III. CÔNG THẦN NGẬM OAN
1. Công hộ giá
Đầu năm 1285 quân Nguyên lại sang xâm lược, thế giặc rất mạnh, triều đình phải bỏ Thăng Long rút lui, Trần Bình Trọng được giao nhiệm vụ ngăn đường truy kích của giặc tại bãi Đà Mặc (tức bãi Mạn Trù, nay thuộc huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Quân ít, lực mỏng, ông bị giặc bắt.
Ông đã anh dũng hy sinh vào ngày 21 tháng giêng năm Ất Dậu (tức 26/2/1285), triều đình thương tiếc truy phong tước Bảo Nghĩa Vương, tặng thêm 2 chữ "Trung Nghĩa".
Con cháu Trần Bình Trọng sau này đều làm tướng, nổi nhất là Trần Khát Chân.
Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng tuy trong đời chỉ có một trận đánh duy nhất: Trận đánh trên bãi lầy Màn Trò thuộc sông Thiên Mạc (ở bên sông Cái thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên ngày nay. An Nam Chí Lược gọi là ải Thiên-Hán); nhưng trận đánh có ý nghĩa vô cùng to lớn:
Cho đến ngày nay nhiều nhà quân sự tiếng tăm trên thế giới cho rằng hành quân triệt thoái nó còn khó hơn cả khi tấn công vào đất địch vì đạo quân bị rơi vào thế thụ động vừa phải tìm cách bảo toàn lực lượng vừa lo chống đỡ kẻ thù truy kích, thì cách đây hơn 700 năm về trước, một vị Hoàng đế người Việt Nam đã thành công trong việc chỉ huy đoàn quân triệt thoái giữa lúc đang bị kẻ thù xâm lăng truy đuổi gắt gao. Người đó không ai khác hơn đó là Đức Hoàng đế Trần Nhân Tông. Và một trong những trận đánh quyết định để bảo vệ Thiên Trường (thuộc Nam Định ngày nay, nơi đặt Triều đình tạm của ta lúc bấy giờ), là trận đánh bên bờ Thiên Mạc do danh tướng Trần Bình Trọng nắm giữ. Tại đây, quân của Trần Bình Trọng đã chiến đấu anh dũng, nhưng do sự chênh lệch quá lớn về quân số, ông đã bị bắt. Tuy vậy, trận đánh là một thắng lợi cực kỳ quan trọng về mặt chiến lược: Kể từ đó, quân Nguyên hoàn toàn mất dấu bộ chỉ huy kháng chiến.