Tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp 1 Trồng trọt.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hoá làng hậu trạch (xã nga trạch, huyện nga sơn, tỉnh thanh hoá) từ thế kỹ x đến năm 2009 (Trang 54 - 60)

1.3.1.1. Trồng trọt.

Từ bao đời nay ở nước ta, trồng trọt bao giờ cũng là nghề thiết yếu, chiếm vai trò chủ đạo trong đời sống nhân dân. Chính bởi vậy, hầu hết đất đai khai phá được qua từng thời kỳ lịch sử đều được người nông dân sử dụng để canh tác. Lúa là loại cây trồng chủ yếu trên các cánh đồng, chỉ những nơi không trồng lúa được thì mới dành trồng các loại cây khác để tăng năng suất, cải thiện đời sống.

Nằm trong đồng bằng của huyện Nga Sơn, làng Hậu Trạch là một vùng trọng điểm về phát triển nông nghiệp của cả huyện. Bởi xét về mặt địa hình, đất đai cũng như khí hậu thời tiết nơi đây thì ngay từ rất sớm đã nổi lên đặc trưng của của một vùng nông nghiệp trồng lúa nước. Cư dân Hậu Trạch cần cù, chăm chỉ với sức lao động miệt mài, sáng tạo họ đã không ngừng mở rộng đất đai, khai phá cồn hoang để tạo dựng nên cho mảnh đất này sự trù phú về kinh tế, đặc sắc về văn hóa.

Theo lời kể của các cụ già cao tuổi, xưa kia do thiếu nước trong mùa khô nên ruộng ở đây chỉ trồng được một vụ mùa, vụ chiêm khô hạn nên chủ

yếu là làm màu với các loại cây như khoai lang, đậu đỗ, ngô. Đồng thời áp dụng phương thức một vụ lúa + hai vụ màu: có thể trồng màu đông xuân (ngô, đỗ tương...) sau đó trồng màu xuân hè (lạc, khoai lang...) rồi cấy lúa mùa. Tuy nhiên năng suất cây trồng không cao.

Kết hợp từ những dữ liệu trên cho thấy, đất đai nơi đây ban đầu không thuận lợi lắm cho việc trồng cây lúa nước. Từ khi có con đê ngăn mặn cùng với hệ thống kênh mương nội đồng nên vụ chiêm mới ổn định. Người dân mới bắt đầu áp dụng hệ thống canh tác hai vụ lúa trong năm. Do vậy, đời sống kinh tế mới ổn định và không ngừng được tăng lên.

Chế độ chuyên canh cây lúa từ lâu đã cho thấy đây là loại cây lương thực duy nhất có thể trồng liên tục hàng thế kỷ trên cùng một thửa ruộng mà không cần luân canh và hàng năm lại cung cấp một lượng đạm dinh dưỡng đáng kể. Trong cuộc sống hàng ngày của người nông dân, lúa gạo không những là nguồn lương thực chính trong các bữa cơm mà còn là nguyên liệu dùng để nấu rượu và làm các loại bánh. Do vậy cây lúa chi phối hầu hết các hoạt động nông nghiệp ở nông thôn. Công việc thường ngày của người nông dân hầu như xoay quanh vụ lúa và họ phải dành khá nhiều thời gian để chăm sóc loại cây này.

Quy trình trồng lúa trải qua rất nhiều công đoạn và đòi hỏi sự chăm sóc thường xuyên cũng như kinh nghiệm được đúc rút qua nhiều năm của người canh tác. Bắt đầu từ khâu gieo mạ cho đến nhổ mạ đem đi cấy lúa, làm cỏ và cuối cùng là chăm sóc ruộng cấy. Tùy theo từng công đoạn mà có những yêu cầu cơ bản khác nhau. Trong đó cấy lúa là quan trọng nhất, bởi lẽ theo kinh nghiệm của người nông dân, ở công đoạn này họ phải chú ý đến ba phương thức quan trọng: thời vụ cấy, mật độ cấy và phương pháp cấy.

Chăm sóc ruộng cấy là công đoạn cuối cùng song cũng là khâu mà người nông dân phải mất nhiều thời gian nhất. Tùy theo mức độ chăm sóc (chưa kể đến thời tiết) mà năng suất đạt được cao hay thấp.

- Về kỹ thuật canh tác và cấy cây lúa nước: Cho đến đầu thế kỷ XIX người nông dân Hậu Trạch đã thuần thục với kỹ thuật cày bừa có sức kéo của trâu bò. Hình ảnh "con trâu đi trước cái cày theo sau" trở nên quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Do yêu cầu của nghề trồng lúa, người nông dân phải nuôi trâu, bò lấy sức kéo và phân bón. Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, họ thấy rõ vai trò quan trọng của phân bón và tổng kết: nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Từ chỗ chỉ sử dụng đơn thuần phân hữu cơ, hiện nay người dân Hậu Trạch đã biết sử dụng phối hợp phân vô cơ với hữu cơ. Từ đó đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, giải quyết vấn đề tăng năng suất cây trồng trên các loại đất mà cha ông họ đã khai phá được.

Công cụ nông nghiệp đóng vai trò thiết yếu trong sản xuất. Bởi vậy, trong mỗi gia đình tiểu nông thường có một bộ thủ công với nhiều kiểu loại khác nhau. Tùy theo địa hình đất đai từng nơi, trên từng xứ đồng mà có thể dùng các loại nông cụ cho phù hợp như cào, cuốc, liềm, thúng...

Cùng với sự tiến bộ trong cơ sở vật chất và kỹ thuật, việc đưa máy móc vào đồng ruộng trở nên cần thiết, làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn trong giai đoạn từ sau năm 1954 đến nay. Qua khảo sát tình hình ở xã Nga Thạch cho thấy, bên cạnh việc cơ giới hóa sản xuất, người nông dân vẫn kết hợp chăn nuôi các loại gia súc. Điều đó cho thấy nguồn sức kéo và phân bón tự nhiên còn đóng vai trò khá quan trọng ở Hậu Trạch và các làng quê nông nghiệp khác.

- Về thời vụ cấy lúa: Làm ruộng ở đồng bằng mỗi năm 2 mùa, ruộng cao cấy vào tháng 6, gặt vào tháng 10; ruộng trũng cấy vào tháng chạp, gặt vào tháng 5.

Ngay từ rất sớm, người dân Hậu Trạch đã biết chọn các giống lúa cho phù hợp với từng xứ đồng, từng mùa vụ.

- Vụ chiêm, do ruộng ở đây cao nên thường thích hợp với trồng các loại lúa chiêm dự, chiêm vàng, chiêm bầu, cùng với các loại lúa nếp như nếp hương, nếp lùn, nếp cẩm...

- Vụ mùa, ruộng trũng nên thích hợp với việc gieo trồng các giống lúa như lúa chành, lúa lốc, lúa cờn, lúa tám xoan...

Qua khảo sát thì những xứ đồng cấy lúa tháng 10 (lúa mùa) thường nhiều và bao trùm hơn các xứ đồng trồng lúa chiêm. Tuy nhiên trong các loại lúa cấy ở các loại ruộng thì lúa chiêm là dài ngày hơn cả và phải mất 6 tháng mới đến vụ thu hoạch, còn lại chỉ trong vòng 5 tháng.

Như vậy, cho đến đầu thế kỷ XIX, nghề trồng trọt của người dân Hậu Trạch chủ yếu vẫn dùng phương thức canh tác thô sơ, kĩ thuật lạc hậu vốn đã có từ những thế kỷ trước. Nguồn phân bón cho cây trồng là các loại phân hữu cơ (phân chuồng, phân xanh tự nhiên hay bèo hoa dâu...). Công tác thủy lợi cũng chưa được chú trọng nhiều, tưới tiêu phụ thuộc vào tự nhiên là chính nên năng suất cây lúa không cao lắm. Tùy theo giống lúa, khả năng chăm sóc cũng như điều kiện thời tiết mà cho năng suất khác nhau.

Ngoài cây lúa, người dân Hậu Trạch còn trồng cấy thêm các loại cây lương thực khác như ngô, khoai, đậu, lạc, vừng... Trong đó ngô trở thành cây lương thực thứ hai sau lúa. Hầu hết các loại nông phẩm này xuất hiện từ lâu và cho đến nay vẫn đóng vai trò quan trọng trên các xứ đồng.

Ngoài những vùng chuyên trồng mầu, người dân Hậu Trạch còn tận dụng những vùng đất cao sau khi đã thu hoạch xong vụ lúa để trồng thêm một vụ mầu và cây trồng chủ yếu là ngô và khoai. Việc trồng thêm các loại cây lương thực khác góp phần tăng năng suất và cải thiện cuộc sống cho cư dân nơi đây.

Bảng 2: Sản lượng lương thực làng Hậu Trạch (Số liệu từ năm 1995 đến 2006) Năm Sản lượng (tấn) Năm 1995 158 Năm 1996 172 Năm 1997 273 Năm 1998 191 Năm 1999 167 Năm 2000 193 Năm 2001 216 Năm 2002 134 Năm 2003 184 Năm 2004 212 Năm 2005 198 Năm 2006 207

(Nguồn UBND xã Nga Thạch)

Trong sự phát triển chung của tình hình kinh tế nông nghiệp ở Hậu Trạch, việc trồng trọt liên tục được người dân chăm chút và để ý. Trên các xứ đồng, lúa là cây lương thực chính, sau là các loại nông sản được trồng theo mùa vụ thì tại địa điểm cư trú, người nông dân còn phát triển thêm hình thức kinh tế vườn, với sự gắn kết chặt chẽ của mô hình vườn - ao - chuồng. Đây là hình thức kinh tế không chỉ phổ biến ở Hậu Trạch mà còn xuất hiện ở rất nhiều xã thôn khác trong tỉnh Thanh Hóa.

Trong phạm vi khuôn viên nhà thì sự phân bố đất đai sử dụng khá hợp lý. Trên một mảnh đất rộng, ngoài ngôi nhà để ở, người dân tận dụng quỹ đất

đai còn lại để trồng các loại rau, cây ăn quả và đào ao thả cá. Các loại rau ăn rất phong phú và đa dạng như rau cải, rau đay, mồng tơi, su hào... hoặc có thể trồng các loại rau ăn củ như cải củ, cà rốt, hành ta... hoặc tùy theo diện tích đất mà trồng thêm các loại cây ăn quả như na, mít, ổi, chanh...việc phân chia diện tích cây trồng nhiều khi phụ thuộc vào giống cây, thời vụ trồng. Thông thường trên một diện tích nhất định của khu vườn, người dân trồng xen kẽ nhiều loại cây khác nhau.

Trong khuôn viên nhà ở Hậu Trạch, ao là cái không thể thiếu được đối với cuộc sống kinh tế, văn hóa của người dân nơi đây cho đến đầu thế kỷ XIX và thậm chí đến tận ngày nay. Tùy theo vị trí đất đai mà chủ nhà bố trí đào ao ở những nơi thích hợp và tiện sử dụng. Trên bờ ao, thường được trồng các loại cây lâu năm như xoan, mít, dừa. Việc lựa chọn cây trồng lâu năm được chú ý từ khi bắt đầu chọn giống cây. Thông thường những loại cây này được trồng vì mục đích lâu dài song chủ yếu là lấy gỗ làm nhà hay sử dụng vào công việc quan trọng khác. Dưới ao, người dân thả các loại cá để lấy nguồn thức ăn cho các bữa cơm thường ngày và có thể tăng thêm thu nhập để tích lũy từ nguồn nuôi cá này.

Như vậy, hình thức kinh tế vườn khá đa dạng và phổ biến ở Hậu Trạch. Mô hình vườn ao trong khuôn viên nhà không những làm cho cảnh quan ngôi nhà thêm màu sắc, mà còn góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống hàng ngày của người dân.

Hiện nay để đáp ứng nhu cầu của thị trường và phát huy khả năng sáng tạo của người dân lao động Hậu Trạch, chính quyền xã Nga Thạch đã tạo mọi điều kiện để tăng năng suất cây trồng như cải tạo kênh mương, xây dựng cánh đồng 50 triệu ha/năm, học hỏi kinh nghiệm trồng thêm các loại nông sản khác, đưa các giống cây rau quả xuất khẩu vào cơ cấu cây trồng như ớt, dưa bao tử, ngô ngọt, lạc cao sản... Từ đó giúp họ yên tâm với nghề nông và tận

dụng nguồn đất đai cũng như quỹ thời gian để chăm sóc các loại nông sản có chất lượng cao hơn.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hoá làng hậu trạch (xã nga trạch, huyện nga sơn, tỉnh thanh hoá) từ thế kỹ x đến năm 2009 (Trang 54 - 60)