trường trung học phổ thông
Chương trình dạy học môn Ngữ văn ở trường THPT trước tiên phải xuất phát từ mục tiêu chung của giáo dục phổ thông.
- Yêu cầu của chương trình xuất phát từ mục tiêu đào tạo của cấp học Mục tiêu giáo dục trung học phổ thông đã định rõ các phẩm chất và năng lực cần phát triển cho học sinh nhằm trước hết đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn phát triển kinh tế xã hội mới của đất nước, giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá để đến năm 2020 đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hoá, mở rộng giao lưu hội nhập quốc tế với sự hình thành và phát triển của nền kinh tế tri thức, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển đa dạng của mỗi cá nhân.
- Chương trình đảm bảo tính hệ thống, chỉnh thể và yêu cầu kế thừa trong việc hoàn thiện, phát triển nội dung học vấn phổ thông
Chương trình các môn học của cấp trung học phổ thông nói chung và môn Ngữ văn nói riêng. Phải góp phần củng cố nội dung giáo dục của các cấp, bậc học trước đồng thời bổ sung, phát triển nâng cao hơn nhằm hoàn thiện học vấn phổ thông. Hệ thống kiến thức cần bao gồm các kiến thức nhằm chuẩn bị cho việc đào tạo tiếp tục sau khi tốt nghiệp phổ thông, các kiến thức trực tiếp phục vụ cho cuộc sống hiện tại của người học, các kiến thức cần thiết cho định hướng nghề nghiệp trong tương lai, tăng cường loại kiến thức về phương
pháp hoặc có tính phương pháp, loại kiến thức giàu khả năng ứng dụng. Với yêu cầu kế thừa, cần khai thác tối đa những ưu điểm của chương trình trung học phổ thông hiện hành.
- Chương trình tiếp tục đảm bảo yêu cầu cơ bản, hiện đại, sát với thực tiễn Việt Nam
So với cấp trung học cơ sở, các yêu cầu này ở cấp trung học phổ thông vẫn tiếp tục được đặt ra với mức độ phù hợp trình độ của học sinh cấp trung học phổ thông. Nội dung dạy học môn học phải phản ánh được những thành tựu khoa học mới (tự nhiên - kinh tế - xã hội và nhân văn - kĩ thuật - công nghệ) của thế giới cũng như của nước ta; cùng những vấn đề đang được cả loài người quan tâm (môi trường, dân số và những vấn đề khác); đồng thời lưu ý tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm tiên tiến của nước ngoài trong xây dựng chương trình.
Tiếp tục quán triệt nguyên tắc tích hợp mà trước hết là đảm bảo mối quan hệ liên môn một cách chặt chẽ để bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, tránh trùng lặp trong chương trình các bộ môn và các hoạt động.
- Chương trình đảm bảo tính sư phạm và yêu cầu phân hoá
Để đảm bảo một học vấn phổ thông chung của cấp trung học phổ thông trước hết cần xây dựng một chương trình phù hợp, vừa sức với đa số học sinh và được xem là “chương trình chuẩn” với những mức độ yêu cầu mà mọi học sinh phải đạt. Từ chương trình chuẩn trên, tuỳ theo mục tiêu của từng ban hoặc từng loại trường mà định hướng chuyên sâu hoặc mở rộng kiến thức và kĩ năng của một số môn hoặc lĩnh vực qua các môn phân hoá và chủ đề tự chọn.
- Chương trình phải góp phần đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học
Đây là một trong những yêu cầu hàng đầu của việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nói chung và môn Ngữ văn nói riêng, đã được thể hiện trong chương trình tiểu học và trung học cơ sở. Đổi mới phương pháp dạy học môn học ở trung học phổ thông cần được đẩy mạnh theo định hướng
chung. Do đặc điểm và trình độ của học sinh nên cần chú ý nhiều đến việc phát triển năng lực tự học, đa dạng hoá các hình thức học tập, tạo điều kiện để học sinh được tự nghiên cứu, chủ động trong việc phát hiện và giải quyết vấn đề. Chương trình của từng môn học đều cần chỉ ra định hướng và các yêu cầu cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học bộ môn.
- Chương trình thể hiện việc tiếp tục coi trọng vai trò của phương tiện dạy học
Phương tiện dạy học không chỉ dừng ở mức minh hoạ nội dung dạy học mà phải trở thành công cụ nhận thức, là một bộ phận hữu cơ của cả phương pháp và nội dung dạy học. Do yêu cầu tăng hoạt động thực hành, thí nghiệm cũng như yêu cầu ứng dụng nên khi xây dựng chương trình cần đặt đúng vị trí của thiết bị dạy học trong quá trình dạy học bộ môn. Khi nêu lên yêu cầu về mặt này cần lưu ý đến sự kết hợp giữa các thiết bị thông thường đã được và sẽ phải trang bị cho các trường với các thiết bị hiện đại; giữa các thiết bị phải mua sắm với các thiết bị tự tạo. Cần lưu ý tới vai trò của công nghệ thông tin và việc ứng dụng nó vào quá trình dạy học bộ môn.
- Chương trình có quan hệ mật thiết với việc đổi mới đánh giá kết quả quá trình học tập
Chương trình từng bộ môn cần nêu rõ những yêu cầu đổi mới đánh giá kết quả môn học. Việc đảm bảo đánh giá khách quan, đủ độ tin cậy sẽ làm cho hoạt động quan trọng này đạt hiệu quả mong muốn. Đổi mới đánh giá kết quả môn học sẽ bao gồm đổi mới nội dung, hình thức và quy trình đánh giá, kể cả đánh giá ở từng thời điểm hoặc cả quá trình. Cần tạo điều kiện để học sinh và tập thể học sinh tham gia vào quá trình đánh giá kết quả học tập.
- Chương trình cần chú ý tới các vấn đề của địa phương
Trong chương trình của một số môn học cần có phần dành cho địa phương nhằm trực tiếp góp phần hướng việc học tập của học sinh gắn với cộng đồng, với thực tiễn phát triển cộng đồng vốn hết sức đa dạng trên các vùng miền của đất nước ta. Cần nêu rõ yêu cầu này và đưa ra gợi ý cụ thể khi
xác định vấn đề, mức độ cần đạt được và cách thức thực hiện. Việc dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở các trường THPT huyện Anh Sơn cũng cần chú ý tới đặc trưng địa phương này.
“Mục tiêu chung của môn Ngữ văn ở trường THPT là trên cơ sở đã đạt được của chương trình Ngữ văn trung học cơ sở, bồi dưỡng thêm một bước năng lực Ngữ văn cho học sinh, bao gồm năng lực đọc hiểu các văn bản thông dụng (văn, thơ, truyện...), năng lực viết một số văn bản thông dụng và giao tiếp bằng lời nói trước công chúng. đồng thời, cung cấp một hệ thống tri thức phổ thông về văn học dân tộc và văn học thế giới, về ngôn ngữ và tiếng Việt, về lí luận văn học, lịch sử văn học và văn hóa, tạo một phần tích lũy ban đầu để hình thành các năng lực đọc, viết, năng lực cảm thụ thẩm mĩ, phát triển tư duy. Học sinh cũng nắm được phương pháp học tập bộ môn, tạo thành tập quán tự học Ngữ văn, biết tìm tòi, phát hiện, suy nghĩ, giải quyết vấn đề, làm cơ sở cho sự phát triển trí tuệ và nhân cách suốt đời” [27, 77].
Với đặc trưng riêng của mình, môn Ngữ văn THPT hướng tới bồi dưỡng cho học sinh lòng yêu tiếng Việt, yêu văn hóa, văn học nước nhà và niềm tự hào về kho tàng văn hóa, văn học nhân loại; giáo dục lòng yêu nước và tự hào dân tộc, tinh thần nhân văn, lí tưởng xã hội chủ nghĩa, đạo đức cao thượng, thị hiếu thẩm mĩ tốt, hình thành cá tính lành mạnh, góp phần hình thành nhân cách người lao động trong thời đại mới.
Hiện nay, để đáp ứng những nhu cầu và nguyện vọng học tập khác nhau, chương trình môn Ngữ văn THPT được chia thành hai bộ phận là chương trình chuẩn (dành cho đại đa số học sinh) và chương trình nâng cao (dành cho những học sinh có nhu cầu học sâu hơn, cao hơn môn học). Giữa hai chương trình có sự thống nhất mục tiêu về thái độ, các mục tiêu về kiến thức và kĩ năng. tuy nhiên chương trình nâng cao thực chất là chương trình chuẩn + 20% nâng cao (trên các phương diện kiến thức và kĩ năng môn học). Điều này được cụ thể hóa vào từng chương trình như sau:
Với chương trình chuẩn Ngữ văn THPT, sau khi học xong chương trình, học sinh đạt được những yêu cầu cụ thể sau trên các mặt kiến thức, kĩ năng và thái độ:
Về kiến thức
- Học sinh có được tri thức tổng quát, tương đối hệ thống về các tác phẩm văn học tiêu biểu, về một số tác gia văn học lớn, về các thể loại văn học tiêu biểu của văn học Việt Nam và văn học thế giới, bước đầu có một số tri thức cơ bản về lí luận văn học, văn hóa và ngôn ngữ văn học.
- Học sinh có tri thức chung về văn bản, phong cách văn bản và giao tiếp, về lịch sử tiếng Việt, đặc điểm loại hình tiếng Việt, chuẩn tiếng Việt.
- Học sinh có tri thức về quá trình làm văn, có tri thức về các phép suy luận lôgic, về các hình thức nghị luận văn học và nghị luận xã hội, biết thêm về các thể văn ứng dụng chưa học ở trung học cơ sở.
Về kĩ năng
- Học sinh có năng lực đọc hiểu độc lập các loại văn bản thông dụng, có năng lực cảm thụ thẩm mĩ đáng tin cậy, biết phân tích, đánh giá tác phẩm văn học theo trình độ phổ thông có phương pháp và sáng tạo.
- Học sinh biết sử dụng chuẩn xác vốn từ vựng tiếng Việt thông dụng, biết khai thác, sử dụng vốn từ tiếng Việt trong đọc văn, làm văn.
- Hoàn thiện kĩ năng làm văn tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, đặc biệt là kĩ năng làm văn nghị luận xã hội và văn học, thể hiện được quan điểm cá nhân trong khi làm bài.
Về thái độ tình cảm
- Ý thức làm phong phú sự giàu đẹp, trong sáng của tiếng Việt, giao tiếp, tư duy tiếng Việt thành thạo, có hiệu quả, có văn hóa.
- Lòng yêu tiếng Việt, yêu văn hóa, văn học Việt Nam và thế giới.
- Tinh thần nhân văn, lí tưởng xã hội chủ nghĩa, đạo đức cao thượng, thị hiếu thẩm mĩ lành mạnh, biết tu dưỡng phẩm chất văn hóa cá nhân, hình thành cá tính lành mạnh.
Với chương trình nâng cao Ngữ văn THPT, ngoài việc thống nhất với chương trình chuẩn, chương trình nâng cao có một số điểm khác biệt và nâng cao hơn. Cụ thể như sau:
Về kiến thức, học sinh được học tập thêm:
- Một số văn bản văn học Việt Nam và nước ngoài có cùng thể loại nhưng chưa được học trong chương trình chuẩn.
- Một cách hệ thống và hoàn chỉnh hơn những kiến thức về các tác giả, tác gia văn học lớn, tác phẩm lớn của văn học dân tộc, những kiến thức lịch sử văn học, lí luận văn học và văn hóa.
- Một vốn từ vựng tiếng Việt, nhất là vốn từ biểu đạt các biểu tượng, điển cố, khái niệm để đọc hiểu các văn bản.
- Một số kiến thức lí thuyết về tạo lập văn bản về tư duy lôgic và vận dụng được các lập luận như phản bác, tranh luận vào các vấn đề văn học, xã hội, tư tưởng.
- Một số kiến thức thực hành tiếng Việt.
Về kĩ năng, học sinh được chú trọng rèn luyện hơn:
- Các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt ở mức độ thành thạo, có khả năng thích ứng cao với các yêu cầu khác nhau trong việc đọc hiểu và tạo lập văn bản.
- Các kĩ năng đọc hiểu, khái quát, phân tích, tóm lược, trích dẫn, ghi nhớ, sáng tạo đáng tin cậy đối với nhiều loại văn bản.
- Các kĩ năng cảm thụ vẻ đẹp không chỉ của văn chương hình tượng, mà của cả văn chương chính luận, khoa học, phê bình.
- Các kĩ năng diễn đạt chuẩn mực và bước đầu có cá tính trong các bài văn tự sự, thuyết minh, nghị luận.