B. NỘI DUNG
3.3. Tính đa dạng và không thống nhất trong cộng đồng người Ấn
Sự đa dạng trong cộng đồng người Ấn trên bán đảo Malaya dễ dàng nhận thấy trước hết là về mặt sắc tộc. Nó được hình thành trên cơ sở nhiều nhóm dân tộc đến từ những địa phương khác nhau trên đất nước Ấn Độ nhập cư vào bán đảo. Người Tamil có nguồn gốc từ miền Nam Ấn Độ chiếm đại đa số (hơn 70% dân số Ấn Độ trên bán đảo này). Chiếm tỷ lệ ít hơn là người Malayalam, người Telugu,
người Sikh, người Hindustani, người Sindhi, người Punjabi, người Urdu, người Gujaredi, người Singalese, người Hindi và các nhóm thiểu số khác.
Mỗi nhóm sắc tộc Ấn Độ có phương ngữ riêng của mình, nhưng đại đa số họ tự nguyện chọn tiếng Tamil làm ngôn ngữ chính trong giao tiếp cộng đồng. Khác với người Hoa và người Malay, tỷ lệ người Ấn sử dụng các ngôn ngữ khác (không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ) trong sinh hoạt hàng ngày cao hơn, đồng thời ngày càng ít sử dụng tiếng Tamil, ngay cả trong sinh hoạt gia đình, nhất là ở Singapore ngày nay. Theo số liệu thống kê năm 1990, số người Ấn sử dụng tiếng Anh trong gia đình tăng lên con số 34%, trong khi năm 1980 chỉ chiếm 24%, số người sử dụng tiếng Malay cũng tăng từ 9% lên đến 14% năm 1990. Trong khi đó, số người sử dụng tiếng mẹ đẻ giảm từ 52% xuống còn 43% trong cùng thời điểm trên. Điều này chứng tỏ quá trình quốc tế hóa và sự bào mòn dân tộc trong cộng đồng người Ấn tại Malaysia và Singapore hiện nay diễn ra khá mạnh mẽ [50; 240].
Cùng với sự đa dạng về mặt sắc tộc, tín ngưỡng của mỗi nhóm trong cộng đồng người Ấn Độ cũng không giống nhau. Hầu hết người Hinđu giáo là người gốc miền Nam và miền Trung Ấn Độ. Còn người có gốc Tây Bắc Ấn Độ theo Hồi giáo và Đông Bắc Ấn Độ theo Phật giáo.
Phần lớn người Ấn trên bán đảo Malaya là những người theo đạo Hinđu. Ngoài ra còn có một tỷ lệ tương đối theo Hồi giáo. Số còn lại theo Phật giáo, Sikh giáo và những tôn giáo khác. Rất ít người Ấn Độ theo Thiên chúa giáo. Mỗi tôn giáo của người Ấn có đối tượng sùng bái và thờ cúng khác nhau. Việc thực hành nghi lễ tôn giáo cũng hết sức đa dạng. Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của mỗi tôn giáo cũng mang những nét đặc sắc riêng trong bức tranh nghệ thuật chung trên bán đảo Malaya.
Cộng đồng người Ấn ở Malaya thực sự không có sự đoàn kết cao. Sự chia rẽ chủ yếu là giữa người Hinđu và người Hồi giáo, giữa người miền Bắc và người miền Nam. Nhưng ngoài sự chia rẽ về đẳng cấp và địa phương này, còn có những sự chia rẽ khác nữa. Một số người Ấn định cư sớm ở đây đến từ Penang, nơi có một cộng đồng thương gia Ấn Độ giàu có. Một số khác lại nhập cư thẳng từ Ấn Độ hoặc
được tuyển mộ làm công nhân hợp đồng. Người nhập cư Ấn Độ đến Malaya có nhiều nguồn gốc và được tuyển dụng bằng nhiều hình thức khác nhau (lao động được tuyển dụng có giao kèo, tuyển dụng thông qua hệ thống kangany…), hoặc
thậm chí là những người lao động nhập cư trái phép không qua tuyển dụng. Họ đảm nhận những công việc khác nhau. Đa số người Tamil đến từ miền Nam Ấn Độ là những công nhân làm trong các đồn điền, chủ yếu là đồn điền cao su và khu vực nông thôn của Malaya. Họ là những người ít có ảnh hưởng chính trị và cũng ít tham gia vào các hoạt động xã hội, nhưng là lực lượng có đóng góp lớn về mặt kinh tế. Những người lao động trong đồn điền đến từ miền Bắc Ấn, Bắc Sri Lanka hay một số khu vực khác chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, phần lớn trong số họ hoạt động trong các ngành nghề khác nhau như cảnh sát, quân đội, thương mại, dịch vụ, đường sắt, điện tín, công nhân “cổ trắng” hay công chức nhà nước. Họ sống và làm việc chủ yếu ở khu vực thành phố và thị trấn. Hàng vạn người khác bị buộc rời Ấn Độ đến đây làm lao động khổ sai. Cho đến năm 1873, Malaya đã bị thực dân Anh sử dụng một phần làm nơi lưu đày. Những người tù khổ sai Ấn Độ là những người xây những dinh thự công quyền, đường sá, cầu cống đầu tiên ở đây. Trong thế kỷ thứ XIX, những người Ấn tự do bước đầu tham gia vào đội ngũ nhân viên làm việc ở đây; họ làm thư ký văn phòng, giáo viên hoặc cảnh sát, một số khác là nhà buôn hoặc chủ cho vay lãi.
Hoạt động công đoàn hầu như rất mờ nhạt, không thể tập hợp cộng đồng lao động Ấn Độ trên bán đảo Malaya thành một khối thống nhất. Giữa những người lao động trong khu vực nông thôn và đồn điền với khu vực thành thị có sự tách biệt rất lớn. Nhiều nhóm người trong các bộ phận này còn có xu hướng tách biệt ra khỏi cộng đồng chung của người Ấn trên bán đảo. Năm 1920, người Sri Lanka đã yêu cầu chính quyền thuộc địa đối xử với họ như một cộng đồng riêng biệt và phân loại họ khác với những cộng đồng Ấn khác trong các thống kê chính thức [54; 340].
Hiện nay, phần lớn người Ấn Độ sống ở khu vực đô thị, đa số tập trung ở các thành phố lớn như Singapore, Penang, và Kuala Lampur. Đặc biệt, khu Tiểu Ấn
(Little India) là một trong những tâm điểm sinh hoạt nổi tiếng của cộng đồng người
hiệu các con đường dẫn đến bộ sưu tập phong phú của những món trang sức dân tộc, những tràng hoa nhài và các bộ sari bằng lụa. Từ trung tâm Tekka rộng lớn và khu cửa hiệu Little India cho đến những tiệm thực phẩm nhỏ, khu Tiểu Ấn luôn có nhiều điều thú vị dành cho du khách đến đây khám phá. Cũng như ở Singapore, tại Malaysia ngày nay, cơ cấu dân số Ấn Độ ở đô thị cũng không ngừng gia tăng, và cư dân Ấn Độ ở nông thôn đã giảm dần.
Về mặt chính trị, người Ấn Độ không có cho mình một tổ chức chính trị chung thống nhất, mà họ tham gia vào rất nhiều tổ chức chính trị khác nhau như các Phòng thương mại Ấn Độ, Quân đội quốc gia Ấn Độ, Hiệp hội Ấn Độ hay Đại hội Ấn Độ ở Malaya. Trong mỗi tổ chức đó lại bao gồm những thành phần tham gia khác nhau, đấu tranh cho lợi ích chung của người Ấn trên bán đảo hoặc chỉ một bộ phận nhỏ trong cộng đồng người Ấn.
Cũng giống như cộng đồng người Hoa, sự quan tâm về chính trị của những cư dân người Ấn ở Singapore tập trung vào quê hương của họ, nơi những người theo chủ nghĩa dân tộc đang lao vào cuộc đấu tranh với sự cai trị của người Anh. Sự chia rẽ về chính trị ở Ấn Độ phát sinh vào những thập niên 1920 và 1930 đã được phản ánh vào cộng đồng người Ấn ở Singapore. Người Muslim và người Hindu, người Sikh và người Bengali, và còn nhiều phe phái khác nữa, mỗi nhóm đều có quan điểm riêng, thường là đối nghịch nhau về nền chính trị của Ấn Độ.
Dễ nhận thấy nhất ở điểm này là các phòng thương mại Ấn Độ. Tổ chức này tập hợp chủ yếu những người trung lưu Ấn Độ tham gia và hoạt động vì mục đích đòi quyền lợi, nhất là quyền kinh doanh và quyền chính trị cho bộ phận nhỏ tầng lớp trung lưu Ấn Độ, còn quyền lợi của đại đa số người lao động Ấn Độ hầu như không được đề cập đến trong mục tiêu hành động của họ.
Phương pháp đấu tranh của các tổ chức chính trị của người Ấn hầu như cũng không có sự thống nhất. Nếu như INA là tổ chức đấu tranh chủ yếu bằng bạo lực, thì CIAM và MIC lại dùng phương pháp ôn hòa. Trong khi CIAM đấu tranh cho quyền lợi của người lao động Ấn Độ bằng biện pháp tuyên truyền, vận động và gây
áp lực chính trị đối với chính quyền, thì MIC lại là tổ chức có xu hướng chính trị nhiều hơn, đấu tranh nghị trường để đòi quyền chính trị cho người Ấn.
Như vậy, xét trên tất cả các mặt về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đều thấy một mẫu số chung là sự đa dạng và không thống nhất trong cộng đồng người Ấn ở Malaya. Điểm xuất phát là từ những nguồn gốc cũng như mục đích nhập cư khác nhau của từng bộ phận người Ấn trên bán đảo. Một mặt, sự đa dạng tạo nên bức tranh nhiều màu sắc về cộng đồng người Ấn trong một quốc gia đa sắc tộc như Malaya trước đây, Malaysia và Singapore hiện nay. Tuy nhiên, sự không thống nhất cũng làm cho cộng đồng người Ấn tuy chiếm tỷ lệ không nhỏ trong thành phần dân cư ở Malaya, nhưng vai trò chính trị lại tương đối mờ nhạt, và họ cũng không nhận được sự quan tâm thỏa đáng của chính quyền. Tình trạng này kéo dài trong nhiều thập kỷ, thậm chí cho đến tận ngày nay.