷ thần phải thương khóc vì gương trung liệt. Ngài mất đi, Thánh thượng không ngừng thương tiếc vì mất một bề tôi trung lương bậc khanh đại phu, còn các kẻ sỹ trong nước đã thương xót ngài mà rơi lệ. Phẩm chất của ngài còn lưu truyền mãi mãi và ghi trên bia đá, chính khí của ngài tràn khắp không gian như mây như gió, truyền mãi trong lòng người đến vô cùng. Xây từ đường thờ ngài là vì thế chứ có phải làm nhà cho con cháu ở đâu!

Tuy nhiên, kẻ sỹ đại phu lập thân trên đời, có tài năng được thiên hạ biết đến thì có đươc mấy người, thế mà thành tựu cuối cùng lại không gặp điều may mắn. Ôi! có phải là định mệnh hay sao ? Của báu trong thiên hạ thì được mọi người yêu quý, người xưa đã thường cảm khái, thương tiếc nhân tài. Chẳng thế mà chuyện chàng Giả Nghị qua đời từ khi giúp việc cho Trường Sa Vương đời Hán ở đất Sở, thế mà mấy trăm năm sau, Ông Hàn Xương Lê còn làm bài văn viếng mộ người đời trước, huống hồ phong thái, sự nghiệp của Mai tiên sinh mà mọi người được nghe, được biết đều quý trọng, xót thương.

Việc xây dựng từ đường Mai học sỹ này do các bậc nhân sỹ toàn huyện Nga Sơn, không ai bảo ai mà cũng nhất trí tán đồng. Những người có hằng tâm hằng sản đều đem tiền và hiện vật đến giúp. Qua việc này, ta lại thấy lòng người đồng tâm nhất trí, phong tục dân ở đây thật thuần hậu. Những điều này không thể để cho mai một, vì vây ta ghi lại và khắc vào bia đá để truyền lại lâu dài.

Ngày 3 tháng 3 năm Tự Đức thứ 20 (1867).

Nguyên Bố chánh sứ Thanh Hóa thăng chức Thự Hộ bộ Hữu Tham tri Lê Lương Bạt kính soạn.

Án sát sứ Thanh Hóa Bùi Thái Bút kính viết chữ.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hoá làng hậu trạch (xã nga trạch, huyện nga sơn, tỉnh thanh hoá) từ thế kỹ x đến năm 2009 (Trang 142 - 145)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(181 trang)
w