Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hoá làng hậu trạch (xã nga trạch, huyện nga sơn, tỉnh thanh hoá) từ thế kỹ x đến năm 2009 (Trang 80 - 83)

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, phong tục thờ cúng tổ tiên hay còn gọi được gọi khái quát là Đạo Ông Bà là tục lệ thờ cúng những người đã chết, đặc biệt là tổ tiên, của nhiều dân tộc Đông Nam Á và đặc biệt phát triển trong văn hóa Việt và văn hóa Trung Hoa. Đối với người Việt, không gia đình nào không có bàn thờ tổ tiên trong nhà. Vì vậy đặc trưng của văn hóa truyền thống Việt Nam là tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên. Đây là tín ngưỡng không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của mỗi con người sống trong cộng đồng dân tộc Việt. Trong phạm vi gia đình - làng xã - quốc gia, tín ngưỡng này trở thành một hệ thống hoàn chỉnh với từng cấp độ khác nhau.

"Thờ cúng tổ tiên là một phương diện sinh hoạt lâu đời của nhân dân ta, xuất phát từ lòng uống nước nhớ nguồn, trọng ân nghĩa từ ngàn đời nay" [36, tr.164] nên được cha ông ta đặc biệt coi trọng. Với quan niệm "sống gửi thác về", "sự tử như sự sinh", "sự vong như sự tồn". Niềm tin rằng chết là về với tổ tiên nơi chín suối, tin rằng ở nơi chín suối nhưng ông bà tổ tiên vẫn thường xuyên đi về thăm nom, phù hộ con cháu, nên việc phụng dưỡng người chết cũng được chăm chút như người sống vậy. Tổ tiên đã dày công vun trồng công đức mới để lại quả phúc cho con cháu nên con cháu phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với các bậc tiền nhân. Nếu vì lý do này hay lý do khác mà bỏ tổ tiên, không thờ phụng tổ tiên là quên nguồn, quên gốc, là bất nhân, bất nghĩa. Do vậy, từ lâu việc thờ phụng tổ tiên đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta nói chung và xứ Thanh - làng Hậu Trạch nói riêng.

Trên cái nền đạo đức truyền thống ấy, bất cứ gia đình nào ở Hậu Trạch đều rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên. Điều đó được thể hiện ở chỗ:

Trong tục thờ cúng tổ tiên, người Hậu Trạch coi trọng việc cúng giỗ vào ngày mất (còn gọi là kỵ nhật) thường được tính theo âm lịch (hay còn gọi là ngày ta). Họ tin rằng đó là ngày con người đi vào cõi vĩnh hằng. Không chỉ ngày giỗ, việc cúng tổ tiên còn được thực hiện đều đặn vào các ngày mồng một (còn gọi là ngày sóc), ngày rằm (còn gọi là ngày vọng), và các dịp lễ Tết khác trong một năm như: Tết Nguyên đán, Tết Hàn thực, Tết Trung thu... Những khi trong nhà có việc quan trọng như dựng vợ gả chồng, sinh con, làm nhà, đi xa, thi cử... cũng dâng hương, làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và để cầu tổ tiên phù hộ, hay để tạ ơn khi công việc thành công. Đây là một lễ vô cùng quan trọng, bởi nhớ đến ông bà tổ tiên là đã thể hiện lòng thành kính với vong linh người đã khuất, không phụ thuộc vào việc làm giỗ lớn hay nhỏ. Chỉ với chén nước, quả trứng, nén hương cũng giữ được đạo hiếu.

Bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng đặt tại nơi cao ráo, sạch sẽ và trang trọng nhất trong nhà (gian giữa đối với nhà một tầng, tầng trên cùng đối với nhà tầng). Trên bàn thờ thì bày bát hương, chân đèn, bài vị hay hình ảnh người quá cố, chỗ thắp nến. Đồ cúng cơ bản không thể thiếu hương, hoa, chén nước lã. Ngoài ra có thể có thêm thức ăn, trà rượu, và có khi có cả đồ vàng mã (quần áo đồ dùng làm bằng giấy), tiền âm phủ... Sau khi tàn một nửa tuần hương, đồ vàng mã và tiền âm phủ được đem đốt, được gọi là hoá vàng, còn chén rượu cúng thì đem rót xuống đống tàn vàng. Tục truyền rằng phải làm như vậy người chết mới nhận được đồ cúng tế, vì hương khói bay lên trời, nước (rượu) hòa với lửa mà thấm xuống đất.

Việc thắp hương trên bàn thờ bao giờ cũng phải thắp theo số lẻ: 1, 3, 5, 7, 9, 11,... mà tránh thắp số chẵn như 2, 4, 6, 8, 10,... Người dân quan niệm rằng, số lẻ là âm nên nó phù hợp hơn với tổ tiên. Loại hương thẳng gồm 2

phần: chân hương màu hồng đỏ, bụi hương thơm. Có một loại hương vòng bao gồm nhiều vòng hương, có buộc dây, được đặt trên que sắt trong bình hương. Khi thắp hương, người ta phải để hương sao cho thật thẳng, tránh để hương bị nghiêng, méo hay siêu đổ khiến đốm lửa giữa các nén hương không đều nhau, làm hương bị tắt lửa, hương tàn xuống có thể gây cháy những đồ lễ vật trên bàn thờ hoặc gây Hỏa hoạn.

Như thường lệ ở các gia đình - gia tộc vào trước ngày giỗ vài hôm con cháu có buổi tề tựu đông đủ để họp bàn, lên kế hoạch chuẩn bị, kẻ ít người nhiều góp lại để buổi giỗ được kĩ càng, chu tất hơn. Vào dịp này, con cháu dù có đi làm xa cũng nhớ ngày về, thắp lên bàn thờ tổ tiên nén hương bày tỏ tấm lòng thành của mình. Cũng có người vì những lý do đặc biệt không về được thì cũng phải cúng vọng chứ không ai dám bỏ giỗ.

Ngoài ngày giỗ việc cúng tổ tiên còn được tiến hành đều đặn một tháng hai lần vào ngày sóc - vọng (mùng một và ngày rằm), tết thượng nguyên (15/1 âm lịch), trung nguyên (15/7 âm lịch), đoan ngọ (5/5 âm lịch)... vị tộc trưởng đều thắp hương khấn tổ tiên.

Trong làng, các dòng họ lớn như: họ Mai, họ Phạm, họ Nguyễn, họ Trịnh có nhà thờ thủy tổ, còn các họ khác (họ Khương, Lê ...) không có nhà thờ riêng. Do vậy nhà tộc trưởng đồng thời cũng là nhà thờ họ. Các chi nhánh của họ cũng lập nhà thờ, thờ vị tổ đứng đầu chi. Ở các nhà thờ đại tôn (họ Mai, họ Phạm) vào kỳ đại tế được tiến hành theo đúng như nghi lễ tế thần: có chủ tế, bồi tế hành lễ, mũ áo trang nghiêm cũng dâng hương, độc chúc, 3 tuần rượu đầy đủ. Còn những họ không có điều kiện tổ chức đại tế thì tộc trưởng khăn áo chỉnh tề khấn tổ tiên, bái lạy trước, sau đó con cháu cũng y phục chỉnh tề lần lượt vào lạy tổ. Cúng tế xong, tộc trưởng hay một vị có vai vế trong dòng họ đọc gia phả, tóm tắt sự nghiệp tổ tiên cho con cháu nghe, đồng thời cũng không quên dặn dò các thành viên trong dòng tộc tu dưỡng đạo đức,

đoàn kết anh em, phát huy truyền thống mà tiền nhân để lại. Cho nên nhà thờ họ, ngoài việc thờ phụng tổ tiên còn là nơi tập hợp những thành viên trong họ để duy trì liên kết các mối quan hệ, giữ vững tôn ti trật tự, giúp đỡ nhau, tuyên dương người tốt có thành tích trong học tập, công tác và nhắc nhở các thành viên có biểu hiện sai lầm.

Như vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một cái lẽ tự nhiên của con người để tỏ lòng uống nước nhớ nguồn "bởi vì, chúng ta tin rằng dương sao âm vậy. Có nghĩa là, người sống trên đời này sinh hoạt như thế nào thì cõi âm, người khuất sống như thế. Người chết cũng cần phải ăn uống tiêu pha đi lại, áo quần để mặc. Mọi người tin rằng, linh hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người qua đời luôn ngự trị trên bàn thờ tổ tiên gần gũi với con cháu, theo dõi công việc làm ăn của con cháu và phù hợp cho con cháu làm ra ăn nên không ốm đau tai qua nạn khỏi" [14, tr.23].

Trong gia đình ở Hậu Trạch, ngoài thờ tổ tiên còn có tục thờ thổ công. Với quan niệm "đất có thổ công, sông có hà bá", thổ công là vị thần trông coi nhà cửa, ngăn chặn ma quỷ, định đoạt phúc họa cho một gia đình nên bàn thờ thổ công không thể thiếu được trong các gia đình. Vì thổ công là vị thần định đoạt họa phúc cho cả nhà nên có vai trò quan trọng nhất, nhưng ông bà tổ tiên là những người sinh thành ra ta nên được tôn kính nhất. Do vậy, việc bố trí bàn thờ tổ tiên, thổ công bao giờ cũng theo một quy định cụ thể hợp với phong tục của người Việt: bàn thờ tổ tiên được đặt ở nơi trang trọng nhất trong gia đình, còn bàn thờ ông công thường đặt gian bên trái hoặc bên phải của ngôi nhà.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hoá làng hậu trạch (xã nga trạch, huyện nga sơn, tỉnh thanh hoá) từ thế kỹ x đến năm 2009 (Trang 80 - 83)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(181 trang)
w