Nhiều người cho rằng khi đọc tiểu thuyết của Tạ Duy Anh có cảm tưởng “mình ra đường bây giờ cứ như lạc vào nghĩa địa ấy, nó lạnh lùng, nó tàn khốc, nó nguy hiểm chứ chẳng như ngày xưa còn tí đạo lý” hay “Thế giới
này vẫn còn quỷ dữ, độc ác, lạnh lùng và tàn khốc lắm em ạ!”, “Tôi cảm nhận cuộc sống ngoài kia như một cái gì khủng khiếp đang diễn ra hàng ngày”. Và ngay cả tên chương cũng tiềm ẩn những điều khủng khiếp. Đành rằng là vậy song ít ai đọc và ngồi lại suy ngẫm xem thật ra trong thế giới tiểu thuyết của Tạ Duy Anh đâu chỉ toàn những chuyện như vậy. Những hình ảnh thánh thiện, những con người tốt bụng luôn được tác giả xây dựng ẩn dưới vẻ bề ngoài xấu xí, thậm chí còn đáng khinh bỉ nữa. Nhưng ánh sáng nhỏ nhoi ấy ít người phát hiện ra bởi bề ngoài và cách biểu hiện không bình thường của họ. Các tiểu thuyết Tạ Duy Anh đều xây dựng ít nhất là một nhân vật, một đốm sáng nhỏ nhoi, leo lét trước một thế giới tràn ngập ma lực của đồng tiền, của quyền lực và địa vị.
Khúc dạo đầu là một tác phẩm được viết bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, bằng sự trong sáng của ngôn ngữ, chưa thực sự trải nghiệm khắc nghiệt của cuộc sống. Giữa những toan tính thiệt hơn Bờ nổi lên như một đốm nhỏ chẳng đủ đốt cháy được bất kỳ cái gì xung quanh mình “Một cô gái, nhìn kỹ lại độ 16 - 17 tuổi, ngực lép như tấm ván” cô có cái tên quê kệch: Phạm thị Bờ, cô sống cuộc sống cầm tù cùng với cha và dì ghẻ. Cuộc sống của cô chỉ được thư thái lúc vác dao đi rừng và cứ “về đến nhà là xa xả công việc và xa xả chửi mắng... Tuy bị đối xử tàn nhẫn, cặp mắt cô bé vẫn long lanh tươi sáng, khao khát yêu đời và mang lòng thương người bẩm sinh do mẹ cô để lại...”. Cô sống cuộc sống của một kẻ nô lệ về tinh thần và cả thể xác nhưng không phải vì vậy mà tâm hồn cô bị nhuốm màu, nó vẫn ngây thơ trong trắng và thánh thiện. Tâm hồn cô thực sự bị tổn thương khi mọi người trong gia đình vô tâm để cha cô chết không một lời trăng chối, “cô bé Bờ hoá rồ hoá dại hàng tháng trời, chỉ con đôi mắt biết cử động”. Thế mà số phận vẫn chẳng thể miễn cưỡng chấp nhận cho cô một chút may của cuộc đời này. Cô trở thành trò cười, thành con đĩ trong mắt người khác. Tất cả những điều đó đã làm nên một cô Bờ cứng cỏi và luôn yêu thương cuộc sống của mình, cô “không chỉ có quyền, còn là nghĩa vụ” để sống. Tâm hồn thánh thiện bị tổn thương đến
cực độ nhưng bản chất trong con người cô vẫn không thể mất đi. Cô đã sống tiếp với cuộc sống của một con người đích thực, sống vì lý tưởng tốt đẹp. Thân phận cô bé Bờ trong cuộc sống khó khăn, khắc nghiệt vẫn đứng vững với bản chất “lòng thương người bẩm sinh”của chính mình.
Tiếp tục mạch cảm xúc ấy ta đến với tiểu thuyết Lão Khổ cùng hình ảnh người phụ nữ có khuôn “mặt tái mét”. Đó chính là hình ảnh đầu tiên mà gã nhìn thấy khi có một người con gái xuất hiện trong cái lều xiêu vẹo của gã. Cuộc đời gã đã bần cùng đến thế rồi mà còn có kẻ hơn gã nữa chăng. Cuối cùng người con gái ấy lại là duyên phận số kiếp của gã. Họ thành chồng thành vợ đó là sự kết hợp của hai con người, người phụ nữ có khuôn mặt “tái mét” và người đàn ông thì có “gương mặt đờ dại, hơi đần độn”. Nhưng điều đáng nói ở đây không phải là hình dáng bên ngoài mà là thực chất bên trong của con người họ. Người con gái bị đuổi đi vì một lý do “nhà chủ bắt tôi phải ngủ với một ông quan đi hạch thuế”, cô đã chọn con đường mà ngay chính bản thân cô cũng không thể hiểu nổi trước mặt mình sẽ như thế nào. Trong cảnh trời nước mịt mùng cô thà làm vợ một tên khố rách áo ôm như gã, còn hơn chấp nhận cảnh làm trò chơi cho người khác. Đó chính là điều mà chúng ta nên hiểu. Người con gái không một “đồng xu dính túi” mà giám chống lại quyền lực và ma lực của đồng tiền. Để giữ mình trong sạch họ chấp nhận một cuộc sống “màn trời chiếu đất”, ngủ đâu là giường và xó đâu cũng là nhà. Đây cũng chính là điều mà tác giả muốn nói tới, cuộc sống còn nhiều cám dỗ thì vẫn sẽ còn tồn tại những con người như thế.
Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám hối đề cập đến một thế giới hiện đại và
gần với chúng ta hơn. Trong thế giới đầy rẫy nhưng cám dỗ và cả sự bủa vây của tội lỗi, không còn đơn giản như trong Khúc dạo đầu và Lão Khổ nữa. Cái ác luôn thường trực quanh mình, thậm chí mình cố ý tránh mà nó vẫn bám theo. Đó là xã hội mà con người thờ ơ với mạng sống của mọi người. Họ dẫm đạp lên nhau mà sống mà hưởng lợi, thế giới chỉ phù hợp với tiền, quyền và bóng đêm. Con người đánh mất chính mình và họ ngang nhiên bán phần linh
hồn mình cho quỷ giữ để được sống một cuộc sống đầy đủ về vật chất, chấp nhận làm nô bộc cho đồng tiền. Đọc Đi tìm nhân vật và Thiên thần xám hối ta thấy sự ám ảnh của bức tranh hiện thực ngột ngạt bởi quyền lực, cái chết và sự đồi bại... Chỉ trong một khu phố G mà xảy ra đủ chuyện: giết người, tự sát, lừa đảo, loạn luân, đĩ bợm, ma cô, ma cậu..., chỉ một căn phòng ở bệnh viện cũng đủ để người ta chứng kiến một xã hội thu nhỏ với lối sống thực dụng, sùng bái quyền, tiền và ghê sợ nhất là sự băng hoại nhân tính của con người. Đến bệnh viện mà người ta cứ ngỡ là một lò mổ gia súc. Thì cũng dao, kéo, máu mê, quát tháo, kêu khóc... có còn thiếu cái gì không làm người ta chết khiếp đâu.” [4,17]. May sao trong cái thế giới ấy vẫn còn nhem nhúm một số con người sống theo đúng nghĩa của nó. Ở tiểu thuyết Đi tìm nhân vật vẫn còn
một Thảo Miên “thánh thiện cao quý”, “ cho dù có bị dìm xuống bùn đen thì tâm hồn vẫn toả hương trinh trắng”. Cặp mắt cô “như chứa đựng nỗi buồn vĩnh cửu, vừa như chiếc vực tối sâu hút, vừa le lói tận nơi đáy sâu thứ ánh sáng của niềm cứu rỗi”. Cuối truyện là hình ảnh Thảo Miên tự bốc cháy giống như sự tẩy rửa. Tẩy rửa mình khỏi thế giới trần tục này hay là một cách thức tỉnh con người hãy biết sám hối với những điều mà mình phạm phải. Còn trong Thiên thần sám hối ta lại thấy hình ảnh người phụ nữ tốt bụng luôn đi giúp đỡ các sản phụ khác.
Khi đọc Giã biệt bóng tối ta thấy một sự bừng sáng thật sự về nhân cách của một con người. Khi đọc những trang viết này có lẽ không ai không khỏi cảm thấy hổ thẹn với chính lương tâm của mình. Cũng có con người bần cùng, tha hoá về đạo đức nhưng lại có những nghĩa cử cao đẹp. Cuộc đời của thằng bé kể từ khi bà nó mất thì cũng chính là khi nó phải sống cuộc sống với những hắt hủi, ghẻ lạnh của người đời dành cho một thằng lang thang. Nhưng dưới con mắt của thằng bé, ả cave “là người duy nhất không khiến tôi sợ... Tuy nói năng bổ bã nhưng chị nhìn tôi rất dịu dàng. Tôi thèm thuồng những cái nhìn như vậy. Có lẽ chỉ mẹ tôi mới có thể cho tôi điều đó...Tôi mong chị quay lại để được nhìn thấy ánh mắt ấy lần nữa”. Trong xã hội này những
người bị xem là tầm thường nhất chính là cô gái “bán hoa” chuyện đi “hút máu” những người đàn ông, phá tan bao hạnh phúc gia đình. Những ta lại thấy sự trắc ẩn trong tâm hồn của cô gái “bán trôn nuôi miệng” này, cũng có thể là sự thương xót dành cho đồng loại trước cuộc sống. Nhưng những con người vô tâm thì tất cả chỉ dừng lại ở đó đã là một điều xa xỉ quá rồi. Với chị thằng bé lang thang lại như một phần cuộc sống còn lại mà chị đang còn nợ cuộc đời này. “Lát sau tôi nhận ra người đàn bà đêm qua tất tưởi quay lại. Chị có vẻ hốt hoảng... Tôi thấy chị ta cầm theo một gói xôi”. Hình ảnh một ả cave ghê gớm, chua chát, nanh nọc lại bộc lộ khi chị gặp một cặp tình nhân sang trọng, lịch sự đứng bên đường và những phản ứng của họ khi nói về thằng bé. Và từ đây cũng là sự bắt đầu cho sự chuyển biến cuộc đời chị. Chị một người bần cùng của xã hội bị bắt và đưa đi trại phục hồi nhân phẩm vì đã xúc phạm đến một người đàn ông lịch lãm, có địa vị trong xã hội nhưng không mang theo lương tâm của con người. Người đọc lại bắt gặp hình ảnh cảm động của một người phụ nữ quỳ lạy van xin người khác chỉ vì mong muốn tìm thằng bé lang thang mà chị không biết nó sống chết thế nào. Ai oán thay cho cuộc đời, thời thế xã hội đã bị đảo lộn, người bị coi là mất nhân phẩm lại đang tìm lại nhân phẩm cho xã hội này. Còn những người khoác trên mình bao nhiêu thứ cao sang lại đang giao bán phần lương tri trong con người chính họ. Đời sắp đặt thật hay, những hình hài xấu lại ẩn chứa sự tốt đẹp, còn những áo gấm lụa là lại bọc trong nó sự hỗn độn, láo nháo của bao thứ dơ bẩn. “Tôi nhớ mình chỉ là một gái điếm, loại mạt hạng. Trong mắt mọi người tôi thua xa một con bò. Vậy mà tôi lại phải suy nghĩ về những điều chỉ có ở một người đàn bà lương thiện và trong sạch” [6,230]. Có ai trong xã hội ồn ào, náo nhiệt ấy đau xót khi nghe đến cái chết của thằng bé lang thang không, chắc chắn là không vì đối với họ, bón đó xứng đáng chết hơn là sống. Và cũng chưa ai nghĩ rằng một cave đang phải sống trong trại phục hồi nhân phẩm lại có thể hướng thiện được những con người tội lỗi khác “không ai phải dạy bảo em điều gì nữa đâu. Từ đây em sẽ là một người tốt. Nếu ai còn thấy em làm điều gì không
phải cứ việc cắt lưỡi em” 6,237]. Chắc chắn khi đọc đến đây nhiều người sẽ phải suy nghĩ rất nhiều. Xã hội đã làm cho con người thay đổi, “bản thân con người không thể loại bỏ được tội ác ra khỏi đời sống”, nhưng vẫn luôn luôn có những con người sẳn sàng chấp nhận một cuộc sống khổ cực, những đày ải về thể xác để đổi lấy một tinh thần lành mạnh. Có thể tin rằng mỗi cố gắng tinh thần của những con người này sẽ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn lên và nó cần được ghi nhận.
Tạ Duy Anh đã thực sự thành công khi đưa đến những lời thức tỉnh cho xã hội này. Người ta cho rằng sở trường của ông là viết về cái ác nhưng qua những tác phẩm của ông ta thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Không phải cứ ở những nơi cao sang thì con người ta mới trở nên sang trọng. Đây cũng là tiếng chuông gõ vào tội ác để lay thức cõi thiện trong mỗi con người.