Thủ công nghiệp.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hoá làng hậu trạch (xã nga trạch, huyện nga sơn, tỉnh thanh hoá) từ thế kỹ x đến năm 2009 (Trang 62 - 64)

Đặc điểm bao trùm nhất trong lịch sử thủ công nghiệp Việt Nam cũng như ở Hậu Trạch là sự kết hợp chặt chẽ với nông nghiệp dưới nhiều hình thức và góc độ khác nhau.

Thủ công nghiệp là ngành kinh tế hỗ trợ cho nông nghiệp. Được hình thành trên cơ sở của các yêu cầu sản xuất nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

Ở rất nhiều nơi trên đất xứ Thanh, thủ công nghiệp không chỉ là nghề phụ mà còn là nghề đem lại thu nhập chính cho người nông dân. Theo thống kê, trong số 38 làng nghề chủ yếu ở Thanh Hóa thì hầu hết là các nghề phụ như đan cót, làm gốm, dệt, đan chiếu cói, bện thừng. Đối với những nghề thủ công mang tính chất phục vụ cho nông nghiệp thì người nông dân tranh thủ những lúc nông nhàn "ngày ba tháng tám", thức khuya dậy sớm, tận dụng mọi

thứ nguyên liệu sẵn có để sản xuất ra các vật liệu tiêu dùng và tháo gỡ những khó khăn nảy sinh trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Cũng như bao làng quê khác, nghề chính của người dân Hậu Trạch vẫn là nghề làm ruộng, trồng lúa. Bên cạnh đó, còn có nghề thủ công dóc quại, xe lõi. Ban đầu sản phẩm làm ra chỉ phục vụ cho nghề nông theo kiểu tự cung tự cấp trong các gia đình. Trải qua thời gian, nghề có bước phát triển nhanh chóng. Sản phẩm quại và lõi không chỉ cần thiết đối với Hậu Trạch mà còn đáp ứng nhu cầu sử dụng của hầu khắp các gia đình ở xứ Thanh, đồng thời còn phục vụ cho xuất khẩu. Do vậy trong cơ cấu kinh tế của Hậu Trạch, nghề thủ công thực sự đóng vai trò quan trọng, đem lại giá trị thu nhập tương đương với nghề trồng lúa "ruộng bề bề không bằng nghề trong tay".

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của làng, một số ngành nghề mới được du nhập làm phong phú thêm cơ cấu ngành nghề và tăng thu nhập. Một số gia đình mở xưởng mộc, ban đầu để đáp ứng nhu cầu của người dân chuyên sản xuất các mặt hàng dân dụng như cửa, bàn, ghế, tủ, sập..., đồng thời dần đưa hàng thủ công mỹ nghệ vào sản xuất. Công cụ chế tác đã hiện đại hóa, không còn là đục, đẽo hay cưa bằng tay, mà chủ yếu sử dụng máy móc...

Vốn năng động, nhạy bén, biết nắm bắt cơ chế thị trường, các hộ sản xuất đồ gỗ ở Phúc Lộc đã đầu tư vốn xây dựng lán, xưởng, mua máy móc, thiết bị công nghệ sản xuất theo quy mô hiện đại, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ngừng được mở rộng.

Nghề mộc Hậu Trạch phát triển, tạo ra nguồn thu lớn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Những người thợ chính có mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/tháng, thợ phụ thu nhập trên 1,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của làng nghề đã xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn gây ra từ các cơ sở sản xuất.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hoá làng hậu trạch (xã nga trạch, huyện nga sơn, tỉnh thanh hoá) từ thế kỹ x đến năm 2009 (Trang 62 - 64)