B. NỘI DUNG
1.3.2. Ảnh hưởng về tôn giáo, tín ngưỡng
- Hinđu giáo và Phật giáo:
Bán đảo Malaya cũng như toàn bộ quần đảo Indonesia, từng là nơi bành trướng và chịu ảnh hưởng bởi 3 đế chế lớn là Srivijaya, Môjôpahit và Malacca. Vì vậy, cư dân ở đây đã cùng nhau định hình một nền văn hóa được gọi là thế giới Malay cổ. Tín ngưỡng vạn vật hữu linh của họ đã tạo thuận lợi để tiếp biến các giá trị văn hóa Hinđu và Phật giáo. Họ hướng niềm tin của mình đến các vị thần của Hinđu giáo như Visnu, Shiva. Và hơn thế, các tôn giáo mới này còn đưa đến cách giải thích hợp lý về nguồn gốc của quyền lực thần linh. Vì vậy, cả hai tôn giáo này ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong các giá trị mà văn minh Ấn Độ ảnh hưởng đến khu vực.
Phương thức truyền bá tôn giáo ban đầu bắt nguồn từ những chuyến giao thương giữa Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á. Các thầy tu Bàlamôn (đôi khi là những nhà sư) đã được mời đi theo các đoàn thuyền buôn để làm lễ cúng tế cầu mong cho trời yên biển lặng, các chuyến đi bình yên. Họ cũng là các thầy thuốc chữa bệnh cho thủy thủ đoàn. Dần dần, các thầy tu (hoặc các nhà sư) đã được mời làm nhân vật trung gian giữa người và thần trong các lễ cầu đảo của cư dân trong những vùng mà các lái thương đến buôn bán. Sau khi đã tạo được uy tín trong các vương quốc mà họ đã đến thì các cuộc hôn nhân giữa những người Bàlamôn với các
cô công chúa hoặc con em trong hoàng tộc của các nước đó đã dần tạo nên uy tín mạnh mẽ cho các giáo sĩ Bàlamôn và tôn giáo này dần dần trở thành tôn giáo cung đình của một số vương quốc [40; 54].
Hinđu giáo (Ấn Độ giáo) và Phật giáo từ Ấn Độ đến bán đảo Malaya vào khoảng thế kỷ thứ II sau công nguyên. Hai tôn giáo này đã thay nhau chiếm vị trí chủ đạo trong từng giai đoạn lịch sử của mỗi tiểu vương quốc. Các vương quốc chịu ảnh hưởng sớm nhất là Kadaram (Kedah), và Ilangosagam (Langkasuka). Ấn Độ giáo và Phật giáo thịnh hành trong thời kỳ cai trị Malaya của đế chế Srivijaya.
Những người mang Ấn Độ giáo đến với Malaya phần lớn là những người có nguồn gốc từ miền Nam Ấn Độ, nơi Siva giáo rất thịnh hành. Khi du nhập vào bán đảo, Siva giáo được tiếp nhận và phát triển nhanh chóng. Bởi những biểu tượng
Linga (dương tính) và Kasati (âm tính) gắn liền với các nghi lễ nông nghiệp của cư
dân bản xứ. Theo đó, nhiều đền đài Siva giáo được xây dựng và củng cố. Ở nhiều nơi, các tín đồ Ấn Độ giáo đã sử dụng các hang động tự nhiên làm nơi thờ phụng, nổi tiếng là động Batu ở ngoại ô Kuala Lumpur. Trong các lễ hội tôn giáo, tín đồ Ấn giáo thường tổ chức những đám rước vui vẻ và hoành tráng [53; 11].
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử phương Đông cho rằng, Ấn Độ giáo không gây ảnh hưởng lớn đến nền văn hóa truyền thống ở nông thôn Malaya ngay cả vào thời hưng thịnh nhất của tôn giáo này. Trên thực tế, tầng lớp tu sĩ của Ấn Độ giáo đã đóng vai trò rất lớn ở Malaysia trong một giai đoạn lịch sử nhất định, góp phần vào quá trình “Ấn Độ hoá” khu vực này. Các giáo sĩ Bàlamôn đã từng là những nhà tiên tri, những vị cố vấn của nhà vua, là nhà thơ trong cung đình, là các nhà chiêm tinh, quan tòa tối cao và có uy tín rất lớn trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến tôn giáo. Họ là những người điều hành và gìn giữ những truyền thống thiêng liêng của cung đình. Các tầng giới tăng lữ, quý tộc trong hệ thống đẳng cấp Bàlamôn giáo cũng đã từng kiểm soát toàn bộ dân chúng thông qua việc tuyên bố họ là những người có nguồn gốc cao quý, là đại diện của thần Siva trên trần thế. Vì thế nên ngày nay mặc dù người Malay không còn là tín đồ Ấn Độ giáo, song những tàn dư của lớp tôn giáo này vẫn còn đọng lại và âm vang trong các tín ngưỡng dân
gian, những tập tục lễ nghi của địa phương. Những tàn dư của Ấn Độ giáo là những dấu tích chính của các truyền thống xưa vẫn còn tồn tại dai dẳng sau khi người Malay đã cải đạo theo Hồi giáo [53; 11 – 12]. Trong hệ thống các thần linh của tín ngưỡng vật linh ở Malaya có nhiều vị thần được vay mượn từ các thần của Ấn Độ giáo, mặc dù những người nông dân ở đây không có sự hiểu biết hàn lâm về hệ thống thần linh của Ấn Độ.
Phật giáo vào bán đảo Mã Lai chủ yếu là dòng Phật giáo Đại thừa. Cũng giống như ở Indonesia, số lượng các Phật tử ở Malaya không nhiều. Họ đều là những người Hoa và người Ấn Độ. Trong suốt nhiều thế kỷ, Phật giáo có vai trò to lớn trong đời sống chính trị, xã hội và văn hóa của cư dân Malaya. Vì thế, các tổ chức sư tăng cũng như nhà nước rất chú ý đến việc phổ biến tư tưởng Phật giáo trong dân chúng, đặc biệt là qua hệ thống giáo dục. Ngôi chùa không chỉ là trung tâm văn hóa, mà còn là hình tượng cho “chân, thiện, mĩ”, trở thành nơi lưu giữ và phổ biến văn hóa, tri thức cho dân chúng.
Trong số các chùa hiện nay còn tồn tại, lớn nhất và nổi tiếng nhất là Chùa Phật giáo Quốc tế (International Buddhist Pagoda) ở trung tâm thủ đô Kuala Lampur. Ở đây, hàng năm thường diễn ra các lễ hội lớn với sự tham gia của hàng vạn người.
- Hồi giáo:
Đạo Hồi được du nhập vào bán đảo Malaya từ sau thế kỷ X, mạnh mẽ nhất vào khoảng thế kỷ XIII dưới vai trò của người Ấn Hồi giáo. Họ là người Giugiơrat và Cambay ở bờ biển phía Tây Ấn Độ. Còn những người ở bờ biển phía Đông thì mang theo đạo Hindu và đạo Phật. Hơn nữa, giữa người Mã Lai bản địa với những người Ấn mới tới thường có những tương đồng về tín ngưỡng nên không khó khăn gì trong hôn phối. Con cái họ được gọi là Jawi Peranaken sống rải rác khắp bán đảo, nhưng tập trung nhiều nhất ở vùng Penang [50; 152].
Đạo Hồi mãi về sau mới được người Mã Lai chấp nhận như là một tôn giáo. Và nó cũng không có khả năng xóa bỏ được các tôn giáo khác đã ảnh hưởng trước đến vùng này. Chẳng hạn những nghi lễ cầu khẩn trong đạo Hinđu hay đạo Phật đã
được chuyển thành việc cầu thánh Ala, nhà tiên tri Môhamét và các thần linh khác trong đạo Hồi, kèm theo đó là việc đọc Kinh Coran.