Nghiên cứu về mật độ trồng thích hợp tại Đắc Nông Đối với yếu tố chính (mật độ trồng)

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giống ngô lai chịu hạn, ngắn ngày và biện pháp canh tác cho một số tỉnh phía nam (Trang 139 - 142)

Đối với yếu tố chính (mật độ trồng)

Kết quả nghiên cứu mật độ trồng đối với hai giống ngô lai tại Đắc Nông (bảng 3.43) cho thấy, chiều cao cây thay đổi đáng kể ở các mật độ trồng khác nhau từ 204 cm đến 246 cm, sự thay đổi này khác biệt có ý nghĩa về thống kê. Ở mật độ trồng dày trên 80.000 cây/ha, chiều cao cây gia tăng so với các công thức khác, chiều cao cây của ba công thức trồng dày cũng thay đổi theo mật độ cây nhưng không khác biệt có ý nghĩa. Trong ba công thức trồng dày, chỉ có công thức trồng ở mật độ 100.000 cây/ha có chiều cao cây khác biệt có ý nghĩa so với các công thức trồng với mật độ thấp hơn 80.000 cây/ha. Cùng một mật độ trồng là 66.666 cây/ha, nhưng với khoảng cách trồng 50 cm x 30 cm có chiều cao tăng hơn so với hai công thức trồng với khoảng cách 60 cm x 25 cm và 75 cm x 20 cm. Nhìn chung, có sự tăng nhẹ về chiều cao khi tăng mật độ trồng trên 80.000 cây/ha, ở các mật độ khác thì quy luật này không thể hiện rõ.

Thời gian phun râu giữa các công thức thay đổi từ 59 ngày đến 65 ngày khác biệt có ý nghĩa thống kê. Ở công thức trồng với mật độ 100.000 cây/ha, do bị cạnh tranh mạnh về dinh dưỡng, nước và ánh sáng nên cây sinh trưởng yếu và thời gian phun râu cũng trễ hơn. Các công thức trồng dày có thời gian phun râu dài hơn so với hai công thức đối chứng và các công thức khác, tuy nhiên, sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê. Trọng lượng 1.000 hạt cũng thay đổi ở các công thức. Ở các công thức trồng dày trên 80.000 cây/ha, trọng lượng 100 hạt giảm, đặc biệt thấp hơn có ý nghĩa thống kê ở công thức trồng 100.000 cây/ha. Đối với chỉ tiêu trọng lượng bắp,

có sự khác biệt có ý nghĩa giữa các công thức. Trọng lượng bắp đạt cao nhất ở hai công thức đối chứng, công thức trồng thưa nhất và ở các công thức trồng với mật độ 66.666 cây/ha, khác biệt có ý nghĩa so với các công thức trồng dày.

Đối với chỉ tiêu năng suất, ngoại trừ công thức trồng với mật độ 100.000 cây/ha, các công thức trồng dày hơn so với hai công thức đối chứng có năng suất cao hơn. Năng suất thấp nhất được ghi nhận ở công thức trồng dày nhất (5,91 tấn/ha) và thưa nhất (6,82 tấn/ha), sự khác biệt về năng suất của hai công thức này so với các công thức khác có ý nghĩa thống kê. Trong ba công thức trồng với mật độ dày hơn so với hai công thức đối chứng, năng suất đạt cao nhất ở công thức trồng 83.333 cây/ha với khoảng cách 70 cm x 20 cm, tuy nhiên không có sự sai khác về thống kê về năng suất giữa các công thức này. Về khoảng cách trồng, năng suất cao nhất thu được ở khoảng cách trồng 60 cm x 25 cm (8,97 tấn/ha) và 50 cm x 30 cm (8,79 tấn/ha), năng suất đạt được cao hơn so với hai công thức đối chứng ở mức thống kê P< 0,05. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy xu thế thay đổi về các chỉ tiêu nông học cũng như năng suất ở thí nghiệm này có khác so với thí nghiệm ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Có thể do sự khác nhau về thời tiết, khí hậu (vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam bộ) và thành phần dinh dưỡng đất (đất đỏ bazan và đất thịt pha cát) dẫn đến sự khác biệt.

Đối với yếu tố giống (yếu tố phụ)

Tương tự như thí nghiệm ở Bà Rịa Vũng Tàu, các yếu tố cấu thành năng suất của tổ hợp lai VK1 x NK67-2 có chiều hướng gia tăng so với các chỉ tiêu này của giống C.919. Tuy nhiên, sự sai khác này không có ý nghĩa thống kê. Năng suất hạt trung bình của tổ hợp lai VK1 x NK67-2 là 8,29 tấn/ha cao hơn có ý nghĩa so với giống đối chứng C.919 (7,79 tấn/ha). Sự vượt trội của tổ hợp lai này đã được khẳng định trong những kết quả của các nội dung nghiên cứu ở phần trước về đánh giá khả năng sinh trưởng và năng suất của các tổ hợp lai.

Bảng 3.43 Đặc điểm nông học và năng suất của giống ngô lai ở các mật độ vụ Thu Đông muộn 2011 tại Cư Jut, Đắc Nông

Công thức Chiều cao cây (cm) Chiều cao đóng bắp (cm) Thời gian phun râu (ngày) Trọng lượng 1.000 hạt (g) Trọng lượng bắp (g) Năng suất (tấn/ha) Khoảng cách (Số cây/ha) 50 cm x 20 cm

(100.000 cây/ha) 246a 123 65a 264,5c 188,67c 5,91d 50 cm x 25 cm

(80.000 cây/ha) 231abc 120 63ab 284,0b 228,17b 8,42ab 50 cm x 30 cm

(66.666 cây/ha) 229bc 131 60ab 296,0ab 249,33a 8,79a 60 cm x 20 cm

(83.333 cây/ha) 234abc 126 61ab 289,0b 225,17b 8,64ab 60 cm x 25 cm

(66.666 cây/ha) 214de 105 60ab 302,5a 254,33a 8,97a 60 cm x 30 cm

(55.555 cây/ha) 204e 116 60ab 298,0ab 242,00ab 8,47ab 70 cm x 20 cm

(71.428 cây/ha) 223bcd 118 60ab 290,0ab 238,67ab 8,62ab 70 cm x 25 cm (Đ/C)

(57.142 cây/ha) 214de 111 59b 295,0ab 248,00a 7,98b 70 cm x 30 cm

(47.619 cây/ha) 226bcd 128 61ab 29,10ab 254,00a 6,82c 75 cm x 20 cm (Đ/C)

(66.666 cây/ha) 221cd 118 60ab 295,5ab 250,67a 7,82b

CV (%) 5,6 5,3 7,3 4,3 6,9 9,4

Giống

VK1 x NK67-2 224 119 60 293,5 231,13 8,29

C. 919 227 121 62 291,6 222,47 7,79

CV(%) 3,9 11,2 5,3 5,1 4,8 12,9

Ghi chú: Các giá trị trong cùng một cột được theo sau cùng một chữ cái là không khác biệt thống kê ở mức P < 0,05

Qua hai thí nghiệm về mật độ trồng ở hai vùng riêng biệt, sự khác nhau về địa lý và những yếu tố khác có ảnh hưởng đến kết quả trong từng vùng. Tuy nhiên, sự tương đồng về kết quả có thể được rút ra từ nghiên cứu này như sau:

+ một số yếu tố cấu thành năng suất như trọng lượng bắp, trọng lượng 1.000 hạt là khá cao ở các công thức đối chứng hoặc ở công thức trồng thưa hơn và các yếu tố này thường giảm khi tăng mật độ trồng

+ chiều cao cây có xu hướng tăng ở mật độ trồng trên 80.000 cây/ha và khác biệt có ý nghĩa so với hai công thức đối chứng khi trồng ở mật độ 100.000 cây/ha.

+ năng suất tăng so với hai công thức đối chứng khi trồng ở mật độ dày hơn nhưng thấp hơn 100.000 cây/ha. Cùng mật độ trồng 66.666 cây/ha, nhưng khi trồng với khoảng cách 50 cm x 30 cm và 60 cm x 25 cm thì năng suất cao hơn khi trồng với mật độ 75 cm x 20 cm (công thức đối chứng).

Riêng đối với mật độ trồng của hai công thức đối chứng (là những mật độ trồng phổ biến hiện nay), khi trồng với khoảng cách hàng hẹp hơn và tăng khoảng cách giữa hai cây thì năng suất có xu thế tăng cao hơn. Như vậy có thể thấy rằng, tăng mật độ trồng hợp lý và thu hẹp khoảng cách hàng đồng thời tăng khoảng cách giữa các cây là biện pháp cần thiết để tăng năng suất ngô.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giống ngô lai chịu hạn, ngắn ngày và biện pháp canh tác cho một số tỉnh phía nam (Trang 139 - 142)