Các nhà triết học nói chung đều cho nhận thức gồm hai quá trình [BĐD]. V.I.Lênin khái quát: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng…. – đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức thực tại khách quan” (V.I.Lênin: Toàn tập, tập 29, trang 179)
1. Nhận thức cảm tính
Đây là giai đoạn nhận thức gắn liền với thực tiễn. Ở giai đoạn này, nhận thức của con người phản ánh trực tiếp khách thể thông qua các giác quan được diễn ra dưới ba hình thức: Cảm giác, tri giác, biểu tượng.
2. Tư duy trừu tượng
Bắt nguồn từ trực quan sinh độn thông qua tư duy trừu tượng con người phản ánh khái quát, trừu tượng, đầy đủ hơn dưới các hình thức: khái niệm, phán đoán, suy luận (suy lý)…
Như vậy, nhận thức lý tính (tư duy trừu tượng) khác với nhận thức cảm tính ở chỗ nó phản ánh khái quát, trừu tượng sự vật, hiện tượng trong tính tất yếu, chỉnh thể, toàn diện. Vì vậy, nhận thức lý tính đã phản ánh được mối liên hệ bản chất, tất nhiên, bên trong của sự vật, hiện tượng. Như vậy nó phản ánh sâu sắc hơn so với nhận thức cảm tính. Nhưng vì phản ánh một cách khái quát hóa, trừu tượng hóa sự vật nên luôn hàm chứa nguy cơ xa rời hiện thực, xa rời thực tiễn. Do vậy, nhận thức lý tính phải được gắn liền với thực tiễn và được kiểm tra bởi thực tiễn. Đây cũng là bước chuyển từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn. Chính thực tiễn đặt ra những vấn đề mới cần nhận thức, do vậy lại bắt đầu một vòng khâu nhận thức mới.
Nhận thức cảm tính (trực quan sinh động) và nhận thức lý tính (tư duy trừu tượng) là hai giai đoạn khác nhau của quá trình nhưng thống nhất với nhau, liên hệ với nhau, bổ sung cho nhau trong quá trình nhận thức của con người. Nhận thức cảm tính là cơ sở cho nhận thức lý tính, không có nhận thức cảm tính thì không có nhận thức lý tính, ngược lại nhờ có nhận thức lý tính mà con người mới đi sâu nhận thức được bản chất của sự vật. Do vậy, trong hoạt động nhận thức không được tuyệt đối hóa giai đoạn nào. Nếu tuyệt đối hóa nhận thức cảm tính sẽ rơi vào chủ nghĩa duy cảm. Nếu tuyệt đối hóa nhận thức lý tính sẽ rời vào chủ nghĩa duy lý. Cả hai phương diện (thái cực) này đều sai.