Sự thành lập và hoạt động của các tổ chức chính trị

Một phần của tài liệu Cộng đồng cư dân Ấn Độ trên bán đảo Malaya từ đầu công nguyên đến giữa thế kỷ XX (Trang 66 - 73)

B. NỘI DUNG

2.2.2.2. Sự thành lập và hoạt động của các tổ chức chính trị

- Hoạt động công đoàn

Hoạt động công đoàn phát triển với quy mô lớn kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai tại Malaya nói chung. Hoạt động công đoàn của người Ấn Độ lớn mạnh nhất trong lĩnh vực kinh tế thương mại. Những người công nhân lành nghề và bán

chuyên nghiệp tin rằng, tổ chức công đoàn đại diện cho sự phát triển hợp lý của mỗi lực lượng lao động trưởng thành trong một xã hội dân chủ. Các công nhân Ấn Độ nhận thức được vai trò chính trị ngày càng quan trọng của các tổ chức lao động trong xã hội hiện đại.

Tổ chức công đoàn của người Ấn Độ trên các đồn điền không phát triển như của người Trung Quốc và các lực lượng lao động Malaya khác. Nguyên nhân là do việc sản xuất trong các đồn điền chậm được phục hồi sau sự chiếm đóng của Nhật Bản. Mãi đến năm 1946, hầu hết các đồn điền này mới có thể tiếp tục hoạt động bình thường. Ngoài ra, nếu có một tổ chức của người lao động Ấn Độ đứng ra đòi hỏi tăng lương và các quyền lợi lớn hơn từ các chủ đồn điền của Malaya, thì lao động Ấn Độ có thể sẽ mất vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Điều quan trọng hơn là hầu hết những người đứng đầu các tổ chức của người lao động Ấn Độ đều bị chính quyền quân sự Anh bỏ tù, trục xuất, hoặc bị khủng bố, do trước đó họ tham gia trong phong trào Hind Azad, được sự hỗ trợ của Nhật Bản nhằm chống lại Anh.

Trong thời gian Nhật chiếm đóng, nhiều yếu tố khác cũng ngăn cản sự phát triển của các tổ chức công đoàn của Ấn Độ. Một trong số đó là sự căng thẳng giữa người lao động Ấn Độ và người Trung Quốc. Sự căng thẳng này xuất phát từ việc phân biệt đối xử trước đó giữa lao động Trung Quốc và Ấn Độ. Mủ cao su khai thác của những người lao động Trung Quốc thì được thanh toán bằng đồng bảng Anh và tiền lương của họ cao hơn đáng kể. Trong khi tiền công của người Ấn Độ thấp hơn và phải nhận theo ngày. Hơn nữa, người Trung Quốc thường nắm quyền kiểm soát đối với lao động Ấn Độ, trong khi họ chiếm tới ¾ tổng số lao động trên các đồn điền.

Nguyên nhân cuối cùng là do sự chia rẽ trong chính bản thân nội bộ những người lao động Ấn Độ. Ngay sau khi Nhật Bản thất bại và người Anh tái chiếm Malaya, sự rạn nứt đã hình thành giữa những người trước đây ủng hộ Hind Azad với những người trong tổ chức Liên đoàn Độc lập Ấn Độ (IIL), và những người Ấn Độ theo Đảng Cộng sản dưới sự lãnh đạo của Tổng Liên đoàn lao động (GLU). Cuối cùng, bạo lực giữa hai phe đã nổ ra. Mặc dù vết nứt này đã được thu hẹp sau

khi xung đột kết thúc, nhưng thực chất nó vẫn tiềm tàng nhiều nguy cơ làm nảy sinh những cuộc xung đột sau đó.

Tuy nhiên, một số tổ chức công đoàn cũng đã ra đời sau chiến tranh. Động lực to lớn là chuyến thăm năm 1946 đến Malaya của Pandit Nehru, người đứng đầu tổ chức GLU tại Penang. Ông đã chỉ ra những điều kiện lao động tồi tệ làm thức tỉnh người Ấn Độ tại Malaya. Cho đến năm 1947, hoạt động của các công đoàn viên Ấn Độ làm việc trong các đồn điền trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sự bùng nổ của phong trào khủng bố cộng sản vào năm 1948 và việc ban bố tình trạng khẩn cấp đã làm dịu đi các hoạt động này [58; 350].

Mặc dù vậy, sự tham gia của người lao động Ấn Độ trong đồn điền vào các tổ chức đoàn thể ngày càng tăng. Liên minh quốc gia Ấn Độ được thành lập. Đến năm 1955, người đứng đầu tổ chức này được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Công đoàn Malaya. Người Ấn Độ đã rất tích cực trong phong trào đấu tranh ra khỏi các đồn điền, được học trong các trường dạy tiếng Anh và theo hướng phương Tây. Kể từ đó, người Ấn Độ được giáo dục trong các trường học tiếng Anh ngày càng nhiều, và họ đóng một vai trò quan trọng nhất định trong các tổ chức công đoàn. Nó là tiền đề cho nhiều lãnh đạo công đoàn đi vào con đường chính trị, đặc biệt là ở Singapore sau này.

- Các phòng thương mại Ấn Độ

Một nhóm xã hội khác trong cộng đồng Ấn Độ bao gồm các tầng lớp trung lưu, thường được gọi là “phòng thương mại”. Ngoài việc theo đuổi mục tiêu đơn thuần là kinh tế, các tổ chức này còn nhằm mục đích mở rộng cộng đồng thương mại Ấn Độ trong các lĩnh vực chính trị và xã hội để hoạt động như một nhóm gây áp lực đòi quyền lợi cho người Ấn Độ ở Malaya.

Ở một mức độ nào đó, các “phòng thương mại” là tập hợp của những người trung lưu có nguồn gốc khác nhau trong dân số Ấn Độ. Nhưng tổ chức này ít nhiều có sự khác biệt so với các tổ chức chung của những người đến từ miền Nam Ấn Độ. Họ tương tự với các nhóm nói tiếng Trung Quốc. Trong đó, người Ấn Độ ở phía Bắc hầu như chiếm đa số thành viên trong các tổ chức này và do đó, họ có ảnh

hưởng chính trị lớn hơn so với những người Ấn Độ khác ở Malaya. Các hiệp hội thương mại của những người thuộc tầng lớp trung lưu Ấn Độ chủ yếu thành lập để bảo vệ lợi ích của các bộ phận thiểu số thương nhân Ấn Độ. Bởi hầu hết tầng lớp trung lưu người Ấn được gọi là “người Ấn Malay”, họ phân biệt với phần lớn người lao động là những “người nhập cư” [58; 352].

Quyền lực của những người trung lưu Ấn Độ đã giảm đi đáng kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Do họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng khan hiếm hàng hóa và sức mua giảm sút nghiêm trọng, dẫn đến sự khủng hoảng cho các doanh nghiệp nhỏ của người Ấn trong thời kỳ Nhật chiếm đóng. Nhiều người trong số họ tham giavào các phong trào Hind Azad và Quân đội quốc gia Ấn Độ. Kết quả là, khi người Anh trở lại Malaya, họ bị nghi ngờ là những người cộng tác với Nhật Bản trong phong trào chống Anh. Vì vậy, họ phải trải qua một thời gian khó khăn để tìm việc làm, đặc biệt là trong các ngành nghề dịch vụ công cộng.

- Quân đội Quốc gia Ấn Độ (INA) và Liên đoàn độc lập Ấn Độ (IIL)

Người Ấn Độ đã thực sự nổi bật trong đời sống chính trị của Malaya, đặc biệt kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Trước đó, họ đã ít quan tâm đến chính trị ở Malaya, hoạt động của họ chủ yếu hướng về nước mẹ với các liên kết kinh tế, tình cảm, và chính trị mạnh mẽ. Do đó, hầu hết hoạt động chính trị của họ mang tính mờ nhạt trong tổ chức Liên minh quốc gia Ấn Độ. Tổ chức này tại Malaya chỉ được đẩy mạnh sau những chuyến thăm định kỳ của các nhà lãnh đạo Ấn Độ như Pandit Nehru, Rabindranath Tagore, và Srinivasa Sastri. Cuối cùng, tổ chức Quân đội Quốc gia Ấn Độ (INA) cũng được công khai thành lập tại Malaya, sau thất bại của người Anh bởi người Nhật trong chiến dịch xâm lược Malaya.

Từ năm 1942 đến năm 1945, hàng nghìn người Ấn Độ đã tình nguyện tham gia INA, dưới sự chỉ huy của Subhas Chandra Bose, với mục đích đấu tranh cho nền độc lập của Ấn Độ [60; 182].

Ngoài ra, phong trào độc lập ở Ấn Độ cũng thành lập các tổ chức chi nhánh tại Malaya để hỗ trợ cho nền độc lập của Ấn Độ. Tổ chức Liên đoàn Độc lập Ấn Độ (IIL) do Subhas Chandra Bose và Jawaharlal Nehru đứng đầu, được thành lập

vào năm 1928 ở tất cả các trung tâm hàng đầu của Đông Nam Á để tuyển dụng, thu thập quỹ và phối hợp trong các phong trào độc lập. IIL cũng tổ chức hoạt động tại Malaya sau khi Nhật Bản xâm chiếm bán đảo này. Đây là một tổ chức chính trị hoạt động từ cuối những năm 1920 đến những năm 1940 để kêu gọi những người Ấn kiều đấu tranh cho nền độc lập của Ấn Độ trước sự nô dịch của thực dân Anh.

Rất nhiều nam giới người Ấn xin gia nhập vào các phong trào độc lập và lượng tiền bạc đổ vào rất lớn, với một quy mô chưa từng có ở khắp Đông Nam Á, đặc biệt là ở Malaya – trụ sở của phong trào. Mặc dù sự thật là một số người tình nguyện tham gia các phong trào độc lập để tìm kiếm sự an toàn, cải thiện về tình trạng thiếu lương thực, hoặc muốn có một cuộc sống tốt hơn, nhưng tất cả mọi lý do đều có thể trở thành động lực và lòng yêu nước thức tỉnh tinh thần đấu tranh của họ. Họ coi mình là đội tiên phong của phong trào giải phóng và Subhas Chandra Bose là “Đấng Cứu Thế” thật sự đến dẫn dắt họ, với sự giúp đỡ của Nhật Bản, để hoàn thành cuộc đấu tranh chống lại thực dân Anh, giành tự do cho Ấn Độ [60; 182].

Nhiều trung đoàn của INA chiến đấu dũng cảm và xuất sắc ở mặt trận Myanmar. Lá cờ ba màu của người Ấn Độ đã chính thức được kéo lên trên đất Madawk – miền đông Chittagong, tháng 5 năm 1944. Tuy nhiên, những chiến thắng này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi. Phong trào toàn độc lập tan rã hoàn toàn sau khi INA và Nhật Bản đầu hàng cùng với cái chết của Chandra Bose năm 1945. Mặc dù sau đó, phong trào độc lập Ấn Độ vẫn tồn tại thêm một thời gian ngắn ở Malaya và một số nơi của Đông Nam Á, nhưng nó không còn ảnh hưởng sâu rộng ở cả Ấn Độ và Malaya.

Các thành viên của INA đã được ca ngợi như những anh hùng dân tộc. INA trở thành điểm tập hợp cho người dân Ấn Độ và là một trong những yếu tố thúc đẩy sự đầu hàng cuối cùng của thực dân Anh ở Ấn Độ vào ngày 15 tháng 8 năm 1947. Phong trào độc lập ở Malaya, đặc biệt là tổ chức INA và những thành tựu của nó, đã tạo ra sự ảo tưởng cho người Ấn Độ, làm cho người lao động Ấn Độ cảm thấy tự tin hơn về bản thân và họ tự hào là người Ấn Độ.

- Tổ chức Hiệp hội Ấn Độ ở Malaya (CIAM) và Đại hội Ấn Độ ở Malaya (MIC)

Hai tổ chức chính trị của người Ấn Độ có ảnh hưởng lớn tại Malaya trước và sau chiến tranh là Hiệp hội Ấn Độ ở Malaya (CIAM) và Đại hội Ấn Độ ở Malaya (MIC). Hai tổ chức này hoạt động nối tiếp nhau hơn là phối hợp hành động, và hoạt động của nó cũng chỉ tập trung vào một số lĩnh vực cơ bản.

Năm 1937, Tổ chức Hiệp hội Ấn Độ ở Malaya – The Central Indian

Association of Malaya (CIAM) được thành lập trên cơ sở các thành viên khác nhau

của Phòng Thương mại Ấn Độ và Hiệp hội Thương gia. CIAM đã nhanh chóng trở thành một diễn đàn cho tầng lớp trung lưu Ấn Độ cực đoan trong những năm trước khi Nhật Bản chiếm đóng Malaya.

CIAM thực chất là con đẻ của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa dân tộc, quyền chính trị và là nguyên nhân gây ra các cuộc đấu tranh mạnh mẽ của người lao động. CIAM là tổ chức ít có xu hướng chính trị và chủ yếu đấu tranh đòi cải thiện những điều kiện cho người lao động Ấn Độ, như chế độ tiền lương tối thiểu, tình trạng nghèo đói của người Ấn Độ trong xã hội Malaya, yêu cầu cải cách pháp luật và chính sách giáo dục….

Phương pháp tiến hành của CIAM phần lớn thông qua tuyên truyền và sử dụng áp lực chính trị gián tiếp mà không có tổ chức công đoàn hay phong trào đấu tranh tập thể. Vì vậy, những hoạt động của CIAM hầu như đều bị chính quyền thực dân đàn áp và dập tắt. Một minh chứng rõ nét nhất là vụ đình công diễn ra tại Klang và lan ra nhiều khu vực khác của bang Selangor đầu vào năm 1941. Đây thực sự là một cuộc đối đầu quan trọng với chính quyền thực dân. Ngay lập tức, thực dân Anh tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại bang Selangor và sử dụng lực lượng cảnh sát, quân đội mạnh nhất để đàn áp. Một số nhà lãnh đạo đã bị trục xuất về Ấn Độ. Nhiều người Ấn Độ bị giết hoặc bị thương, khoảng hai trăm người sau đó bị truy tố vì tội nổi loạn, và gần bốn trăm người khác bị bắt giữ vì nhiều tội khác nhau [58; 355].

CIAM tưởng như đã có thể tạo ra một làn sóng dư luận bất bình của người Ấn Độ về vấn đề này, đặc biệt đối với việc sử dụng quân đội chống lại những người

đình công, nhưng thực tế thì tổ chức này chưa đủ trưởng thành để đòi quyền lợi chính đáng cho người lao động Ấn Độ. Vì vậy, phong trào Klang đã hoàn toàn thất bại. Tuy vậy, nó là một bước ngoặt lớn trong sự trưởng thành về ý thức giai cấp của các tầng lớp lao động Ấn Độ cũng như các nhà lãnh đạo CIAM.

Đại hội Ấn Độ ở Malaya – The Malayan Indian Congress (MIC) nổi lên

ngay lập tức sau khi chiến tranh thế giới thứ hai như một tổ chức chính trị công khai với mục đích với mục đích nhằm đẩy mạnh an ninh chính trị của người Ấn Độ tại Malaya thông qua việc liên minh với các tổ chức chính trị ôn hòa của những dân tộc khác. Được thành lập năm 1946, MIC là tổ chức hoạt động bên trong Hội đồng hành động chung toàn Liên bang Malaysia (AMCJA). MIC là đảng phái chính trị lớn nhất và lâu đời nhất của người Ấn Độ ở Malaya. MIC thể hiện tiếng nói riêng của người Ấn Độ một cách công khai, kể cả các vấn đề chính trị nhạy cảm. Đó là sự khác nhau căn bản của MIC so với CIAM. Với mục tiêu chính trị rộng lớn, MIC hoạt động dựa vào sức mạnh của tầng lớp thương mại người Ấn Độ.

Một trong các phong trào đầu tiên của các nhà lãnh đạo MIC là chiến dịch đấu tranh bãi bỏ những cửa hàng thức uống Toddy trong hoặc gần các đồn điền. Toddy là một loại nước dừa và nếu sử dụng ngay lập tức thì nó là một thức uống có lợi, nhưng nếu để lên men trong một hoặc hai ngày, nó sẽ trở thành một chất làm say, gây hại cho sức khỏe con người. Trên thực tế, vấn đề Toddy là một hình thức đấu tranh khéo léo nhằm huy động sự chú ý của dư luận, và đồng thời nó tạo ra sự quan tâm của chính quyền về vấn đề sức khỏe và tinh thần của người Ấn Độ trong các đồn điền.

Một vấn đề có tầm quan trọng là chiến dịch vận động của MIC tại Singapore trước khi cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp diễn ra năm 1948. MIC đã chiếm vị trí đáng kể so với đại biểu của Trung Quốc trong Hội đồng thành phố. Trong khi đó, các thành phần của Hội đồng chỉ có sáu thành viên được bỏ phiếu kín, vì vậy người Anh cho đây là cuộc bầu cử thiếu dân chủ, và họ đã tẩy chay các cuộc bầu cử năm đó [58; 356].

Trước cuộc bầu cử Liên bang năm 1955, MIC đã quyết định tham gia liên minh cầm quyền cùng với Tổ chức Liên hiệp thống nhất Malaya (UMNO) và Liên hiệp người Hoa ở Malaysia (MCA). Trong liên minh cầm quyền, MIC là một đảng phái chính trị kém ưu thế do nhiều nguyên nhân: ngoài số lượng ghế giới hạn trong nghị viện và chính phủ, những người lãnh đạo trong Đảng không nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía các cộng đồng người Ấn

Bắt đầu từ năm 1957 là giai đoạn hợp nhất của các lực lượng chính trị của Ấn Độ tại Malaya. Trong những năm sau đó, các cuộc bầu cử được chính phủ tiến hành theo hệ thống các cộng đồng, phản ánh vấn đề trung tâm của một quốc gia Mã Lai đa sắc tộc. Trong giai đoạn này, sự phát triển của MIC trở nên rất quan trọng.

Một vấn đề mới nổi lên của cộng đồng Ấn Độ sau khi bán đảo này giành được độc lập, đó là việc làm thế nào để cộng đồng người Ấn hội nhập vào các tổ

Một phần của tài liệu Cộng đồng cư dân Ấn Độ trên bán đảo Malaya từ đầu công nguyên đến giữa thế kỷ XX (Trang 66 - 73)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(133 trang)
w