“Tiểu thuyết là hình thức tự sự cỡ lớn đặc biệt phổ biến trong thời cận đại và hiện đại. Với những giới hạn rộng rãi trong hình thức trần thuật, tiểu thuyết có thể chứa đựng lịch sử của nhiều cuộc đời, những bức tranh phong tục, đạo đức xã hội, miêu tả cụ thể các điều kiện sinh hoạt giai cấp, tái hiện nhiều tính cách đa dạng”[47].
Theo quan niệm truyền thống, tiểu thuyết chủ yếu là những tác phẩm văn xuôi và mang tính chất hiện thực, phản ánh một cách đầy đủ và trung thực những trải nghiệm trong đời sống con người. Cũng theo quan niệm
truyền thống, tiểu thuyết nhất thiết phải dựa trên một cốt truyện, lịch sử của tiểu thuyết cho thấy độc giả chủ yếu tìm đến tiểu thuyết vì cốt truyện và tán thưởng vì cách giải quyết vấn đề. Tuy nhiên đối với thể loại tiểu thuyết bản thân luôn luôn có sự biến đổi nên đến hiện đại và hậu hiện đại các quan điểm này đã có sự đổi khác. Theo các nhà mỹ học hiện đại và hậu hiện đại, đời sống đương đại có nhiều hiện thực, xã hội phức tạp, đa dạng và phong phú hơn nhiều, những khoảng lặng nằm trong tiềm thức của mỗi con người xuất hiện với tần số cao hơn. Vì vậy, đôi lúc không thể kể theo một trình tự thời gian, không gian nhất định. Lúc này đây chức năng của tiểu thuyết không còn là minh hoạ một câu chuyện với một quan niệm về thế giới hay lịch sử được xác lập. Trong giai đoạn này tiểu thuyết gắn với một sứ mệnh khác hẳn với việc cung cấp một bức tranh hiện thực về xã hội, và phải phát minh ra các hình thức, đó là phần mà tiểu thuyết hiện đại và hậu hiện đại phải đảm nhiệm.
Chính bản chất năng động đặc biệt của tiểu thuyết đã quyết định một thể loại chưa hề rắn lại và cũng chưa ai dự đoán được hết những khả năng uyển chuyển của nó. Trong công trình nghiên cứu lý luận và thi pháp tiểu
thuyết, Bakhtin đã nhận định: “nó lấn át thể loại này, thu hút thể loại kia vào
trong cấu trúc của mình, biện giải lại và sắp xếp lại trọng tâm cho chúng… Vào những thời đại mà tiểu thuyết thống ngự, hầu hết các thể loại ít nhiều bị tiểu thuyết hoá…, bắt đầu vang một cách mới, khác hẳn ẩm hưởng của chúng ở những thời đại mà trong nên văn học lớn chưa có tiểu thuyết”[23].
Nói tóm lại, theo quan niệm của Bakhtin ta có thể đưa ra những phát kiến chung về thi pháp thể loại tiểu thuyết dựa trên hai đặc trưng lớn. Đó là: thể loại này không có một đặc trưng cố định, đóng khép nào cả. Và Bakhtin cũng nêu lên đặc tính quan trọng để xác định thi pháp cho thể loại này, ông giải thích “tôi không xây dựng một định nghĩa cho một quy phạm tiểu thuyết đang tác động trong văn học như một hệ thống các dấu hiệu thể loại cố định. Nhưng tôi sẽ cố gắng tìm ra những đặc điểm cấu trúc cơ bản nhất của cái thể loại mềm mại nhất này, những đặc điểm quy định cả phương hướng biến đổi
của chính bản thân nó, lẫn phương hướng ảnh hưởng của nó đến toàn bộ văn học”[23].