Giai đoạn từ năm 1874 – 1957

Một phần của tài liệu Cộng đồng cư dân Ấn Độ trên bán đảo Malaya từ đầu công nguyên đến giữa thế kỷ XX (Trang 47 - 53)

B. NỘI DUNG

2.1.2.2. Giai đoạn từ năm 1874 – 1957

Từ thế kỷ XIX, nhất là từ nửa sau thế kỷ XIX, dưới tác động của thực tiễn thuộc địa Malaya cũng như Đông Nam Á nói chung và những thay đổi lớn tại Ấn Độ đã tạo ra bước ngoặt cho sự hình thành cộng đồng người dân nhập cư Ấn Độ tại khu vực này. Đây là giai đoạn thực dân Anh cai trị và tiến hành những chính sách nhằm khai thác và bóc lột thuộc địa trực tiếp trên bán đảo Malaya. Người Anh đã tuyển chọn hàng ngàn binh lính, công chức giúp việc (trong đó có rất nhiều cảnh sát) và đưa cả những tù binh, tội phạm người Tamil từ miền Nam Ấn Độ đến Malaya. Phần lớn trong số họ sau khi mãn hạn đã ở lại xứ thuộc địa và định cư lâu dài. Thêm vào đó là hàng vạn lao động tự do, công nhân lành nghề và tầng lớp thương gia Ấn Độ nhập cư để tìm cơ may.

Sự nhập cư của người Ấn diễn ra với số lượng đông đảo và thường xuyên, hình thành nên cộng đồng cư dân Ấn Độ, sống tập trung và tham gia nhiều vào đời sống chính trị – xã hội của bán đảo Malaya. Chỉ tính riêng tại Singapore, cộng đồng người Ấn vào năm 1871 đã lên tới 11.500 người, chiếm 12% dân số của đảo này. Từ đó trở đi, dân số Ấn Độ tại đây luôn chiếm khoảng 9% dân số của Singapore và là cộng đồng lớn thứ ba với 129.000 người tính đến thời điểm người Anh trao trả quyền tự trị quốc đảo này. Các thành phố lớn khác của Malaya như Penang, Kuala Lumpur, Malacca… cũng có đông đảo cộng đồng người Ấn sinh sống. Giống như cộng đồng người Hoa, người Ấn sống tập trung ở những khu phố riêng của mình với lối sống đặc trưng của “Ấn Độ thu nhỏ” [33; 319].

Việc thành lập chính quyền cai trị của thực dân Anh ở Malaya bắt đầu một làn sóng mở rộng đồn điền trồng trọt. Trên một quy mô nhỏ hơn, ngoài nông nghiệp, hoạt động thương mại cũng được mở rộng ở Kedah, Johore, cũng như Khu định cư Eo biển.

Cũng như những lao động trong ngành trồng trọt, những nhân viên hành chính và bộ phận hoạt động trong ngành dịch vụ phục vụ chính quyền thuộc địa nhanh chóng tăng lên, trong số đó, chủ yếu là người Ấn Độ. Dân số Malaya ngày càng tăng do dòng người nhập cư mới trong những năm 1880 và 1890. Đến năm 1891, số lượng người Ấn Độ ở bán đảo Malaya đã tăng lên khoảng 76.000 và mười năm sau đó vào khoảng 119.000 người [60; 156].

Sau năm 1890, lao động nhập cư vào bán đảo Malaya để làm việc trong các đồn điền tương đối dễ dàng, dưới hình thức hoặc là lao động có giao kèo (theo hợp đồng), lao động tuyển dụng (trong những năm đầu, thời hạn của hợp đồng thường là ba năm), hoặc là lao động tự do. Vào thời điểm đó, chính quyền Khu định cư Eo biển đã hợp tác với chính phủ Ấn Độ thiết lập một trại di dân tại Negapatam ở Madras, nơi mà người lao động từ các nơi như Madras (vẫn còn chiếm đa số), Punjab, Rajputana, Maharashtra và Bengal, có thể được lưu trú và ăn uống trong khi chờ vận chuyển đến Malaya. Năm 1907, chính phủ Mã Lai thành lập Ủy ban nhập cư Ấn Độ; và một quỹ đầu tư nhập cư đã được tạo ra, xuất phát từ các khoản đóng góp bắt buộc của các nhà tuyển dụng lao động Ấn Độ, để trang trải các chi phí ăn uống, vận chuyển, và nhà ở cho công nhân nhập cư trên đường tới Malaya, cũng như để trang trải chi phí cho việc hồi hương của người lao động Ấn Độ bị bệnh hoặc thất nghiệp. Những chính sách đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho một dòng chảy ổn định người lao động từ phía nam Ấn Độ đến Malaya [58; 320].

Năm 1910, việc tuyển dụng lao động giao kèo đã bị cấm, và hệ thống tuyển dụng kangany được thay thế cho nó. Hệ thống này được thiết lập để tăng kiểm soát quá trình nhập cư. Các kangany được cấp giấy phép tuyển dụng lao động trong những đồn điền Malaya tại các làng của họ ở Ấn Độ. Giấy phép được phát hành dưới sự chỉ đạo của cả Ấn Độ và các quan chức Malaya, và số lượng lao động được giới hạn trong mọi trường hợp. Một người tham gia lao động có thể rời khỏi ngôi làng Ấn Độ của mình chỉ với sự đồng ý của trưởng thôn đó. Hệ thống này có lợi thế là đảm bảo chăm sóc tốt hơn cho người lao động, mặc dù ở điều kiện tốt nhất của những người nghèo; và nó cũng có tác dụng phân luồng lao động cho người lao

động thực ở Malaya. Không giống như các hệ thống khế ước trước đó, chủ yếu người di cư là nam giới, hệ thống kangany đã mở đường cho nhiều gia đình di chuyển đến Malaya.

Từ những năm 1820, lao động Ấn Độ được tuyển dụng trực tiếp thông qua chính quyền Khu định cư Eo biển để làm việc trong các công trình công cộng, công trình xây dựng, và các dịch vụ ở các thành phố trực thuộc Trung ương. Đây chủ yếu là những lao động được đào tạo tiếng Anh ở miền Nam Ấn Độ, người Tamil Sri Lanka và người Sikh và họ di cư mà không có xu hướng mang theo gia đình và người thân của mình, qua đó góp phần vào sự tăng trưởng của dân số Ấn Độ.

Năm 1922, có quy định thêm trong các quy tắc di cư của người Ấn Độ, đặc biệt, kangany có quy định giới hạn người lao động ít hơn và bị giám sát nhiều hơn trong toàn bộ quá trình tuyển dụng ở Ấn Độ. Theo đó, hệ thống pháp luật cũng quy định mức lương cùng một tiêu chuẩn, lợi ích về y tế, thai sản được đảm bảo, giáo dục bắt buộc được thực hiện trong các đồn điền, và chế tài hình sự vi phạm hợp đồng lao động đã được bãi bỏ.

Sự tăng trưởng của dân số Ấn Độ trên bán đảo sau năm 1901 được gắn chặt với việc mở rộng các dịch vụ và các dự án của chính phủ cũng như việc gia tăng nhanh chóng diện tích đồn điền cà phê, dầu cọ và đặc biệt là cao su. Diện tích đồn điền cao su tăng nhanh từ 20.200 ha trong năm 1900 lên đến 219.000 ha vào năm 1911 và 1.322.000 ha trong năm 1938. Theo đó, số người Ấn Độ tại Malaya từ 268.269 người của năm 1911, đã tăng lên với 470.180 năm 1921, và mười năm sau là 621.847 người [60; 156]. Sự tăng trưởng dân số Ấn Độ hàng năm khá ổn định.

Trong những năm 1930, nhập cư không qua tuyển dụng và trợ cấp ngày càng trở nên quan trọng đối với người lao động không có tay nghề. Trước đây, việc tuyển dụng lao động không có tay nghề đã được hạn chế, chủ yếu để tuyển dụng thương gia và những người có chuyên môn nghề nghiệp. Nhập cư không được trợ cấp tăng từ 12% tổng số nhập cư năm 1920 đến 38% trong năm 1934, và 89% năm 1937. Cuối cùng, việc lao động nhập cư không thông qua tuyển dụng đã trở thành phổ biến, chiếm 91% trong năm 1938. Như vậy, vào giữa những năm 1930, hệ thống

tuyển dụng kangany, sau khi thay đổi liên tục, đã trở nên kém hiệu quả trong hệ thống tuyển dụng lao động Ấn Độ [58; 322].

Như vậy, đến nửa đầu những năm 1930, chức năng hỗ trợ và tuyển dụng người lao động đã hoạt động một cách có tổ chức, dưới sự giám sát của các cơ quan chính phủ Ấn Độ bằng nhiều hình thức khác nhau. Nó đã tìm cách bảo vệ tối đa quyền lợi cho người lao động và tạo ra sự ổn định nhất có thể trong việc cung cấp lực lượng lao động cho bán đảo Malaya. Đến năm 1938, hệ thống tuyển dụng

kangany đã kết thúc ở Ấn Độ. Trong cùng năm đó, chính phủ Ấn Độ cấm di cư đến

Malaya dưới tất cả mọi hình thức.

Lý do cho lệnh cấm dân di cư là sự dư thừa lao động Ấn Độ trên bán đảo Malaya và người lao động Ấn Độ có những hoạt động chống lại chính quyền thuộc địa. Nhưng thực chất cho lệnh cấm đã được đặt ra khi điều kiện đối với lao động Ấn Độ không được đáp ứng. Vào năm 1937, chính quyền thuộc địa đã từ chối xem xét việc tăng mức lương tối thiểu cho công nhân Ấn Độ. Lệnh cấm phản ánh ý thức dân tộc ngày càng tăng của người Ấn Độ dưới sự cai trị và bóc lột của chính quyền thực dân.

Cho đến cuối những năm 1930, do nhiều yếu tố chi phối trong sự gia tăng của dân số Ấn Độ ở Malaya, tỷ lệ gia tăng tự nhiên vượt quá tỷ lệ nhập cư vào bán

đảo này. Việc cải thiện cấu trúc quan hệ hôn nhân, cùng với sự cải thiện trong dịch vụ y tế làm giảm tỷ lệ tử vong, đặc biệt là ở các vùng nông thôn – nơi mà hầu hết người Ấn Độ cư trú. Điều đó cho thấy, sự gia tăng tự nhiên bắt đầu trở thành một yếu tố quan trọng trong việc tăng trưởng của dân số Ấn Độ từ đầu những năm 1930 ở bán đảo Malaya. Đến năm 1937, tỷ lệ tăng tự nhiên hàng năm của người Ấn Độ trên bán đảo vào khoảng 2% [60; 158].

Tuy nhiên, tốc độ gia tăng bị gián đoạn bởi lệnh cấm di cư đối với những người không có kỹ năng lao động của chính phủ Anh ở Ấn Độ và sự bùng nổ của chiến tranh thế giới thứ hai, khi Malaya bị người Nhật chiếm đóng vào đầu năm 1942.

Nguyên nhân là do khi người Nhật chiếm đóng, các hoạt động hành chính và dịch vụ không nhất thiết cần đến cư dân người Ấn Độ. Nhưng có lẽ quan trọng hơn, đó là nền kinh tế Malaya đi vào bế tắc. Trong khoảng thời gian trước khi Nhật Bản tấn công Malaya, cả ngành công nghiệp cao su và thiếc đã hoạt động với công suất tối đa. Tuy nhiên, đến năm 1943, người Nhật không có đủ tàu để vận chuyển cao su, và những nỗ lực của họ để chưng cất thành nhiên liệu cho động cơ bị thất bại. Cao su đã gần như không được bán ra thị trường bên ngoài. Các nhà máy hầu như ngưng hoạt động vì thiếu nguyên liệu. Nhiều công nhân bị thất nghiệp. Đồng thời, giá lương thực tăng vọt. Nguồn cung cấp thực phẩm cho bán đảo Malaya của một số nước như Trung Quốc, Australia, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, và Myanmar trước đây, bây giờ đã hoàn toàn khép kín hoặc khó tiếp cận. Những kho dự trữ lương thực được quản lý bởi các quản trị viên người Anh đã biến mất trong vòng vài tháng. Người dân Malaya nhận ra rằng, hy vọng duy nhất để sống sót nằm trong việc tự túc thực phẩm riêng của họ. Nỗ lực theo hướng này, tuy nhiên, chỉ có một phần thành công, còn phần lớn người dân bị lâm vào tình trạng thiếu lương thực và thực phẩm trầm trọng.

Có những yếu tố bất lợi khác làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm và gây ra tỷ lệ tử vong cao bất thường, đặc biệt đối với trẻ em và người già. Đó là do hệ thống phân phối của Nhật Bản hoạt động không có hiệu quả, dẫn đến giá các mặt hàng cơ bản nâng lên, lạm phát tăng cao, trong khi thị trường đen hoạt động mạnh và trở thành phổ biến. Đó là chưa kể tình trạng xuống cấp của các dịch vụ y tế do thiếu cơ sở vật chất, nhân viên phục vụ và thuốc men.

Tệ hơn nữa, nhiều gia đình bị mất việc, người Nhật thông qua việc tuyển dụng bắt buộc đối với nam giới vào các nhóm lao động cho các dự án khác nhau do Nhật Bản xây dựng, chẳng hạn nổi tiếng như dự án đường sắt xuyên Thái Lan - Myanmar “Death Railway”. Có ít nhất 50.000 người Ấn Độ tham gia trong số những người được huy động cho dự án này, chủ yếu được lấy từ các đồn điền [60;157].

Ảnh hưởng kết hợp của tất cả các yếu tố nói trên làm cho dân số Ấn Độ ở Malaya đạt mức 62.847 vào năm 1931. Nếu với tốc độ tăng bình thường, có thể dự kiến sẽ đạt ít nhất 800.000 trong năm 1947, nhưng theo số liệu thống kê lại giảm chỉ còn 599.611 người trong năm này. Tỷ lệ giảm chiếm hơn 3,5% so với con số thống kê năm 1931 [60; 157].

Với sự phục hồi hoàn toàn của nền kinh tế Malaya, dịch vụ y tế, vận tải biển và các nguyên nhân khác như di dân, tái hợp sau chiến tranh của những gia đình bị ly tán, và những cuộc hôn nhân bị trì hoãn trước đây, nên từ những năm 1950, tỷ lệ dân số một lần nữa lại tăng đáng kể, khoảng hơn 3,5%, với khoảng 820.270 người; giúp cho cộng đồng người Ấn trở thành một trong những cộng đồng có số dân đông nhất ở Malaya. Đến năm 1957, con số này đã tăng lên khoảng 1.590.000 người, với 1,4 triệu người ở Malaysia và 190.000 người ở Singapore [60; 157 – 158].

Hiện nay, khoảng 70% cư dân Ấn Độ tại Malaysia và Singapore được coi là

“người bản địa”. Điều đó khẳng định, số lượng người nhập cư mới gần như không

đáng kể, ngoại trừ những biến động lớn, thì sự gia tăng hơn nữa của dân số Ấn Độ ở cả Malaysia và Singapore sẽ được xác định bằng tỷ lệ tăng tự nhiên là chủ yếu. Từ đầu những năm 1970 đến nay, tỷ lệ người Ấn Độ trong tổng dân số của Singapore chiếm khoảng 7% và tại Malaysia khoảng từ 10 đến 11% [60; 159].

Năm Số người Ấn tại Singapore Tỷ lệ người Ấn trong tổng dân số Singapore (%) Tỷ lệ người Ấn trong tổng dân số Malaya (%)

1819 n.a n.a n.a

1821 132 2,8 n.a 1871 11.501 11,8 n.a 1891 16.305 8,7 21,0 1911 28.454 9,2 10,6 1931 50.860 9,4 8,2 1947 68.978 7,7 11,5 1957 124.084 9,0 15,2 1970 145.169 7,0 13,3 1980 154.632 6,4 11,7

1990 194.000 7,1 n.a

2000 257.800 7,9 n.a

2005 309.300 8,7 n.a

Dân số Ấn Độ ở Singapore và bán đảo Malaya từ năm 1819 – 2005 [56; 9]

(n.a: không có số liệu)

Một phần của tài liệu Cộng đồng cư dân Ấn Độ trên bán đảo Malaya từ đầu công nguyên đến giữa thế kỷ XX (Trang 47 - 53)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(133 trang)
w