Nếu trong phạm vi gia đình - gia tộc, việc thờ tổ tiên là quan trọng nhất thì trong phạm vi làng xã đó là việc thờ thần Thành hoàng, là vị thần đại diện cho quyền lợi chung của cả cộng đồng, cai quản, che chở và phù hộ cho dân
làng được bình yên, thịnh vượng. Mỗi thành viên trong cộng đồng làng đều tin rằng số phận của mình là phụ thuộc vào sự phù hộ của thần. Chính bởi vậy, nên không làng nào ở Việt Nam lại không có tín ngưỡng thờ thành hoàng và việc lập đền thờ cúng thần cũng được thể hiện hết sức tôn kính giống như thờ cúng tổ tiên trong từng gia đình vậy.
Theo các cụ trong làng thì làng có 2 vị thần thờ ở 2 đền như sau: - Đền thờ Càn Thiên Công chúa (Đền Đoài).
- Đền thờ Du Dịch Đại Vương (Đền Đông).
Trong đó Càn Thiên Công chúa và Du Dịch Đại Vương được dân làng tôn phong làm thành hoàng làng vì có công bảo quốc hộ dân.
Đối với dân làng Việt nói chung và Hậu Trạch nói riêng thì "thành hoàng là biểu hiện của lịch sử phong tục, đạo đức, pháp lệ cùng hy vọng chung của cả làng, lại cũng là một thứ quyền uy siêu việt, một mối liên lạc vô hình, khiến cho hương thôn thành một đoàn thể có tổ chức và hệ thống chặt chẽ" [1, tr.253]. Do vậy, dân làng đối với thành hoàng rất tôn kính và tin ở sự phù hộ của ngài. Trong phạm vi làng xã, từ đời này qua đời khác các thế hệ cứ nối tiếp nhau theo một quy luật tự nhiên sinh- tử- tồn- vong, nhưng thành hoàng vẫn trường tồn với thời gian và trong tâm thức của mỗi người dân trong làng. Chính bởi vậy, dưới chế độ phong kiến làng nào muốn được nhà nước công nhận là một đơn vị hành chính thì nhất thiết phải có thần thành hoàng.
Cũng giống như việc thờ phụng tổ tiên, các thành viên trong làng mỗi khi có việc gì hệ trọng trong cuộc đời từ điều vui đến chuyện buồn, đều phải có nén hương, chục trầu, chai rượu đến yết thần và xin quẻ trình thần trước rồi mới trình làng, sau đó mới tiến hành công việc của bản thân. Nếu như việc thờ cúng tổ tiên, hay các tín ngưỡng khác thì chỉ là công việc của cá nhân, gia đình và nhiều hơn nữa là tập hợp các thành viên trong họ thì việc tiến hành nghi lễ thờ cúng thần hoàng làng được xem công việc chung của cả cộng
đồng, được cả cộng đồng làng tham gia với một trách nhiệm và sức mạnh tinh thần tuyệt đối.
Trong một năm, ngoài cúng thành hoàng vào các kì lễ sóc và lễ vọng, làng còn có lễ Trung nguyên, lễ Đoan ngọ, lễ Trung thu, lễ Nguyên đán.
Đối với dân làng, ngày lễ thành hoàng có ý nghĩa quan trọng, ngoài việc lễ thần để tỏ lòng biết ơn sự phù hộ, bảo trợ và ban phúc cho dân làng, còn là dịp họp mặt dân làng để ôn lại những truyền thống văn hóa xa xưa, khơi dậy nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư. Đồng thời thắt chặt thêm mối quan hệ gắn bó, đoàn kết, cùng nhau chia sẻ với một tinh thần "đồng cam cộng khổ", "Bầu ơi thương lấy bí cùng / Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn" đã trở thành truyền thống văn hóa mang đậm tính nhân văn cao cả. Đây cũng là dịp các bậc cha ông có điều kiện giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, yêu làng với một niềm tự hào dân tộc sâu sắc
2.2.2. Tôn giáo.
2.2.2.1. Đạo Phật.
Đạo Phật từ Trung Hoa truyền sang Việt Nam từ thế kỷ II (thời Bắc thuộc). Do thâm nhập một cách hòa bình nên ngày từ khi mới vào nước ta, Phật giáo dần chiếm lĩnh được tình cảm của nhân dân và hòa đồng với tín ngưỡng dân gian để tồn tại và phát triển. Lúc này Luy Lâu, trị sở của quận Giao Chỉ trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng.
Tuy nhiên, Phật giáo truyền vào xứ Thanh từ bao giờ và bằng con đường nào thì không được các nguồn tài liệu thư tịch ghi rõ. Song truyền thuyết kể lại rằng: sư Ma Ha là người Chàm có học nhiều phép thuật thuộc phái Tỳ Ni đa chi lưu. Ông vào Thanh Hóa truyền đạo trước năm 1029. Khi đến trấn Sa Đăng, Châu Ái, dân ở đây chuộng quỷ thần, ai ai cũng thích sát sinh. Sư khuyên dân ăn chay thì chúng đều nói rằng: "Thiên thần của chúng
tôi giáng phúc hay giáng họa chúng tôi không dám trái". Sư nói "các người hãy bỏ điều ác làm điều thiện. Nếu có xảy ra tai nạn gì lão tăng này xin chịu". Một người nói: "làng này có một người bị bệnh hủi từ lâu, thầy thuốc cũng đều bó tay không chữa được. Nếu sư chữa khỏi chúng tôi xin được theo lời sư dạy". Sư bèn lấy nước phép phun vào người hủi thì người ấy khỏi bệnh ngay. Dân chúng ở đây tuy cảm phục sư nhưng tục cũ đã ăn sâu vào trong óc không thể hóa ngay được. Sau đó họ Ngô thử thác việc ăn thịt với sư rồi mọi người mới theo lời dạy của sư".
Dựa vào những cứ liệu của truyền thuyết có thể thấy ban đầu Đạo phật vào xứ Thanh phải trải qua quá trình không đơn giản mới được quần chúng chấp nhận. Tuy nhiên về thời gian, Đạo phật vào xứ Thanh sớm hơn, có thể là từ đầu thế kỷ X. Bởi căn cứ vào những cứ liệu chữ Hán ghi trên một số văn bia: An hoạch sơn sùng Báo ân tự bi kí, Ngưỡng sơn Linh xứng tự bi minh, Sùng nghiêm Diên khánh tự bi minh và đặc biệt là bia Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh, đều cho biết thế kỷ thứ X, Phật giáo đã rất thịnh hành trong dân chúng và Hậu Trạch sớm trở thành một tụ điểm Phật giáo quan trọng của xứ Thanh. Lúc này xứ Thanh nổi lên nhiều nơi có chùa thờ phật nổi tiếng, đó là chùa Báo Ân ở núi Nhồi - Đông Sơn (xây dựng năm 1100), chùa Sùng Nghiêm ở làng Duy Tinh - Hậu Lộc (năm 1118), chùa Linh Xứng ở Ngưỡng sơn thuộc ấp Đại lý Hà Trung (1126) và một cụm ba chùa Hương Nghiêm, Trinh Nghiêm và Minh Nghiêm ở vùng Thiệu Hóa (đầu thế kỷ X), Chùa Thạch Tuyền (1031). Trong những ngôi chùa này thì chùa Thạch Tuyền là một trong những ngôi chùa được xây dựng sớm nhất ở Thanh Hóa. Theo gia phả của dòng họ Phạm, chùa Thạch Tuyền do cụ Phạm Thuần Chính (quan thanh tra đại thần đời Tống) bỏ tiền ra để xây dựng vào năm 1031 trước khi cụ và người con trai cả về nước để vợ và người con thứ là Phạm Thuần Sứ ở lại tu hành.
Như vậy, đến đầu thế kỷ XI ở Hậu Trạch, Phật giáo đã rất phát triển và dung hợp với tín ngưỡng dân gian để có được một chỗ đứng vững chắc trong tâm thức của người dân lao động. Đồng thời tín ngưỡng dân gian lại "hóa thân" vào phật tạo nên sự kết hợp hài hòa, linh hoạt và sáng tạo, trong đó Phật giáo được xem là "chiếc áo" khoác bên ngoài cho tín ngưỡng dân gian có điều kiện tồn tại và phát triển. Có thể khẳng định Phật giáo (thời Đinh – Tiền Lê - Lý) trên cả nước nói chung và Hậu Trạch nói riêng là "sự lắp ghép kết hợp giữa nguồn Phật giáo Ấn Độ với văn hóa Việt cổ, thành một dòng Phật giáo độc đáo mà nội dung chủ yếu là tín ngưỡng dân gian cổ truyền" [69, tr.266]. Vì vậy, từ thời kì này Phật giáo đã trở thành quốc giáo và có sức sống bền lâu trong cộng đồng làng xã.
Trên cơ sở của dòng văn hóa dân gian, Phật giáo đã được dòng họ Phạm tiếp nhận và trở thành một tôn giáo có ảnh hưởng khá sâu đậm không chỉ đối với dòng họ Phạm mà còn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với từng người dân sống trong làng Hậu Trạch qua các thời kì lịch sử.
Như vậy, không thể phủ nhận vai trò to lớn của dòng họ Phạm trong việc khai hoang lập làng, cũng như khởi đầu cho việc du nhập Phật giáo vào vùng đất này. Mặc dù theo dòng lịch sử, có thời kì Phật giáo không còn chiếm vai trò độc tôn nữa. Song với những giáo lý cơ bản, phù hợp với tinh thần, nếp sống, phong tục tập quán của người Việt nên Phật giáo vẫn có một sức sống bền bỉ trong việc thu phục cái tâm của con người, hướng họ làm điều thiện, tránh xa điều ác. Đó là một đóng góp của Phật giáo trong việc hình thành nét văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc Việt.
2.2.2.2. Đạo Nho.
Đạo nho không phải là một tôn giáo mà là một hệ thống các nguyên tắc đạo đức "tam cương ngũ thường", "nhân, nghĩa, lễ, trí, tín" do thánh hiền vạch ra để hướng dẫn con người trên con đường tu luyện.
Nho giáo được truyền vào nước ta từ đầu thời Bắc thuộc nhưng không tìm được chỗ đứng trong xã hội Việt Nam do nhiều nguyên nhân. Trong đó, không thể phủ nhận việc Nho giáo vào nước ta bằng con đường xâm lược. Tuy nhiên trải qua một thời kì dài khó khăn, Nho giáo mới bắt đầu được tiếp nhận và biến đổi cho phù hợp với quan niệm, tâm thức của người Việt.
Thế kỷ XI, cư dân Hậu Trạch đã tiếp nhận những giáo lý cơ bản của Đạo phật. Thời kì này, Nho giáo đang có những nỗ lực đáng kể trong quá trình tự vận động để phát triển. Tuy nhiên thời Lý- Trần, vai trò độc tôn vẫn thuộc về Phật giáo.
Huyện Nga Sơn có 6 vị tiến sĩ trong đó làng Hậu Trạch chiếm 3 vị là Mai Thế Chuẩn, Mai Anh Tuấn, Mai Duyên. Còn theo gia phả của các dòng họ thì có tới 12 vị đỗ tiến sĩ qua các triều đại. Ngoài ra làng còn có gần 50 vị được bổ dụng làm quan qua các triều đại. Dù hai nguồn tài liệu có lệch nhau về số người đỗ đạt nhưng có một điều không thể phủ nhận được là trong suốt một thời gian dài dưới chế độ phong kiến, Hậu Trạch vẫn là một trong những làng quê có nhiều nhà khoa bảng nhất xứ Thanh.
Mặc dù có những hạn chế nhất định nhưng Nho giáo đã nhanh chóng tìm được vị thế trong cộng đồng dân tộc Việt, đáp ứng được nhu cầu tổ chức và quản lý đất nước với xu hướng ổn định. Góp phần củng cố thêm hệ thống thi cử để tuyển chọn nhân tài bổ dụng vào bộ máy cai trị. Nho giáo được xây dựng trên nguyên lý trọng văn được triều đình phong kiến Việt Nam vận dụng ngay từ đầu triều Lý. Với việc nhà Lý tổ chức các kì thì Nho giáo, tạo điều kiện cho "cái tôi" cá nhân có dịp bộc lộ tài năng, đức độ, đem khả năng của mình cống hiến cho quê hương, đất nước. Những vị đại khoa Hậu Trạch đã đóng góp một phần rất lớn công sức vào những thành tích chung của các triều đại phong kiến đưa Nho giáo lên một vị thế cao hơn. Dưới thời Lê Thánh
Tông, Nho giáo đã chiếm vị trí độc tôn và được xem như một học thuyết chính trị - xã hội không thể thay thế được ở Việt Nam.
2.2.2.3. Đạo giáo.
Cùng với sự du nhập của Phật, Nho, thì Đạo giáo cũng từng bước thâm nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ II. Điều khác biệt giữa Nho giáo và đạo giáo là "trong khi Nho giáo chưa hề có cơ sở xã hội ở đây thì đạo giáo đã tìm thấy ngay tín ngưỡng tương đồng đã có sẵn từ lâu" [56, tr.512]. Tuy nhiên, quá trình phát triển của Đạo giáo ở làng Hậu Trạch không phổ biến và sức ảnh hưởng không mạnh mẽ như Phật và Nho. Vào dịp tết, dân làng còn cắm cây nêu trước nhà để trừ tà ma hoặc lấy vôi bột vẽ hình cái bừa, cung tên ở ngoài sân nhà. Đây là các hình thức tồn tại của Đạo giáo trong cộng đồng làng xã.
Như vậy Phật, Đạo, Nho vào Việt Nam từ khá sớm và gần như tồn tại, phát triển song song cùng với lịch sử dân tộc nên ảnh hưởng rất sâu sắc đến đời sống tinh thần của nhân dân ta. Trong suốt một ngàn năm Bắc thuộc, văn hóa Việt Nam không bị đồng hóa, mà trái lại có điều kiện tinh lọc cái hay, cái đẹp của các yếu tố văn hóa bên ngoài, tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng. Sự tồn tại và phát triển của tam giáo đồng nguyên cũng như sự kết hợp hài hòa giữa Phật - Đạo - Nho với tín ngưỡng dân gian đã tạo nên một kết cấu văn hóa đa nguyên, đa dạng, linh hoạt và mềm dẻo tồn tại trên phương diện tinh thần của mỗi cá nhân sống trong cộng đồng làng xóm ở Hậu Trạch