Lịch sử hình thành và phát triển của làng.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hoá làng hậu trạch (xã nga trạch, huyện nga sơn, tỉnh thanh hoá) từ thế kỹ x đến năm 2009 (Trang 26 - 31)

"Làng xã là một cộng đồng có tính chất dân tộc học, xã hội học và tín ngưỡng. Nó hình thành trong quá trình liên hiệp tự nguyện giữa người dân lao động trên con đường chinh phục những vùng đất gieo trồng" [66, tr.11]. Chính bởi vậy, khi tìm hiểu một làng xã cổ truyền với những giá trị văn hóa truyền thống mang tính đặc thù của làng thì đòi hỏi người nghiên cứu phải tìm về nguồn gốc xa xưa của nó. Ngay từ buổi đầu lập làng, cư dân đã bắt đầu gây dựng đời sống vật chất ổn định để từ đó tạo nên một cộng đồng làng xã có đời sống văn hóa phong phú cùng với một kết cấu xã hội hoàn chỉnh.

Hậu Trạch là một làng quê hình thành từ sớm. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài với nhiều lý do khác nhau mà nguồn tài liệu viết về làng đã bị thất lạc. Tuy nhiên căn cứ vào dấu vết hiện còn cùng với một số dữ liệu thông sử, gia phả, văn bia, địa danh, đã giúp chúng tôi rất nhiều vào việc tìm về nguồn gốc xa xưa của làng.

Cho đến nay, chưa phát hiện được những dấu vết của người cổ ở Nga Thạch, nhưng Nga Sơn là vùng đất cổ, trên đôi bờ sông Lèn, sông Chính Đại và

cả ở vùng đất sát với biển, thuộc các xã Nga Phú, Nga An đã tìm thấy dấu vết hoạt động của con người ở các thời đại khác nhau.

Phía Bắc của huyện Nga Sơn, trên bờ nam của sông Chính Đại, tại các xã: Nga Phú, Nga Thiện, Nga Giáp đã phát hiện được những chứng cứ vật chất về hoạt động của con người từ thời đại đồ đồng, cách ngày nay khoảng 4000 năm.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Huy Đỉnh đã có cơ sở khi ông cho rằng, thời tiền sử đã có một bộ lạc định cư ở cửa biển Thần Phù, sau đó thiên di lên vùng chân núi Ba Vì.

Di tích, lễ hội, truyền thuyết về Mai An Tiêm ở các xã ven biển phía bắc Nga Sơn đã cho thấy, từ thời các vua Hùng dựng nước Văn Lang, vùng đất này đã có hoạt động của con người.

“Dấu vết bãi Mai An Tiêm, đền thờ Mai An Tiêm, cùng với quả dưa đỏ và lễ hội Mai An Tiêm hàng năm được tổ chức trên vùng đất Nga Sơn, là những chứng cứ lịch sử góp phần khẳng định vùng đất Nga Sơn đã được khai phá từ thời các vua Hùng dựng Nước Văn Lang. Vùng đất liền và các đảo trên vùng biển đã thuộc quyền quản lý của Nhà nước Văn Lang” [4, tr.19]. Trải qua những biến thiên của lịch sử, đến nay họ Mai là dòng họ lớn nhất, phổ biến trên toàn bộ vùng đất Nga Sơn- quê hương của huyền thoại quả dưa đỏ. Họ Mai cũng là dòng họ có số lượng nhân khẩu đông nhất ở làng Hậu Trạch.

Phía nam Nga Sơn, trên bờ nam của sông Lèn, đối diện với xã Nga Thạch là địa bàn hoạt động chủ yếu của chủ nhân văn hóa Hoa Lộc.

Vùng đất phía Bắc sông Lèn, đối diện với khu vực trung tâm của văn hóa Hoa Lộc cũng nằm trong địa bàn hoạt động của chủ nhân văn hóa Hoa Lộc. Người Hoa Lộc xưa đã vượt sông Lèn đến các ngọn núi đá ở phía Bắc xã Nga Thạch, khai thác đá phục vụ việc chế tác các loại công cụ sản xuất, vũ khí và đồ trang sức. Từ đôi bờ sông Lèn, cửa Lạch Trường, Lạch Sung người

Hoa Lộc xưa đã mở rộng địa bàn hoạt động và có mối liên hệ văn hóa với các tộc người ở châu thổ sông Mã và các vùng xa hơn. Mối quan hệ giữa chủ nhân văn hóa Hoa Lộc với các nền văn hóa khác ở châu thổ sông Lam, sông Mã, sông Hồng được xem là chìa khóa trong việc tìm hiểu lịch sử buổi đầu dựng nước của dân tộc. [21, tr.156].

Chủ nhân văn hóa Hoa Lộc là người đầu tiên chinh phục và khai phá vùng đồng bằng ven biển Hậu Lộc, Nga Sơn. Việc chinh phục và khai phá vùng đất này đã đặt cơ sở cho việc khai phá vùng đất ven biển phía bắc Thanh Hóa sau này.

Lịch sử khai phá hình thành các làng Hậu Trach - Nga Thạch được sử sách ghi chép được bắt đầu từ thời Lý.

Thời Lý, trên vùng đất ven sông Lèn thuộc địa phận xã Nga Thạch ngày nay đã hình thành các vạn chài. Từ các vạn chài chuyên làm nghề đánh cá đã hình thành các làng vạn chài. Do điều kiện thuận lợi trong việc đánh bắt và khai thác thủy, hải sản nên dân số ở đây tăng nhanh, các làng được mở rộng dần. Đến cuối thời Lý ở đây đã hình thành một làng chài với số dân tương đối đông.

Lịch sử khai phá và xây dựng làng xã ở vùng đất Nga Thạch gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng bãi bồi ven sông Lèn. Trong các làng của Nga Thạch hôm nay. Sớm nhất là làng Hậu Trạch, sau đó đến các làng khác:

Làng Hậu Trạch là làng cổ, được tạo dựng sớm nhất ở xã Nga Thạch vào thời Lý. Theo lời truyền văn, vào thời Lý có một số cư dân đánh cá đến tụ cư ở bãi đất bồi phía Nam xã Nga Thạch ngày nay. Nhóm cư dân đánh cá đã tụ cư trên một vùng đất có tên là Bái Lưới (nơi dân chài phơi lưới đánh cá). Do ngư trường đánh cá thuận lợi nên có nhiều người đến tụ cư. Từ một điểm tụ cư đầu tiên mang tên là Bái Lưới được đổi thành làng Vạn Chài. Làng Vạn Chài

lúc này chuyên đánh cá cửa sông Lèn trở thành nơi neo đậu của các thuyền đánh cá.

Đến cuối thời Lý, dân cư ngày một đông đúc, làng Vạn Chài đã tiến hành xây một ngôi chùa đặt tên là Thạch Tuyền tự. Sau khi khánh thành chùa, làng Vạn Chài đổi tên thành Thạch Tuyền Vạn (làng mang tên chùa). Có lẽ, chữ Thạch (Nga Thạch) bắt nguồn từ chữ “Thạch Tuyền”.

Đến thời Lê (thế kỷ 15) Thạch Tuyền Vạn đổi tên thành Bảo Đạc thôn. Thời kỳ này Bảo Đạc thôn khá sầm uất, dân cư đông đúc, việc học hành phát triển. Các cụ trong làng tự hào về sự hiếu học đã lấy câu của 72 người học trò ca ngợi đức Khổng tử "Dĩ phu tử như Mộc Đạc” và đặt tên thôn là Bảo Đạc. (Mộc Đạc: là cái mõ gỗ quý của Đức Thánh hiền, đánh đâu kêu đó, kêu rất dài và to, ý nói ca ngợi thầy Khổng Tử học rộng, tài cao, kinh sử thông thạo.)

Theo dòng chảy của lịch sử, địa danh Nga Thạch cũng có sự thay đổi trong hệ thống làng xã ở Nga Sơn.

Xã Nga Thạch đầu thế kỷ XIX, thời Nguyễn thuộc tổng Thạch Tuyền, huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung. Tên làng Thạch Tuyền được gắn với tên chùa Thạch Tuyền và trở thành tên đơn vị hàng tổng. “Tổng Thạch Tuyền là một trong 6 tổng của huyện Nga Sơn, có 19 xã, thôn, sở; thôn Bảo Đạc thuộc xã Thạch Tuyền; thôn Văn Suối, thôn Trung Nại, thôn Thanh Lãng, thôn Đông thuộc xã Minh Đương; thôn Trung, thôn Đoài, sở Minh Dương, thôn Hà thuộc xã Bạch Câu; thôn Hoàng Cát, thôn An, thôn Hậu, thôn Đông, thuộc xã Nhân Lý; thôn Đoài, thôn Đồng Đội thuộc xã Sơn Đầu; thôn Báo Biển, thôn An Lạc, thôn Hội Kế, Hanh Cù” [6, tr.156]. Đến giữa thế kỷ XIX (năm 1841) theo Đồng Khánh dư địa chí, tổng Thạch Tuyền vì kiêng đồng âm chữ Tuyền (tên huý của Thiệu Trị) đổi là Tổng Thạch Giản. Dưới triều vua Khải Định, Bảo Đạc thôn đổi thành làng Hậu Trạch.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực hiện chủ trương của trên bỏ đơn vị hành chính cấp tổng, thành lập xã, xã Thạch Giản ra đời. Tháng 4 năm 1946, Ủy ban hành chính xã Thạch Giản được thành lập trên cơ sở ủy ban cách mạng lâm thời ở các thôn Hậu Trạch, Phương Phú, Trung Thành và Thanh Lãng. Tháng 10 năm 1947, sát nhập xã Thạch Giản với xã Sơn Đầu, xã Long Vân thành xã Phượng Mã. Ngày 8 tháng 6 năm 1954, xã Phượng Mã chia làm 3 xã: Nga Thạch, Nga Nhân, Nga Lĩnh. Ủy ban Kháng chiến hành chính Thanh Hóa đã quyết định thành lập Ủy ban kháng chiến hành chính xã Nga Thạch gồm các làng: Hậu Trạch, Phương Phú, Trung Thành và làng Thanh Lãng. Từ đó đến nay, đơn vị hành chính của xã ít thay đổi. Tuy nhiên, do sự tăng trưởng về dân số có sự điều chỉnh. Làng Hậu Trạch cũ vẫn giữ nguyên tên làng nhưng được chia thành các thôn: Hậu Trạch 1, Hậu Trạch 2 và Hậu Trạch 3; làng Phương Phú giữ nguyên tên cũ và chia thành hai thôn: Phương Phú 1 và Phương Phú 2; làng Thanh Lãng được phân thành hai thôn: Thanh Lãng 1 và Thanh Lãng 2; làng Trung Thành cũng được phân thành hai thôn: Trung Thành 1 và Trung Thành 2.

* Tiểu kết.

Nằm trong khu vực đồng bằng châu thổ xứ Thanh, nên ngay từ sớm Hậu Trạch đã có điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi để cư dân ổn định cuộc sống nông nghiệp và phát triển kinh tế đa ngành.

Với vị trí tiếp giáp giữa huyện Nga Sơn và Hậu Lộc, Hậu Trạch được xem là nơi giao lưu và tiếp nhận văn hóa giữa hai địa phương trên. Đó là cơ sở để Hậu Trạch chọn lọc và kết tinh nét văn hóa đặc sắc cho mình.

Địa hình đất đai là cơ sở quan trọng để khẳng định sự định cư của con người sớm hay muộn. Làng Hậu Trạch nằm trên nền địa hình ổn định. Đây là

một trong những điều kiện để làng quê này được hình thành sớm và nhanh chóng phát triển thành một cộng đồng dân cư đông đúc, sầm uất vào thế kỷ XI.

Sông ngòi, khí hậu là những yếu tố quan trọng tác động rất lớn tới sự hình thành và phát triển của các làng Việt. So với các làng quê khác ở xứ Thanh, làng Hậu Trạch có hệ thống sông ngòi khá phong phú, khiến cho cuộc sống nơi đây thêm trù phú, cây cối tốt tươi. Hơn nữa, lại nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới với việc phân chia thành các mùa rõ rệt nên Hậu Trạch có điều kiện tăng năng suất cây trồng, mở rộng diện tích canh tác, đưa lại giá trị sản xuất cao, góp phần ổn định cuộc sống lâu dài.

Căn cứ vào nguồn tài liệu thư tịch, văn bia, kết hợp với nguồn tư liệu địa phương thì làng Hậu Trạch có thời gian hình thành từ sớm - thế kỷ X và phát triển rực rỡ vào thế kỷ XI. Thời kì này, Hậu Trạch là một tụ điểm văn hóa nổi tiếng, là nơi được nhiều vị vua ghé thăm và khen ngợi. Đó là nền tảng để các thời kì tiếp theo làng quê này có điều kiện sát cánh cùng với lịch sử dân tộc trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Qua các triều đại phong kiến, Hậu Trạch còn tự hào là đất khoa bảng, nơi sản sinh ra các bậc hiền tài cho đất nước, tạo nên một nét văn hóa đặc trưng trong quá trình hình thành và phát triển của làng.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hoá làng hậu trạch (xã nga trạch, huyện nga sơn, tỉnh thanh hoá) từ thế kỹ x đến năm 2009 (Trang 26 - 31)