Quan hệ giai cấp

Một phần của tài liệu Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới (Trang 56 - 58)

- Quan hệ sản xuất phong kiến xuất hiện ở Tây La Mã

b. Quan hệ giai cấp

Cơ cấu giai cấp trong xã hội phong kiến Trung Quốc tương đối phức tạp, trong đó, bao gồm các giai cấp và tầng lớp sau đây:

Giai cấp địa chủ

Chia thành 2 tầng lớp chủ yếu là: địa chủ quan lại và địa chủ bình dân. • Địa chủ quan lại

- Trong tầng lớp địa chủ quan lại, có một bộ phận giàu sang, thế lực nhất là Địa chủ quý tộc

phong kiến, gồm: vương hầu, tôn thất, công thần… đến đời Tấn, địa chủ quý tộc trở thành

một tầng lớp đặc biệt, gọi là Địa chủ môn phiệt, còn gọi là Địa chủ sĩ tộc hay Địa chủ thế

tộc. Về chính trị, địa chủ thế tộc đời đời giữ những chức vụ lớn và được quan niệm là thanh

cao trong triều đình. Tầng lớp này tồn tại trong suốt chiều dài của chế độ phong kiến.

- Địa chủ quan lại cấp dưới được gọi là Địa chủ hàn môn. Do đó, lúc bay giờ có câu truyền miệng rằng: “Phẩm cao không có hàn môn, phẩm thấp không có thế tộc”.

Địa chủ bình dân

Là tầng lớp không giữ chức vụ gì trong bộ máy nhà nước. Tuy vậy, bằng biện pháp chiếm đoạt ruộng đất, bóc lột nhân dân, buôn bán… họ trở nên rất giàu có, do đó, cũng có thế lực lớn về chính trị.

Khi chính quyền trung ương suy yếu, Một số nhà địa chủ bình dân giàu có bắt các điền khách luyện tập quân sự, trước là để bảo vệ điền trang, sau có thể tham gia vào cuộc đấu tranh trong triều đình. Nếu thành công, họ trở thành địa chủ quan lại.

• Ngoài ra, từ thời Nam Bắc Triều về sau, Phật giáo và Đạo giáo nhanh chóng phát triển. Do đó, bên cạnh địa chủ thế tộc còn có địa chủ nhà chùa. Tầng lớp này có nhiều ruộng đất, nô dịch nhiều nông dân nhưng không giữ vai trò quan trọng trong xã hội.

Giai cấp nông dân

Trong xã hội phong kiến trung quốc, giai cấp nông dân phân hoá thành 2 loại: nông dân tự canh và nông dân lĩnh canh.

Nông dân tự canh

• Là những người cày cấy ruộng đất của mình hoặc của nhà nước cấp cho theo chế độ quân điền.

• Họ có nghĩa vụ nộp thuế (thường là bằng 1/10 thu hoạch) và phải đi làm lao dịch cho nhà nước.

• Họ là dân tự do, nếu có điều kiện học hành và thi cử đỗ đạt thì có thể trở thành quan lại.

Tuy vậy, do sự áp bức bóc lột của nhà nước phong kiến và do trình độ của sức sản xuất còn thấp, thiên tai lại thường xuyên xẩy ra nên đời sống của họ cũng rất vất vả. Nếu bị phá sản, họ sẽ trở thành nông dân lĩnh canh, nô tỳ, hoặc phải đi tha phương cầu thực.

Nông dân lĩnh canh

• Là những người không hoặc có ít ruộng đất, nên phải trở thành tá điền cho địa chủ. • Họ có nghĩa vụ phải nộp tô cho địa chủ, thương bằng 5/10 thu hoạch.

• Thân phận của nông dân lĩnh canh tuỳ theo từng thời kỳ mà có ít nhiều khác nhau:

o Thời Tây Hán, họ vẫn là thần dân của nhà nước.

o Nhưng từ đời Đông Hán trở về sau họ được coi là điền khách, bộ khúc trong các điền trang, chỉ lệ thuộc vào địa chủ chứ không có nghĩa vụ gì đối với nhà nước.

o Đời Nguyên, họ phải nộp tô nặng hơn trước và bị lệ thuộc nhiều hơn vào ruộng đất của địa chủ. Nông dân muốn rời bỏ ruộng của địa chủ là một việc rất khó. Thậm chí địa chủ còn can thiệp vào việc hôn nhân của tá điền và tự ý nô dịch con cái của họ.

Trong hai loại nông dân nói trên, nông dân tự canh là đối tượng nộp thuế và làm nghĩa vụ lao dịch cho nhà nước, còn nông dân lĩnh canh là đối tượng bóc lột chủ yếu của giai cấp địa chủ. Vì vậy, nhà nước muốn duy trì đến mức tối đa tầng lớp nông dân tự canh, còn giai cấp địa chủ thì muốn chiếm đoạt ruộng đất của nông dân và bắt họ lệ thuộc mình. Do đó, đã dẫn đến sự giành giật ruộng đất và nông dân giữa nhà nước và giai cấp địa chủ.

Do bị áp bức, bóc lột nặng nề nên nông dân Trung Quốc thường xuyên nổi dậy khởi nghĩa. Nhìn chung, tất cả các cuộc khởi nghĩa ấy đều thất bại xét theo ý nghĩa chính trị, tức là không giải phóng được nông dân, không đem lại ruộng đất và quyền dân chủ cho họ. Dù khởi nghĩa có thắng

lợi, thì lãnh tụ nông dân lại bước lên ngai vàng thiết lập triều đại mới, các lãnh tụ phong kiến hoá quay lại bóc lột giai cấp mình. Lý do chủ yếu làm cho phong trào nông dân thất bại là do nông dân không đại diện cho lực lượng sản xuất mới. Nông dân có khả năng đập phá xã hội cũ nhưng không có khả năng đưa ra được cương lĩnh xây dựng một xã hội mới khác với xã hội phong kiến.

Tầng lớp công thương:

- Tầng lớp thợ thủ công:

Từ đời Hán về sau, số lượng tầng lớp công thương tăng lên ngày càng nhiều. Thợ thủ công cũng bị nhà nước bóc lột nặng nề. Họ có nghĩa vụ phải nộp thuế và làm nghĩa vụ lao dịch bằng nghề nghiệp của mình. Những người nghèo, không có tư liệu sản xuất thì đi làm thuê cho nhà nước. Chính sách bóc lột của nhà nước cũng đã dẫn đến sự đấu tranh của thợ thủ công như: trốn nô dịch, bạo động chống quan hoạn đến thu thuế công thương.

- Tầng lớp thương nhân cũng rất phát triển. Nhưng xuất phát từ quan niệm nghề buôn bán là

nghề ngọn, không phải là cơ sở của nền kinh tế phong kiến nên các triều đại phong kiến ở Trung Quốc đều thi hành chính sách kiềm chế sự phát triển kinh tế của họ như: thu thuế nặng, nhà nước độc quyền một số mặt hàng quan trọng, đồng thời kìm thấp địa vị chính trị của họ, không cho họ làm quan, xếp họ vào lọai cuối cùng cùng trong “tứ dân” (sĩ, nông, công, thương).

Tầng lớp nô lệ: (Còn được gọi là nô tỳ)

- Nô lệ trong thời trung đại vẫn còn chiếm khá đông. Nguồn nô lệ chính là tù binh, những người phạm tội và những người quá nghèo khổ phải bán bản thân hoặc vợ con làm nô lệ.

- Thân phận của họ tuy có khác hơn so với thời kỳ cổ đại, nhưng họ vẫn bị coi là một thứ hàng hoá để mua bán và trao tặng. (Đời Hán, giá 1 nữ tì là 20.000 tiền – bằng giá 5 con ngựa).Tính mạng của nô lệ vẫn không được bảo đảm.

- Sức lao động của nô tỳ tuy cũng có bị sử dụng vào các ngành sản xuất như nông nghiệp, chăn nuôi, thủ công nghiệp,… nhưng phần lớn là dùng vào việc hầu hạ trong gia đình địa chủ.

Sự tồn tại đông đảo tầng lớp nô tỳ trong xã hội ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguồn thuế và lao dịch của nhà nước. Do đó, một số quan lại đã nêu ra vấn đề hạn chế hoặc xoá bỏ quan hệ nô lệ. Nhiều triều đại khi mới thành lập cũng tuyên bố giải phóng nô lệ, nhưng do cuộc sống bần cùng của nhân dân lao động, nên đến cuối chế độ phong kiến, nô lệ vẫn còn tồn tại.

Một phần của tài liệu Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới (Trang 56 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(97 trang)
w