Các kết quả nghiên cứu của ngành khảo cổ học cho biết, Nga Sơn thuộc vùng đất cổ xưa của xứ Thanh. Ngay từ rất sớm đã có người tiền sử sinh sống. Trải qua quá trình tiến hóa lâu dài với sự ổn định nơi cư trú, cư dân Việt cổ đã kiến tạo và xây dựng thêm những vùng đất mới.
Thời Tiền Lê cư dân làng Hậu Trạch định cư theo hình thức nhóm họp thành một vài tụ điểm dân cư làm nghề chài lưới.
Trải qua các triều đại phong kiến, sự tăng hay giảm dân số ở làng không được sử sách ghi chép lại. Cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, dân số làng Hậu Trạch khoảng trên 1000 người. Theo số liệu điều tra dân số năm 2010 thì tổng số khẩu của làng là 1748 người với 425 hộ.
Theo số liệu thống kê về chỉ báo gia đình xã Nga Thạch từ năm 2000 đến 2009 thì số nhân khẩu làng Hậu Trạch luôn chiếm khoảng 30% tổng nhân khẩu toàn xã.
Bảng 1: Bảng thống kê nhân khẩu xã Nga Thạch từ 2000 - 2009
Năm Số hộ Tổng số Số khẩuNam Nữ
2009 1312 5562 2630 2932 2008 1310 5558 2629 2929 2007 1311 5578 2666 2912 2006 1290 5345 2565 2780 2005 1241 5533 2644 2889 2004 1253 5498 2639 2859 2003 1239 5488 2628 2860 2002 1261 5416 2599 2817 2001 1251 5261 2499 2762 2000 1245 5286 2560 2726 (Nguồn: Địa chính xã)
Trong cộng đồng làng xã nói chung, một gia đình có nhiều thế hệ cùng sinh sống vẫn là mô hình lý tưởng nói lên sự đoàn kết, đầm ấm, hạnh phúc của mọi thành viên sống trong ngôi nhà ấy. Theo số liệu thống kê, thì sự phân bố số hộ gia đình hạt nhân và truyền thống ở các thôn thuộc Hậu Trạch tương đối đều nhau.
Hầu hết các hộ gia đình đều lấy kinh tế nông nghiệp làm chủ đạo. Do vậy, người phụ nữ giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là "tay hòm chìa khóa" trong gia đình, còn người đàn ông giữ vai trò quyết định song họ cũng thường xuyên tham gia phụ giúp những công việc đồng áng, cùng chia sẻ sự khó khăn với các thành viên khác.
Dân cư làng Hậu Trạch sinh sống theo từng cụm và phân bố chặt theo từng dòng họ. Theo tài liệu điền dã thì ở phía nam Hậu Trạch chủ yếu dòng họ Mai; phía tây là dòng họ Phạm, phía đông làng là dòng họ Nguyễn. Ngoài ra còn có nhiều dòng họ từ nơi khác đến sinh sống xen kẽ, quần tụ theo từng cụm, từng nhóm nhưng hoàn toàn không tách biệt mà liên kết chặt chẽ với nhau theo "tình làng nghĩa xóm", "tối lửa tắt đèn" có nhau, tạo nên một cộng đồng làng xã khép kín với một truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa làng.
Nếu như xóm là một tổ chức tập hợp người dựa trên quan hệ láng giềng thì dòng họ lại là một tổ chức tập hợp người theo quan hệ huyết thống, là đơn vị cộng cảm về huyết thống, trên cơ sở quan niệm về ông tổ chung, được củng cố nhờ gia phả (hay tộc phả), nhà thờ họ, lễ giỗ tổ.
Làng Hậu Trạch có lịch sử hình thành từ thế kỷ X và dòng họ Phạm có công lớn trong việc khai phá, mở mang diện tích cư trú và trồng trọt, biến những đồng lầy, bãi rậm, cồn hoang thành những cánh đồng mầu mỡ. Chính điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho dân cư từ các nơi khác quy tụ về đây sinh sống. Từ đó cộng đồng làng xóm hình thành với nhiều dòng họ khác nhau. Cho đến nay, mảnh đất Hậu Trạch là nơi định cư của 8 dòng họ, chung sống đoàn kết với tình làng nghĩa xóm sâu đậm, bền chặt.
Là một làng quê cổ, có thời gian hình thành sớm nên không tránh khỏi sự chuyển đi của các dòng họ. Có những dòng họ có mặt trên mảnh đất này từ sớm (họ Ngô, họ Khương) đến nay đã mất, không truy được gốc nguồn, có những dòng họ mới đến xây dựng cơ nghiệp từ vài ba trăm năm nay nhưng cũng không còn gia phả.
Từ nguồn điền dã cho biết các dòng họ chủ yếu là tộc người Kinh. Các dòng họ đến đây sinh cơ lập nghiệp theo từng thời gian khác nhau, mang những đặc điểm sau:
- Các dòng họ có gốc lâu đời tụ cư tại làng (chiếm tới 80% tổng số họ): họ Phạm, Mai (Mai Bình, Mai Quan), Nguyễn (Nguyễn Hữu, Nguyễn Tiến)....
- Các dòng họ khác (chiếm 20% tổng số họ) vì những lý do khác nhau tụ hợp về đây cùng sinh sống: họ Trịnh, họ Ngô, họ Lê, họ Trần ...
Trong số 8 dòng họ ở làng thì chỉ có 3 dòng họ còn giữ được gia phả: Họ Phạm, họ Mai, họ Nguyễn. Căn cứ vào nguồn gia phả và tư liệu điền dã chúng tôi thống kê các dòng họ theo thứ tự sau:
* Các dòng họ chính.
- Họ Phạm:
Dòng họ này, theo gia phả, lấy Phạm Thần Sứ làm sơ tổ, là dòng họ tồn tại lâu đời nhất ở Hậu Trạch (từ thế kỷ XI) cho đến nay là 35 đời. Theo gia phả của dòng họ Phạm còn ghi rõ về nguồn gốc của dòng họ xuất phát từ Phạm Thuần Chính – Quê ở Tô Châu Trung Quốc, là quan thanh tra đại thần đời Tống không rõ lý do nào lưu lạc sang nước ta đã chọn đất lành và lấy vợ là Lê Thị Ngọc Hương người vạn chài ở vùng quê. Sau ba năm chung sống sinh được hai con trai, người con trai cả không rõ họ tên, con trai thứ là cụ Phạm Thuần Sứ. Sau khi Lê Hoàn đánh thắng quân Tống, để giữ đường lối hòa hoãn đã cho thả các tù binh về nước đồng thời cho người sang nhà Tống triều cống, đây cũng là thời điểm Cụ Phạm Thuần Chính và con trai cả về nước. Trước khi về nước Cụ đã xây chùa Thạch Tuyền Tự để cho vợ và con thứ ở lại tu hành. Cụ Phạm Thuần Sứ, Tự là Huyền Khoa, Hiệu Phượng Sơn, sau này làm quan đến chức Hàn Lâm Đại Học Sỹ dưới đời vua Lý Thái Tông. Cụ kết hôn với bà Lê Thị Diệu – hiệu Từ Hiếu và sinh được hai con trai là Phạm Thuần Nhậm (có chỗ trong gia phả ghi là Phạm Thuần Nhiệm) và Phạm Thuần Y. Cụ Phạm Thuần Sứ mất ngày 15 tháng 02 âm lịch thọ 93 tuổi.
Sự xuất hiện của dòng họ Phạm cùng với chùa Thạch Tuyền đã biến Hậu Trạch lúc này mới chỉ là bãi đất hoang trở thành một tụ điểm văn hóa sôi nổi, thu hút nhiều cư dân đến sinh sống. Như vậy, dòng họ Phạm với sơ tổ là Phạm Thuần Sứ cùng các con cháu đã có nhiều đóng góp cho mảnh đất Hậu Trạch. Những đóng góp này có tác động rất lớn tới việc tạo nên cái nền cho sự phát triển của làng Hậu Trạch sau này.
- Họ Mai.
Mai Quan tộc tuy không phải là dòng họ có công lập làng, nhung đây là dòng họ có nhiều người (31 người) làm quan lớn trong triều đình, có nhiều công trạng được ghi danh vào sử sách; có lẽ vì thế nên gia phả và nhà thờ đại tôn ở đây được gọi là Mai Quan tộc. Tiêu biểu có các vị sau đây.
- Thời tiền Lê và thời Lý:
* Mai Thế Hùng, sinh năm Canh Thìn (940), lớn lên đến vùng đất Nga Thạch đánh bắt tôm cá, cấy lúa, trồng khoai và định cư tại đây. Năm 980 đầu quân theo Lê Hoàn, lập được nhiều công trạng, được phong Đô đốc thủy binh. Đến thời Lý Công Uẩn được phong Ý Quận công.
* Cháu nội là Mai Thế Nam, sinh năm 981, cưỡi ngựa bắn cung rất giỏi. Vua Lý phong tước Quận công (Bổm Quận công), phiêu kỵ đạo Tướng quân.
- Thời Trần:
* Mai Thế Phụ tước Hạnh Trực công, giỏi thiên văn, địa lý; được Trần Thánh Tông tuyên chỉ làm Hướng đạo tiên phong theo đường biển vào Nam đánh Chiêm Thành.
* Con trai là Mai Thế Tần, tước Trực Thông công, giỏi võ nghệ, được vua Trần tuyên chỉ làm Giáo đầu Cấm vệ quân.
* Mai Thế Châu, được Lê Cung Hoàng phong Toàn triều hầu do có công đánh Mạc Đăng Dung tại Thăng Long. Phong tước Toàn Quận công, khoa thi võ đăng tên bảng vàng. Phong tước Quốc công, chức Thái Bảo, trấn dự tuyến Sông Lô Tuyên Quang.
* Con là Mai Thế Huân, được Lê Trang Tông phong tước Mậu Quận công.
* Cháu là Mai Nghiêm Đạt được Lê Trang Tông phong tước Khuê Quận công.
Ba thế hệ đồng triều, cùng đánh nhà Mạc, được phong hàng tứ trụ. Đã có lần Lê Trang Tông thốt lên rằng: Tứ trụ có 4 ông thì họ Mai làng Thạch Tuyền đã chiếm mất 3, còn 1 ông sao không chiếm nốt. Còn gia phả họ Mai ghi là: Tứ trụ có 4 ông thì họ Mai làng Thạch Tuyền đã chiếm 3, còn 1 ông nhường cho họ khác.
* Bà chúa Mai Thị Ngọc Tiến, vợ Trịnh Cối, vì không có con, bà nuôi Trịnh Tráng con của Trịnh Tùng. Khi cháu ngoại là Mai Thế Xứng đúc trộm tiền đồng để cho dân nghèo, bị phát giác, vua bực tức lắm định làm cỏ cả làng, bà chúa đã mật báo cho dân làng nghĩ kế đối phó, mặt khác đã giúp cho cháu ngoại thoát được tội. Đầu năm Chính Hòa có biến, bà Tiến đã cùng Mai Thế Xứng giúp vua phá tan được âm mưu cướp ngôi vua, nên đã được vua phong cho Mai Thế Xứng chức Điện tiền đô sát, tước Diễn Hào hầu và gả công chúa họ Trịnh cho ông. Bà Tiến sau được phong Trung đẳng thần, gia phong thêm Thượng đẳng tôn thần. Vua có tặng bà đôi câu đối:
“Công tại vương gia, ân tại kỉ. Sinh vi quốc mẫu, tử vi thần”.
* Mai Thế Chuẩn, 29 tuổi đỗ tiến sĩ khoa Tân Hợi (1731). Sau đổi sang quan võ chức Hữu điểm quyền phủ sự, 5/1744 làm đốc trấn Cao Bằng, năm 1753, làm đốc trấn Lạng Sơn.
- Thời Nguyễn:
* Mai Thế Uông (con Mai Thế Chuẩn), đỗ tiến sĩ ngự sử bình chương, tước Lã Xuyên hầu.
* Mai Thế Trịnh, quan tri phủ, tước tử.
* Mai Anh Tuấn, trước tên là Mai Thế Tuấn, sinh năm Ất Hợi (1815), đỗ Thám Hoa năm quý mão (1843), là người khai hoa Tam khôi đầu tiên của triều Nguyễn.
Gia phả Họ Mai Quan thời kỳ trước cũng bị đứt đoạn, nên lấy cụ Mai Thế Châu (sinh khoảng năm 1495) làm thủy tổ, đến nay ghi được 15 đời.
Có một số người không rõ hậu sự, phần nhiều là những người hoặc là con của những người công thần:
* Đời thứ 2: Con trưởng và con thứ 3 của Thủy tổ Mai Thế Châu là Phù Triều hầu và Các Quản cơ.
* Đời thứ 3: Con trưởng của Mậu Quận công Mai Thế Huân là Uy Cường hầu.
* Đời thứ 4: Cai Cơ, Mai Thế Danh, Mai Thế Lạc. 3 người này là con Khuê Quận công Mai Nghiêm Đạt.
* Đời thứ 5: Bân Tường hầu và Thân Nghĩa hầu Mai Đốc Doãn con Diễn Hào hầu Mai Thế Xứng. Trạc Trung Hầu Mai Thế Đỉnh con Lân Tường hầu Mai Thế Ngọc.
* Đời thứ 6: Đinh Phương hầu Mai Thế Tường con Cổn Trạch bá Mai Thế Trung.
Có một số người chuyến đi nơi khác.
* Đời thứ 4: Con của Hoằng Quận công Mai Thế Khang là Thạch Quận công Mai Thế Mai Thế Quán đi Tây Mỗ; Mai Thế Tề đi Lý Nhân Đoài; 3 người (Hằng, Ất, Thành) đi Lạc Quần Nam Định.
* Đời thứ 5:Con của Quán Phương hầu Mai Thế Lâm là Mai Thế Trụ đi Hậu Lộc; Mai Thế Trí đi Trung Tự Hà Nội. Con của Cổn Trạch bá Mai Thế Trung là Mai Thế Tuyến đi Thái Nguyên; Trước Vũ bá đi Trung Nại
- Họ Nguyễn: Theo gia phả của dòng họ thì họ Nguyễn có nguồn gốc từ Hà Long (Hà Trung), ông tổ của dòng họ là Nguyễn Bặc (tướng tài nhà Đinh). Dòng họ Nguyễn đã đến định cư ở làng Hậu Trạch đến nay đã được 10 đời.
* Các dòng họ khác.
Ngoài những dòng họ lớn chiếm số đông dân số của làng, chúng tôi còn thống kê được 5 dòng họ khác: họ Trịnh, Ngô, Lê, Trần, Khương. Các dòng họ này hầu hết đều mới đến định cư ở làng sớm nhất là từ thế kỷ XVII, và muộn nhất cũng là vào khoảng đầu thế kỷ XX. Do các dòng họ không còn gia phả nên việc nghiên cứu về nguồn gốc xuất xứ cũng như quá trình phát triển của mỗi dòng họ gặp không ít khó khăn. Nhiều dòng họ (Ngô, Khương,...) có gốc từ nơi khác tới. Song dù là họ gốc hay từ nơi khác tới định cư theo từng thời điểm sớm hay muộn, đều không tác động gì đến sự ổn định và phát triển của cộng đồng cư dân nơi đây.
Các dòng họ ban đầu cư trú theo từng khu vực riêng có tính độc lập tương đối. Sau do dân số tăng lên, đất đai bị thu hẹp nên các dòng họ ở xen lẫn, đoàn kết chung sống với nhau, cùng giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh.
Thông thường các dòng họ ở Hậu Trạch đều xây từ đường, nhà thờ họ. Tùy theo điều kiện kinh tế, vị trí xã hội của những nhân vật trong dòng họ mà kiểu kiến trúc này được xây to nhỏ khác nhau. Những dòng họ nhỏ, ít đinh thì việc thờ cúng tổ tiên được tiến hành ngay trong nhà tộc trưởng, còn những dòng họ lớn có kinh tế khá giả, có người đỗ đạt làm quan thì xây dựng những ngôi từ đường khang trang, rộng rãi.
Như vậy, dòng họ là sự phát triển của một gia đình qua nhiều thế hệ như dòng họ Phạm, qua hơn 10 thế kỷ đã có tới 35 đời, họ Đỗ 15 đời, họ
Nguyễn 10 đời và dòng họ có mặt muộn nhất ở Hậu Trạch cũng là 4 đời. Làng Hậu Trạch xưa và nay là nơi hội tụ của hơn 8 dòng họ. Có dòng họ làm quan to trong triều đình (họ Mai, họ Phạm...), có dòng họ làm ruộng, nghề thủ công hoặc buôn bán. Các dòng họ dù lớn hay nhỏ, đông hay ít đều có vai trò nhất định trong quá trình hình thành và phát triển của làng qua từng thời kì lịch sử. Trong đó mỗi dòng họ lại có nét văn hóa riêng, góp phần vào việc xây dựng và bồi đắp truyền thống văn hóa dân tộc. Mặc dù không cùng huyết thống và có những mối quan hệ khác nhau nhưng các thành viên trong các dòng họ đều ý thức về nguồn gốc chung "con Rồng cháu Lạc", ý thức về hoàn cảnh sinh sống nhất định như nhau. Hơn nữa, họ lại có chung trạng thái tâm lí tinh thần của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Do vậy, ngay từ rất sớm các dòng họ ở Hậu Trạch đã có một sức mạnh đoàn kết chống trong việc chống lại thiên tai và giặc ngoại xâm để giữ làng, giữ nước. Trên cơ sở của những ý thức chung đó, tự bản thân mỗi dòng họ đã cố gắng phát huy truyền thống giáo dục con cháu trong dòng họ của mình, phát huy truyền thống hiếu học, trọng đạo, tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, khuyến khích giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Hàng năm cứ vào tháng chạp và tháng giêng, các họ lại tổ chức giỗ họ, giỗ tổ. Đây là dịp quan trọng để các bậc cao tuổi ôn lại truyền thống dòng họ, đạo lý làm người cho con cháu trong gia tộc. Đồng thời động viên con cháu đoàn kết với các dòng họ khác xây dựng xóm làng ngày một giàu đẹp hơn.