Như chúng ta đã biết, quân Nguyên sau khi bị quân dân nhà Trần đánh bại vào năm 1258, đã luôn luôn nuôi chí báo thù, không từ bỏ dã tâm xâm lược Đại Việt, nhưng phải đén khi thôn tính được Nam Tống(1279), Trung Quốc hoàn toàn bị Mông Cổ xâm chiếm, Hốt Tất Liệt lên ngôi hoàng đế, thiết lập triều Nguyên ở Trung Quốc, chúng mới xúc tiến đánh Đại Việt lần thứ hai.
Để tạo cớ xâm lược Đại Việt, vua Nguyên ngang ngược đòi vua Trần sang chầu và đe doạ “nếu quả thật không tự vào ra mắt được thì lấy vàng thay thân, hai hạt châu thay mắt, thêm vào đó lấy hiền sĩ, phương kỉ, con trai, con gái thợ thuyền mỗi loại hai người để thay cho sĩ nhân. Nếu không thì hãy tu sửa thành trì mà đợi xét xử”
Nhận rõ ý đồ thâm hiểm của kẻ xâm lược, vua tôi nhà Trần đã bình tĩnh,chủ động tìm phương sách đối phó. Một mặt, Trần Nhân Tông cho chú họ là Trần Di Ái cùng Lê Tuấn, Lê Mục sang triều Nguyên thương thuyết để thăm dò và có thêm thời gian chuẩn bị kháng chiến; một mặt tổ chức Hội Nghị Bình Than gồm các vương hầu và trăm quan để bàn kế đánh giặc. Đây là hội nghị quân sự vô cùng quan trọng vừa là thống nhất ý chí vừa là dân chủ quân sự để tạo ra sức mạnh để đánh giặc.
Tại Kinh đô Thăng Long, tháng 1, năm 1285, thượng hoàng Trần Thánh Tông đã vời các bô lão uy tín trong cả nước về dự hội nghị Diên Hồng để hỏi kế đánh giặc. Trong bữa tiệc vua ban yến, khi được hỏi ý kiến, tất cả những người dự họp đều đồng thanh hô lớn “ĐÁNH”. Sau hội nghị quân dân nhà Trần viết vào tay hai chữ “Sát Thát” để biểu lộ quyết tâm đánh giặc.