Kết cấu của phạm trù thực tiễn

Một phần của tài liệu CÁC CHUYÊN ĐỀ DUY VẬT LỊCH SỬ (Trang 53 - 54)

II. THỰC TIỄN VÀ VAI TRÒ CỦA THỰC TIỄN ĐỐI VỚI NHẬN THỨC 1 Phạm trù thực tiễn

1.2.Kết cấu của phạm trù thực tiễn

1.2.1. Từ quan niệm trên, nếu xét theo chiều ngang thì nó gồm những đặc trưng sau:

Thứ nhất, thực tiễn không phải toàn bộ hoạt động của con người, mà chỉ là những hoạt động vật chất – cảm tính. Đó là những hoạt động vật chất mà con người có thể cảm giác được, tức là nhìn được, đong, đo đếm được, quan sát được... Những hoạt động vật chất – cảm tính là những hoạt động con người phải sử dụng lực lượng vật chất, công cụ vật chất tác động vào đối tượng vật chất để làm biến đổi chúng. Trên cơ sở đó, con người mới làm biến đổi được thế giới khách quan.

Thứ hai, hoạt động thực tiễn là những hoạt động mang tính lịch sử - xã hội của con người nghĩa là thực tiễn là hoạt động chỉ diễn ra trong xã hội với sự tham gia của đông đảo người trong xã hội. Trong hoạt động thực tiễn con người truyền lại cho nhau những kinh nghiệm từ thế hệ này qua thế hệ khác (Các thế hệ sau có thể học tắt, không phải học lại từ đầu…). Hơn nữa, hoạt động thực tiễn luôn bị giới hạn bởi những điều kiện lịch sử xã hội cụ thể, đồng thời thực tiễn có trải qua những giai đoạn lịch sử phát triển cụ thể của mình.

Thứ ba, thực tiễn là hoạt động có mục đích nhằm cải tạo tự nhiên, xã hội của con người khác với hoạt động bản năng tự phát nhằm thích nghi thụ động với thế giới. Con người bằng và thông qua hoạt động thực tiễn chủ động tác động cải tạo thế giới để thỏa mãn nhu cầu của mình, thích nghi một cách chủ động tích cực với thế giới. Như vậy, nói tời thực tiễn là nói tới hoạt động có tính tự giác cao của con người, khác với hoạt động bản năng thụ động của động vật.

1.2.1. Nếu cắt theo chiều dọc (xem xét thực tiễn như một quá trình, quy trình) thực tiễn bao giờ cũng gồm: mục đích, phương tiện và kết quả.

Mục đích được nảy sinh từ nhu cầu và lợi ích. Nhu cầu xét đến cùng nảy sinh từ điều kiện khách quan. Lợi ích chính là cái thỏa mãn nhu cầu. Để đạt được mục đích con người trong hoạt động thực tiễn của mình phải lựa chọn phương tiện, công cụ để thực hiện. Kết quả phụ thuộc vào nhiều nhân tố, nhưng trước hết phụ thuộc vào mục đích đặt ra và phương tiện mà con người sử dụng để đạt được mục đích (thực hiện mục đích).

Dù xem xét theo chiều ngang hay chiều dọc thì hoạt động thực tiễn thể hiện hoạt động mang tính tự giác cao của con người chủ động tác động làm biến đổi tự nhiên, xã hội của con người. Rõ ràng, hoạt động thực tiễn là hoạt động cơ bản phổ biến của con người, xã hội loài người; là phương thức cơ bản của mối quan hệ giữa con người với thế giới. Là phương thức cơ bản của sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Không có hoạt động thực tiễn thì bản thân con người, xã hội loài người không thể tồn tại và phát triển được. Nhờ có hoạt động thực tiễn mà con người tách mình được khỏi thế giới tự nhiên. Đồng thời nhờ hoạt động thực tiễn mà con người có mối quan hệ với tự nhiên.

Một phần của tài liệu CÁC CHUYÊN ĐỀ DUY VẬT LỊCH SỬ (Trang 53 - 54)