Những nghiên cứu sử dụng kết hợp phân bón, mật độ và một số biện pháp canh tác khác trên cây ngô

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giống ngô lai chịu hạn, ngắn ngày và biện pháp canh tác cho một số tỉnh phía nam (Trang 50 - 54)

pháp canh tác khác trên cây ngô

Một trong những nguyên nhân chính làm năng suất ngô thấp là do sự màu mỡ của đất bị suy giảm. Đó là hậu quả của việc không cung cấp đầy đủ dinh dưỡng khoáng và sử dụng mất cân đối các yếu tố dinh dưỡng trong quá trình sản xuất ngô trong một thời gian dài. Ngô đòi hỏi sự cung cấp đầy đủ N, P và K để sinh trưởng tốt và cho năng suất cao. N và P là hai yếu tố cần thiết cho sự phát triển sinh dưỡng và sự phát triển của hạt. Tuy nhiên, sử dụng P với tỷ lệ cao có khả năng gây ra sự mất cân bằng dinh dưỡng và hậu quả là năng suất giảm (Buresh và cộng sự, 1997) [48]. Báo cáo trước đây trong một nghiên cứu về dinh dưỡng trên ngô cho thấy năng suất hạt tăng đáng kể chủ yếu phát sinh từ việc bón N và kế đến là từ P. Việc bón N và P có một tác động trên năng suất ngô có ý nghĩa hơn tác động trên nồng độ các chất dinh dưỡng trong hạt (Hussaini và cộng sự, 2008) [97].

Những giá trị của các chỉ tiêu như chiều cao cây, đường kính thân, diện tích lá của ngô gia tăng đáng kể do sử dụng phân đạm và phân lân ở 8 tuần sau gieo hạt (Onasanya và cộng sự, 2009) [136]. Năng suất và trọng lượng 1.000 hạt cao hơn và khác biệt có ý nghĩa thống kê ở mức bón 200 kg Urea và 120 kg Kali sunfat/ha. Những ảnh hưởng riêng lẻ của N (200 kg Urea) và K (120 kg Kali sunfat) cũng khác biệt có ý nghĩa về năng suất và trọng lượng 1.000 hạt (Babak và cộng sự, 2012)[31].

Theo Asghar và cộng sự (2010) [30], việc bón NPK với lượng cao làm chậm quá trình trổ cờ, phun râu và chín của ngô. Mức NPK sử dụng 175-80-60 kg/ha là mức bón phù hợp đảm bảo hiệu quả kinh tế để đạt được năng suất hạt tối đa trong điều kiện sinh thái nông nghiệp của vùng Faisalabad, Parkistan. Một nghiên cứu

khác, năng suất thu được biến động từ 15,6 - 18,4 tấn/ ha với lượng phân bón 320 - 640 kg N + 115 - 230 kg P2O5 + 264 - 432 kg K2O/ ha + phân chuồng + Canxi, Magie, Lưu huỳnh, Kẽm, Mangan, Đồng, Bo. Như vậy, còn có 1 khoảng rất lớn để tăng năng suất ngô khi tăng lượng và loại phân bón cần đầu tư. Nghiên cứu sử dụng kết hợp phân vô cơ và hữu cơ cho thấy, năng suất ngô là 816 kg/ha và 850 kg/ha khi bón tương ứng 45 kg N/ha và 10 tấn/ha phân chuồng. Tuy nhiên, kết hợp 10 tấn phân chuồng/ha và 45 kg N/ha cho năng suất tăng tới 1.250 kg/ha. Nếu bón 20 tấn phân chuồng/ha +150 kg N/ha cho năng suất cao nhất 2500 kg/ha (KARI, 1996)[104]

Kết quả nghiên cứu của trung tâm ngô sông Bôi cho thấy: giống ngô MSB49 cho năng suất cao nhất ở mật độ 9,52 vạn cây/ha với mức bón 120N + 80 P2O5 + 40 K2O (Phan Xuân Hào, 2007)[8]. Trong một nghiên cứu khác, năng suất ngô đạt cao nhất ở mật độ trồng 9,2 vạn cây/ha kết hợp với lượng đạm bón 150 kg N/ha (Hà Thị Thanh Bình và cộng sự, 2011)[1]. Tỷ lệ N-P là 250-125 kg/ha cho tối đa về trọng lượng 1.000 hạt, số hạt/bắp, trọng lượng hạt/bắp và năng suất. Mức N-P vượt quá mức tối ưu thì làm giảm năng suất. Sử dụng mức 120 kg N/ha + 40 kg P/ha cho năng suất ngô cao nhất đặc biệt là trong khu vực nghiên cứu. Ở mức 60 kg N/ha 40 kg P/ha cũng làm tăng năng suất ngô và tăng hiệu quả kinh tế (Onasanya và cộng sự, 2009) [136]. Sallah và cộng sự (1997) [154] cho biết, với mật độ 50.000 cây/ha và áp dụng bón 90 kg N/ha cho sản lượng ngô đạt cao nhất tại Ghana. Cũng theo tác giả, ở mật độ 50.000 cây/ha và bón 80 kg N/ha cho năng suất ngô cao nhất trong vùng cao nguyên tại Rwanda. Maral và cộng sự (2012) [121] cho biết năng suất đạt cao nhất 11,65 tấn/ha khi bón 200 kg N/ha và trồng với khoảng cách hàng 40cm, trong khi Mohammadi và cộng sự (2010) [126] thì thấy rằng, sử dụng 100 kg/ha phân urê và trồng với khoảng cách hàng 35cm thu được năng suất, trọng lượng 1000 hạt, chiều dài bắp, số hạt/bắp, số hạt/hàng và chiều cao cây là cao nhất.

Thuật ngữ SSNM đã được các nhà khoa học nông nghiệp ở IPNI và IRRI đưa ra để áp dụng cho cây lúa trước tiên và gần đây được áp dụng trên cây ngô trong những năm 2004-2007 đã mang lại hiệu quả cao trong việc quản lý dinh dưỡng cho cây ngô. Đây là phương pháp quản lý dinh dưỡng mang tính chuyên vùng cho cây

trồng dựa trên nhu cầu dinh dưỡng của cây và tình trạng dinh dưỡng trong đất ở các vùng trồng ngô. (Christian Witt và cộng sự, 2010)[57] đã báo cáo khi áp dụng SSNM cho ngô ở các nước nhiệt đới như Indonesia, Philippine và Việt Nam năng suất ngô tăng 0,8 – 1,2 tấn/ha so với phương pháp quản lý truyền thống của nông dân ở các địa điểm này.

Trinh Quang Khuong và cộng sự, (2008)[105] nghiên cứu về quản lý cây trồng và dinh dưỡng tổng hợp theo vùng chuyên biệt trên hệ thống Ngô-Ngô-Lúa. Với 10 nghiệm thức kết hợp các mật độ bao gồm: mật độ thông thường 67.000 cây/ha (75 x 20 cm), mật độ cải tiến (iPD) với khoảng cách 50 x 30 cm, ICM với mật độ cao 74.000 cây/ha và các phương pháp bón phân: FFP (theo kỹ thuật của người dân), SSNM và các lô khuyết dinh dưỡng N, P hoặc K. Kết quả cho thấy rằng, năng suất ngô đạt 8-10 t/ha ở Tân Châu, An Giang. Năng suất cao nhất được ghi nhận trên đất phù sa là 9,85 tấn/ha vào mùa khô và 8,58 tấn/ha vào mùa mưa. Năng suất ngô có thể tăng 0,3-0,4 tấn/ha do việc tăng mật độ trồng. Ở mật độ 67.000 cây/ha bố trí theo khoảng cách cải tiến (50cm x 30cm) thu được năng suất hạt cao hơn so với kiểu bố trí của nông dân (75cm x 20cm). Đối với mật độ cải tiến ở mức bón NPK cao hơn của nghiệm thức SSNM đạt được năng suất cao hơn 0,7 tấn/ha và lợi nhuận ròng tăng hơn 833.000 đồng/ha trong mùa khô 2006 và 786.000 đồng/ha mùa mưa 2006. Kết quả nghiên cứu của Trần Trung Kiên (2009) [10] cho thấy, liều lượng 180 N (nền: 10 tấn phân chuồng + 80 P2O5 + 80 K2O/ha); liều lượng lân 120 P2O5 (nền: 10 tấn phân chuồng + 120 N + 80 K2O/ha) và liều lượng kali 120 K2O (nền: 10 tấn phân chuồng + 120 N + 80 P2O5/ha) đối với hai giống QP4 và LVN10 cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất. Trong ba yếu tố N, P và K thì N là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sinh trưởng, phát triển, năng suất, hàm lượng và chất lượng protein của các giống ngô.

Lược khảo những nghiên cứu trong và ngoài nước về mật độ trồng và dinh dưỡng khoáng cho ngô cho thấy rằng, năng suất ngô có thể gia tăng khi tăng mật độ trồng (bằng cách thu hẹp khoảng cách trồng) đến một giới hạn nhất định. Trong thực tế cũng như theo khuyến cáo, ở các tỉnh phía Nam người dân thường trồng phổ biến với hai mật độ 66.666 cây/ha (khoảng cách 75 cm x 20 cm) hoặc 47.619 cây/ha

(khoảng cách 70 cm x 30 cm), so với kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước thì khoảng cách giữa các hàng là khá rộng, điều này làm giảm đáng kể sản lượng ngô trong vùng. Bên cạnh đó, tập quán chỉ sử dụng đơn độc phân khoáng hóa học và mất cân đối trong nhiều năm, nhiều vụ liên tục làm giảm hiệu lực của phân bón hóa học nên năng suất ngô không cao và chưa tương xứng với tiềm năng năng suất của giống. Đây là một trong những hạn chế trong thực tiễn canh tác ngô hiện nay ở phía Nam, vì vậy, cần có những nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này nhằm giải quyết những trở ngại nêu trên để góp phần gia tăng năng suất và sản lượng ngô.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giống ngô lai chịu hạn, ngắn ngày và biện pháp canh tác cho một số tỉnh phía nam (Trang 50 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)