Một thực thể thiếu hoàn chỉnh

Một phần của tài liệu Ẩn dụ về hôn nhân của người việt qua tục ngữ, ca dao dưới góc nhìn ngôn ngữ học tri nhận (Trang 90 - 93)

6. Cấu trúc Luận văn

3.4.1.Một thực thể thiếu hoàn chỉnh

Trong quan niệm của người Việt, trai lớn lấy vợ gái lớn gả chồng. Vì thế, trai gái đến tuổi trưởng thành thì phải lập gia thất, khi đó họ mới được gọi là hoàn thiện trách nhiệm với bản thân và gia đình. Tuy nhiên, khi người con trai, con gái đến tuổi trưởng thành mà chưa lập gia thất thì bị coi là một thực thể thiếu hoàn chỉnh:

...Gái không chồng như cóc có đuôi, Cóc có đuôi cóc còn nhảy được Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi.

A (gái không chồng) như B (cóc có đuôi). Thực thể A (cái so sánh chỉ tình trạng hôn nhân) như thực thể B (cái được so sánh là hiện thực ngoài hôn nhân)

Cóc là loài vật không có đuôi. "Cóc có đuôi" là hiện tượng lạ lùng, trái với quy luật tự nhiên. Vì thế, cấu trúc so sánh này phản ánh "gái không chồng" là chuyện khác biệt, là hiện tượng bất bình thường đối với mọi người. Điều này khẳng định người con gái đến tuổi trưởng thành phải kết hôn.

"Cóc có đuôi "cũng mới chỉ phản ánh được tính bất thường về bề ngoài của nó trong nhận thức của con người, còn người con gái không chồng thì "chạy ngược chạy xuôi". Sự dị dạng, bất thường của cóc khó có thể chấp nhận được, song nó vẫn tiếp tục tồn tại, nó vẫn có ích và làm chủ được mình. Còn người phụ nữ không chồng lại trở nên mất phương hướng, hoạt động không định hướng của chủ thể. Điều đó khẳng định mức độ cao của tính tất yếu của người con gái phải có chồng, nếu không sẽ thiếu đi sự hoàn chỉnh.

Một thực thể thiếu hoàn chỉnh còn được thể hiện:

- Chòng chành như nón không quai,

Như thuyền không lái như ai không chồng.

Cái được so sánh với gái không chồng ở đây là nón không quai. Nón

là vật dụng dùng để che nắng, che mưa gắn liền với trang phục truyền thống của người Việt. Nón chỉ thực hiện được chức năng và giá trị khi có đầy đủ khi có phần nón và quai nón. Người phụ nữ không chồng được so sánh với nón không quai, so sánh này khẳng định rằng, không có hôn nhân người phụ nữ trở nên mất giá trị và thậm chí vô dụng. Giá trị của người phụ nữ chỉ có thể được khẳng định khi có chồng, nghĩa là phải gắn với hôn nhân.

Người con gái đến tuổi trưởng thành cần có đôi, có cặp thì người con trai cũng vây:

- Trai chưa vợ như chợ chưa có đình, Gặp giông không biết dựa mình vào đâu.

Đình là bộ phận của chợ, tạo nên sự hoàn chỉnh cho chợ. Chợ phải có

đình, có đình chợ mới là chợ. Đình là vị trí trung tâm nhất, là nơi được trưng bày các sản phẩm hàng hóa có giá trị. Chợ không có đình thì không được xem là chợ lớn. Tác giả dân gian so sánh trai chưa vợ với chợ chưa có đình, người dân muốn khẳng định chưa có hôn nhân người con trai chưa

được xem là người trưởng thành. Mặt khác hôn nhân với người con trai là điểm tựa, là sức mạnh:

Gặp giông không biết dựa mình vào đâu.

Cuộc đời với bao biến cố, thăng trầm, gia đình là bến đỗ bình yên nhất cho người con trai, chính gia đình cũng là nguồn tiếp thêm sức mạnh, nghị lực để cho chàng trai vượt qua mọi gian nan, thử thách. Như vậy, hôn nhân không chỉ quan trọng với người con gái, mà nó còn là động lực là bến đỗ quan trọng của người con trai.

- Gái có chồng như sông có nước, Gái không chồng như lược gãy răng.

"Lược" là đồ dùng để chải tóc, có răng nhỏ và đều. "Lược" còn là biểu tượng tô vẽ nét đẹp, tạo duyên thầm cho những cô gái. Lược - răng là hình ảnh quen thuộc, chúng luôn đi kèm nhau, có quan hệ khăng khít, gắn bó, ràng buộc để thể hiện chức năng bổn phận của mình. Nếu lược mà không có răng thì lược không phát huy hết giá trị của mình. Người con gái đến tuổi lấy chồng mà vẫn sống trong cảnh lẻ loi, đơn chiếc đều được liên tưởng với "lược gãy răng".

Bên cạnh đó còn là nỗi cô đơn, buồn tủi chỉ có một mình, không có ai để chía sẻ vui buồn trong cuộc sống:

Sấm đông chớp bể mưa nguồn, Anh chưa có vợ có buồn không anh?

Dường như việc lập gia đình là một điều tất yếu đối với mỗi người khi đến tuổi trưởng thành. Thực hiện tốt những vai trò đó xem như họ đã hoàn thành một phần nghĩa vụ rất lớn đối với bản thân, gia đình và xã hội. Trong trường hợp không thực hiện được những chức năng, bổn phân đó thì họ không những phải đối mặt với sự bấp bênh của cuộc sống, mà cuộc sống của họ cũng sẽ trở nên vô nghĩa trước sự đầy đủ về vật chất. Và như thế họ được xem là những thực thể thiếu hoàn chỉnh, trái với quy luật mà con người mong đợi.

Một phần của tài liệu Ẩn dụ về hôn nhân của người việt qua tục ngữ, ca dao dưới góc nhìn ngôn ngữ học tri nhận (Trang 90 - 93)