Thực trạng chung về hoạt động dạy học môn Ngữ văn và việc kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn các trường THPT ở huyện Anh Sơn, tỉnh

Một phần của tài liệu Kiểm tra, đánh giá trong dạy học môn ngữ văn ở trường trung học phổ thông huyện anh sơn tỉnh nghệ an luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 43 - 47)

kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn các trường THPT ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An

a. Thực trạng về hoạt động dạy học môn Ngữ văn ở các trường THPT ở huyện Anh Sơn - Nghệ An.

Có thể nói môn văn đã giành được vị trí quan trọng trong nền giáo dục nước nhà ngay từ những ngày đầu sau khi nhân dân ta giành được chính quyền. Ai cũng biết “Văn học là nhân học” nghĩa là học về con người. Hiểu một cách ngắn gọn thì môn văn giúp con người hoàn thiện hơn bởi môn văn cũng góp phần hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người. Tuy nhiên trong những năm gần đây chúng ta lại phải chứng kiến một thực tế thật đáng buồn, đó chính là tình trạng học sinh quay lưng lại đối với môn văn ngày càng nhiều, chúng ta cảm thấy bàng hoàng khi chứng kiến hàng nghìn bộ hồ sơ thi vào đại học thì các bộ hồ sơ thi vào khối C chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tình trạng học sinh quay lưng lại đối với khối C cũng chỉ được lí giải bởi một lý do hết sức đơn giản đó là do các em nếu chọn các khối kinh tế và kĩ thuật thì sau khi ra trường dễ xin việc hơn.

Trên địa bàn huyện Anh Sơn trong những năm gần đây, ở các trường THPT số lượng học sinh theo học khối C (các môn Văn, Sử, Địa) rất ít. Cụ thể: trường THPT Anh Sơn I không có lớp nào, còn trường THPT Anh Sơn II và THPT Anh Sơn III mỗi khối chỉ có một lớp theo học khối C.

Sở dĩ chất lượng học văn của học sinh kém như vậy là do các nguyên nhân chủ yếu sau: giáo viên mặc dù đã có ý thức đổi mới phương pháp dạy học văn nhưng việc thực hiện chỉ mới mang tính chất hình thức, thử nghiệm chứ chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Một số giáo viên vẫn còn thói quen dạy học theo kiểu truyền thụ kiến thức một chiều: giáo viên giảng giải, học sinh lắng nghe, ghi nhớ và biết nhắc lại đúng những điều mà giáo viên đã truyền đạt. Giáo viên chủ động cung cấp kiến thức cho học sinh, áp đặt những kinh nghiệm, hiểu biết, cách cảm, cách nghĩ của mình tới học sinh. Nhiều giáo viên chưa chú trọng đến việc tiếp thu, vận dụng kiến thức của học sinh cũng như việc chỉ ra cho người học con đường tích cực chủ động để thu nhận kiến thức. Do đó, có những giờ dạy được giáo viên tiến hành như một giờ diễn thuyết, thậm chí giáo viên còn đọc chậm cho học sinh chép lại những gì có sẵn ở giáo án. Giờ học tác phẩm văn chương vì thế vẫn chưa thu hút được sự chú ý của người học. Một bộ phận không nhỏ học sinh vẫn tỏ ra bàng quan, thờ ơ với văn chương. Hơn nữa, không ít giáo viên đứng lớp chưa được trang bị kĩ càng, đồng bộ về quan điểm và lí luận phương pháp dạy học Văn mới. Vấn đề quan điểm và lí luận phương pháp dạy học Văn mới chỉ đến với người dạy qua một số tài liệu có tầm vĩ mô, thiên về cung cấp lí thuyết hơn là hướng dẫn thực hành. Một số các giáo trình tài liệu về phương pháp dạy học Văn còn mang bệnh lí thuyết và sách vở hoặc chịu tác động từ các phương pháp dạy học của nước ngoài. Nhiều giáo viên còn mơ hồ trước những khối lí luận phương pháp dạy học chung chung áp dụng lúc nào cũng đúng không chỉ cho riêng bộ môn Văn mà cả các bộ môn khác.

Ngoài ra, sự thiếu thốn về phương tiện thiết bị dạy học như: tranh, ảnh, sơ đồ, dụng cụ nghe, nhìn để minh họa cho bài giảng, tài liệu tham khảo, các

tác phẩm văn học, nhất là văn học nước ngoài... cho giáo viên ở nhiều trường học, đặc biệt là các trường học ở vùng sâu, vùng xa, miền núi... đã khiến cho việc áp dụng phương pháp dạy học mới gặp nhiều bất lợi, dẫn đến tình trạng dạy chay, học chay. Đó là chưa kể đến đời sống giáo viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn chưa thể chuyên tâm cho việc giảng dạy. Số giáo viên chưa đạt chuẩn vẫn còn nhiều lại thiếu tâm huyết với nghề nên đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình dạy học văn.

Về phía học sinh, tồn tại lớn nhất là thói quen thụ động, quen nghe, quen chép, ghi nhớ và tái hiện lại một cách máy móc, rập khuôn những gì giáo viên đã giảng. Đa phần học sinh chưa có thói quen chủ động tìm hiểu, khám phá bài học. Điều này đã thủ tiêu óc sáng tạo, suy nghĩ của người học, biến học sinh thành những người quen suy nghĩ diễn đạt bằng những ý vay mượn, bằng những lời có sẵn, lẽ ra phải làm chủ tri thức thì lại trở thành nô lệ của sách vở. Người học chưa có hào hứng và chưa quen bộc lộ những suy nghĩ, tình cảm của cá nhân trước tập thể, cho nên khi phải nói và viết, học sinh cảm thấy khá khó khăn.

Một nguyên nhân khách quan đã tác động đến việc dạy học môn Ngữ văn là số học sinh các trường THPT huyện Anh Sơn thực sự yêu thích môn Ngữ văn, có định hướng nghề nghiệp gắn với môn Ngữ văn ngày càng giảm.

b. Thực trạng về việc kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn các trường THPT ở huyện Anh Sơn- Nghệ An

Việc kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn ở các trường THPT ở huyện Anh Sơn - Nghệ An nằm trong thực trạng chung kiểm tra, đánh giá trong dạy học môn Ngữ văn ở bậc trung học trong cả nước. Phần đông những người tham gia trực tiếp vào quá trình dạy học hiện nay vẫn thường đồng nhất đánh giá với cho điểm. Qua điểm số kiểm tra ở những thời hạn nhất định người ta xếp loại, xem xét và đánh giá năng lực học sinh, việc đo lường báo cáo kết quả học tập của học sinh cũng được căn cứ trên điểm số.Với môn Ngữ văn, giáo viên thường ghi thêm bên cạnh điểm số những

lời nhận xét (lời phê) về chất lượng bài làm, về thái độ của học sinh khi giải quyết bài kiểm tra... Tuy nhiên, phần lớn học sinh chỉ quan tâm đến điểm số mà không chú ý hoặc không coi trọng những lời phê đó. Điều này dẫn đến tâm lí chạy theo điểm số cho học sinh. Vì chạy theo điểm số nên giáo viên và học sinh chú trọng dạy và học những gì sẽ phải thi, phải kiểm tra; bỏ qua những phần chương trình không phục vụ cho thi cử (Ví dụ những kiến thức kĩ năng tiếng Việt không được coi là nội dung chính để kiểm tra, đánh giá. Mảng kiến thức chính để kiểm tra, đánh giá lại là những kiến thức về tác phẩm và cảm thụ tác phẩm văn chương). Những đề bài làm văn chưa được ra đúng như bản chất là dạng bài thực hành tổng hợp nên có tình trạng học sinh tuy được học nhiều về các kiểu bài mà làm bài lại không đến nơi, đến chốn. Khi chấm bài làm văn, phần lớn giáo viên chỉ sử dụng mức điểm 4, 5, 6 hiếm khi cho điểm 9, 10. Lời nhận xét đánh giá thường chung chung, không chỉ rõ cho học sinh thấy những điểm mạnh và yếu của bài làm, do đó không chỉ ra được các lỗi cũng như phương hướng và cách thức sử chữa lỗi cho học sinh. Có thể thấy trong cách dạy học hiện nay, bốn kĩ năng đọc, nói, nghe, viết chưa được coi là là mục tiêu nhằm tới của các giờ học Ngữ văn và chưa là cái đích nhằm tới của kiểm tra, đánh giá. Các đề kiểm tra thường thiên về ghi nhớ tái hiện những nội dung kiến thức đã được học, ít chú ý đến sự vận dụng những kiến thức kĩ năng đã được học vào những ngữ cảnh giao tiếp khác của cuộc sống, hoặc quá thiên về kiểm tra năng lực ghi nhớ và cảm thụ tác phẩm văn chương.

Có thể tổng kết những tồn tại của kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn trong các trường THPT ở huyện Anh Sơn - Nghệ An như sau:

- Nội dung kiểm tra đánh giá còn thiên về kiểm tra khả năng ghi nhớ và tái hiện những kiến thức kĩ năng đã được học thuộc, hoặc kiểm tra năng lực cảm thụ văn học theo những kiểu đề, những dạng bài nhất

định, thậm chí có sẵn khuôn mẫu trong SGK, sách bài tập hoặc trong các tài liệu tham khảo.

- Hình thức kiểm tra, đánh giá đơn điệu, kém khách quan, không có khả năng phân hóa học sinh (chủ yếu là làm bài viết chung theo một đề bài có tính chuyên sâu vào một vài mảng kiến thức, kĩ năng ở những thời điểm nhất định. Việc kiểm tra miệng và kiểm tra vở soạn bài không thường xuyên đối với tất cả học sinh).

- Chuẩn đánh giá, những yêu cầu tối thiểu, cần đạt về kiến thức, kĩ năng, thái độ chưa có.

- Hiệu lực đánh giá còn hạn hẹp, chưa bao quát được các phương diện liên quan trực tiếp tới việc dạy học môn Ngữ văn do việc đánh giá chỉ chủ yếu dựa vào bài kiểm tra viết và do sự đồng nhất đánh giá với cho điểm để xếp loại học lực cho học sinh hoặc xét thành tích hay xét học sinh lên lớp.

Nhìn chung, cách đánh giá như hiện nay trong dạy học môn Ngữ văn không kích thích được sự sáng tạo, trí thông minh của học sinh, không góp phần điều chỉnh hiệu nghiệm thái độ, cách suy nghĩ quan niệm của học sinh. Vì thế kết quả kiểm tra khó có thể đo lường và phản ánh đúng năng lực, trình độ học tập của học sinh, chưa tạo ra những cơ sở tin cậy để đánh giá quá trình dạy và học môn Ngữ văn.

Một phần của tài liệu Kiểm tra, đánh giá trong dạy học môn ngữ văn ở trường trung học phổ thông huyện anh sơn tỉnh nghệ an luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 43 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(103 trang)
w