Giã biệt bóng tối (2004)

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 43 - 46)

Nếu như với nhiều cây bút, chi tiết kỳ ảo được coi như một yếu tố chức năng, hay kỹ thuật thì với Tạ Duy Anh lại là một yếu tố không thể thiếu trong bức tranh hiện thực. Bước vào những trang văn của ông ta thấy ảo xen thực, thực thấm đẫm vào ảo, ảo và thực có khi hoà quyện nhiều khi không thể tách phân tách rõ ràng. Chắc chắn rằng các chi tiết kỳ ảo được sử dụng đều nằm trong dụng ý nghệ thuật của tác giả. Sự quái đản, kỳ lạ, ma mị chính là một phần cuộc sống của con người và nó tồn tại bền bỉ, ăn sâu vào máu thịt vào tiềm thức không gì gỡ bỏ được. Tạ Duy Anh đã sử dụng yếu tố ảo như một cách thức làm nhoè ranh giới của hiện thực song lại cho ta cảm giác rất thật về cuộc sống có những điều không phải lúc nào cũng lý giải và sự phi lý vốn là một mặt không thể thiếu trong cuộc sống. Tạ Duy Anh thường hướng ngòi bút của mình vào những mảnh vỡ hiện thực, những “tiểu tự sự” của cuộc sống hiện đại. Nếu như đích đến của những cây bút trước 1975 là những “đại tự sự” những sự kiện lịch sử, chính trị lớn lao bao quát toàn bộ cuộc sống của con người thì ngòi bút Tạ Duy Anh lại là hiện thực phân mảnh, hiện thực bị xé lẻ, phân tách mà nhiều khi ngay trong tác phẩm của anh, ta cũng không biết bắt đầu từ đâu cho thoả đáng.

Khác với bất cứ mở đầu nào của những cuốn tiểu thuyết trước đó, Tạ Duy Anh đã lựa chọn cho Giã biệt bóng tối một bắt đầu: không lời đề tựa, không có sự lý giải và cũng chẳng phải mượn lời trích dẫn của vị thánh thần nào cả. Giã biệt bóng tối bắt đầu là lời người dẫn chuyện hồi tương lại thời trai trẻ của cha mình qua cuốn sổ ghi chép đã cũ nát và tiếp tục câu chuyện bất ngờ rẽ sang một hướng tưởng chừng như chẳng liên quan gì. Tất cả xoay quanh làng Thổ Ô với những cái chết kỳ bí ẩn của một số dân làng. Theo lời của lão già bóng tối thì chính lão là thủ phạm gây ra những cái chết trên hiện

thực những lời nguyền rủa không kiềm chế của thằng Thượng mồ côi mỗi khi bị những người đó giày đạp. Đó là câu chuyện được trải dài và xé toạc ngang dọc cuộc đời một thằng bé mồ côi, phải lang bạt từ chỗ nhơ nhớp này sang chỗ bẩn thủi nọ, để rồi trong cái “cống rãnh” tận cùng ấy nó bắt gặp một con chuột quỷ của bóng đêm, kẻ muốn mua đứt linh hồn bằng một khế ước của cái ác để trả thù những kẻ đã vùi dập nó. Cái làng Thổ Ô hư ảo ấy như cái làng Vũ Đại năm xưa nhưng sao nó gần kề của một vùng tối có thật ngày nay đang len lỏi tồn tại núp dưới một cái tên mỹ miều nào đó. Cũng bàn tay thích lột trần cái mặt nạ đạo đức giả của những kẻ có bề ngoài trơn tru trong cái vỏ bề ngoài và cũng là cánh tay đó vục xuống vũng bùn lầy để nâng niu những kẻ bị xã hội khinh rẻ. Tạ Duy Anh đã kéo người đọc cuốn theo những hỉ, nộ, ái ố của một cuộc sống mà “Thượng Đế cũng phát cuồng”, để rồi con người ta lắm lúc chỉ muốn biến mất khỏi thế giới này cho xong. Tuy nhiên, ai cũng cố tìm cho mình một lối thoát, song đời dường như không đơn giản như chính mình mong muốn, con người càng cố gắng thoát ra thì họ càng bị buộc chặt vào hơn nữa. Tất nhiên, vì chủ đề của tác phẩm, vì những tâm hồn trong trắng, thánh thiện đang phải tồn tại dưới những khổ đau rách nát của cuộc sống bon chen, họ vẫn luôn đấu tranh, giành giật để hướng về cuộc sống tốt đẹp hơn, “khi con người ta hướng về mặt trời, mọi bóng tối sẽ ở lại sau lưng”. Đó là điều trong sâu thẳm mỗi tâm hồn hướng thiện luôn nghĩ tới. Tuy nhiên, kết thúc của Giã biệt bóng tối lại không phải là một kết thúc vẹn toàn, đoàn viên như trong cổ tích mà phần nào đó chênh vênh vì cái cách tác giả cho họ biến mất, một kết thúc bỏ lửng, và dường như đang còn dang dỡ nhưng có lẽ đấy cũng là một sự đúng đắn cho cách tiếp nhận tác phẩm của mỗi người.

Giã biệt bóng tối là lời đoạn tuyệt với những gì tối tăm không xứng

đáng được tồn tại nhưng vẫn đang hiện diện. Và tác giả đã mang đến niềm hy

vọng vào những gì tốt lành, thánh thiện; những gì xứng đáng được tồn tại dưới ánh mặt trời rất chắc chắn. Sự vững chắc ấy là kết quả của nhận thức cay đắng từ chính những trải nghiện cuộc sống. Tác giả cảm nhận: “Tôi nhớ là

mình đã nhẹ nhàng nằm xuống trong cái ý thức bóng tối đang tàn lụi. Tôi biết chắc như vậy không phải nhờ tiếng con gà nào đó cất tiếng gáy như mọi hôm mà nhờ vào tiếng bước chân xa dần của kẻ vẫn giấu mặt. Ông ta và dàn đồng ca của ông ta chẳng còn việc gì để làm khi cuộc sống chỉ còn lại lòng tha thứ, khi mỗi chúng tôi biết chắc chúng tôi là ai, trước mặt chúng tôi là gì và khi ánh sáng tràn đến... ” [6,257]. Kẻ vẫn giấu mặt, vô hình trong tác phẩm xưng là Tao và là một con quỷ nhưng thực ra nó có phải là một con quỷ không, hay chính là ai đó hoặc phần nào đó trong chúng ta, phần thực thể được gọi là Người. Hiện thực trong Giã biệt bóng tối sao trần trụi và kinh khủng quá, đến mức độ ngay nhiều lúc nghĩ tới cũng muốn cố biện minh rằng không phải đâu nó chi đơn thuần là những câu chuyện trong tiểu thuyết mà thôi, dù hiện thực cuối cùng vẫn cho ta thấy điều ngược lại. Đáng buồn thay giữa cuộc đời này tìm thấy hình bóng của một người tốt thật là ý nghĩ xa xỉ. Tuy nhiên, đúng như kết thúc dường như mong manh cuối chuyện lại cho chúng ta một điểm tựa niềm tin, có những thứ có thể thắng được cái ác thực sự nhưng mỗi chúng ta có khả năng để giữ nó hay không?

Qua mỗi giai đoạn mỗi thời kỳ ta thấy sự trưởng thành, chín chắn hơn trong nhân vật của Tạ Duy Anh. Nếu như con người trong Khúc dạo đầu

tồn tại trong môi trường thuỷ điện nhỏ hẹp và khép kín, họ vẫn vô tư, nhiệt huyết cống hiến hết mình cho công việc mặc cho dù những bon chen về cơm áo gạo tiền vẫn diễn ra, họ yêu yêu hết mình và giám hy sinh tất cả cho lý tưởng, vì tuổi trẻ. Họ sống và làm việc dưới một hệ thống những con người quan liêu, cổ hủ, và mắc chứng bệnh “thâm căm cố đế” là ưa thành tích. Tác giả đã xây dựng những nhân vật của mình từ ý thức của một cái tôi nghệ sĩ trẻ trung, hăm hở trong giai đoạn đầu của công cuộc xây dựng đất nước. Nhưng đến với Lão Khổ, Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám hối, Giã biệt bóng tối thì những con người tồn tại trong môi trường dù chỉ ở một làng quê, một con phố, hay một bệnh viện phụ sản nhỏ hẹp nhưng những con người vẫn phải đối diện với cuộc sống phức tạp của một xã hội, trong đó họ cần sự đấu tranh để

sinh tồn, dù là trẻ con hay người già và cả những thanh niên sung sức đều phải chiến đấu với nhau “một mất, một còn”. Sự chiến thắng của kẻ này chính là sự thất bại của kẻ kia. Và có thể họ cũng đang phải chiến đấu với chính một phần thiện - ác trong chính mình. Nhưng ngược đời thay “trên đời luôn luôn có những kẻ thích đau khổ hơn là hạnh phúc”. Đó là những kiểu người của cuộc sống hiện đại trong sự biến động phức tạp của thời đại qua tiểu thuyết Tạ Duy Anh.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết tạ duy anh (Trang 43 - 46)