B. NỘI DUNG
2.2.3.2. Sự phân bố của cư dân Ấn Độ trên bán đảo Malaya
- Phân bố dân cư theo lãnh thổ
Khoảng 39% dân số Ấn Độ sống ở các thị trấn và làng [58; 323 – 324]. Thực chất đến nay vẫn chưa có một cuộc thảo luận đầy đủ về đặc điểm định cư đô thị của người Ấn ở Malaya. Tuy nhiên, một thực tế chung không thể phủ nhận rằng một bộ phận người Ấn là hệ quả của nền “văn hóa đồn điền”. Cũng cần lưu ý là, ở Malaya, có một sự khác biệt đáng kể giữa những gì được gọi là “cuộc sống nông thôn” với cuộc sống của các công nhân Ấn Độ trên các đồn điền. Trên các đồn điền, người Ấn Độ đã hình thành một lối sống hoàn toàn khác so với nông thôn Malaya, vì họ là
những người có chuyên môn làm công ăn lương trong nông nghiệp. Họ sống trong các điều kiện đã được quy định và kiểm soát bởi sự hợp tác của chính phủ Malaya và chính phủ Ấn Độ. Họ có văn hóa đồng nhất và hầu như bị cô lập khỏi môi trường nông thôn Malaya. Vì vậy, sự phân chia giữa những người Ấn Độ được coi là cư dân thành thị và cư dân nông thôn không phải là điều dễ dàng.
Bởi không có sự nghiên cứu chi tiết quá trình đô thị hóa tại Malaya, nên không thể mô tả các yếu tố đặc trưng của dân số đô thị Ấn Độ. Tuy nhiên, tại Perak, Selangor, và Negri Sembilan, cư dân đô thị người Ấn chiếm một tỷ lệ tương đối cao so với những khu vực khác. Ngoài ra, tại những thành phố thương mại của Georgetown, dân số thành thị là 26.000 người, chiếm 63% và Singapore là 49.000 người, chiếm 79% cư dân Ấn Độ trong các đơn vị hành chính này. Khoảng 110.000 người được xác định rõ ràng là cư dân đô thị thì trong số đó, họ sống ở các thị trấn khoảng hơn mười ngàn, chiếm 2/3 cư dân đô thị tại Malaya. Theo điều tra dân số năm 1947, trong số 42.000 người Ấn Độ là cư dân đô thị thì số người sống ở các thị trấn từ 1.000 – 10.000 người [58; 324].
Khoảng 60% dân số Ấn Độ còn lại trong Malaya hầu hết định cư tại các khu nông thôn lớn khác nhau. Khoảng 51% người Ấn Độ làm chủ tham gia vào một số hoạt động nông nghiệp thương mại ở những khu nông thôn này. Trong số đó, hầu hết họ tham gia vào việc sản xuất cao su, phần còn lại là trồng dừa, sản xuất dầu cọ và chứng khoán. Chỉ có 8.000 người Ấn Độ được tính là được tham gia vào ngành nghề tự cung tự cấp trong năm 1947 [58; 324 – 325].
- Phân bố dân cư theo nghề nghiệp
Các học giả cho rằng, đặc trưng của sự phân bố dân cư trong cộng đồng người Ấn Độ vào thời thuộc địa hết sức đa dạng và phân tầng theo giai cấp. Theo Tiến sĩ Rajesh Rai, hệ thống phân cấp xã hội bao gồm bốn nhóm chính: những chuyên gia ưu tú được đào tạo chuyên nghiệp (chiếm hơn 0,5% cộng đồng người Ấn Độ), nhóm các thương nhân (dưới 10%), áo cổ trắng và tầng lớp trung lưu (5 – 7%) và người lao động chưa qua đào tạo (trên 80%) [65].
Một trong những yếu tố quan trọng trong sự phát triển xã hội Ấn Độ là lực lượng lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề nhập cư vào bán đảo Malaya ngày càng tăng. Họ giữ nhiều vị trí khác nhau trong xã hội Malaya, từ những lao động chuyên nghiệp, có tay nghề cao đến trung bình và thấp, nhân viên kỹ thuật và nhân viên văn phòng, làm việc trong bộ máy hành chính của chính phủ và khu vực thương mại. Họ được giáo dục bằng tiếng Anh với nhiều trình độ khác nhau và không đồng nhất về nguồn gốc so với những người lao động nhập cư. Chiếm một tỷ lệ lớn là những nhóm người Malayalam, Goan, Bengal và Punjab. Nhiều người trong số họ là những người Tamil di cư từ Jaffna ở phía Bắc Sri Lanka. Họ có rất ít mối quan hệ với người lao động, ngoại trừ việc họ cùng nói một ngôn ngữ chung. Người di cư Ấn Độ có trình độ hầu như cũng tách biệt hơn với lao động nông nghiệp, họ sống chủ yếu tại các thành phố lớn và thị trấn trong khu vực.
Sự phân bố của hầu hết người Ấn Độ theo nhu cầu của việc trồng cao su tại Malaya, bao gồm một vành đai mở rộng dọc theo đồng bằng ven biển phía tây và chân núi từ phía nam Kedah đến mũi phía nam của Johore. Mật độ người Ấn cao nhất là giữa trung tâm Malacca và Luala Senlangor, giữa các tỉnh phía Nam Wellesley và thung lũng Kinta.
Dân số Ấn Độ ở các đồn điền cao su dường như bị cô lập khỏi những khu nông thôn của Malaya, vì do hoạt động kinh tế, văn hóa khác nhau, và điều quan trọng là bản chất tự nhiên, tự cung, tự cấp của các đồn điền. Vì vậy, mặc dù có sự gần gũi về ranh giới và tính chất công việc, nhưng nó không đưa dẫn đến việc giao lưu, tiếp xúc với nhau giữa những cộng đồng dân cư ở hai khu vực này. Tình trạng đó tương tự với những nơi có nhiều lao động Trung Quốc trong các đồn điền hoặc với các khu vực giàu thiếc ở thung lũng Kinta.
Kể từ khi việc tuyển dụng các thợ cả người Ấn Độ bị cấm và thời hạn ở lại tại Malaya cho người lao động Ấn Độ đã được tính từ ba đến tám năm, thì cư dân Ấn Độ tuyển dụng thông qua hệ thống cũ chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối trong các đồn điền. Vì vậy, mối quan hệ chặt chẽ giữa những người định cư trong các đồn điền tại Malaya và các tổ chức xã hội ở Ấn Độ hầu như không còn. Các quy định và
việc cải thiện điều kiện lao động vì thế cũng giảm sự phụ thuộc vào quyền hạn độc đoán của những người quản đốc. Hơn nữa, những điều kiện phát triển khách quan khác ngày càng hình thành nên ý thức cộng đồng lao động trên các đồn điền này, như là chủ nghĩa công đoàn thương mại hay sự phát triển của văn hóa và ý thức chính trị. Cuối cùng, khi người Ấn Độ nhập cư không được trợ cấp và tương đối tự do trong thời gian cuối những năm 1920 và đầu những năm 1930, những “dòng culi” vào Malaya đã giảm hẳn, mặc dù vẫn có những người lao động nhập cư đến từ các tiểu bang miền Nam Ấn Độ, song số lượng ít hơn nhiều. Tất cả những yếu tố này càng suy yếu hơn sự đoàn kết của những lao động Ấn Độ trước đó ở các đồn điền với quê hương đầu tiên của họ.
Như vậy, nếu tính theo thành phần dân tộc và nghề nghiệp thì có thể thấy, phần lớn người Tamil Nam Ấn Độ sống rải rác trong cả nước, nhất là trong các đồn điền cao su và đường sắt, mặc dù một tỷ lệ đáng kể tìm được việc làm trên các bến cảng ở Penang và Singapore. Người Malayalam chủ yếu tập trung ở Penang, Perak, Kuala Lumpur và Selangor, Negeri Sembilan, và Johore, nơi họ thường làm trong các đồn điền hoặc dịch vụ dân sự. Một số ít những người Telugu tập trung ở Perak, Bắc Selangor, Negeri Sembilan, Kulim và Petani trong Kedah và Pahang. Trong khi những thương nhân người Gujarati, Sindhi, Chettiar, và người Hồi giáo Tamil, lại có mặt nhiều tại các đô thị, chủ yếu là Kuala Lumpur, Penang, Ipoh và Singapore. Người Sri Lanka là một nhóm nhỏ cũng chủ yếu sống ở đô thị, mặc dù một số đã định cư tại các khu vực nông thôn, làm việc như nhân viên đồn điền hoặc ở các tuyến đường sắt.
Riêng ở đất nước Singapore ngày nay, ngoài các đơn vị đồn trú quân sự, phần lớn người Ấn Độ khi mới đến Singapore đã định cư trong các khu vực ở xung quanh trung tâm thành phố. Các mô hình định cư ban đầu của người Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi đồ án quy hoạch đô thị của Raffles để phân bổ và tạo ra những cộng đồng dân tộc thiểu số [59; 791]. Sau đó, Ấn Độ có xu hướng định cư ở những khu vực gần nơi họ làm việc.
Theo Siddique, có tất cả năm khu vực chính tập trung người Ấn Độ ở Singapore có thể được phân biệt từ những năm 1800, cụ thể là: Chulia và khu vực xung quanh, khu vực High Street, căn cứ hải quân ở Sembawang, khu vực đường sắt, cảng Tanjong Pagar và khu vực đường Serangoon [61; 7].
Trước những năm 1830, nơi tập trung đầu tiên của người Ấn Độ ở Singapore (chủ yếu là người Tamil) là Chulia và các khu vực Market Street, được nằm ở phía tây của khu thương mại, dọc theo Sông Singapore. “Hầu hết những người Ấn Độ là những thương nhân người Hồi giáo miền Nam Ấn Độ, người Chettiar và Tamil làm tài chính, đổi tiền, những người bán hàng lặt vặt, người lái thuyền và các thành phần lao động khác” [61; 13]. Người Ấn Độ cũng đã làm việc như người gác cửa hoặc bảo vệ trong các ngân hàng thương mại, văn phòng và cửa hàng lớn ở khu vực thương mại, hay người môi giới nhà ở tư nhân trong các khu dân cư châu Âu [59;792].
Khi người Anh thành lập căn cứ quân sự tại Singapore sau năm 1920, họ đã xây dựng một căn cứ hải quân ở Sembawang và một căn cứ không quân ở Changi. Nhiều người Ấn Độ đã được tuyển dụng để làm việc trong những cơ sở này và hình thành khu định cư ở các làng xung quanh. Số người Ấn Độ sống trong Chong Pang, Jalan Kayu, Nee Soon và Yew Tee cao hơn so với dân số Trung Quốc và Mã Lai [59; 793]. Do đó Sembawang trở thành khu vực thứ ba tập trung người Ấn Độ.
Bên cạnh đó, khu vực High Street là nơi mà người Sindhi, người Gujerati và người Sikh chiếm đa số. Một vài trong số các thương gia Ả rập cũng sống xung quanh con phố này. Còn người Tamil, Teleguvà Malayalam sống tập trung ở khu vực xung quanh bến cảng và đường sắt tại Tanjong Pagar.
Người Ấn Độ lần đầu tiên đến Đường Serangoon là những người chăn nuôi gia súc. Năm 1936, khi hoạt động chăn nuôi gia súc ở Serangoon bị cấm, khu vực này trở thành nơi tập trung của các doanh nghiệp nhỏ và các hộ gia đình. Từ những năm 1880, chủ yếu là doanh nhân Tamil Nam Ấn Độ bắt đầu định cư ở đây và trên đường Farrer. Đường Serangoon đã trở thành khu vực mà người Ấn Độ chiếm ưu thế khi chính phủ xây dựng chỗ ở cho người lao động (chủ yếu là người Tamil) dọc
theo khu vực này. Khi người Ấn Độ bị kết án tù được đưa đến Đường Bras Basah, nhân viên nhà tù Ấn Độ và những người cung cấp dịch vụ giặt là, thực phẩm cho các tù nhân cũng có xu hướng định cư ở gần nhà tù, chủ yếu ven Selegie, Đường Serangoon và các mạng lưới đại lộ [61; 13].
Ngoài các lĩnh vực trên người Ấn Độ cũng định cư gần những khu vực đồn điền. Các đồn điền thuê lao động chủ yếu là người Ấn Độ. Khi các đồn điền mở rộng tới Bukit Timah, Seletar, Pasir Panjang và Jurong, người lao động Ấn Độ cũng tập trung đến các khu vực đó [59; 792].
Từ năm 1960, đã có một thay đổi nhỏ trong các mô hình định cư của người Ấn Độ. Thay vì những khu vực định cư ban đầu, với sự giàu có ngày càng tăng và giáo dục, những người Ấn Độ trẻ đã di chuyển đến những thị trấn mới hơn, nhưng gần nhà ban đầu của họ, chẳng hạn như Ang Mo Kio, Toa Payoh, Queenstown, MacPherson và Woodlands. Sau đó, người Ấn Độ cũng định cư tại Yishun, Hougang, Tampines và Jurong. Kết quả là, số người Ấn Độ ở các khu vực khu định cư trước đây đã giảm. Ngay cả Đường Serangoon, nơi được gọi là Little India của Singapore, cũng không có mật độ cao của các gia đình người Ấn Độ. Mặc dù vậy, Đường Serangoon vẫn còn là trung tâm của các hoạt động kinh tế và văn hóa chủ yếu của người Ấn Độ, do sự tập trung của các doanh nghiệp Ấn Độ trong khu vực này.
Tóm lại, căn cứ vào nghề nghiệp, trình độ và khu vực cư trú, các thành phần cư dân Ấn Độ ở Malaya vào cuối chiến tranh thế giới thứ hai được phân thành nhiều loại. Lớn nhất, nhưng có ảnh hưởng chính trị ít nhất và ít tham gia vào các hoạt động xã hội nhất là nhóm lao động trong các đồn điền cao su, chè, dầu cọ…. Một nhóm nhỏ hơn nhiều so với công nhân đồn điền, nhưng giống họ về nguồn gốc, là những người sống và làm việc trong các công trình công cộng và dịch vụ ở thành phố, thị trấn. Một số lượng nhỏ nhưng ngày càng tăng của những người Ấn Độ có trình độ học vấn, được đào tạo bằng tiếng Anh, là tầng lớp trung lưu sống trong các thành phố, thị trấn và làm việc tại các văn phòng chính phủ, các công ty thương mại, các cơ sở thương mại nhỏ, nhân viên văn phòng và nhân viên kỹ thuật cấp
thấp. Một bộ phận nhỏ có thể gọi là tầng lớp thượng lưu, làm lãnh đạo hoặc điều hành trong khu vực công và tư nhân; họ làm việc như các chuyên gia độc lập và có thu nhập cao. Trong lĩnh vực thương mại, có một sự phân tầng tương tự thành một tầng lớp thượng lưu của các doanh nhân tư bản chủ nghĩa, một tầng lớp trung lưu của các nhà khai thác quy mô nhỏ, và nhóm thấp nhất là những người bán hàng rong và người bán dạo với thu nhập và mức sống chỉ trên của giai cấp công nhân. Đây là một lát cắt để phân chia cộng đồng dân cư Ấn Độ bên cạnh sự phân biệt trên cơ sở dân tộc, văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau.
Hiện nay, hơn một nửa tổng số dân Ấn Độ được ước tính là cư dân đô thị, khoảng 2/5 trong số họ sống ở Singapore, Penang, và Kuala Lampur. Còn lại chủ yếu là công nhân đồn điền. Điểm quan trọng cần lưu ý là cơ cấu dân số Ấn Độ ở đô thị không ngừng gia tăng, và cư dân Ấn Độ ở nông thôn đã giảm dần.