V. SỰ THỐNG NHẤT GIỮA LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN 1 Khái niệm lý luận
3. Thực chất của sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn
Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, trong đó có triết học Mác - Lênin… thống nhất ở đây không
phải là đồng nhất, trùng khít, cũng không phải ngược với chia cắt. Thống nhất ở đây phải được hiểu theo tinh thần biện chứng của triết học Mác - Lênin, nghĩa là thực tiễn và lý luận cần đến nhau, nương tựa vào nhau, bổ sung cho nhau. Không có thực tiễn thì không thể có lý luận, không có cơ sở để khái quát thành lý luận. Ngược lại, không có lý luận khoa học thì cũng không thể có thực tiễn chân chính, bởi lẽ lý luận là kết quả khái quát kinh nghiệm thực tiễn, mà kinh nghiệm thực tiễn chỉ được nảy sinh trong hoạt động thực tiễn. Do vậy, lý luận đích thực luôn có cội nguồn từ thực tiễn, phản ánh thực tiễn, được kiểm tra bởi thực tiễn và luôn được bổ sung, phát triển bằng những kết luận rút ra từ tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn. Tất nhiên, lý luận có tính độc lập tương đối của nó so với thực tiễn. Nó thể hiện, nó có thể phản ánh lạc hậu hơn hoặc vượt trước thực tiễn, nhưng kể cả khi phản ánh vượt trước như vậy lý luận vẫn phải dựa trên cơ sở thực tiễn, vẫn bị quy định bởi điều kiện thực tiễn. Cũng có những lý luận được phát triển trên cơ sở kế thừa những lý luận trước đó mà không xuất phát từ thực tiễn, nhưng xét đến cùng nó vẫn bị thực tiễn quy định.
Ngược lại, không có lý luận khoa học soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo, định hướng thì cũng không thể có thực tiễn đúng đắn, đúng hướng, đạt hiệu quả. Thực tiễn đúng đắn, đạt hiệu quả là thực tiễn cải tạo được trên thực tế tự nhiên và xã hội, phục vụ cho mục đích tốt đẹp của con người. Rõ ràng, sản xuất vật chất chỉ đạt hiệu quả cao; chính trị-xã hội chỉ được cải tạo theo hướng nhân văn vì con người; thực nghiệm khoa học chỉ gắn với phát triển sản xuất và cải tạo xã hội vì con người khi được chỉ đạo bởi một lý luận thực sự khoa học, đúng đắn.
Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn theo tinh thần triết học Mác-Lênin, được hiểu cụ thể là, một mặt, thực tiễn đúng đắn luôn phải được chỉ đạo, soi đường, dẫn dắt bởi một lý luận khoa học, đúng đắn, nếu không thực tiễn đó sẽ là thực tiễn mù quáng, mò mẫm, mất phương hướng, không có tính hướng đích. Mặt khác, lý luận khoa học phải được hình thành trên cơ sở thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, bằng con đường tổng kết, khái quát kinh nghiệm thực tiễn, phản ánh thực tiễn đó, nếu không lý luận đó sẽ là lý luận suông, lý luận thuần tuý sách vở, xa rời cuộc sống dễ trở thành lý luận ảo tưởng, không có căn cứ, giáo điều, kinh viện. Đúng
như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”9.