Hoàn cảnh lịch sử

Một phần của tài liệu Cộng đồng cư dân Ấn Độ trên bán đảo Malaya từ đầu công nguyên đến giữa thế kỷ XX (Trang 42 - 46)

B. NỘI DUNG

2.1.1. Hoàn cảnh lịch sử

Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế hàng hóa đã kích thích mạnh mẽ giới thị dân và quý tộc trở nên ham muốn và theo đuổi về vật chất. Họ cho rằng, ở phương Đông hết sức huyền bí, nơi có nhiều của ngon, vật lạ, nhất là vàng bạc và các hương liệu quý hiếm.

Các cuộc phát kiến địa lý có thể coi là yếu tố đi tiên phong và có ý nghĩa quyết định để đáp ứng những cơn khát về vàng bạc và hương liệu quý hiếm của các nước phương Tây, khi con đường buôn bán giữa phương Đông và phương Tây bị các thương nhân Ảrập khống chế. Bởi không những nó tạo ra sự giao lưu thông suốt trở lại, mà còn giải mã được những nghi hoặc về Trái Đất, cũng như những vùng đất mới và những con đường mới. Đồng thời, nó cũng mở đầu cho thời kỳ cướp bóc thuộc địa của chủ nghĩa thực dân sau này, mà đi tiên phong là hai nước Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII, người Anh bắt đầu cạnh tranh thương mại trực tiếp với người Bồ Đào Nha, Hà Lan và Tây Ban Nha tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, cho đến những thập niên cuối của thế kỷ XVIII, với sức mạnh vượt trội về hải quân và hàng hóa công nghiệp, thực dân Anh trở nên thắng thế trong thương mại và phòng thủ tại Đông Nam Á. Hơn nữa, cũng từ thời điểm này, thực dân Anh về cơ bản đã chinh phục xong Ấn Độ, rảnh tay hơn trong cạnh tranh với Hà Lan, giành độc quyền thương mại trên eo biển Malacca, điều mà thực dân Anh đã ấp ủ khoảng 100 năm trước đó [33; 107].

Năm 1600, Công ty Đông Ấn của Anh (EIC) được thành lập. Nó tỏ ra hoạt động khá hiệu quả với vai trò vừa là một công ty thương mại, vừa là bộ máy cai trị của chủ nghĩa thực dân Anh trên bán đảo Malaya. Tận dụng những ưu thế của mình, EIC dần gạt bỏ được ảnh hưởng của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hà Lan tại khu vực Đông Nam Á hải đảo.

Năm 1786, việc Hồi vương Kedah buộc phải ký hiệp ước nhường quyền kiểm soát Penang cho Anh. Theo D.G.E. Hall, việc Hồi vương Kedah “tặng Penang là nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Anh để duy trì nền độc lập của mình” trước nguy cơ xâm chiếm của Xiêm [24; 747]. Từ đây, thực dân Anh dần dần mở rộng ảnh hưởng vào đất liền. Với Hiệp ước London Anh – Hà Lan được ký vào tháng 3 năm 1824, Anh đã hất cẳng Hà Lan và hợp pháp hóa quyền cai trị của mình ở Singapore và thành phố Malacca.

Năm 1909, Hội đồng Liên bang được thành lập do người Anh trực tiếp quản lý. Người Anh chia Malaya thành nhiều khu hành chính như: Khu định cư Eo biển, Liên bang Malay, Khu bảo hộ, Vùng bán đảo Sarawak và Sabah. Trong thực tế, đến đầu thế kỷ XX, thực dân Anh đã kiểm soát toàn bộ Malaya dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp, từ chế độ kiểu Công sứ (Khâm sứ và Thống sứ) cho đến điều hành bằng Thống đốc hay Toàn quyền. Để tăng cường sự kiểm soát và hạn chế sự nổi dậy, người Hoa và người Ấn (đặc biệt là người Ấn) ngày càng được bổ nhiệm nhiều hơn vào các thành viên phi quan chức. Họ chủ yếu là các nhà doanh nghiệp, các chủ đồn điền, các nhà hoạt động văn hóa – xã hội tiêu biểu.

Như vậy, cho đến trước chiến tranh thế giới thứ nhất, toàn bộ vùng bán đảo Malaya đã rơi vào tay thực dân Anh.

Do nằm ở vị trí địa lý hết sức thuận lợi, là điểm trọng yếu chiến lược trong buôn bán và phòng thủ giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nơi tiếp giáp với nhiều nguồn tài nguyên giàu có của khu vực, nên người Anh ngay sau khi chiếm được các đảo đã thi hành chính sách mở cửa, tự do thương mại, miễn thu thuế với tất cả các tàu buôn cập bến. Đến năm 1801 thì bắt đầu thu thuế nhưng chỉ với mức 5% đối với tất cả các mặt hàng xuất nhập khẩu. Chính sách mở cửa thương mại

không chỉ bao gồm tự do buôn bán, mà còn được mở rộng đến hầu hết mọi mặt của đời sống xã hội. Mỗi cá thể, thành viên trong xã hội được tự do lựa chọn, theo đuổi một cách tương đối những sở thích kinh doanh của mình trong khuôn khổ mà pháp luật thuộc địa cho phép. Điều này khác với truyền thống chiếm giữ đất, bảo hộ mậu dịch, hạn chế buôn bán của người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hà Lan trước đây đã thực hiện. Do vậy, bán đảo Malaya đã thu hút được rất nhiều thương nhân từ các nơi đổ về, như người từ bán đảo Malacca, đảo Sumatra, từ Trung Hoa và Ấn Độ.

Chính quyền thuộc địa chủ trương biến khu vực này, nhất là Singapore thành một trong những trung tâm sửa chữa tàu biển, buôn bán chuyển khẩu và tái xuất khẩu mậu dịch lớn nhất Đông Nam Á. Chính vì vậy, đến đầu thế kỷ XX, cảng biển của Singapore đã trở thành cảng biển lớn thứ hai ở Viễn Đông (sau cảng Hồng Công về quy mô hoạt động và kỹ thuật hàng hải). Nơi đây trở thành đầu mối sơ chế các mặt hàng cao su, thiếc được nhập từ bán đảo Malacca và sau đó xuất sang thị trường châu Âu; và cũng từ đây, các loại hàng hóa tiêu dùng từ phương Tây được phân phối lại cho các nước trong khu vực.

Không những thế, người Anh còn khuyến khích đem giống hồ tiêu từ Sumatra đến đây để gieo trồng và biến Malaya thành một trong những nơi sản xuất hồ tiêu quan trọng, đặc biệt là bán đảo Penang. Để có thể thiết lập và nhân rộng địa bàn trồng cao su ra toàn bộ bán đảo, năm 1877, người Anh đã đưa giống cây cao su từ Nam Mỹ đến Singapore trồng thí điểm và không lâu sau đó được nhân rộng ra toàn khu vực. Đến đầu thế kỷ XX, Singapore đã trở thành trung tâm tái xuất khẩu mủ cao su lớn nhất thế giới [33; 206].

Nhằm chiếm độc quyền trong việc khai thác, chế biến và xuất khẩu thiếc, Công ty thương mại Eo biển (Straits Trading Company) của Anh đã lập nên xưởng luyện thiếc đầu tiên ở Singapore vào năm 1887. Chẳng bao lâu, Singapore đã trở thành trung tâm luyện thiếc lớn nhất Đông Nam Á. Nơi đây không chỉ thu nhận thiếc được khai thác từ bán đảo Malacca, mà còn từ miền Nam nước Xiêm, Đông Dương và thậm chí cả từ Ấn Độ, Trung Quốc, Australia và Nam Phi [33; 206].

Cùng với việc khai thác thiếc và các loại khoáng sản khác, thực dân Anh chú trọng vào việc trồng các loại cây gia vị và hạt tiêu trong những năm 1820; đường trong những năm 1830 và cà phê trong những năm 1870. Từ năm 1909, sự ổn định về chính trị cùng với hoạt động khuyến khích khai thác thuộc địa, dẫn đến một dòng vốn lớn, đặc biệt là từ châu Âu, đổ vào các dự án phát triển Mã Lai, đặc biệt trong nông nghiệp và thương mại với quy mô lớn. Đầu tư vào nông nghiệp đạt đến đỉnh cao với “cơn sốt cao su” trong những năm đầu của thế kỷ này. Năm 1906, sự bùng nổ về nhu cầu cao su vì xe hơi đã được phát minh và người ta cần cao su để chế tạo bánh xe ở khắp các nhà máy trên thế giới, đặc biệt là Mĩ. Giá cao su tăng nhanh và cao su trở thành ngành kinh tế quan trọng ở Malaya. Hàng triệu bảng Anh đã được đầu tư ở nông thôn Mã Lai và hàng ngàn ha đất nông, lâm nghiệp bị biến thành những đồn điền cao su, tất cả vì cơn khát “vàng trắng”. Malaya trở thành nước đứng đầu thế giới về sản xuất mủ cao su. Tính đến năm 1920, Malaya đã xuất khẩu được 196.000 tấn mủ cao su, chiếm 53% tổng sản lượng của toàn thế giới. Chính sự bùng nổ của ngành này đã thúc đẩy mạnh mẽ sự thịnh vượng tương đối của Malaya so với các xứ thuộc địa khác và đây là một trong những nguyên nhân chính khiến dân số của nước này tăng gấp đôi từ năm 1901 đến năm 1921, chủ yếu là dân di cư từ Trung Quốc và Ấn Độ đến [33; 208].

Tại thời điểm đó, chính quyền thực dân ở Mã Lai, ngoài việc cung cấp các khoản vay ở mức lãi suất thấp, cũng đã tạo điều kiện cho việc chuyển nhượng đất đai tương đối dễ dàng và đánh thuế ở mức thấp đối với những doanh nghiệp mới. Các dự án xây dựng, sửa chữa bến cảng, hệ thống giao thông, thoát nước, và việc xây dựng đường sắt được tiến hành nhanh chóng để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế của đất nước nói chung và nông nghiệp nói riêng.

Việc hoàn thiện bộ máy thuộc địa và sự phát triển mạnh mẽ của nhiều ngành kinh tế đã dẫn đến một nhu cầu lớn về người quản lý và nguồn lao động. Tuy nhiên, người Mã Lai thì không đủ năng lực và không đủ độ tin cậy; người Trung Quốc thì luôn tìm kiếm các ngành nghề kinh doanh có lợi hơn; lao động châu Phi, châu Âu và Java thì không thể đáp ứng về việc nhập khẩu vì khó khăn và tốn kém. Do đó,

người Ấn Độ đã trở thành một bộ phận không thể thiếu, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế lúc bấy giờ. Họ trở thành cộng đồng dân cư lớn thứ hai trên bán đảo Malaya sau cộng đồng người Hoa của Trung Quốc.

Một phần của tài liệu Cộng đồng cư dân Ấn Độ trên bán đảo Malaya từ đầu công nguyên đến giữa thế kỷ XX (Trang 42 - 46)