Mục tiêu môn Ngữ văn nằm trong mục tiêu chung của giáo dục, theo Điều 2 (Luật Giáo dục, 2010), “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, có tri thức, sức khỏe, thẩm mĩ và nghề nghiệp, trung thành với lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [44, 6].
“Đánh giá kết quả học tập của học sinh ở một môn học trước hết phải căn cứ vào mục tiêu của môn học đó. Mục tiêu môn học chính là những yêu cầu cần đạt, được xác định trước khi học tập một môn học. Đánh giá kết quả học tập từng môn học của học sinh cũng có nghĩa là xác định mức độ đạt được các mục tiêu môn học đã đặt ra trên các phương diện kiến thức, kĩ năng, thái độ. Do mục tiêu là các kết quả cần đạt được thể hiện dưới các dạng chỉ báo có thể đo đếm được nên người ta căn cứ vào mục tiêu để xác định hệ thống chuẩn và từ đó xây dựng các tiêu chí đánh giá. Đánh giá kết quả học tập của học sinh theo môn học sẽ góp phần xác định được những tiến bộ của học sinh so với chuẩn (yêu cầu năng lực) cần đạt đã đặt ra. Mục tiêu môn học cũng có thể coi là mặt bằng chung để đánh giá xem xét giữa các học sinh ai đạt được kết quả học tập cao hơn dựa trên sự tương quan giữa mức độ thực hiện tốt hơn các tiêu chí đánh giá. Việc tạo lập các tiêu chí đánh giá và hình
thức đánh giá căn cứ trên mục tiêu của môn học sẽ góp phần tăng cường tính khách quan, tính chính xác, độ tin cậy và độ giá trị, hạn chế những sai sót khi đánh giá thành tích học tập của từng học sinh. Vì vậy người soạn bộ công cụ đánh giá luôn phải căn cứ vào mục tiêu môn học để đưa ra các tiêu chí đánh giá cụ thể” [ 27, 20].
Chính vì thế mục tiêu môn học có vai trò đặc biệt với đánh giá kết quả học tập của học sinh. Mục tiêu càng cụ thể, càng lượng hóa chính xác, càng có tính hướng đích, càng thực tế, có tính thời hạn thì càng dễ hiện thực hóa và càng dễ đánh giá.
Bất cứ một đề kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm hay tự luận, với thời lượng ngắn hay dài, với hình thức trả lời nói hay viết đều phải dựa trên chuẩn kiến thức và kĩ năng của kiến thức mà bài học yêu cầu. Các kiến thức kĩ năng của môn Ngữ văn bao gồm kiến thức về văn học Việt Nam và văn học nước ngoài, kiến thức về tiếng Việt và làm văn; kĩ năng bao gồm nghe, nói, đọc, viết. Kĩ năng kiến thức đó có thể quy vào hai loại năng lực chính là năng lực tiếp nhận, thưởng thức, đánh giá văn bản và năng lực tạo lập các văn bản (năng lực nói và viết). Các đề kiểm tra phải tạo điều kiện để đánh giá được đúng đắn, chính xác các năng lực của học sinh, giúp học sinh có cơ sở vững chắc để tiếp thu những kiến thức và hình thành kĩ năng mới; đồng thời giúp giáo viên và những nhà quản lí giáo dục có những điều chỉnh cần thiết (nếu có) để thực hiện mục tiêu môn học cũng như mục tiêu giáo dục chung.
Nếu đề kiểm tra không bám sát chuẩn kiến thức và kĩ năng sẽ đưa đến kết quả không đáng tin cậy: kết quả quá thấp (yêu cầu cao, không sát với chuẩn) hoặc là kết quả quá cao (yêu cầu thấp, dưới mức chuẩn).