Nghiên cứu về mật độ trồng tối ưu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giống ngô lai chịu hạn, ngắn ngày và biện pháp canh tác cho một số tỉnh phía nam (Trang 39)

Mật độ trồng cao đưa đến sự thay đổi sinh trưởng của cây. Chiều cao cây sẽ tăng cùng với việc tăng mật độ do có sự cạnh tranh về ánh sáng. Tăng chiều cao cây do mật độ trồng tăng là một phản ứng để cây tiếp nhận ánh sáng tốt hơn. Thêm nữa, hướng lá cũng thay đổi do ảnh hưởng của áp lực từ mật độ cây trồng cao gây ra. Một sự thích ứng khác của quần thể cây có mật độ dày đó là các cây sẽ giảm số lượng lá. Khi mật độ trồng cao thì các lá sẽ thẳng đứng, bản lá hẹp, lóng vươn dài ra. Các đặc tính nông học của cây ngô chịu ảnh hưởng đáng kể của mật độ trồng. Khi mật độ cây cao hơn thì độ cao đóng bắp cũng cao hơn và đường kính thân nhỏ hơn (Huseyin và cộng sự, 2003) [98]. Các tài liệu khoa học cho thấy rằng, mật độ trồng tối ưu để đảm bảo thu được năng suất cao là cây phải tận dụng tối đa ánh sáng, dinh dưỡng và ẩm độ trong đất (Xue và cộng sự, 2002; Gonzalo và cộng sự, 2006; Raouf và cộng sự, 2009)[190], [91], [141]. Năng suất hạt thu hoạch trên mỗi cây thường bị giảm khi tăng mật độ cây trồng. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây cho thấy, không có một công thức chung cho mật độ trồng tối ưu do phụ thuộc vào các yếu tố trong quá trình sinh trưởng, đặc biệt là giống, điều kiện đất đai và sự hữu dụng của nguồn nước. Liebman và cộng sự (2001) [112] đã kết luận rằng, mật độ trồng tối ưu là mật độ mà ở đó chi phí hạt giống tăng thêm không ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế từ việc tăng năng suất.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giống ngô lai chịu hạn, ngắn ngày và biện pháp canh tác cho một số tỉnh phía nam (Trang 39)