Phương thức tài trợ nợ và vốn chủ sở hữu
Cơ cấu tài trợ của EMC khá đơn giản: vốn chủ sở hữu chỉ bao gồm vốn cổ phần phổ thông, lợi nhuận để lại, các quỹ của chủ sở hữu, không có vốn cổ phần ưu đãi; tài trợ nợ chỉ bao gồm vay ngắn hạn ngân hàng và các khoản nợ hoạt động, không có nợ dài hạn, tín phiếu ngắn nạn.
Nguyên nhân là do năm 2007 EMC hoạt động dưới hình thức sở hữu là DN Nhà nước, toàn bộ vốn chủ sở hữu do EVN phân bổ, không có dự án vay dài hạn. Đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO – Tháng 4/2007) toàn bộ thặng dư vốn cổ phần chuyển về quỹ sắp xếp DN của EVN. Từ tháng 1/2008 hoạt động theo hình thức CTCP, chưa phát hành bổ sung vốn, chưa có dự án vay dài hạn ngân hàng, thị trường vốn và thị trường tiền tệ chưa thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu và tín phiếu DN.
Chỉ tiêu 2007 2008 2009 TB ngành 2009
Hệ số nợ / TTS 0.71 0.75 0.76 0.67
Tổng tài sản tăng đều qua các năm, Cty không phát hành thêm vốn chủ sở hữu, tài sản tăng thêm chủ yếu được tài trợ bằng nợ. Cty sử dụng đòn bẩy tài chính cao hơn mức bình quân ngành (0.67) và có xu hướng gia tăng.
Hệ số nợ trên vốn chủ
Chỉ tiêu 2007 2008 2009 TB ngành 2009
Hệ số nợ / VCSH 2.49 2.92 3.25 2.76
Tốc độ tăng của nợ nhanh hơn tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu khiến hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của EMC năm 2008 vượt qua mức bình quân ngành (2.76) và tiếp tục tăng nhanh vào năm 2009. Cần phải lưu ý rằng phần gia tăng của vốn chủ sở hữu ở thời điểm 31/12/2008 và 31/12/2009 là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, thực tế phần lợi nhuận này đã được chia cổ tức cho cổ đông vào đầu năm sau. Do đó, thực chất đòn cân nợ của EMC còn cao hơn số liệu của bảng cân đối kế toán thời điểm ngày 31 tháng 12.
Phân tích ảnh hưởng của đòn bẩy tài chính lên ROE
Chỉ tiêu 2007 2008 2009
ROIC (r) 3.24% 6.05% 5.29%
Lãi suất sau thuế (i') 4.12% 6.13% 3.84%
ROE(*) 1.02% 5.81% 10.01%
Ta thấy ở hai năm 2007 và 2008 suất sinh lời trên vốn đầu tư nhỏ hơn lãi suất sau thuế, có nghĩa là đòn bẩy tài chính đã làm giảm suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu. Chỉ riêng năm 2009 đòn bẩy tài chính mới thực sự hiệu quả, làm gia tăng suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu do suất sinh lời trên vốn đầu tư lớn hơn lãi suất sau thuế.
Tóm lại: Cty sử dụng đòn bẩy tài chính cao hơn mức bình quân ngành và có xu hướng gia tăng. Một mặt, đòn bẩy tài chính giúp khuếch đại suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu khi suất sinh lời trên vốn đầu tư lớn hơn lãi suất sau thuế vào năm 2009; mặt khác, đòn cân nợ phản tác dụng, làm giảm suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu khi suất sinh lời trên vốn đầu tư nhỏ hơn lãi suất sau thuế ở năm 2007 và 2008.
Hệ số khả năng chi trả
Hệ số chi trả lãi vay
Chỉ tiêu 2007 2008 2009 TB ngành 2009
Hệ số chi trả lãi vay 1.10 1.32 1.80 5.41
Hệ số khả năng chi trả lãi vay có xu hướng tăng qua các năm. Năm 2008 EBIT tăng nhanh hơn chi phí lãi vay nên hệ số khả năng chi trả lãi vay tăng từ 1.1 lần lên 1.32 lần. Năm 2009 EBIT giảm nhẹ nhưng chi phí lãi vay giảm mạnh nhờ chính sách hỗ trợ lãi suất để kích cầu của Chính phủ nên hệ số khả năng chi trả lãi vay tiếp tục tăng lên đến 1.8 lần. Tuy nhiên, hệ số này là rất thấp so với bình quân ngành (5.41).
Hệ số khả năng thanh toán
Hệ số thanh toán ngắn hạn
Chỉ tiêu 2007 2008 2009 TB ngành 2009
Hệ số thanh toán ngắn hạn 1.23 1.16 1.16 1.59 Toàn bộ nợ của EMC là nợ ngắn hạn, do đó khi gia tăng nợ để tài trợ tài sản tăng thêm khiến cho hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn giảm xuống và hệ số này của EMC là khá thấp so với bình quân ngành (1.59).
Hệ số thanh toán nhanh
Chỉ tiêu 2007 2008 2009 TB ngành 2009
Hệ số thanh toán nhanh 0.55 0.56 0.61 0.70 Mặc dù khả năng thanh toán ngắn hạn giảm nhưng xu hướng tăng nhanh của khoản mục tiền mặt và tương đương tiền đã cải thiện hệ số khả năng thanh toán nhanh của EMC. Tuy nhiên vẫn còn kém hơn mức bình quân ngành (0.7).
Tóm lại: Mặt dù khả năng thanh toán nhanh có gia tăng nhờ tăng lượng tiền dự trữ, nhưng đòn cân nợ gia tăng, mà toàn bộ là nợ ngắn hạn, khiến khả năng thanh toán ngắn hạn giảm sút. Cả hai chỉ tiêu về tính thanh khoản của EMC đều kém hơn bình quân ngành.