Chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hoá làng hậu trạch (xã nga trạch, huyện nga sơn, tỉnh thanh hoá) từ thế kỹ x đến năm 2009 (Trang 60 - 62)

Cũng như hầu hết các xã thôn Việt Nam khác, ở Hậu Trạch chăn nuôi không trở thành một nghề riêng biệt với những chuồng trại quy mô mà nó chỉ là nghề phụ và thường phát triển trong mối quan hệ chặt chẽ với nghề trồng cây lúa nước.

Cho đến đầu thế kỷ XIX, đối với người dân Hậu Trạch thì các con vật nuôi trong gia đình như trâu, bò, lợn trở nên thân thuộc và phổ biến. Do yêu cầu của nghề trồng lúa, người nông dân phải nuôi các loại gia súc này để lấy sức kéo và tận dụng nguồn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong cơ cấu chăn nuôi của Hậu Trạch thì lợn được nuôi phổ biến nhất. Hầu hết các hộ gia đình đều có chuồng nuôi lợn. Do đặc điểm kinh tế của làng là sản xuất nông nghiệp nên lợn trở thành loại gia súc cần thiết. Người dân ở đây cho rằng lợn và lúa có mối tương quan chặt chẽ với nhau. Với một tấn thóc thu hoạch được trên đồng ruộng thì người nông dân tận dụng những thụ phẩm của tấn thóc này (tấm, cám) cùng với rau bèo có thể nuôi được một con lợn trọng lượng khoảng 40- 50 kg. Do vậy, được mùa lúa thì cũng đồng nghĩa với được mùa lợn và ngược lại. Lợn cung cấp phân bón cho ruộng lúa và ruộng lúa cung cấp thụ phẩm làm thức ăn cho lợn. Người nông dân Hậu Trạch nuôi lợn để lấy phân bón ruộng và thịt lợn bán được chỉ là tiền bỏ ống để trang trải sinh hoạt trong gia đình.

Ngoài chăn nuôi gia súc, người dân còn chăn nuôi các loại gia cầm, thủy cầm khác như gà, vịt, ngan, ngỗng. Hình thức nuôi chăn thả là chủ yếu. Lợi dụng diện tích mặt nước ở các sông, đầm hồ, kênh mương mà nhiều hộ gia đình ở đây phát triển nghề nuôi vịt theo đàn, cũng như tận dụng các loại nông phẩm dư thừa sau mỗi mùa thu hoạch. Thông thường người dân nuôi vịt

theo thời vụ, mỗi năm 2 vụ. Trước mùa gặt khoảng 2 - 3 tháng là nuôi vịt con, khi vịt bắt đầu ăn thóc được cũng là lúc ngoài đồng lúa đã bắt đầu gặt. Nuôi như vậy là để tận dụng hạt thóc còn vương vãi trên các cánh đồng. Khi ngoài đồng gặt xong cũng là lúc vịt đã bán được.

Bảng 3: Sản lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm của làng Hâu Trạch năm từ 1995 đến 2006. (Đơn vị: kg) Năm Lợn Gà, Ngan 1995 20751 1613 1996 23867 2346 1997 21768 1973 1998 22973 2561 1999 27468 2142 2000 29872 2016 2001 23571 1978 2002 21469 2176 2003 19897 2412 2004 18546 2561 2005 16302 2763 2006 15347 2147

(Nguồn: UBND xã Nga Thạch)

Ngoài chăn nuôi gia súc, gia cầm, thì nhân dân còn nuôi cá trong các ao ở vườn và các ao hồ công cộng của làng với diện tích mặt ao là 1,5 ha và thu hoạch theo thời vụ.

Tóm lại, sự phát triển kinh tế của Hậu Trạch được bắt đầu bằng những giá trị sản phẩm mà ngành nông nghiệp đưa lại, trong đó lúa là cây trồng chủ yếu. Ngoài ra để tăng thêm thu nhập cũng như phục vụ cho cuộc sống của chính người dân nơi đây, việc trồng thêm các loại nông sản khác là rất cần thiết. Bên cạnh đó, người dân Hậu Trạch còn chăn nuôi gia súc, gia cầm để tận dụng nguồn sức kéo, phân bón cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường

bên ngoài. Trên cơ sở đó mô hình VAC ngày càng chiếm vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của các hộ gia đình ở Hậu Trạch.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hoá làng hậu trạch (xã nga trạch, huyện nga sơn, tỉnh thanh hoá) từ thế kỹ x đến năm 2009 (Trang 60 - 62)