Về chính trị

Một phần của tài liệu Cộng đồng cư dân Ấn Độ trên bán đảo Malaya từ đầu công nguyên đến giữa thế kỷ XX (Trang 114 - 116)

B. NỘI DUNG

3.4.2. Về chính trị

Vai trò và những đóng góp của người Ấn đối với nền chính trị Malaya chỉ thực sự nổi bật kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Những hoạt động của họ mở rộng chủ yếu hướng về cố hương của mình. Do vậy, hầu hết những tổ chức chính trị của người Ấn đều phản ánh sự định hướng của Hội đồng Quốc gia Ấn Độ được tăng cường qua những chuyến viếng thăm định kỳ của các nhà lãnh đạo cấp cao chính phủ Ấn Độ, như Pandit Nehru, Rabindranath Tagore và Srinnivasa Sastri, cũng như sự thành lập của tổ chức Quân đội Quốc gia Ấn Độ (INA) ở Malaya.

Những người Ấn trong tổ chức INA cũng đã có những đóng góp nhất định trong phong trào độc lập Ấn Độ cũng như ở Malaya. Nó làm nên cuộc cách mạng

tâm lý phi thường trong suy nghĩ của những người Ấn, họ cảm thấy tự tin hơn vào bản thân và thực sự tự hào khi mình là người Ấn Độ [54; 341].

Tuy nhiên, ở Malaysia những năm sau độc lập, khuynh hướng chính trị của người Ấn đã chuyển sang một hướng khác, khi giới lãnh đạo của Đảng Ấn Độ trên bán đảo và Hội nghị Ấn – Malay không có được sự ủng hộ về mặt chính trị. Cuộc bạo động chủng tộc năm 1969 và sự đình chỉ quyền hành của nghị viện đã không cứu giúp được vận mệnh của những nhà cầm quyền người Ấn cũng như toàn thể cộng đồng cư dân Ấn Độ trên bán đảo. Vì vậy, vai trò của người Ấn trong hệ thống chính trị của Malaysia yếu ớt và khá mờ nhạt.

Trên thực tế, nền chính trị của Malaysia sau độc lập thiên về những cư dân theo đạo Hồi. Trong khi đa số người Ấn lại theo đạo Hinđu. Hơn thế, sự không đồng nhất cũng như tình trạng phân tán về thành phần dân tộc, tôn giáo, kinh tế, ngôn ngữ và sự không rõ ràng về khuynh hướng chính trị, đã không thể gắn kết cộng đồng Ấn Độ thành một lực lượng mạnh trên chính trường Malaysia [60; 786]. Đồng thời, công đoàn đáng ra phải là tổ chức quan trọng nhất của cộng đồng người Ấn như công đoàn của các cộng đồng dân tộc khác, nhưng thực chất nó lại không đủ năng lực để trở thành tổ chức đại diện đứng ra đòi quyền lợi cho đại đa số quần chúng. Thay vào đó, công đoàn của cộng đồng người Ấn dường như hoạt động theo sự điều hành của chính phủ. Do đó, nó vừa không thể trở thành một lực lượng xã hội mạnh mẽ, vừa không thể trở thành tổ chức chính trị quan trọng ở Malaysia.

Khi Singapore trở thành một quốc gia độc lập, đồng thời cũng phá vỡ các mô hình quyền lực chính trị cũ của người Ấn Độ, mà trước đây, phần lớn nó dựa vào sự giàu có và các đẳng cấp, tầng lớp trong xã hội. Sự phát triển theo hướng mở trong chính sách của chính phủ Singapore buộc xã hội phải điều chỉnh theo một đặc tính mới, dựa trên chủ nghĩa thế tục và trọng dụng nhân tài, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, hoặc ngôn ngữ. Trong bối cảnh này, nó không chắc rằng một người Ấn Độ đã từng có vai trò chính trị rất lớn trước đây, một lần nữa lại giữ nguyên được tiếng nói của mình trong cộng đồng hay một lực lượng xã hội nào đó. Mặt khác, bất kỳ cá nhân hoặc ngay cả các nhóm tập thể nhỏ của họ, sẽ có thể nổi

bật trong các công việc của nhà nước, như hiện nay họ đã làm được cả trong và ngoài chính phủ.

Ngoài ra, chính sách khuyến khích việc bảo tồn và tăng cường văn hóa dân tộc và nguồn gốc ngôn ngữ của Cộng hòa Singapore sẽ khuyến khích sự phát triển những chuẩn mực truyền thống của cộng đồng người Ấn Độ. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của người Ấn trọng cộng đồng dân tộc Singapore.

Ngược lại với sự phân biệt về tôn giáo trong hầu hết các chính sách và hoạt động của nhà nước như Malaysia, Singapore nhận thức rõ là một xã hội đa dạng về sắc tộc và tôn giáo, cho phép mọi người dân có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, duy trì sự hài hoà, dung nhận và tiết chế giữa các tôn giáo. Nhà nước kiên trì nguyên tắc tách biệt giữa chính trị và tôn giáo. Đây cũng là nội dung mà chính sách tôn giáo của Singapore đặc biệt nhấn mạnh. Trong Hiến pháp, các luật khác liên quan và trong các bài nói chuyện của các nhà lãnh đạo chính phủ nhiều lần nhấn mạnh: “Giữa tôn giáo và chính trị cần có sự khu biệt rạch ròi”, “Các đoàn thể tôn giáo không nên cuốn vào chính trị” [64].

Như vậy, mặc dù có sự thay đổi và suy giảm tương đối trong quyền lực chính trị của cộng đồng người Ấn khi so sánh với thời kỳ hoàng kim của những năm 1940 và đầu những năm 1950, nhưng có thể khẳng định rằng, với chính sách phát triển của Singapore hiện nay sẽ mở ra nhiều cơ hội cho tương lai chính trị của cộng đồng người Ấn Độ trên đất nước này.

Một phần của tài liệu Cộng đồng cư dân Ấn Độ trên bán đảo Malaya từ đầu công nguyên đến giữa thế kỷ XX (Trang 114 - 116)