B. NỘI DUNG
2.2.2.1. Mức độ tham gia chính trị của người Ấn Độ
Trong giai đoạn từ trước chiến tranh thế giới thứ nhất đến năm 1924, người Ấn Độ không được đại diện trong Hội đồng Nhà nước và Hội đồng lập pháp của Liên bang, cũng như trong chính quyền Khu định cư Eo biển. Sau năm 1924, người Ấn Độ đã tham gia vào bộ máy chính quyền ở Malaya nhưng chỉ với mức độ mờ
nhạt. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, thái độ chính trị của người Ấn Độ khả quan hơn so với thời gian trước đó.
Dân số Ấn Độ trở nên ổn định hơn sau thế chiến thứ hai, ¾ trong số đó được ước tính là những người sinh ra tại Malaysia hoặc Singapore. Hơn nữa, mặc dù nhiều người Ấn Độ vẫn duy trì quan hệ tình cảm của họ với Ấn Độ, nhưng thực tế mối liên hệ của họ với đất nước đã giảm. Điều này đã được chứng minh bằng việc người Ấn Độ trở về thăm đất nước mình ít hơn rất nhiều. Nguyên nhân chính là do sự gián đoạn vận chuyển trong thời gian chiến tranh và sự gia tăng của giá vé giữa Mã Lai đi Ấn Độ và ngược lại ngay sau khi chiến tranh kết thúc (hơn hai lần và thậm chí cao hơn).
Sau khi Ấn Độ độc lập, nhiều người Ấn Độ tại Malaya hy vọng sẽ có được quyền công dân ở cả Ấn Độ và Malaya để được hưởng những lợi ích từ hai đất nước. Ý tưởng này đã bị lên án không chỉ Nehru, mà còn bởi luật pháp của chính phủ Ấn Độ, buộc tất cả người Ấn sống bên ngoài Ấn Độ phải quyết định, hoặc là công dân Ấn Độ, hoặc trở thành công dân của đất nước nơi họ sống, mà không cho phép họ mang hai quốc tịch cùng lúc. Phải đối mặt với sự thay thế của người ngoại quốc trong một Malaya độc lập (Malaysia hoặc Singapore), hầu hết người Ấn Độ, tùy thuộc vào quốc gia mà họ cư trú, đã quyết định trở thành công dân Malaysia hay Singapore. Cơ hội mở ra cho họ sau khi luật tự do hóa quốc tịch của hai vùng lãnh thổ được ban hành trong những năm 1950, cho phép người Ấn Độ, Trung Quốc, những người nhập cư khác và con cháu của họ có thể trở thành công dân địa phương khi họ có yêu cầu. Với tư cách là công dân của hai quốc đảo này, người Ấn Độ chiếm một vị trí ngày càng quan trọng trong đời sống chính trị, đặc biệt là trong những năm 1950. Theo những thay đổi này, trong năm 1953, Chính phủ Liên bang ước tính rằng hơn 400.000 trong tổng số 665.000 người Ấn Độ tại Liên bang sẽ được đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quốc tịch. Vì vậy, khoảng 62% người Ấn Độ sẽ có quyền công dân tại Liên bang [58; 353].
Tuy vậy, trong chính quyền Liên bang, người Ấn Độ hầu như còn rất ít tiếng nói. Nguyên nhân cơ bản là do người Ấn Độ phải chia sẻ ảnh hưởng chính trị của
mình với những người Tamil Sri Lanka. Trong khi người Sri Lanka chỉ chiếm 2,5% tổng dân số Ấn Độ tại Liên bang [58; 353]. Năm 1951, trong số 50 ghế không chính thức của Hội đồng lập pháp Liên bang, không một người Ấn Độ nào được bổ nhiệm, nhưng người Tamil Sri Lanka đã giành được một đại diện. Tuy nhiên, ngay sau đó, người Ấn Độ đã tìm cách cử các thành viên đại diện cho người lao động và các phòng thương mại của mình vào hội đồng này, nâng số đại biểu của họ lên đến năm thành viên so với một thành viên của Sri Lanka trong hội đồng vào năm 1951.
Ngoài ra, người Ấn Độ hoạt động mờ nhạt trong đời sống chính trị Malaya còn do sự phức tạp về vấn đề quốc tịch, cũng giống như người Trung Quốc. Tháng 9 năm 1952, những thay đổi trong pháp luật Liên bang đã cho phép người Ấn Độ nhập quốc tịch Malaya. Tuy số lượng người Ấn Độ có quyền công dân mặc dù đông hơn, nhưng vấn đề thiếu hiểu biết và mù chữ sẽ làm cho tỷ lệ người hiểu và thực hiện quyền công dân bị hạn chế. Người ta ước tính rằng, trong năm 1951, khoảng 50% số cử tri Ấn Độ tại Singapore không tham gia vào các cuộc bầu cử do tình trạng mù chữ [58; 353]. Trên các đồn điền bị cô lập và trang trại cao su tiểu điền, do tình trạng thiếu thông tin và mức độ quan tâm về quyền bầu cử của người Ấn Độ hầu như rất ít bởi thái độ trung lập truyền thống của họ đối với các hoạt động chính trị. Vì vậy, hầu như chỉ có những người Ấn đã được giải phóng khỏi các đồn điền mới có thái độ tích cực và hướng sự quan tâm của mình đến những vấn đề chính trị của đất nước.
Đối với những cơ hội thực sự để thực hiện quyền bầu cử, cơ cấu hiện tại của pháp lệnh chính quyền tiểu bang và địa phương lại có những quy định làm loại trừ một phần đáng kể cử tri Ấn Độ. Nhìn chung, hầu như các thành phố của Liên bang đều có luật lệ bầu cử hạn chế, trừ Kuala Lampur là có lẽ là tự do nhất.