V. SỰ THỐNG NHẤT GIỮA LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN 1 Khái niệm lý luận
4. Ngăn ngừa, khắc phục bệnh kinh nghiệm, giáo điều
Nếu không quán triệt tốt nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn thì dễ mắc phải bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa cũng như bệnh giáo điều.
Bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa về bản chất là khuynh hướng tư tưởng tuyệt
đối hoá kinh nghiệm, hạ thấp hoặc phủ nhận vai trò của lý luận. Căn bệnh này có nhiều tác hại, dễ dẫn tới việc coi thường lý luận, coi thường việc học tập lý luận, không đánh giá đúng vai trò của cán bộ lý luận, coi nhẹ vai trò của cán bộ lý luận, của đội ngũ trí thức; dễ rơi vào lối suy nghĩ giản đơn, tư duy áng chừng, đại khái, phiến diện, yếu về lôgíc và thiếu tính hệ thống. Trong hoạt động thực tiễn thì mò mẫm, tuỳ tiện, sự vụ, gặp đâu hay đó, thiếu nhìn xa trông rộng ...
Bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa ở nước ta có nhiều nguyên nhân khác nhau: vi phạm nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, không nắm được thực chất mối liên hệ biện chứng giữa kinh nghiệm và lý luận, giữa thực tiễn và lý luận; ảnh hưởng tiêu cực của xã hội nông nghiệp cổ truyền, khép kín; ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến (gia trưởng, sống lâu lên lão làng…), tư tưởng tiểu tư sản v.v.. Để ngăn ngừa và khắc phục có hiệu quả căn bệnh này phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chẳng hạn: quán triệt tốt trên thực tế sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, coi trọng cả thực tiễn cả lý luận; coi trọng công tác tổng kết thực tiễn; nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; từng bước khắc phục triệt để tư tưởng phong kiến, tiểu tư sản, đồng thời tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, đổi mới công tác lý luận của Đảng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bệnh giáo điều chủ nghĩa về bản chất là khuynh hướng tư tưởng và hành
động tuyệt đối hóa lý luận, cường điệu lý luận coi nhẹ (coi thường, hạ thấp) kinh nghiệm thực tiễn, tách lý luận khỏi thực tiễn, thiếu quan điểm lịch sử cụ thể. Vận dụng lý luận không phù hợp với điều kiện thực tiễn, không xuất phát từ thực tiễn, địa phương, cơ sở mình. Ở nước ta có hai loại giáo điều, đó là giáo điều lý luận và
giáo điều kinh nghiệm. Giáo điều lý luận biểu hiện ở việc học tập lý luận tách rời với thực tiễn, xa rời cuộc sống, rơi vào bệnh sách vở, bệnh câu chữ, bệnh hình thức, tầm chương trích cú, lý thuyết suông v.v... Giáo điều kinh nghiệm biểu hiện ở việc áp dụng dập khuôn, máy móc kinh nghiệm của ngành khác vào ngành mình, của địa phương khác vào địa phương mình, của nước khác vào nước mình v.v.. mà không tính đến những điều kiện lịch sử cụ thể, không xuất phát từ điều kiện thực tiễn. Ở nước ta chủ yếu là loại giáo điều kinh nghiệm. Bệnh giáo điều chủ nghĩa ở nước ta có nhiều nguyên nhân: vi phạm nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn (nguyên nhân cơ bản); sự yếu kém về trình độ lý luận của đội ngũ cán bộ; sự tác động tiêu cực của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp; ảnh hưởng của tư tưởng tiểu tư sản (chủ nghĩa thành tích, chủ nghĩa hình thức) v.v..
Để khắc phục và ngăn ngừa có hiệu quả cả hai loại giáo điều này, chúng ta phải từng bước quán triệt tốt sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn; nâng cao trình độ tư duy lý luận khoa học cho cán bộ và nhân dân; từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ XHCN v.v..; tăng cường tổng kết thực tiễn; ngăn ngừa chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa thành tích (là dạng chủ nghĩa làm cho bệnh giáo điều càng trầm trọng) v.v..
Để khắc phục bệnh giáo điều, cần phải quán triệt tốt nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Trên thực tế, sự liên hệ giữa lý luận và thực tiễn có nhiều hình thức phong phú khác nhau như: tổng kết thực tiễn; vận dụng các lý thuyết khoa học vào sản xuất, vào quy trình cải tạo xã hội; đẩy mạnh sự hợp tác giữa các trung tâm nghiên cứu khoa học với các cơ sở sản xuất; sự hợp tác giữa cán bộ lý luận với cán bộ thực tiễn v.v.. Trong đó tổng kết thực tiễn là biện pháp cơ bản trực tiếp quan trọng nhất. Tổng kết thực tiễn là quá trình bằng tư duy khoa học với phương pháp duy vật biện chứng, phân tích, đánh giá, khái quát thực tiễn nhằm rút ra những bài học, góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận cũng như chủ trương, đường lối chính sách chỉ đạo thực tiễn. Tiếp theo trên cơ sở của tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, chúng ta mới thấy những ưu điểm của kinh nghiệm, đồng thời phát hiện hạn chế của nó, mới có căn cứ để không ngừng xem xét lại, bổ sung, sửa đổi, phát triển hệ thống lý luận cũ, có cơ sở để khái quát thành lý luận mới. Tổng
kết thực tiễn giúp chúng ta không bị dừng lại ở những tri thức kinh nghiệm cụ thể, cá biệt; không bị trói buộc vào một thực tiễn cụ thể, hay vào những tình huống cá biệt với những cách thức, phương pháp hành động cũ. Cho nên, tổng kết thực tiễn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển lý luận, khắc phục bệnh giáo điều, bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa, đồng thời bảo đảm trên thực tế sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Để tổng kết thực tiễn có hiệu quả thì nó phải bảo đảm được ba yêu cầu: tính khách quan; tính khái quát cao và tính mục đích đúng đắn. Yêu cầu khách quan trong tổng kết thực tiễn đòi hỏi phải quán triệt tốt quan điểm duy vật biện chứng và phải có tấm lòng trung thực, để tránh tổng kết thực tiễn theo kiểu "tô hồng" hoặc "bôi đen". Tính khái quát cao trong tổng kết thực tiễn đòi hỏi qua phân tích, đánh giá, xem xét các sự kiện thực tế phải rút ra được những vấn đề có tính quy luật, tức là nắm được các mối liên hệ bản chất nhất. Trên cơ sở đó mới khẳng định được những quan điểm cơ bản để chỉ đạo hoạt động thực tiễn, góp phần định hướng, bổ sung, hoàn thiện lý luận. Tính mục đích đúng đắn đòi hỏi tổng kết thực tiễn nhằm quán triệt sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, phục vụ mục tiêu xây dựng CNXH, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới. Mọi biểu hiện xa rời những mục tiêu trên như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa thành tích, tư tưởng cục bộ v.v.. đều làm cho tổng kết thực tiễn biến dạng nghiêm trọng. Như vậy sẽ không quán triệt được trên thực tế sự thống nhất giữa lý luận và nhận thức.